Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

CÁ LÚI VỀ QUÊ MẸ

Cá Hồi châu Mỹ vượt thác về quê mẹ

Mồng 5 tháng Chạp.
Theo truyền thống của nhiều dòng họ bà con xứ Nẫu làm ăn ở miền Nam là ngày dy mả. Ngày này, bà con rất thích gà và cá để làm giỗ. Ông Năm Cát Tài nhờ vung giùm mấy chài để có cá bán phiên chợ sáng nay. Rất ngẫu nhiên được một con cá Lúi bằng 4 ngón tay cân lên được hơn một lạng. Con cá này chắc phải hơn 2 tuổi mới to cỡ đó. Ghé lại bụi nghệ ở góc vườn moi lấy một củ và coi như trưa nay lại món cá lúi kho nghệ.

Hai chú cháu ngồi nhâm nhi ly cà phê, con cá nhảy đạch đạch trong cái túi nilon treo ở chiếc xe máy làm hai người lại nhớ về những kỷ niệm xưa.

Một cách tình cờ Chú kể lại ngày xưa trên đường từ Cát Tài gánh muối đi đổi lúa lên vùng Vĩnh Thạnh, lên tận Đồng Găng qua vùng Cát Sơn - Phù Cát. Chú kể cá Lúi sông Côn chạy ngời ngời sát mé nước gần bờ, cả đoàn xoắn quần lội và dùng tay tạt nước lên bờ. Thế mà được cả nồi lúi kho nghệ và thêm mấy lá gừng non cho thơm nồi cá. Chú kể say sưa những địa danh Chú đi qua và rất đắc chí khi hỏi câu này “Mầy biết cá Lúi sông Côn có gì khác với ở mình không ?”. Quê ông ở Cát Tài giáp với Mỹ Cát quê ngoại tôi trên phần đất của thôn Hội Thuận. Chắc ông nghĩ rằng tôi là dân vùng biển khó mà biết được những gì bí mật của giống cá này.


Ông đâu có ngờ là cả 4 con sông lớn của tỉnh Bình Định từ Hà Thanh, Côn Giang, La Tinh, Lại Giang tôi thuộc như lòng bàn tay. Những tháng năm rong ruổi dọc các con sông với cái chài trên vai kiếm sống. Hà Thanh với dòng chảy về Tuy Phước – Quy Nhơn với nhánh sông Trường Úc và Cầu Đôi. Côn Giang với chiều dài chảy xuyên suốt phần đất phía nam của tỉnh Bình Định. Sông La Tinh trước khi đổ ra Đầm Đề Gi ngoằn ngoèo chảy qua quê tôi. Lại Giang qua An Lão – Hoài Nhơn với những tháng năm đưa muối lên nguồn và những quày chuối sứ về xuôi trong những chuyến giáp tết.

“ Anh về nhắn với nậu nguồn
Thơm non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”

Trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, sông Côn được biết đến như một nhân chứng oai hùng và là địa danh gắn với một triều đại huy hoàng của anh em nhà Tây Sơn. Xa hơn nữa là dòng sông gắn liền với một kinh thành cổ xưa :Thành Bình Định. Ngày nay dấu tích còn lại để con cháu nhìn lại lịch sử là bến Trầu và những làng nghề quanh vùng An Nhơn dọc theo con sông lớn này.

Với tôi, Côn Giang là ký ức “Hình ảnh, sự việc đã qua, được trí nhớ ghi lại và gợi lên”

Tác giả với dòng Côn giang

Cá Lúi sông Côn
Con cá Lúi sông Côn cũng giống như loài cá Lúi ở các nơi khác. Mùa lụt thì cả phần đất từ Vĩnh Thạnh xuống Bình Khê qua An Nhơn về Tuy Phước rồi đổ ra biển nước ngập trắng mênh mông. Các loại cá mặc sức mà đi “giao lưu” trong mùa lũ. Vùng ruộng Nhơn Hòa đoạn gần cầu Trắng mùa lụt nổi tiếng với cá chép mụt to bằng bàn tay. Chống cái xuồng chài xuôi dòng lũ nhiều khi thấy nháo nước. Cá Lúi mẹ từ thượng nguồn xuôi theo nước “bụng mang dạ chửa” kiếm chỗ trú để sinh nở.

Cá Lúi sông Côn không to như các nơi khác do hoàn cảnh di cư của nó. Trung bình chỉ bằng hai ngón tay. Kho nghệ rim rim lửa cho đến khi cá bung thịt là biết nó đã chín rục. Cá Lúi cuốn bánh tráng thì phải ăn nguyên con mới thưởng thức cái ngon của nó. Cá cỡ đó thì xương hãy còn mềm.

Sau mùa lũ, nước các dòng sông đã ổn định là lúc cá lúi con bơi ngược dòng về nguồn. Cá Lúi sông Côn có đặc điểm là cái đầu không có vị đắng như các nơi khác. Chỉ nhớ mang máng là cuối năm mùa mía trổ cờ và đào củ sắn là lúc cá lúi con ngược dòng về lại đất Mẹ. Ngay cái cồn cát phía dưới cầu Kiên Mỹ cũ là đường cá lên. Không hiểu sao từng đàn cá đua nhau lên ở bờ bắc, bờ nam lại không có, nếu có thì cũng rất ít.

Thiên nhiên có nhiều điều rất hay mà ít ai hiểu được. Những đàn chim trở về quê hương sinh sản trú đông. Rùa biển trở lại nơi sinh ra mình để đẻ trứng bảo tồn giống nòi. Cá Hồi châu Mỹ cũng vượt thác ghềnh để trở về quê hương mùa sinh sản và rất nhiều hoàn cảnh tương tự.

“Đàn cá Lúi sông Côn” lại ngược dòng về Đất Mẹ. 
Ngày 15/11/2013 cơn lũ “nhân tai” bất ngờ phủ trắng Tây Sơn, An Nhơn và Tuy Phước…

Một nửa tỉnh Bình Định trắng một màu nước lũ. Màu trắng đó cũng tràn ngập ở các báo, trắng một màu trên cộng đồng Facebook và còn nóng cả nghị trường Quốc Hội. Bình Định, Quảng Nam lũ về bất ngờ gây nhiều thiệt hại.

Ngân phiếu "tín chấp" của đàn Cá Lúi
Ngay trong thời điểm tan hoang ở quê nhà, Hội Đồng hương Tây Sơn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tức tốc có mặt để chia sẻ những mất mát đau thương của bà con vùng lũ. Hành động đó được coi như một ca “cấp cứu” tuyệt vời và thành công nhất của những người con xa xứ đối với quê hương.

Trên cộng đồng mạng Facebook chúng ta còn biết đến rất nhiều những hình ảnh của những tấm lòng nặng tình với quê hương của bà con quê Tây Sơn đang sinh sống ở nước ngoài : Nẫu Cali, Nẫu Úc, Nẫu Nauy…tất cả đều được bắt đầu bằng chữ Nẫu. Một định danh ở nước ngoài để làm tấm căn cước cho người Bình Định. Có thể những bà con, anh chị em ấy rời khỏi đất nước với nhiều hoàn cảnh khác nhau, với những suy tư khác nhau. Dù gì thì đất Tây Sơn, Bình Định  là cố hương, là nơi để hướng về thương nhớ trong cuộc đời rong ruổi. Mảnh đất đó cũng là nơi tĩnh tâm, chìm đắm miên man trong nỗi nhớ về tuổi thơ hồn nhiên trong đau đáu và thiết tha. Bình Định như chiếc nôi của Mẹ, đưa qua đưa lại dưới hàng tre và bầu trời xanh mây trắng, ôm ấp sự bình yên thưở nào rung lên trong mọi cảm xúc.

Mọi thứ đều khác nhau do hoàn cảnh nhưng tất cả đều máu chảy ruột mềm. Quê hương cũng đã chảy qua trái tim mọi người như một dòng máu. Cầu chúc cho Nẫu ở xa quê hương luôn có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc.

Các anh chị em làm ăn ở xa, các Nẫu ở nước ngoài như bầy cá Lúi sông Côn đang ngược dòng tìm về với cội nguồn.

“Thương về chốn cũ xuôi duyên hải
Nhớ đến nguồn xưa ngược đại ngàn
Bất chấp lũ lùa xua nước bạc
Mặc cho mưa quét phủ đồng hoang
Tình cao sắt đá tâm trong sáng
Nghĩa cả cao sơn trí vững vàng
Lần lượt họ hàng theo lớp trước
Bao đời hòa sống với Côn giang”

Cũng không thể quên “trạm trung chuyển” là những anh chị em Tây Sơn ở Sài Gòn và ngoài quê, đã không quản khó khăn vất vả để chuyển vật chất và chia sẻ tinh thần với những người hoạn nạn trong cơn lũ.






Đầu năm mới xin chúc tất cả : Bình an và hạnh phúc !

Võ Mỹ Cát


5 nhận xét:

  1. Ngay cái cồn cát phía dưới cầu Kiên Mỹ cũ là đường cá lên. Không hiểu sao từng đàn cá đua nhau lên ở bờ bắc, bờ nam lại không có, nếu có thì cũng rất ít.
    Bỡi vì bờ nam là dòng nước Hầm Hô đi ra. Con cá nào gồng mình lắm mới theo con nước nầy vô Hầm Hô vượt thác hóa Rồng ... hehehe

    Trả lờiXóa
  2. Võ Mỹ Cát06:11 13/1/14

    Thiệt không vậy bạn ? Tôi cũng không để ý tới chuyện này. Chỉ thấy điều này cũng hơi lạ thôi. Đường vô Hầm Hô là đường từ Phú Phong đi vào cầu Suối Trảng, cầu Suối Môn...?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con nước Hầm Hô trong sông Đá Hàng đi ra ngang qua chùa Đại Viên (mấy ông chài hay ăn cơm chùa chắc biết). Ra đến cầu Phú Phong trên QL 19 thì gặp con nước Vĩnh Thạnh xuống. Hai dòng nước bên nóng bên lạnh theo cầu Kiên Mỹ xuống tới tận An Thái. Dòng bờ Nam có hơi đá Hầm Hô mới kết nên lạnh hơn, Cá Lúi con mới săn da chắc thịt thành thử thích đi dòng bờ phía Bắc.
      Cũng bỡi vậy nước bờ Nam dùng trụng Tơ tằm, làm Bún Song Thằng hết sẩy.

      Xóa
  3. Võ Mỹ Cát12:36 13/1/14

    Xin lỗi Đồ Đi Đồ Lại nhiều. Nói ra thì đúng là kẻ vô ơn thiệt. Ngày đó ban đêm ngủ ở Chùa và cũng ăn cơm Chùa luôn. Mới giải phóng nên dân không cho ngủ nhờ. Món nộm mít luộc chấm với nước chấm do các Ni làm thì nhớ đời luôn.Từ Phú Phong vào thì có ngồi Chùa bên phải trước, một đoạn nữa lại có ngôi Chùa bên trái. Chùa bên trái gần đường cái hơn chút xíu. Đi nữa mới gặp cầu Suối Trảng và sâu nữa là cầu Suối Môn. Lâu quá rồi nên cũng không còn nhớ tên của Chùa. Thông cảm.

    Trả lờiXóa
  4. Bạn Đồ Đi Đồ Lại thật rành về dòng nước Sông côn , có lẽ là Nẫu PP . Còn nhớ lúc nhỏ ở quê , dân PP thường tắm giặt ở bờ nam , đoạn từ Cầu Kiên Mỹ trở lên , đặc biệt là bến cây me ( trước mặt nhà Ông Tư Cá ) . Nhưng khi cần lấy nước về uống thường phải lội ra giữa dòng lệch về phía bờ Bắc . Buổi chiều đá banh cũng phải lội ra cồn cát giữa sông ...

    Trả lờiXóa