Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

XỨ CÀ ĐÁO


Ở Tây Sơn – Bình Định, Cà Đáo là tên gọi trước đây của thôn Dõng Hòa, xã Bình Hòa. Dõng Hòa phía Nam giáp sông Côn, phía Đông là thôn Vĩnh Lộc và Trường Định cùng xã, phía Bắc là thôn Kiên Ngãi xã Bình Thành, phía Tây là Thuận Nghĩa của Thị trấn Phú Phong. Đúng ra Xứ Cà Đáo xưa không phải chỉ diện tích bấy nhiêu như hiện giờ. Thời Gia Long có Dõng Hòa Nhứt khách hộ ấp và Dõng Hòa Nhì khách hộ ấp, mà Dõng Hòa Nhì đến thời Minh Mạng đổi làm thôn An Dõng, còn lưu tên đến ngày nay thuộc xã Bình Thành.

Danh xưng Cà Đáo, có người còn gọi là Kỳ Đáo. 

+ Bất quá, gọi là Kỳ Đáo cho có ngữ âm tiếng Việt, viết được bằng văn tự Hán ngữ cho có nghĩa, giống như vùng ở phía trên xa có địa danh Hà Riêu được gọi trại ra là Hà Rêu (Hán ngữ là Đài Thủy). Xem ra Cà Đáo là ngữ âm của người Chiêm Thành, mà hiện giờ ở các vùng lân cận vẫn còn di chỉ Champa, trong các di chỉ đó, nổi bật nhất là Tháp Dương Long. 

+ Ngữ âm Cà Đáo còn là tên một điệu múa (múa Cadháu) của người Kor ở Trà Bồng, Quảng Ngãi. Điệu múa nầy hằng năm thường trình diễn trong lễ hội Điện Trường Bà, lễ hội hiện nay được xem là biểu hiện dung hợp văn hóa của các tộc Kinh, Hoa, Kor, Champa… ở nơi đây. Khắp vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, trước kia người Kinh có sử dụng giống lúa Co, lúa Trì. Lúa Co được cho là của người Kor, lúa Trì là của người Chiêm. 

+ Cà Đáo còn là tên của con người. Đại Nam Thực Lục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép vào tháng 9 năm 1790, Nguyễn Vuong Phúc Ánh có phong cho Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Hào làm Khâm sai Chưởng cơ và Khâm sai Thống binh Cai cơ lãnh việc quân ở Trấn Thuận Thành (Ninh Thuận, Bình Thuận bây giờ). Chiêu, Chấn, Hào vốn là Phiên quan (viên quan tộc người Chiêm Thành) được ban quốc tánh. Chiêu nguyên có tên là Môn Lai Phù Tử, Chấn là Bô Cà Đáo, Hào là Thôn Ba Hú (theo Thực Lục tập I, Nxb Giáo Dục năm 2001, tr 284).

Chưa rõ danh xưng “Cà Đáo” của người Chiêm có nghĩa là gì, nhưng hiểu được xứ Cà Đáo không chỉ gói gọn là Dõng Hòa, An Dõng ngày nay. Nó có thể rộng lớn hơn. Địa danh Cà Đáo xuất hiện trong sách sử nhà Nguyễn, là nơi xảy ra một trận đánh giữa Nhà Tây Sơn và quân Gia Định – Nguyễn Ánh năm 1799. Trận đánh không gọi là lớn, nhưng cũng là trận cốt lõi liên quan dẫn đến việc mất thành Quy Nhơn, liền sau đó bị đổi là Bình Định, lưu tên lại cho đến ngày nay.


Năm Kỷ Mùi 1799, Nguyễn Ánh ở Gia Định thân chinh đem đại quân ra đánh Quy Nhơn. Thành Quy Nhơn (Hoàng đế thành) của nhà Tây Sơn hiện do Đại Tổng quản Lê Văn Thanh trấn đóng. Ở Phú Xuân, vua Quang Toản sai phái Thiếu phó Trần Quang Diệu và Võ Văn Dõng đem thủy lục quân vào ứng cứu.

Binh Đồng Nai – Gia Định đưa quân vào cửa Thị Nại. Một cánh đánh Thị Giã, Phú Trung (Quy Nhơn, Tuy Phước). Một cánh bọc lên Cách Thử đánh Cựu Phụ và Tân phủ Càn Dương (Cát Tiến – Phù Cát), thắng được liền mấy trận, nhưng bị Thái phủ Lê Văn Ứng (Đại Nam Liệt Truyện còn cho biết có tên là Mân) chặn giữ ở Thốc Lộc (có lẽ là vùng tháp Thốc Lốc, Nhơn Thành – An Nhơn), lại phải chia quân ra Tam Quan, Bồng Sơn để ngăn đánh quân cứu viện. Chính Phúc Ánh thân cùng Lê Văn Duyệt đưa binh tiến ra Thạch Tân (Bến Đá), Bình Đê chia đặt các đồn. Phó tướng Tả quân là Nguyễn Công Thái và Nguyễn Đình Đắc, Chánh phó thống Hậu đồn quân Thần Sách là Tống Viết Phước và Phan Văn Kỳ đóng từ đèo Cung Quăng cho đến Sa Lung. Còn Nguyễn Văn Trương thì cho các thuyền đi tuần dọc theo ven biển.

Thủy binh của Võ Văn Dõng đến Quảng Ngãi, hay tin binh triều đã ngăn giữ Tam Quan bèn bỏ thuyền lên bộ cùng Trần Quang Diệu tiến đánh Thạch Tân. Theo Quốc sử quán nhà Nguyễn thì trong đêm quân Tây Sơn bí mật đánh úp Thạch Tân, khi một cánh quân lội qua một khe lạch nhỏ thì có con nai chạy qua, người đi trước phát hiện, kêu to lên rằng “Nai”. Những người đi sau hoảng hốt tưởng là bị quân Đồng Nai – Gia Định vây phục, nên vùng bỏ chạy sa vào hầm hố thương vong rất nhiều. Trần Quang Diệu phải thu binh lui về Quảng Ngãi.

Binh Nam áp sát vây chặt thành Quy Nhơn. Quân Tây Sơn đã theo hàng Nguyễn Ánh khá nhiều, như các Đại Đô đốc Lê Chất, Nguyễn Văn Điểm, Võ Đình Giai, các Đô đốc Lê Văn Niệm, Hồ Văn Viện… là những thuộc tướng cũ của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Tiếp liền đó, Nguyễn Ánh đã bủa quân, cho Tham tri Lễ bộ Nguyễn Cửu Hanh, Khâm sai Phạm Văn Nhung đi khắp nơi trưng thu thóc lúa đem về chứa ở đồn Hàm Thủy (Nước Mặn, Phước Quang – Tuy Phước bây giờ).

Trước tình hình thành Quy Nhơn bị vây, hay tin binh ở Phú Xuân đã vào tới nơi ứng cứu, Thái phủ Lê Văn Ứng đem 6.000 quân tinh nhuệ và hơn 50 thớt voi đi lên ấp Tây Sơn Thượng (An Khê – Gia Lai bây giờ) thu chở quân lương để làm thế dựa nhau. Quân Gia Định với các tướng Võ Tánh, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Công Điền đưa binh đón đánh Lê Văn Ứng ở Cà Đáo, bắt được hết quân và voi. Chỉ một mình Lê Văn Ứng thoát được ẩn trên Tây Sơn Thượng, về sau không còn rõ tông tích. Ở thành Quy Nhơn binh ít, thế cô, lương cạn, nên Lê Văn Thanh, Nguyễn Đại Phác, Trương Tiến Thúy phải mở cửa thành dâng hàng.

Từ đó Quy Nhơn thuộc hẳn về tay Nguyễn Ánh. Thành Quy Nhơn đổi ra tên là thành Bình Định, giao cho Chưởng Hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu trấn giữ.
(…)

Trận chiến ở Cà Đáo người đời nay ít có ai nhắc đến. Thật ra nó là trận chí mạng đánh vào tử huyệt của thành Quy Nhơn.

Thế phòng ngự của thành Quy Nhơn rất vững chắc, hiểm yếu. Trước kia Hoàng tử Chế Mân của Chiêm vương đã dựa vào nó mà cả phá được đại binh Nguyên Mông của tướng Toa Đô, năm 1283. Sau nầy Võ Tánh và Ngô Tùng Châu cũng đã dựa vào thế của thành mà chịu đựng được sự công phá của Trần Quang Diệu tới mười mấy tháng trời (Tháng Giêng 1801 đến Tháng Năm 1802). Nhưng tử huyệt của thành trì là lương phạn. Quân binh kiên cường mà thiếu ăn thì thành cũng vỡ. Quân Gia Định một mặt chặn viện binh, một mặt cắt đứt lương thực. Rồi chiến trận Cà Đáo đã đánh tan hy vọng cứu vãn cho thế phòng ngự của thành Quy Nhơn.

Trận chiến ở Cà Đáo ngoài thể hiện cách dùng binh ra, nó còn cho thấy cách thu phục nhân tâm của quân Gia Định.

Trong trận Cà Đáo, thuộc tướng của Võ Tánh là Phó tướng Hậu quân Nguyễn Công Điền vào nhà dân ấp Tây Sơn cướp lấy con gái và của cải. Đến tháng Tám năm ấy việc bị phát giác, Nguyễn Ánh sai chém, bêu đầu để răn, trả lại con gái và của cải cho dân, lại còn truyền dụ cho nhân dân sở tại đều biết (theo Thực Lục tập I, Nxb Giáo Dục năm 2001, tr 419). Chả trách sau nầy Chưởng Hậu quân Võ Tánh bị vây, có người đã phải “cảm thương cho ông Hậu thủ thành mấy năm”. Người Bình Định vốn trọng nghĩa khí, cảm phục nghĩa cử của người cho dù đó là kẻ đối đầu. Nguyễn Vương Phúc Ánh đã đánh trúng vào nhân tâm dân Bình Định.

Cứ cho rằng xứ Cà Đáo không lớn, nhưng những gì xảy ra ở đây đã để lại cho đời sau những chuyện, những bài học không phải là nhỏ. Có chuyện liên quan cả việc rạn nứt, bất hợp tác với nhau của các tướng lĩnh nhà Tây Sơn.

Phan Trường Nghị

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét