Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

NHÀ THƠ TẢN ĐÀ ĐẾN VỚI ĐẤT BÌNH KHÊ - TÂY SƠN


Vào năm 1941, dù đã qua đời, nhưng Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 – 1939) đã được Hoài Thanh và Hoài Chân cung kính đặt vào một vị trí đặc biệt trong Thi Nhân Việt Nam, tập thi ca hợp tuyển và phê bình vừa xuất bản, ghi nhận những nhà thơ có tên tuổi đương thời. Nhà thơ vùng núi Tản sông Đà được mọi người lúc ấy xem là ngôi sao sáng, là chủ soái của thi đàn xuyên qua 2 thế kỷ.

Nhưng Tản Đà không chỉ là nhà thơ, ông còn làm báo, viết văn, dịch thuật, soạn tuồng, soạn sách giáo khoa… Ông từng tranh luận với các nhà tân học về luân lý, các vấn đề cấp bách của xã hội, ông cũng đã từng là chủ báo, chủ bút của một số tạp chí đầu thế kỷ trước, từng lập ra nhà xuất bản cho riêng ông… Ông quả là người đa tài, đúng là người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp văn chương. Tâm huyết ông dành cho văn hóa nước nhà gói gọn vào ý tưởng bồi đắp cho bức dư đồ, không chỉ là tạp chí An Nam, mà còn là đất nước đang rách nát tả tơi:

Nọ bức dư đồ thử đứng coi 
Sông sông núi núi khéo bia cười! 
Biết bao lúc mới công vờn vẽ 
Sao đến bây giờ rách tả tơi? 
Ấy trước ông cha mua để lại 
Mà sau con cháu lấy làm chơi 
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ 
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi
(Vịnh Bức Địa Đồ Rách)

Đeo túi thơ đi khắp ba kỳ để ghi nhận bức dư đồ. Bài thơ Thú Ăn Chơi của ông có đề cập đến địa danh của đất Bình Khê – Tây Sơn, Bình Định:

(…)
Vân Quan, Hoành lĩnh xe từng
Con tàu ca nốt trông chừng Mê Kông
Tuồng Bình Định, rạp Phú Phong
Nam Ô nước mắm, tỉnh Đông chè tàu
Phong lưu chẳng thiếu đâu đâu 
Nước non đưa đón khắp hầu gần xa
(…)

Khi nhà thơ núi Tản sông Đà đeo túi thơ đi khắp ba kỳ, đi tới đâu ông đều ghi chép sự tình nơi đó, đến chỗ nào ông cũng được người yêu thơ ân cần tiếp đón, chiêu đãi, tiễn đưa. Năm 1928 ông đã có đến đất Bình Khê xem hát bội (Tuồng Bình Định, rạp Phú Phong), xem nơi phát tích Nhà Tây Sơn. Chuyến viễn du nầy ông có chép lại trong tập Giấc Mộng Lớn (Tản Đà Thư Cục Tùng Thư xuất bản năm 1929).

Nguyên tháng 3 năm 1927 An Nam Tạp Chí của Tản Đà sáng lập ở ngoài Bắc bị đình bản, ông vô Nam để tìm kiếm sự hổ trợ, liên kết, đưa tạp chí An Nam cùng thư cục mang tên ông vào hoạt động ở Sài Gòn. Trong chuyến vào Nam lần nầy, trên đường đi Tản Đà có ghé Quy Nhơn. Trong Giấc Mộng Lớn ông viết:

Ngày 28 tháng Ba (29.4.1927), ở Tourane (Đà Nẵng) vào Qui-nhơn; 30 (1.5.1927) ở Qui-nhơn vào Nha Trang, đều được các bạn sĩ phu có lòng thân ái. Phong cảnh dọc đường, thời trong hai ngày đi xe hơi, cũng không thấy có gì lạ lắm; chỉ trên những quả đồi cao, đỉnh rừng rậm, những cái tháp của người Hời (Chàm)”.

Chuyến đi vốn đã mang tâm sự bời bời, những tháp Chàm lở lói đang rỉ rên than của vùng đất Bình Định chưa làm xao lòng người nặng nợ văn chương.

Ngày 1.10.1927, Tản Đà được nhận làm trợ bút tờ Đông Pháp Thời Báo ở Nam kỳ, phụ trách mục văn chương. Đông Pháp Thời Báo lúc nầy vừa được Diệp Văn Kỳ mua lại của chủ nhiệm Nguyễn Kim Đinh. Nắm tờ Đông Pháp trong tay, Diệp Văn Kỳ muốn dùng báo chí làm tiếng nói đối lập với chính phủ Pháp. Ông Kỳ trả lương cho Tản Đà rất hậu hĩnh, lương đã mỗi tháng một trăm bạc, lại còn lo chỗ ở, chu cấp thêm ăn tiêu hằng tháng một trăm nữa. Nhưng mối tình làm báo với lục tỉnh Nam kỳ, bước đầu đã không tròn duyên phận, ngày 14.2.1928 (23 tháng Giêng năm Mậu Thìn) Tản Đà đột ngột xin nghỉ việc, ngày 18.2 trở ngược về Bắc với nỗi lòng:

…Trợ bút đã xin từ Bác Diệp
Phụ trương để lại cậy Thầy Ngô
Dám quên Đông Pháp người tri kỷ
Riêng nhớ An Nam bức địa đồ…

Trong chuyến trở về lần nầy Tản Đà mới ghé lại thăm thú Bình Định lâu hơn. Thoạt đầu ông ghé thăm thành cũ Đồ Bàn, nơi có lầu bát giác thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Ở vùng đất hoàng thành xưa bao gồm ba thôn Nam An - Bắc Thuận - Bả Canh, Tản Đà đã buông lời cảm thán:

… “Dân cư canh tác, tịch mịch yên hàn, tưởng như hồi Nguyễn Nhạc năm xưa, chỉ đó tà dương còn điếu cổ”…

Mang nặng tấm lòng hoài vọng Nhà Tây Sơn, mồng 8 tháng Hai năm Mậu Thìn, Tản Đà lên huyện Bình Khê, tìm đến đình làng Kiên Mỹ. Tản Đà đã nghe được lời đồn của dân địa phương:

… “Nghe nói (đình ấy) là rất thiêng; lại lạ là vì trong đền có ba ngôi khám, khám không có bài vị; mỗi ngày tế lễ, tế không có văn, chỉ người chủ tế đứng đọc miệng”…

Viết trên Giấc Mộng Lớn, Tản Đà đã bày tỏ sự ngạc nhiên vì ở khắp xứ Bắc của ông, ông không nghe nói có nơi nào mà khám thờ lại không có bài vị và phong cách tế lễ như thế. Thực ra ông đã hiểu lúc ấy người dân ở đây lén thờ Ba anh em Nhà Tây Sơn trong đình làng Kiên Mỹ, chủ tế đọc văn, khấn thầm trong miệng chớ không dám viết ra giấy. Hiện triều đình vẫn còn dòm ngó, trông chừng dân địa phương với cặp mắt không chút gì thân thiện.

Hôm ấy Tản Đà mua sắm nhang đèn, cùng với một người đồng hành từ Phú Phong vượt sông qua Kiên Mỹ xin tế lễ ba anh em người áo vải.

… “Tới đền, chừng đã năm giờ chiều. Đền lợp bằng tranh, không có ngói. Trước sau sân vườn cỏ mọc, rất là hoang vu. Nghe xã trưởng và người thủ từ nói, trừ phi dân có đại tiệc, không dám mở cửa đền

Vì sao chức sắc làng Kiên Mỹ thời bấy giờ là Xã Siềng không dám mở cửa đình.

Nguyên mới trước đó chẳng bao lâu, ở địa phương vừa xảy ra chuyện Phán sự tòa Sứ Quy Nhơn là Đồng Sĩ Bình cùng thân hữu đến viếng mộ Mai Xuân Thưởng ở Phú Lạc. Đồng Sĩ Bình đã tổ chức viếng mộ bằng bức trướng ca tụng vị chủ soái Cần vương từng cầm quân chống lại triều đình đương thời. Bức trướng mà sau đó vào năm 1961 người dân ở đây đã trích lấy phần đầu câu đối, cho khắc lên hai trụ biểu của Lăng mộ cụ Mai vừa cải táng qua Hoành sơn bên Bình Tường:

Hùng tâm phiêu vũ trụ
Nghĩa khí quán càn khôn

Cũng từ bức trướng nầy mà thời bấy giờ tòa Công sứ Quy Nhơn đã vin vào đó để kết án Đồng Sĩ Bình chủ tâm chống lại nhà cầm quyền. Chí sĩ Đồng Sĩ Bình đúng vào thời điểm ấy lại đang ngồi trong ngục Bình Định, sắp phát phối đi đày. Hương lý của Kiên Mỹ, Phú Lạc cũng đang bị quan chức gây khó dễ không ít.

Tản Đà biết lý hương làng Kiên Mỹ thấy mình là người lạ, có thể họ sợ rằng người lạ đến với dị ý sẽ gây khó cho làng, nên đã không cho mở cửa đình. Nhà thơ núi Tản sông Đà đành phải bày nhang đèn trước thềm mà khấn lạy. Lễ xong thì trăng non đã lên. Tản Đà cùng bạn đồng hành lấy sõng về lại Phú Phong. Vừa qua bên Phú Phong thì được quan huyện mời lên gặp. Huyện đường Bình Khê trước đấy đã dời từ Đồng Phó xuống Gò Sặt ở Trinh Tường, cách Phú Phong chỉ chừng 1km. Tản Đà kể chuyện ông tiếp xúc với quan huyện Tôn Thất Cẩn hôm ấy:

Khi mình tới huyện, khoảng hơn bảy giờ tối, đưa danh thiếp vào trước. Ngài cho thắp hai đèn long mã để tiếp khách, chén trà, cốc rượu, rất phong nhã với người du-quan (người đi thưởng ngoạn). Trong khi ngồi nói chuyện, lược luận về báo chí ở ba kỳ, rồi lại túng đàm đến những văn chương của cổ nhân, Hán, Đường, Tống”…

Đúng là cuộc gặp gỡ lý thú, phóng túng giữa người thơ với một quan chức yêu văn thơ, kính trọng người cầm bút.  


Hứng thú, tối đó đã hơn 9 giờ rồi mà Tản Đà còn tìm đến xem hát bội “chỗ gần chợ Phú Phong”. Có lẽ chỗ ấy chính là khu vực đình Phú Phong, bên bờ sông Côn bây giờ. Xem hát bội, Tản Đà vào ngồi ghế nhất chính giữa, hai người kép hát có tuổi mang áo mão ra vái chào. Khi ra về, nhà thơ thưởng cho ban hát ba đồng bạc. Ba đồng bạc lúc ấy giá trị không phải nhỏ. Rời Sài Gòn về Bắc mang theo mình chỉ bảy đồng bạc, xem một đêm hát ở Phú Phong, nhà thơ dám bỏ ra ba đồng. Đúng là cách thế sống phong lưu của một người nghệ sĩ.

Sáng hôm sau Tản Đà đi thăm mộ phát tích nhà Tây Sơn:

…”Buổi sáng ngày mồng 9 tháng Hai (29.2.1928) đi chơi Trinh Tường, là xem mả phát tích nhà Tây Sơn. Nguyên ở Phú Phong, nghe nói mả phát tích nhà Tây Sơn cách đây ít nhiều kí-lô-mét, hiện nay quan quách đều đã bị quật bỏ, mà con bò ngó tới cũng phải chết. Các tổng lý làng gần đi qua không xuống ngựa, tính mạng thiệt thòi. Lạ thay ! “ …

Mộ phát tích nhà Tây Sơn là ở núi Ngang thôn Hòa Sơn bây giờ, nơi mà Tản Đà chép trong Giấc Mộng Lớn gọi là Long Cương, cái núi hình con Rồng. Bữa ấy nhà thơ thuê hai xe kéo cùng đi với một người bạn lên chỗ bấy lâu chẳng ai dám đến. Đích thân Tản Đà ra tay vẹt cây, phát gai, cùng mấy người đồng hành lên tận mả huyệt. Huyệt còn đó mà cỏ rác lấp đầy. Tản Đà quay nhìn xuống phía Đông, cảm khái với hình ảnh núi gần núi xa, nhấp nhô ngọn thấp ngọn cao, chỗ xanh chỗ lợt, “cận sơn viễn sơn, trùng trùng mặn nhạt”, ngẫm đến chuyện địa cuộc huyền hoặc “nghĩ cho sự địa lý không đáng tin là có, mà cũng chưa hẳn nên gọi là không”.

Xem nơi mộ huyệt phát tích nhà Tây Sơn xong, nhà thơ núi Tản sông Đà quay xuống Phú Phong tham quan xưởng ươm tơ dệt lụa. Xưởng dệt Delignon của người Pháp xây dựng ở Phú Phong từ năm 1911. Đất đai nhà xưởng lúc ấy rất rộng lớn, nó từ cầu Phú Phong bây giờ chạy xuống đến ngả ba đường Bùi Thị Xuân (với QL19), quay bọc ra giáp trường Tiểu học Võ Xán (thời ấy là đình Phú Phong, sau là Tiểu học Quận lỵ Bình Khê). Phòng Giáo Dục huyện Tây Sơn và Trung học Quang Trung Tây Sơn bây giờ nằm gọn trong khu vực xưởng Delignon ngày trước.

Đến với đất Bình Khê, nhà thơ của một thời đã đi tìm biết những chứng tích lịch sử, hoạt động văn hóa nơi đây trước, rồi mới thăm thú hoạt động kinh tế, công nghiệp ở địa phương sau. Đây là điều mà người thời nay không nhiều người có được như vậy.

Chuyến viễn du thăm đất Bình Khê của Tản Đà ngày ấy, không phải là không gặp những phiền toái. Từ Phú Phong trở ra Bình Định, nhà thơ phát hiện người của nhà cầm quyền đã theo dõi từng bước chân của mình:

Ở Phú Phong ra Bình Định, lại ngồi chung một xe với ông bạn đồng hành. Dọc đường, có một người mặc áo the, đội nón long, cỡi ngựa, khi đi trước, khi đi sau. Lại một người nữa đi xe đạp, mặc áo ngắn vải vàng, cũng đi trước đi sau như vậy”.

Nhà thơ điềm nhiên làm lơ. Qua hết địa hạt Bình Khê sang địa phận An Nhơn, ông gặp được nhóm ca kỷ (ca Huế) mới quen biết ít hôm trước ở hàng cơm ngoài Bình Định. Thế là một đàn xe trước ngựa sau, cùng nhau “diễn tấn kịch phong lưu”. Ra tới tỉnh thành Bình Định, ông cho xe đi thẳng vào dinh quan Bố chánh. Và tối nghỉ đêm ở tại đó. Té ra quan Bố chánh Bình Định lại là người quen biết trước đây với nhà thơ ngoài Hà Nội.

Chiều hôm sau, Tản Đà phải xuống Quy Nhơn trình diện Công sứ Pháp. Viên Công sứ truy hỏi:

(…)
- Ông đi chơi đó là xem cho biết hay có ngụ ý gì không?
- Bẩm, chúng tôi là làm báo, nhân đi qua đây muốn xem cho biết, cũng để hoặc có đăng vào tạp chí về sau
- Vậy thời ông chỉ đi đấy, hay còn định đi chơi những đâu?
- Bẩm, còn mấy chỗ nữa trong hạt Qui-nhơn, Bình Định mà chúng tôi muốn đi.
(…)

Trước ương bướng của Tản Đà, quan chức Bình Định chưa thể trục xuất ông trở về Bắc liền, nhưng mỗi bước đi của nhà thơ lúc bấy giờ được nhà cầm quyền cắt cử người đi theo kèm sát ở một bên. Hai ba hôm đều như vậy, Tản Đà quả thiệt tình chán nản, ông bạn quan Bố Chánh phải chu tiền mua vé xe cho ông ra Quảng Ngãi, rồi Đà Nẵng. Trên chuyến tàu lửa từ Đà Nẵng ra Hà Nội, nhà thơ vùng núi Tản sông Đà để lại vùng đất đã đi qua một nỗi niềm u uẩn:

“Hơn mười năm bút sắt bút lông, hao giấy mực chẳng ích gì cho xã hội
Trải ba xứ đường xe đường bể, chụi râu mày còn thẹn mãi với giang sơn”.

Đọc lại Giấc Mộng Lớn, tự truyện về cuộc đời nhà thơ, nhà báo Tản Đà. Một chút nào đó đã biết rõ hơn vùng đất Bình Khê – Tây Sơn ngày trước, nơi ghi dấu bước chân của ông đã đi qua. Một chút nào đó biết được nỗi lòng của ông trước đất nước, trước nhân sinh. Từ sông Đà núi Tản cho đến non Tiên, nhà thơ không ẩn mình trong chốn Thiên Thai: “Đá mòn, rêu nhạtNước chảy, hoa trôi / Cái hạc bay lên vút tận trời”… Trong ông hiện diện tâm tình ưu thời mẫn thế trước hiểm họa ngoại nhân cầm quyền, trước xã hội ngày càng xa rời cách thế sống vốn có. Trong ông là nỗi ngậm ngùi khi cầm cả bút sắt lẫn bút lông, danh cựu học lẫn tân học mà chưa làm được gì cho xã hội, trụi râu mày hổ thẹn với giang sơn…

Tháng 6.2017
Phan Trường Nghị


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét