Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

25 NĂM THƯƠNG HẢI BIẾN VI TANG ĐIỀN


Người xưa có câu Tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền – Cứ ba mươi năm một lần, biển xanh hóa thành ruộng dâu, ruộng dâu hóa thành biển xanh. Trải qua một kiếp nhân sinh, con người ít nhất phải có một lần chứng kiến sự thay đổi của chung quanh, như Tú Xương đã từng giật mình, nghe tiếng ếch kêu mà tưởng đó là tiếng gọi đò:

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai 
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(Sông Lấp – Trần Tế Xương)

Biến đổi biển xanh hóa thành nương dâu không hẳn là ba mươi năm hay bốn mươi năm có được một lần. Bất quá nó hình tượng hóa sự thường xuyên có việc thay đổi chung quanh là do biến động của thiên nhiên, và không loại trừ là do bàn tay của con người tác động vào. Như ở Bình Định bấy lâu truyền rằng do vua Thái Đức Nguyễn Nhạc bị ông Thầy Địa lý người Tàu mê hoặc, đã cho thay đổi dòng chảy của sông Côn và phụ lưu của nó: 

+ Vua cho đào nhánh Hữu (sông Côn) từ Cây Muồng thẳng xuống Đông Nam, chia đôi Hạnh Lâm và Chơn Tự, và đào nhánh Tả từ Đá Hàng thẳng ra Đông Bắc, giáp với nhánh Hữu mới đào. Hoành Sơn (tương truyền là nơi có 2 ngôi mộ của thân sinh ba anh em nhà Tây Sơn) ngó ngay xuống chỗ giao thủy của hai nhánh, phong cảnh trông đẹp hơn trước, nhưng long mạch bị trọng thương! Vì vậy, công trình cải tạo thiên nhiên của vua Thái Đức hoàn thành chưa được bao lâu thì vua Quang Trung băng hà! Nhà Tây Sơn lần lần suy nhược… (trang 118 Nước Non Bình Định).

Có thật sự là vua Thái Đức đã cho đào nối, tạo ra giao thủy hai dòng nước tại cầu Phú Phong bây giờ hay không. Có thật sự là sông Đá Hàng đã gặp nhánh sông Côn tại cầu Phú Phong vào triều đại Tây Sơn (!?).

Bình Định là tỉnh duy nhất trong nước có 2 bộ Địa bạ xưa. Một bộ lập vào năm Gia Long thứ 14 (năm 1815), và một bộ thứ hai hoàn thành khi áp dụng chính sách quân điền ở đây vào năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839). Địa bạ là tài liệu đo đạc, thống kê, quản lý ruộng đất, để theo đó mà hằng năm lập sổ bộ thu thuế. Địa bạ là tư liệu tương đối hoàn chỉnh, tin cậy khi sử dụng nó để nghiên cứu tình hình làng xã ngày xưa. Xét vào 2 bộ Địa bạ cách nhau tròm trèm 25 năm này, có thể thấy được sự biến động ruộng đất dọc bờ sông Côn của huyện Tây Sơn ngày nay. Từ đó có thể hình dung được sự biến đổi dòng chảy của con sông lớn nhất tỉnh Bình Định.

Năm 1832 là năm Minh Mạng cải cách hành chánh, cho đổi tên Trấn Bình Định thành Tỉnh Bình Định, cho tách làm hai huyện Phù Ly thành Phù Mỹ và Phù Cát, tách làm hai huyện Tuy Viễn thành Tuy Viễn và Tuy Phước. Sông Côn có chi lưu chảy qua 3 huyện Tuy Viễn, Tuy Phước và Phù Cát cùng đổ ra Đầm Thị Nại, nên Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn lúc ấy chép tên con sông này là sông Tam Huyện. Còn tên gọi sông Côn có vào thời thuộc Pháp, ghi âm của tên suối Kon là nguồn chính, phát nguyên tận trên Kon Tum chỗ giáp giới Bình Định cùng Quảng Ngãi. Suối Kon chảy xuống tới vùng Vĩnh Thạnh thành sông, đến Phú Phong thì nhận thêm nguồn nước của phụ lưu chính.

Phụ lưu chính của sông Côn là suối Kut, phát nguồn từ Vân Canh chảy ngược lên Đồng Le thành sông Đồng Hưu. Sông Đồng Hưu hay Đá Hàng chảy ra tới Phú Phong thì gặp sông chính trên Vĩnh Thạnh chảy xuống đây, hiện giao thủy ở vị trí gần cầu Phú Phong trên quốc lộ 19 (lý trình km42+487m). Đầu thế kỷ trước, tại giao thủy này người Pháp đã xây dựng xưởng dệt Delignon (công ty Établissements L. Delignon), được cho là chỉ đứng sau nhà máy dệt Nam Định.

Đúng ra xa về trước, giao thủy của sông là ở vị trí gần cầu Đồng Sim trên đường 19 bây giờ (lý trình km39+480m). Sông Đá Hàng từ Hầm Hô ra Phú Phong chảy theo hướng Đông Nam Tây Bắc, tới giữa Phú Phong và Phú Hiệp bây giờ thì nó ngoặt xuống Đông, đi chừng 3km nữa đến Phú Xuân mới đổ ra cầu Đồng Sim. Dấu tích dòng sông đã đi qua đây hiện còn vết Bàu Bờ Lặng, cánh đồng cát Phú Hòa. Trước 1975, đồng cát Phú Hòa mỗi năm chỉ làm được một vụ gieo.

Tra cứu 2 bộ Địa bạ triều Nguyễn, xét sự biến động ruộng đất (điền thổ) của thôn Phú Phong, Xuân Hòa (Xuân Huề - Phú Xuân) cùng các vị trí kề cận, sẽ thấy được dấu tích thương hải biến vi tang điền.

Phú Phong bây giờ, vào thời Gia Long nó có tên là Phú An Khách hộ ấp của Thuộc Thời Đôn với điền thổ là 749,7 mẫu. Còn Phú Xuân hay Xuân Huề, thời Gia Long là Xuân Hòa Khách hộ ấp có 397,5 mẫu điền thổ. Danh xưng Khách hộ ấp (dưới đây viết tắt là KH ấp) dùng để phân biệt với Chánh hộ ấp là các Ấp hình thành trước đây, đã có sổ bộ ruộng đất thu thuế. Khi vua Minh Mạng cải đổi các Thuộc thành Tổng, cải Ấp thành Thôn, thì Phú An KH ấp đổi làm Phú Phong thôn chỉ còn 543,5 mẫu điền thổ (mất 206,2 mẫu), Xuân Hòa KH ấp đổi làm Xuân Hòa thôn thì điền thổ chỉ còn 230,3 mẫu (mất 167,2 mẫu). Việc mất diện tích có thể còn là do cắt nhập vào các địa phương lân cận, thành thử phải xét đến các thôn ấp kề bên.

+ Phía trên Phú Phong là xã Bình Tường, thời Gia Long có tên là Trinh Tường Nhứt KH ấp của Thuộc Thời Hòa với 384,3 mẫu điền thổ, thời Minh Mạng đổi là Trinh Tường thôn chỉ có 245,2 mẫu (mất 139,1 mẫu).

+ Phía Bắc Trinh Tường là thôn Phú Lạc, thời Gia Long là Kiên Thành ấp, bị mất địa bạ nên không có số liệu để so sánh với 79,5 mẫu của năm 1839.

+ Phía Bắc Phú Phong là Kiên Mỹ KH ấp của Thuộc Thời Hòa có 153,9 mẫu, năm 1839 đổi làm Kiên Mỹ thôn chỉ còn 88,8 mẫu (mất 64,1 mẫu).

+ Phía Bắc Xuân Hòa là Thuận Nghĩa KH ấp có 104,1 mẫu, năm 1839 là Thuận Nghĩa thôn chỉ còn 84,9 mẫu (mất 19,2 mẫu).

+ Phía dưới Phú Xuân là Phú An, thời Gia Long là Thuận Mỹ KH ấp của Thuộc Thời Đôn, có 73,9 mẫu, đến năm 1839 là thôn An Xuân chỉ còn 59,7 mẫu (mất 14,2 mẫu).

+ Đối diện với Phú An, bên kia là Dõng Hòa nằm kề dưới Thuận Nghĩa, năm 1815 nó là Dũng Hòa Nhất KH ấp của Thuộc Thời Hòa, có 118,9 mẫu, đến năm 1839 là thôn Dũng Hòa chỉ còn 109,2 mẫu (mất 9,7 mẫu).

Rõ ràng điền thổ của các thôn ấp nơi đây đều mất, không thể là do tách nhập, phân chia lại địa giới. Chỉ có thể giải thích được là từ thời Gia Long 1815 đến thời Minh Mạng 1839, điền thổ bị mất với con số lớn là do sông Côn biến đổi dòng chảy đã xé ngang chúng. Nghĩa là trước năm 1815, từ cầu Phú Phong xuống đến Phú Xuân không có đoạn sông Côn chảy qua đây.

Trước năm 1815 sông Côn chảy ngang qua Thuận Nghĩa, đến đầu Dõng Hòa thì gặp sông Kut đổ ra đây, giao thủy của nó là suối Đồng Sim với sông Côn hiện giờ, xưa kia nó có tên là Bến Gỗ, nơi gỗ rừng trong Hầm Hô đưa về tập trung ở đây chờ xuôi xuống hạ bạn. Còn dấu tích dòng sông chảy ngang qua Thuận Nghĩa giờ là ruộng Rộc sâu ở giữa làng. Lần lên phía trên, các giếng đào vùng xóm Đậu của Kiên Mỹ đều có chung một mực nước. Phía trên Gò Lăng ở Phú Lạc hiện còn bàu Sen, bàu Ấu là vết tích của dòng sông Côn từ bến cây Muồng đổ xuống đây.

Kỷ Yếu Tịnh Ninh Đường Năm 2000 là Phả ký lưu hành nội bộ của họ Quách ở Tây Sơn, có trích dẫn Phổ Lục Quách Tộc nói đến việc sông Côn chảy ngang giữa làng Thuận Nghĩa. Họ Quách Tây Sơn là Minh Hương Cựu Thuộc, người Mân Việt – Phúc Kiến, thuộc dòng dõi thế gia đời Đường. Người Hoa có truyền thống ghi chép để cho con cháu biết không những về cố quận, mà còn nói lại cho con cháu rõ những sự kiện gia tộc từng trải qua nơi đất khách. Thành thử Phổ lục của Quách tộc đáng dùng để đối chiếu những sự kiện xảy ra ở Tây Sơn thời ấy.

Vị thủy tổ họ Quách qua Việt Nam hồi năm 1722, để lánh sự trả thù của nhà Mãn đối với phong trào kháng Thanh phục Minh bên ấy. Thoạt đầu họ Quách cư ngụ ở Cà Đáo (Dõng Hòa, xã Bình Hòa, Tây Sơn), sau mở tiệm buôn bên An Thái, nhập tịch An Hòa trang của Minh Hương xã. An Thái nay thuộc xã Nhơn Phúc, Thị xã An Nhơn. Đến đời thứ 4 của Quách tộc, có Quách Hội Đồng (1781 - 1865) thay vì tiếp tục nghề buôn, ông chuyển từ thương nghiệp sang nông nghiệp. Năm 1830, họ Quách về lại vùng Cà Đáo cũ bên kia sông, rồi lần lên mưu sinh ở làng Thuận Nghĩa, liền ranh phía trên Dõng Hòa. Đến đời thứ 6 của Quách tộc, Quách Khanh Đạo (1833 - 1886), tục gọi là Bá Bình, cửu phẩm bá hộ ở Thuận Nghĩa, là một trong 4 Phú hộ có tiếng ở Bình Định thời Tự Đức. Dân gian thời ấy có câu Nhất Bình, nhì Danh, tam Hanh, tứ Huệ là nói đến những vị kho lẫm chứa vun sụn lại đầy lòng nhân đem phân phát cho người nghèo khổ.

Họ Quách mưu sinh, thành danh ở Thuận Nghĩa là nhờ Quách Hội Đồng sẵn tiền vừa sang tiệm buôn (năm 1830), đã mua ruộng đất ở đây mà người dân đang bán đổ bán tháo ai cũng muốn bán rẻ trước khi bị mất trắng. Quách Hội Đồng đã mua cả những phần đất chìm dưới nước của nhánh sông chảy ở giữa làng. Theo Kỷ Yếu Tịnh Nương Đường của Quách tộc:

+ Nhiều người đương thời cười là “dại của”. Hai bà Tổ tỷ (là 2 người vợ của Quách Hội Đồng)  cũng có ý phàn nàn. Ông cười bảo:
- Lấy Phước mà đong. Hơi đâu lo cho mệt. Của cất kỹ trong lẫm mà nếu trời không thương cũng không thể giữ được. Huống hồ cảnh thế luôn luôn đổi dời. Nay ruộng lở theo sông, biết đâu lại bồi thành ruộng.
Lời ông nói ứng nghiệm. Cách chừng mươi năm sau, sau một trận lụt lớn, đầu nguồn “chi nhánh sông Côn” bị lấp kín, đất bồi về phía hạ lưu tạo thành một vùng ruộng chừng vài trăm mẫu. Vùng đất phù sa nầy phần lớn nằm trong phạm vi tài sản của họ Quách. Đó là dãy Rộc kéo dài từ đầu làng đến cuối làng ngày nay (trang 117).

Dựa theo Phả ký Quách tộc Tây Sơn, có mấy điểm lưu ý:

+ Năm 1830 nhánh sông Côn chảy giữa làng Thuận Nghĩa vẫn còn hoạt động,

+ Người dân phải bán đổ bán tháo ruộng đất ở đây, vì chung quanh Thuận Nghĩa năm ấy có lẽ bốn bề đều là sông nước. Sông Côn đổi dòng chảy khởi từ Phú Lạc trước khi xé ngang Phú Phong, Phú Xuân đã cắt Trinh Tường ra làm đôi, phần xóm Chơn Tự nằm lại ở bờ phía Bắc, đến năm 1945 vẫn thuộc quản hạt làng Trinh Tường, sau đó mới nhập nó vào xã Bình Thành có Kiên Mỹ ở kề bên. Qua khỏi Chơn Tự sông Côn gặp sông Đá Hàng cũng xâm thực, lở xói ra đây, tạo thành giao thủy như hiện giờ.

+ Sự kiện đất bồi về phía hạ lưu tạo thành một vùng ruộng chừng vài trăm mẫu. Chắc có lẽ việc bồi đắp không lớn đến như vậy, mà có thể gộp chung một ít diện tích của Xuân Hòa KH ấp nằm lại bờ Bắc, để giải thích vì sao sau hiện tượng thương hải biến vi tang điền đến như vậy mà Thuận Nghĩa chỉ mất có 19 mẫu điền thổ.

Dùng Phả ký của một họ tộc chẳng qua là để soi rọi một sự kiện. Từ năm 1815 đến 1839 có việc sông Côn thay đổi dòng chảy hay không cũng cần phải tham chiếu nhiều cứ liệu khác nữa. Không những vậy còn cần có sự tham gia khảo cứu địa mạo, địa chất, về hiện tượng địa tầng đứt gãy ở nơi đây.

Hiện nay với bộ Đại Nam Thực Lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, chưa tìm thấy dấu tích rõ ràng nào ở Bình Định mưa to lụt lớn đến nỗi cửa biển phải đổi dời như ở Phú Yên vào tháng 10 năm 1822:

+ Phú Yên mưa lụt, bãi cát ở bên cửa biển cũ Phú Sơn vỡ thành cửa biển mới. Từ bờ phía Bắc cửa mới đến bờ phía Nam rộng 24 trượng, 7 thước, sâu 1 trượng 1 thước 1 tấc, dài 64 trượng 5 thước, cách cửa cũ 1.010 trượng (trang 187 Thực Lục Tập 2).

Nhưng cũng với 2 bộ Địa bạ Bình Định, xét thấy thôn Tân Lập của Thuộc Thời Đôn vào triều Gia Long không còn thấy trong Địa bạ của triều Minh Mạng nữa. Tại đây đã xảy ra việc hằng năm vào Rằm tháng Bảy, người mất làng của xứ này đã tập trung ở bãi cát giữa dòng sông, bên kia là An Vinh bên nầy là An Thái, để tổ chức hát Bội, cúng kính làng xưa. Việc tổ chức hát bội ở bãi cát giữa dòng sông ở An Thái, nó là một nghi thức không thể thiếu trong Lễ hội Đổ giàn tại đây.

Có lở thì có bồi, từ năm 1815 đến 1839 xét vào thôn Huỳnh Giản nằm độc lập dưới đầm Thị Nại, đối diện một chi lưu sông Côn đổ ra đây, từ 4,3 mẫu điền thổ thời Gia Long đã tăng lên 21,9 mẫu trong Địa bạ triều Minh Mạng. Chỉ trong 25 năm việc bồi đắp hằng năm mà không có đột biến thì khó có con số đến thế.

Tựu chung, với các số liệu trên, ngẫm đến câu “Tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền”, khó mà không chấp nhận hiện tượng sông Côn đổi dòng chảy vào khoảng từ năm 1815 đến năm 1839. Và cũng từ đây khó mà chấp nhận truyền thuyết nói rằng vua Thái Đức Nguyễn Nhạc đã cho đào nối 2 con sông gặp nhau tại cầu Phú Phong bây giờ. Lẽ nào việc đào nối của vua Thái Đức lại đến triều Minh mạng mới xảy ra chuyện mất điền thổ một cách khủng khiếp đến như vậy.

Phan Trường Nghị

Tham khảo:
+ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí Tập 3, Nxb Thuận Hóa, năm 2006
+ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Tập 2, Nxb Giáo Dục, năm 2001
+ Nguyễn Đình Đầu, Địa Bạ Và Phép Quân Điền Ở Bình Định, Sở KHCN&MT Bình Định, năm 2002
+ Quách Tấn, Nước Non Bình Định, Nxb Nam Cường 1967
+ Tộc phả, Kỷ Yếu Tịnh Nương Đường, lưu hành nội bộ họ Quách ở Tây Sơn, năm 2000


1 nhận xét:

  1. Chú Trường Nghị có cuốn nào trong những cuốn này không, nếu có chú chia sẻ cho con với
    -Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện
    - Tây Sơn Tiềm Long Lục
    - Cân quắc Anh Hùng Truyện
    - Tây Sơn Danh Tướng Chinh Nam Truyện Diễn Ca
    -Tây Sơn Văn Thần Liệt Truyện
    Chắc có lẽ còn nặng tình nước non quê hương nên dạo gần đây khoảng 1 năm con muốn đi tìm về quê hương từ lịch sử,non nước, phong hóa cho đến tính cách con người nơi quê hương mình. con cảm ơn chú, cảm ơn chú đã viết cho con biết, thấy quê hương. Nếu có tư liệu chú cho con xin hoangtnha@gmail.com

    Trả lờiXóa