Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

ĐỌC NGOẠI TRUYỆN ĐÔ ĐỐC TUYẾT


“Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân, vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi sự bất bình, đó là sở nguyện của ta. Chí nguyện và công việc đó không phải để nói với bọn ngươi. Bọn ngươi không phải là kẻ đáng để cho ta nói chuyện ấy” …
(Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện - Nguyễn Đô Đốc Văn Tuyết Ngoại Truyện - Họ Nguyễn Thôn Vân Sơn ).


Điểm lại những tư liệu liên quan đến hành trạng của Đô Đốc Tuyết triều Tây Sơn, có lẽ nên lược trước bộ Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái. Bỡi vì ít gì đi nữa, các chương hồi liên quan đến giai đoạn Tây Sơn tiến binh ra Bắc đã được Ngô Thì Du (1772-1840) là người đương thời chấp bút, viết nên.

Sau chuyến ra Bắc trừ bỏ Vũ Văn Nhậm vào mùa hè năm 1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trước khi về Phú Xuân đã giao cho Đại Tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Thị lang bộ Hộ Trần Thuận Ngôn, Thị lang bộ Lại Ngô Thì Nhậm cùng trấn thủ Bắc Hà. Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép lời phủ dụ của Vương :

-       Sở và Lân là nanh vuốt của ta, Dụng và Ngôn là tâm phúc của ta, Tuyết là cháu của ta, còn Nhậm vừa là bề tôi vừa là khách của ta, lại là dòng văn học Bắc Hà, thông thạo việc đời. Nay ta giao cho các ngươi cả mười một trấn trong toàn hạt. Những việc quan trọng trong nước, đều cho tùy tiện mà làm …

Hoàng Lê Nhất Thống Chí còn cho biết thêm Đô đốc Tuyết chính là người trực tiếp chạy trạm vào Phú Xuân cấp báo tình hình Bắc hà lúc Tôn Sĩ Nghị chia binh làm 3 đạo vượt biên giới tiến vào Thăng Long. Trong trận chiến mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), ông cùng với Đô đốc Lộc đốc suất Tả quân, thống lĩnh thủy quân vượt biển vào sông Lục Đầu, riêng ông kinh lý vùng Hải Dương tiếp ứng mặt Đông.

Những lược chép về Đô đốc Tuyết của Hoàng Lê Nhất Thống Chí cho ta thấy ông có mối quan hệ thân thuộc (cháu !?) với Nguyễn Huệ. Nhưng quan trọng là ông có tên họ đầy đủ, không như những tướng lĩnh cầm đầu các cánh quân khác mà Hoàng Lê Nhất Thống Chí chỉ vắn tắt ghi là Đô đốc Lộc, Đô đốc Bảo, Đô đốc Long. Sau trận chiến năm 1789 khoảng 100 năm hơn, Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện của gia đình họ Nguyễn thôn Vân Sơn ở Bình Định cũng xác định có ông Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết trong tiểu truyện Nguyễn Đô Đốc Văn Tuyết Ngoại Truyện. Ngoại Truyện không thấy đá động gì đến chiến công năm Kỷ Dậu của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, nhưng hình dung ra đó không thể là hai người khác nhau. Đọc Ngoại Truyện, cái thú của Ngoại truyện là cho ta thấy thêm hình ảnh của ông Đô đốc lúc niên thiếu là một đại ca, thủ lĩnh giang hồ làng xã, nhưng khi tiếp nhận được sự dạy bảo nền nếp thì biết truyền cái hùng khí của mình lại cho đàn em :

“Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân, vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi sự bất bình, đó là sở nguyện của ta. Chí nguyện và công việc đó không phải để nói với bọn ngươi. Bọn ngươi không phải là kẻ đáng để cho ta nói chuyện ấy. Vì vậy ta chỉ nói chừng ấy thôi” …

Đảm lược ông có thừa, trí lược của ông cũng đủ để nhận ra chính mình. Khi nghe tin Võ Vương (* Chúa Nguyễn Phúc Khoát) đi tuần về phương nam, ông cảm khái nói với vợ :

-       Làm người tiêu diệt nhà Tần thì tôi không làm được. Nhưng làm ngọn chùy Bác Lãng (* hành thích Tần Thủy Hoàng) thì may ra là việc trong khả năng của tôi. Tôi không còn nhẫn nhịn được nữa.

Nhận ra được chính mình, không hổ là một danh tướng sau nầy của Nhà Tây Sơn.

Việc Hoàng Lê Nhất Thống Chí xác định tên họ đầy đủ của Đô đốc Tuyết, cho thấy ông là người xông pha trận mạc lâu năm, gây ấn tượng ở đất Bắc, những nho gia Bắc Hà không thể không biết đến ông. Những tướng lĩnh Tây Sơn khác giống như ông cũng đã để lại tên tuổi đầy đủ dưới ngòi bút của Ngô Gia Văn Phái là Võ Văn Dũng, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân … Còn những tướng lĩnh khác chẳng qua chỉ xuất hiện ở Bắc trong trận chiến đầu năm 1789 như các Đô đốc Lộc, Đô đốc Bảo, Đô đốc Long … Làm sao các cây bút họ Ngô tường tận họ tên của họ giữa rừng Đô đốc Tây Sơn, người nào người nấy cũng rực rỡ chiến công, đầy chiến tích. Không như thời Tự Đức sau nầy, khi đối đầu với Pháp, vào Nam lập đồn Kỳ Hòa có tướng Nguyễn Tri Phương, khi ra Bắc giữ thành Hà Nội cũng chỉ có lão tướng Nguyễn Tri Phương !

Đọc được đầy đủ họ tên nhân vật trong các sách xưa cũng chưa mừng vội, phải xem lại hành trạng của nhân vật đã ghi trong sử sách. Ngay như Thái phó Trần Quang Diệu lừng danh Nam Bắc, có thời gian trấn nhậm Nghệ An gây chấn động cả Lão Qua, trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép là Nguyễn Diệu. Chép như thế không sai lắm với cách viết ngày xưa về những người thân cận được ban quốc tính. Nhưng thời buổi bây giờ, đọc Hoàng Lê Nhất Thống Chí, nếu không có những sự việc được chép về Nguyễn Diệu giống hệt hành trạng của Thái phó Trần Quang Diệu trong các tư liệu khác thì cũng dễ nhầm lẫn Nguyễn Diệu khác với Trần Quang Diệu. Đọc sách xưa cũng có cái thú là tự mình phải luôn dè chừng để căng đầu óc ra chơi cùng với những lầm lẫn.

Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện đến nay chưa thấy ai lên tiếng công nhận giá trị cứ liệu lịch sử. Nhưng ngoại truyện được đời sau trích dẫn và mượn hình ảnh để tiểu thuyết hóa thì nhiều. Nào là Tây Sơn Thất Hổ Tướng, Lục Kỳ Sĩ, Ngũ Phụng Thư, Tây Sơn Bi Hùng Truyện … đều có vết tích của Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện cũng như Tây Sơn Văn Thần Liệt Truyện của gia đình họ Nguyễn thôn Vân Sơn. Phần nhiều là nhờ ở Ngoại truyện có những chuyện mà sách sử không thấy ghi, ngoại truyện đã khẳng định đầy đủ cả tên họ, quê quán của các danh tướng Tây Sơn như Nguyễn Văn Lộc, Đặng Xuân Bảo, Đặng Văn Long, cùng với Lê Văn Trung, Võ Văn Dũng, Lê văn Hưng … là những tướng lĩnh đã làm cho Nguyễn Ánh ở Gia Định ăn không ngon, ngủ không yên.

Nếu liệt kê được danh tính, quê quán, rồi nếu đầy đủ tuổi tác nữa không phải là cơ sở để xác định một nhân vật hay sao !? Có việc vơ vào, sáng tác nhân vật lịch sử cho địa phương ở đây hay không !? Khi viết ngoại truyện tướng Tây Sơn, các cây bút họ Nguyễn Vân Sơn cẩn trọng chép là Nội hầu Phan Văn Lân bất tri hà ( ) nhân dã, Nguyễn Quang Huy Tây Sơn Phú Yên nhân, Lê Sĩ Hoàng Tây Sơn Quảng Nam nhân, Ngô Văn Sở Tây Sơn Thanh Hoa nhân, Tả quân Đô đốc danh Văn Nhậm tánh Võ thị Quảng Nam nhân … còn hầu hết các tướng lĩnh khác chép là người Tuy Viễn huyện !?

Xác định việc nầy ít đau đầu hơn là làm rõ chuyện “các nhà” đang cố gắng xác định Đô đốc Long là Đặng Tiến Đông, hoặc là Nguyễn Tăng Long … đô đốc Tuyết là Đinh Công Tuyết, hoặc là Nguyễn Minh Mẫn … Người hiệu đính “Ngụy Triều Chư Tướng Truyện” của cha mình đã khởi thảo trở thành “Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện” là Cử nhân Nguyễn Trọng Trì. Thời điểm ông kế tục sự nghiệp của cha là lúc ông bị quản chế, được tha tội tham gia Cần Vương sau khi người lãnh đạo cuối cùng của phong trào ở chiến khu Vụ Quang là Phan Đình Phùng mất vào năm 1897. Đây cũng là lúc mà Hoàng Lê Nhất Thống Chí được Ngô Thì Thuyến vừa viết xong mấy hồi cuối vào năm 1899. Ai dám nói là với đường xa vạn dặm thời binh lửa, cụ Tú Nguyễn Khuê, cụ Nghè Trì ở Vân Sơn, Bình Định đã đọc được bản thảo Hoàng Lê Nhất Thống Chí để viết thêm ngoại truyện cho Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết của Ngô Gia Văn Phái ở Tả Thanh Oai, Hà Nội !

Một triều đại ngắn ngủi như Nhà Tây Sơn, phía Bắc phía Nam đều có cường địch. Hẳn là triều đại phải lấy trận mạc làm công trạng, vậy thì tướng lĩnh, nanh vuốt Tây Sơn phải là người tâm phúc, người trong nhà, người bản địa …, chuyện có thể lắm chớ. Đã có ai thử thống kê lại các tướng lĩnh Tây Sơn chinh Nam có tên trong các sách do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn biên soạn có bao nhiêu người họ Phạm, họ Lê, họ Nguyễn … là các họ đã xác định được là họ phía mẹ, phía vợ của các vua Tây Sơn ở đất Tây Sơn. Đã có ai đếm lại thử có bao nhiêu người có quê quán nằm ngoài đất Qui Nhơn, đất Quảng mà nắm giữ trọng trách binh quyền giữa đống hỗn độn công hầu khanh tướng. Nói như Phan Huy Chú sau đó đã nói trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí : Gần đây nhuận triều Tây Sơn phong chức quá lạm, đến cả phu quét chợ, lính đẩy xe cũng trao cho tước hầu, tước bá … Thật cũng lạ là người ta sao lại cứ cố công đi tìm vết tích, xác định Đô đốc Long là người đất Bắc !? Danh tướng Tây Sơn có thể không ít người là con dòng cháu giống, nhưng đâu phải tướng Tây Sơn không có người xuất thân từ lớp người mà người ta cho là chẳng ra gì cả!?

Các tướng lĩnh của Tây Sơn từ lâu đã được xem là phần đông có xuất thân từ quân ăn cướp. Hết sơn tặc nguồn An Tượng là Nhưng Huy, Tư Linh thời đầu khởi nghĩa cho đến hải tặc Lý Tài, Tập Đình, rồi đến Nguyễn Văn Tuyết Tuy Viễn huyện vô lại tử dã (Nguyễn Văn Tuyết là kẻ vô lại huyện Tuy Viễn) dưới ngòi bút của cụ Nghè Trì. Không chối bỏ xuất thân mới là điều đáng quý. Việc trưng bằng chứng để cố chứng minh các tướng Tây Sơn có lý lịch là con dòng cháu giống cũng không tăng thêm oai phong vốn đã hiển hách, cũng không làm giảm đi hình ảnh không cao sang gì lắm về lính Tây Sơn dưới mắt nho sĩ Bắc Hà :

Quân dung đâu mới lạ nhường
Mũ mao, áo đỏ chật đường kéo ra …
(Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca)

Khe khắc hơn, nho sĩ Bắc Hà phê phán không những về cách ăn mặc mà còn miệt thị cách xưng hô của lính Tây Sơn  gọi quan là “tôn ông”, gọi lính là “cha” :

Thành ngoại thành trung hãi kiến văn
Ngôn thù phục dị nhất ban tân
Khi thiên thử bối thành vô sỉ
Hô phụ y thùy mạn tố thân …

Trong ngoài thành đều kinh hãi khi nghe thấy
(Bọn họ) nói năng, ăn mặc thật quái dị
Dối trời lừa người không thấy nhục
Xưng nhau là cha để làm vẻ thân thiện …
(Bùi Dương Lịch - Lê Quý Dật Sử)

Đám sĩ phu Bắc Hà thời ấy còn khắc nghiệt hơn, dựng lên cả chuyện động phòng thô tục giữa Công chúa Ngọc Hân và anh hùng áo vải Tây Sơn (Trần Danh Án - Tây Sơn Hành) thấy mà khủng khiếp cho ngọn bút. Làm như anh khóa sinh Trần Danh Án năm 1786 nấp sẵn đâu đó trong phòng hoa chúc của một Thượng Công lẫm liệt vừa đưa quân ra Bắc mà thuyền đi như vào giũa chốn không người để ghi lại chuyện phòng the. Bài hành thể hiện chuyện quá sự thật, đụng chạm đến kiêng kỵ thuần phong, may là sử quan nhà Nguyễn chưa cho là tư liệu để ghi vào sử, nhưng cũng đủ để thấy ông Hoàng giáp khoa Đinh Mùi 1787 Trần Danh Án chẳng ra làm sao cả. Viết mà ca tụng quá sự thật, hoặc viết để bày tỏ sự hằn học quá mức, thật đau cho ngòi bút. Thoáng qua vậy thì Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện đã viết về Nguyễn Văn Tuyết là kẻ vô lại huyện Tuy Viễn đôi khi còn có độ tin cậy giá trị lịch sử hơn. Dễ chấp nhận ông là người đất Bình Định ngày nay hơn.

Cũng có lẽ vì vậy mà trường hợp của gia phả chép về Nguyễn Minh Mẫn (tự Tuyết), đô đốc hải quân, tướng lĩnh Tây Sơn, tiền trào vi huấn đạo Tuyết quang tử, thất tích tại Hải Dương năm Kỷ Dậu 1789 …, hậu duệ của chi 2 phái 4 họ Nguyễn làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị nầy vẫn tin là ông Tuyết là người Bình Định (!?). Hiện nhà thờ họ của chi phái nầy ở Sài Gòn vẫn đang thờ ông Tổ của họ cùng chung với Đô đốc Đặng Văn Long người Tuy Viễn (!?).

Đến đây chợt nhớ tới lão tướng Nguyễn Tri Phương. Ông là người Thừa Thiên từng vào Nam ra Bắc, nên đất Nam bộ hiện còn có hậu duệ của Ông. Ông chính là cụ cố ngoại của Giáo sư Trần Văn Khê và Quái kiệt một thời Trần Văn Trạch. Nghĩ lại ngày xưa, đời tướng trận chinh Nam phạt Bắc không thể mang theo vợ nhà, con cháu của vùng trấn nhậm nếu không có gia phả có niên đại tin cậy, viết minh bạch, có hệ thống, thì lâu ngày không rõ cố quận của tiền nhân là điều dễ xảy ra, nhất là các gia phả có mối liên quan đến Nhà Tây Sơn.

Xác định rõ Nguyễn Minh Mẫn của Nguyễn Tộc Lệ Xuyên Quảng Trị có phải là Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí và Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện không. Không phải trong một sớm một chiều mà xác định được. Mong sớm có cứ liệu để nối kết được dòng tộc, xác định được sự kiện lịch sử của đất nước. Giống như gần đây họ Trần ở Giồng Trôm, Bến Tre đã tìm về Trường Định lạy ra mắt Tổ, vì họ xác nhận được họ là hậu duệ của bà Trần Thị Huệ, vợ của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Biết đâu họ đã nối kết được dòng tộc nhờ có cứ liệu giống như chuyện của Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện viết về Đô đốc Tuyết. Người dạy bảo cho Nguyễn Văn Tuyết nên người là Trần lão (Trần Kim Hùng) (!?) có 2 cô cháu gái (Trần Thị Huệ và Trần Thị Lan) (!?), mà cô em (Trần Thị Lan) là vợ của Đô đốc sau nầy. Có phải cũng vì thế không mà Hoàng Lê Nhất Thống Chí cho biết Đô đốc có mối quan hệ thân quyến với Bắc Bình Vương?

Nguyễn Đô Đốc Văn Tuyết Ngoại Truyện, Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện, những chuyện khẩu truyền … không phải là không có cơ sở để làm cứ liệu đi tìm những gì không có, đã mất trong sử sách.


Trường Nghị


THAM KHẢO

-       Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện - Nguyễn Trọng Trì
-       Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô Gia Văn Phái
-       Nhà Tây Sơn - Quách Tấn và Quách Giao
-       Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam (1771 - 1802) - Tạ Chí Đại Trường
-       Danh Tướng Việt Nam (Tập 3) - Nguyễn Khắc Thuần
-       Tây Sơn Thất Hổ Tướng - bài của Hữu Vinh
-       Nguyễn Văn Tuyết - bài của Bùi Thụy Đào Nguyên
-       Những Phát Hiện Mới Về Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết - bài của Nguyễn Tuấn
-       Tây Sơn Hành - bài dịch và phiên âm của Trần Quang Đức

5 nhận xét:

  1. nguyen ngoc tho16:53 28/5/12

    Chúc mừng anh Trường Nghị có bài viết mới về Quê hương !Nêu bật nhân vật Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết(thời Tây Sơn)_Với những tư liệu ,dẫn chứng rất bắt mắt về “NHÂN THÂN ĐÔ ĐỐC TUYẾT” là người Tuy Viễn (BìnhĐịnh)…Rất thuyết phục !(Mà các sách lịch sử viết thời Lê_Nguyễn ,hay ngoại truyện… không “đồng nhất” dễ làm con cháu mai sau nhầm lẫn…)

    Cảm ơn Anh ! Chúc vui- khỏe !

    Trả lờiXóa
  2. Khắc Tuấn20:44 28/5/12

    Nhà Bình Khê học thầm lặng lần lược làm rõ hết .

    Trả lờiXóa
  3. Các bạn xem thêm Tây Sơn Hành :

    Nước thanh bình hai trăm năm lẻ
    Đây nàng công chúa trẻ cấm cung
    Gối êm nệm ấm rèm buông
    Mộng hoa mơ bướm tình vương tơ lòng
    Phải đâu không có anh hùng
    Sánh đôi dệt tấm tình chung với nàng?
    Mà cám cảnh hoa vàng bướm vắng
    Gái có thì, xuân lặng lẽ trôi…
    *
    Bỗng đâu trống trận vang trời.
    Chiến binh đánh thốc tận nơi kinh thành.
    Thôi thôi thế cũng đành thời thế
    Tướng với quân chạy lẹ một hơi.
    Mày râu mấy lũ người rơm
    Tướng quan giá áo túi cơm thôi mà
    Mưu quan mới dâng hèn một kế
    Gán con vua cho chúa Tây Sơn.
    Rình rang rước lễ cầu hôn
    Đón dâu phù rể hết hồn dân đen
    Phu khiêng kiệu, phu rước đèn
    Ngựa xe như nước, người lên như rừng.
    *
    Chàng rể cũng anh hùng nhất khoảnh.
    Cô dâu không dám ngoảnh nhìn ra.
    Tiếng nghe trọ trẹ khác ta
    Tóc thì quăn tít, mà da đen xì.
    Đầu chàng đội khăn gì vàng óng
    Quần sơn trang không ống buông ra
    Lộ ngay một vật ối a
    Như là chân nữa thứ ba của người
    Khi tĩnh tại như ngôi thượng toạ
    Khi động lên thiên hạ thất kinh.
    Nguời đâu phong cách nhà binh
    Như hổ như gấu vồ kinh con mồi.
    Nhũ hoa nõn áo đòi xé tuốt
    Đùi non tơ váy tuột tơi bời
    Dùng luôn chân giữa đâm người
    Hiên ngang chọc tới vào nơi cửa trời
    Hoa tan nát vì chim điên tới
    Chim tưng bừng phơi phới vì hoa.
    Mành then lớp lớp mở ra
    Khói lò hương bốc, mây xa mưa gần
    Mồ hôi túa, mắt môi rậm rật
    Điệu chày khua nhịp trận vung vinh.
    Váy tơ rớt giọt hồng trinh
    Tình xuân thiếu nữ thình lình trôi qua
    *
    Tự thời nào cửa hoa khép kín
    Nay bỗng nhiên mở khuyết cửa người
    Còn đâu ngọc thể rạng ngời
    Chỉ còn méo mó một nơi giày vò
    Gọi a hoàn bưng cho một chậu
    Tuôn rào rào nước giữa hai chân
    Đầm đìa mấy cuộc trao thân
    Mệt nhoài tơ liễu nát tan cây đời
    Hoa nào chịu gió trời thấm lạnh
    Nụ nào ưng mưa dập bão vầy
    Thương thay vóc dáng hao gầy
    Rộng thênh áo lụa sau ngày tân hôn.
    *
    Bệnh ân ái dâm bôn không chết
    Nhịp liên miên cũng hết hồn luôn
    Chịu thì khổ nỗi lạ khuôn
    Sướng thì lại sướng cái cuồng đê mê
    Chèo khua mái đâu về đến bến
    Nước dâng lên thương mến vô bờ
    Vục tay vào chốn không ngờ
    Thăm dò hang hốc, lần mò đỉnh cao
    Con chim chẳng ngại luồn sâu
    Bướm xinh bướm chẳng ngăn đâu bao giờ
    Giờ thân ngà non tơ không thẹn
    Tay chân ôm ấp vẹn tròn nhau
    Ái nồng thắm ân tình sâu
    Phong tình bén tiếng bện hơi nhau rồi
    Hoang dã chẳng nỡ rời khoảng khắc
    Không nề hà đâm nặng chọc nhanh
    Đâu cần ve vuốt yến anh
    Mây trôi mưa tạnh duyên lành cứ chơi
    *
    Đời mấy lúc được hồi cực khoái
    Thú gối chăn đâu ngại Tây ta
    Tình duyên ai biết gần xa
    Bao nhiêu người ngọc cũng qua hết thời
    Cầm Cơ một đám hồi son phấn
    Tây Sơn đi chẳng bận quay về
    Chị em ơi có lắng nghe
    Lấy chồng cứ lấy một bè Tây Sơn

    Bản dịch Trần Trọng Dương

    Trả lờiXóa
  4. Cam on anh Truong Nghi da suu tam va dang bai .Chuc anh cung gia dinh vui , khoe .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hổng phải chỉ sưu tầm và đăng bài không đâu!
      Nguyetpp thấy câu thòng trong bài đây không :

      Đảm lược ông có thừa, trí lược của ông cũng đủ để nhận ra chính mình (phải thêm phần nầy nữa mới đủ :) để biết phải làm gì và làm như thế nào. Nên Đô đốc Tuyết chỉ dám đi hành thích Võ Vương chớ một mình ông, ông không đủ sức diệt bạo (Tần).

      Đồ Đi thôi,hổng dám Đồ Lại tiếp. (Hic!)

      Xóa