Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

TÌNH SỬ VÕ ĐÔNG SƠ - BẠCH THU HÀ


BỐI CẢNH RA ĐỜI

Người miền Nam trước đây từng sống trong cơn lửa binh, cũng từ đó mà phần đông cảm nhận được và mê mẩn hình tượng nhân vật Võ Đông Sơ qua 6 câu vọng cổ của soạn giả Viễn Châu. Trong cải lương, tình sử Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà cũng đã dựng thành vở, do cụ Nguyễn Tri Khương (1890 – 1962) soạn cho gánh Đồng Nữ Ban khoảng năm 1927.

Có tích mới dịch nên tuồng, khởi đầu tích tuồng là dựa theo truyện Giọt Máu Chung Tình của nhà văn Tân Dân Tử, in ở Sài Gòn năm 1926. Giọt Máu Chung Tình còn được biết với cái tên là Thảm Kịch Tùng Đình. Tác giả Tân Dân Tử (1875 – 1955) người làng Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, Gia Định (Nay Tăng Nhơn Phú thộc quận 9, TpHCM). Tên thật ông là Nguyễn Hữu Ngỡi, có lẽ do âm miền Nam đọc trại chữ Nghĩa mà ra. Chưa rõ họ tộc ông có thuộc tộc công thần Nguyễn Hữu của triều Nguyễn hay không. 

Cùng thời gian đó, ở miền Bắc xuất hiện 2 tác phẩm nổi đình nổi đám là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách và Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật. Đình đám đến nỗi trước đây nhiều người đã từng cho 2 tác phẩm trên là những tiểu thuyết hiện đại, đầu tiên viết bằng chữ theo mẫu tự La tinh (chữ quốc ngữ). Tố Tâm kể về chuyện tình của đôi trai gái Tố Tâm và Đạm Thủy, vì ràng buộc lễ nghĩa gia phong mà không nên duyên nợ. Sau đó truyện được dịch sang tiếng Pháp. Còn Quả Dưa Đỏ là tiểu thuyết hóa sự tích An Tiêm và Quả Dưa Hấu của chuyện cổ Việt Nam, được giải thưởng văn chương Hội Khai Trí Tiến Đức.

Đúng ra ở miền Nam từ trước xa, thời kỳ chữ quốc ngữ lúc phôi thai cũng đã xuất hiện truyện văn xuôi viết bằng chữ theo mẫu tự La Tinh. Như Truyện Thầy Lazaro Phiền năm 1887 của Nguyễn Trọng Quản (1865 1911), do J. Linage, Sài Gòn xuất bản, kể chuyện tình thù, vì lầm ghen tuông mà phạm tội của một người có đạo. Hoặc Phan Yên Ngoại Sử năm 1910 của Trương Duy Toản (1885 – 1957), do F.H.Schneider, Sài Gòn xuất bản, kể chuyện gian truân của tiết phụ Nhan Khả Ái ở thành Phan An (Gia Định) để gởi gắm ý chí khôi phục đất nước…

Khi Giọt Máu Chung Tình ra đời, chuyện tình của Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà được xây dựng, khởi nguyên theo như tự bạch của tác giả ở lời đầu sách:

- Tôi chẳng nài lao tâm khổ não đem những ngày giờ dư giả trong lúc đêm tịnh canh trường, mà tìm tòi một sự tích có thú vị, có ân tình, có tinh thần, có phẩm giá, đặng phô diễn ra đây, trước là phụ ích với các nhà Tiểu thuyết đương thời, sau là tỏ rằng trong xứ ta cũng hiếm kẻ khí phách anh hùng, trung trinh liệt nữ như các nước khác kia vậy.

Với chủ trương này, những tác phẩm về sau của Tân Dân Tử như Gia Long Tẩu Quốc (Gia Long bôn tẩu vì đất nước) năm 1930, Hoàng Tử Cảnh Như Tây (Hoàng Tử Cảnh đi Tây) năm 1931, Gia Long Phục Quốc (Gia Long thu hồi đất nước) năm 1932… hình ảnh nhân vật lịch sử là cốt lõi của truyện, tiểu thuyết lịch sử thực thi sứ mệnh của văn chương. Trong lời tựa cuốn Gia Long Tẩu Quốc, Tân Dân Tử nói rõ hơn:

Tiểu thuyết lịch sử thì cần nhứt cho quốc dân ta lúc này hơn hết… muốn cho nước nhà phổ thông thì chẳng chi hay cho bằng tiểu thuyết làm mai nhơn để dẫn dắt quốc dân đi vào đường lịch sử. Đó là một phương pháp rất anh minh và công hiệu 

Trong dòng chảy của văn học, truyện Giọt Máu Chung Tình ra đời vào năm 1926, chưa thể có nhận xét gì về giá trị văn học lúc mà chữ viết còn phôi thai, một tờ báo lớn như Nam Phong Tạp Chí còn phải có phần riêng đăng bản chữ Hán. Phải thừa nhận, ít ra Giọt Máu Chung Tình khi ra đời nó đã thể hiện sứ mệnh của tác giả, theo như tác giả tự bạch:

- …Vì vậy nên đã có nhiều quyển Tiểu thuyết xuất bản ra đời, song những Tiểu thuyết ấy phần nhiều nói về hoa nguyệt phong tình của đám hạ lưu nam nữ, còn những sự tích anh hùng liệt nữ, và những bực danh sĩ nhơn tài trong xứ ta, thì chỉ có một ít truyện sử đó thôi, kỳ dư hãy còn chôn lấp nơi chỗ tối tăm, chưa ai chịu khó kiếm tìm mà phô trương cho mắt đời xem thấy.

Nói gọn hơn, theo Tân Dân Tử, sứ mệnh người cầm bút bấy giờ phải cho dân ta biết chuyện sử nước ta.

CHUYỆN TÌNH VÕ ĐÔNG SƠ - BẠCH THU HÀ

Giọt Máu Chung Tình ra đời trong bối cảnh văn học nước nhà cần thiết phải làm sao để cho dân ta phải biết chuyện nước ta, nhân vật Võ Đông Sơ được dựng lên theo hình tượng một nhân vật trong sách sử. Để xét thử người đó là ai, trước hết lược thuật lại tình sử Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà trong Giọt Máu Chung Tình của Tân Dân Tử:

+ Võ Đông Sơ là con trai của Hậu quân Võ Tánh, chàng ở với mẹ là công chúa Ngọc Du trong Gia Định. Khi cha vì vương triều mà tuẫn tiết ở thành Bình Định thì Đông Sơ còn nhỏ, vừa lớn lên thì mẹ cũng mất nên phải ra Bình Định nương thân nhà chú. Còn Bạch Thu Hà là con của Binh bộ Thượng thư Bạch công, có tư dinh ở ngoài Thăng Long thành Hà Nội.

Để thỏa chí trai, Đông Sơ xin phép chú ra Thăng Long du học, cũng là để dự thí võ khoa Tiến sĩ đang kén người tài dẹp hải khấu Tàu Ô. Đến chốn kinh kỳ, chàng kết bạn với Triệu Dõng, người đang thất cơ lỡ vận phải bán gươm báu để có tiền mai táng mẹ. Võ Đông Sơ còn làm bạn với người thuê cùng phòng trọ là Tú tài Trần Đạt, một văn nhân nhưng chẳng phải phường nhá chữ nhai văn.

Trong một lần dạo chơi phía Tây hiên, Đông Sơ gặp và cứu Bạch Thu Hà thoát khỏi tay kẻ cường đồ, chàng cảm hóa được kẻ làm xằng bậy đó cải ác tòng lương. Từ đấy Thu Hà và Đông Sơ quen, mến nhau. Thu Hà giúp Đông Sơ tránh được sự ám hại của anh mình là Bạch Xuân Phương, kẻ ganh tị, đố kỵ người tài hoa dám cả gan tranh đoạt khoa trường bấy lâu hắn tưởng cầm chắc trong tay. Mến nhau vì nghĩa thương nhau vì tình, Bạch Thu Hà cùng Võ Đông Sơ trao lời thệ ước kết tóc trăm năm.

+ Võ Đông Sơ đỗ võ Tiến sĩ, được phong là Trung úy, được Tổng trấn Bắc thành Lê Văn Duyệt (!?) nhận ra là con của cố nhân, ông phái Đông Sơ đi dẹp hải khấu ở Hải Dương. Tại Hà Nội, Bạch công tạ thế, Xuân Phương thay quyền cha ép Thu Hà ưng tên vô lại Vương Bích. Nàng cùng thể nữ Xuân Đào bỏ nhà trốn về Hải Ninh tìm dì là Mã thị, cũng là để gần chỗ Đông Sơ đang tuần dương.

Thân gái dặm trường, bước đường gian truân đến Quảng Yên gặp kẻ gian lừa lọc, cướp sạch, thầy trò Thu Hà lạc giữa rừng hoang, được một cô gái tên Hoàng Nhị Cô cứu đưa về trang trại. Thấy Thu Hà hiền lương dung hạnh, Nhị Cô nài ép, làm mai nàng cho anh trai Hoàng Nhứt Lang. Nhứt Lang nguyên là bộ hạ của vua Quang Toản, triều Tây Sơn sụp đổ, Nhứt Lang đem gia đinh chiếm cứ đất này lập sơn trại. Đang lúc Nhứt Lang đón tiếp khách và nhận ra khách là Võ Đông Sơ hiện được phong Khinh xa Đô úy, chính là ân nhân đã giải thoát mình khỏi tay hải khấu ba tháng trước, thì ở phía sau thạch đình Thu Hà trầm mình để giữ tình xưa với Đông Sơ và giữ cả ân nghĩa với Nhị Cô. Nhưng Thu Hà được Triệu Dõng và em gái Triệu Nương cứu thoát. Triệu Dõng sau lại còn giúp Thu Hà trốn được sự truy đuổi của Vương Bích và Bạch Xuân Phương.

+ Cuối cùng rồi Võ Đông Sơ cùng Bạch Thu Hà cũng hội ngộ, trùng phùng. Nhưng nỗi đau của hai người là Thu Hà đang bị lệnh truy nã vì tội bội ước, đào hôn Vương Bích. Gặp nhau chẳng mấy lâu, Đông Sơ phải hộ giá Vua đi đánh giặc Tàu xâm phạm Lạng Sơn. Võ Đông Sơ cùng Triệu Dõng tử trận chốn sa trường. Di hài của Đông Sơ được đưa về Tùng đình. Bên linh cửu người thương, Bạch Thu Hà khóc than rồi quyên sinh để giữ trọn tình chung, không kịp nghe chiếu Vua mang đến ban hôn cho hai người.
(…)

Thiên tình sử Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà bày tỏ nết trung trinh, tiết hạnh của người xưa, thể hiện nghĩa khí của người Nam bộ như trong Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu từng xác định:

Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình

Là một tác phẩm văn xuôi thời kỳ đầu chữ quốc ngữ, nó được tiếp sức đưa đến người thưởng thức bằng cách chuyển thể, trình bày trên sân khấu cải lương. Ngoài vở của Nguyễn Tri Khương năm 1927, còn có vở của Mộc Quán (Nguyễn Trọng Quyền 1876 – 1953) soạn năm 1928. Mối tình Đông Sơ Thu Hà trong cơn lửa binh đã có thêm sức sống khi 2 bài ca cổ 6 câu Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà được Viễn Châu viết vào năm 1960.

Có lẽ nhiều người Nam bộ ngày xưa, khó có ai quên được giọng ca Minh Cảnh từng xuống câu vọng cổ:

- Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn! Nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu… Hà…

Văn chương, sân khấu đã đưa thiên tình sử ngày xưa đi vào lòng người. Sức mạnh của nghệ thuật đã khiến nhân vật Võ Đông Sơ ăn sâu trong tâm tưởng người đọc, người xem, cho nên không ít người đã đồng hóa Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà là nhân vật có thật trong lịch sử. Giống hệt như câu chuyện Cành đào của Nguyễn Huệ ngày nào, chuyện Quang Trung hoàng đế đã sai người mang cành đào từ Thăng Long (Hà Nội) về Phú Xuân (Huế) trao cho Ngọc Hân vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu.

NHÂN VẬT VÕ ĐÔNG SƠ TRONG SÁCH SỬ


Văn chương đâu phải là hoàn toàn hư cấu, nhân vật trong tiểu thuyết ít nhiều gì cũng có dáng dấp của một ai đó ở ngoài đời, huống hồ là tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử Giọt Máu Chung Tình đã xây dựng nhân vật Võ Đông Sơ với những chi tiết liên quan trong sách sử:

- Võ Đông Sơ là con của Hậu quân Võ Tánh và Ngọc Du công chúa.
- Có công đánh dẹp hải khấu ở Hải Dương, Đông Sơ được phong Khinh xa Đô úy

Khảo lại Đại Nam Thực Lục về con của Hậu quân Võ Tánh và Ngọc Du (em gái của Gia Long), ta thấy có người con trai tên là Võ Khánh.

+ Tháng 5 năm 1804, vua Gia Long cấp cho trưởng công chúa Ngọc Du mỗi năm tiền 1.000 quan, gạo 300 phương và con trai là Võ Khánh mỗi năm tiền 300 quan, gạo 120 phương,

hai người con gái mỗi năm mỗi người tiền 200 quan, gạo 60 phương. (tr 639, tập 1)


+ Tháng 8 năm 1817 triều Gia Long, ấm thụ cho con Chưởng Hậu quân Võ Tánh là Võ Khánh làm Khinh xa Đô úy. (tr 1014, tập 1)

+ Tháng 9 năm 1829 triều Minh Mạng, ấm thụ cho Võ Mỹ (con Võ Khánh) làm Kiêu kỵ Đô úy, coi giữ việc thờ cúng Quốc công Võ Tánh. (tr 688, tập2)

Theo như điển chế triều Gia Long định phẩm cấp tập ấm cho con cháu các công thần. Tập ấm đều lấy con trưởng cháu trưởng, nếu không có con trưởng cháu trưởng thì lấy ngành thứ cho thừa tập. “Ấm thụ” là được trao cho chức quan, chỉ vì công lao của cha ông đối với triều đình, không phải vì chính bản thân đỗ đạt hay có được công trạng.

+ Với công thần bc nhất, Con được cho Khinh xa Đô úy trật Tòng Nhị phẩm, Cháu cho Kiêu kỵ Đô úy trật Tòng Tam phẩm, Tằng tôn – cháu Chắt cho KĐô úy trật Tòng Tứ phẩm, Huyền tôn – cháu Chút cho Phi kỵ úy trật Tòng Ngũ phẩm, Vân tôn – cháu Chít cho Ân kỵ úy trật Tòng Lục phẩm… (tr 1012, tập 1)

Ở trên cho thấy rõ con gái của Võ Tánh mỗi năm còn được Gia Long cấp dưỡng cho tiền gạo, huống chi là con trai. Rõ ràng là con của Võ Tánh và Ngọc Du chỉ có một trai, hai gái. Như vậy dễ nhận ra Khinh xa Đô úy Võ Đông Sơ trong Giọt Máu Chung Tình là hình tượng của Khinh xa Đô úy Võ Khánh ở ngoài đời. Nhưng hành trạng của Võ Khánh trong sách sử thì khác rất xa. Khởi đầu có chuyện chép trong Đại Nam Thực Lục, Quốc sử quán triều Nguyễn:

+ Tháng 5 năm 1820, vua Minh Mạng nghe nói đầy tớ nhà Thái trưởng công chúa Ngọc Du cậy thế lấn người, mà công chúa không cấm, mới vời con bà ấy là Khinh xa Đô úy Võ Khánh đến trách:
- “Nước có điển hình, sao mày không khuyên mẹ mày đi”. Khánh thưa rằng:
- “Không thể khuyên can được”. Vua bảo:
- “Làm con thờ cha mẹ phải nên lấy lời nói dịu dàng can ngăn ở lúc việc chớm phát, để cha mẹ đừng mắc vào điều phi nghĩa, không thế thì trách nhiệmở mày”. (tr 46, tập 2)

Lời quở trách của Minh Mạng không có tác dụng. Võ Khánh đã không ngăn chặn đầy tớ trong nhà làm càn quấy, mà chính Võ Khánh còn ỷ lại mình là con cháu công thần, sau hành xử công việc làm bại hoại cả gia thế.

+ Tháng 8 năm 1825, Minh Mạng hay biết chuyện Võ Khánh đã được cất nhắc làm Chưởng cơ, cho lĩnh binh đi thú (coi giữ biên cương) ở Thanh Hoa, nhưng thường xưng vì có tật (ở chân) để tránh việc. Vua cho cách chức Chưởng cơ, vẫn để nguyên hàm tập ấm Khinh xa Đô úy, rồi hạ lệnh triệt về để phụng thờ Võ Tánh. Sau triều thần nghị tội khi ở thú sở, Võ Khánh đã sai riêng vệ binh đi Nghệ An bị giặc giết hết, xin cách phẩm hàm Khinh xa Đô úy. Nghĩ đến công lao của cha Khánh, Minh Mạng chỉ giáng phẩm hàm của Võ Khánh xuống là Kiêu kỵ Đô úy. (tr 343, tập 2)

+ Tháng 7 năm 1826, Khánh từ khi có tội được lấy ấm chức để trông coi việc thờ cha là Quốc công Võ Tánh, lại sách nhiễu tự dân ở xã Văn Quỹ (thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị), bị kiện, bộ Hình bàn cách chức. Minh Mạng cho đem Khánh ra đánh trượng ở trước đền Quốc công, giáng làm Đội trưởng, vẫn cho trông coi việc phụng thờ, còn gia ơn hằng tháng cấp cho tiền gạo theo lương Chánh tứ phẩm. (tr 403, tập 2)

Soi rọi sử sách ghi chép hành trạng con cháu của công thần, với nhân vật Võ Đông Sơ trong Giọt Máu Chung Tình, chỉ biết cảm thán mà buông câu nhận xét: “Đó là nhân vật không có thật trong sách sử”. Chỉ có vậy hòng níu kéo được tính trung trinh, tiết hạnh của một thiên tình sử. Chỉ như vậy mới nghiệm ra cách muốn dân ta biết sử nước ta, trước hết phải biết chuyện ở nước ta. Chuyện ở nước ta thấy vậy mà không phải vậy.


Phan Trường Nghị 
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét