Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

MỒNG 5 THÁNG 5 - ĂN TẾT GIỮA NĂM


            Mồng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, thuở xưa người Việt rất xem trọng, coi như là một ngày lễ Tết, sự sum họp gia đình không kém chi ngày Tết Nguyên đán. Lễ Tết nầy thường gọi là Tết giữa năm, Tết giết sâu bọ.  Phần đông chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nên còn gọi là Tết Đoan ngọ, Đoan ngũ, hay Trùng ngũ. 

            Tết Đoan ngọ bấy lâu thường hiểu là nó liên quan đến truyền thuyết ngày mất của Khuất Nguyên. Cuối thời Chiến quốc, Khuất Nguyên (340 – 278 TCN) với chức Tam Lư đại phu người nước Sở, được Sở Hoài Vương yêu dùng. Nhưng sau bị thất sủng vì vua nghe lời gièm pha của những kẻ đố kỵ. Rồi qua đến thời Sở Tương Vương, ông bị vua đày xuống phía Nam Trường giang. Tiếp đến, quân Tần chiếm phá kinh đô Dĩnh của Sở, thất chí, ông trầm mình dưới giòng Mịch La (một đoạn của sông Tương). Theo truyền lại, ông mất vào mồng 5 tháng Năm, từ đấy lấy ngày nầy làm ngày tưởng nhớ ông. 

            Đúng ra, theo Sơ Học Ký cũng như Phong Thổ Ký thời Tây Tấn (266 – 316) cho biết, chuyện ngày Đoan Ngọ liên quan tới việc tế lễ Địa Liệp thần ở đất Cối Kê, tới Giới Tử Thôi nước Tấn, tới Ngũ Tử Tư cũng người Sở như Khuất Nguyên, tới hiếu nữ Tào Nga(1) đời Đông Hán. Cũng vào thời này, không hiểu sao Tào Tháo lại lệnh không nhắc tới Giới Tử Thôi nữa. Sau đến đời Đường Huyền Tôn năm 751, theo sách Đường Hội Yếu, vua cho cấm lửa 3 ngày tính từ mồng 3 tháng Ba, thành ra lễ tiết Hàn Thực tưởng nhớ Giới Tử Thôi. 

            Nếu xét theo Hán ngữ, Trùng ngũ là tháng ngày đều cùng con số 5, vậy Đoan ngũ hay Đoan ngọ, Ngũ nguyệt hay Ngọ nguyệt là tháng 5. Đây là tháng mà khí Dương (khí nóng) phát khởi. Đoan [] theo Giáp cốt văn có hình ảnh người đứng trước núi cúng tế trời đất, biểu thị là mầm mối, đầu mối khởi đầu. Vì vậy vào tháng ngày nầy còn gọi là tiết Đoan dương. Do đó nói về Đoan ngọ, nó liên quan đến năm tháng ngày giờ, tức là đến Lịch. Nó liên quan đến ngày Tiết, ngày lễ Tết nhiều hơn là liên quan đến ngày mồng 5 đối với các nhân vật bên Trung Hoa.
VÌ SAO GỌI THÁNG 5 ÂM LỊCH LÀ GIỮA NĂM
            Vì Năm, Tháng, Ngày, Giờ là những đơn vị của thời gian, thành thử phải sơ lược lại vài khái niệm về Lịch pháp (phép làm lịch) của lịch xưa. 

            Lịch là hệ thống chu kỳ của thời gian. Thời cổ xưa con người đã nghiệm ra chu kỳ tuần hoàn của thời tiết ảnh hưởng đến mùa vụ trồng trỉa, hệ thống lại chu kỳ thời gian tức là làm lịch. Làm lịch chính là một trong những yếu tố giúp cho con người sinh tồn. Dân mưu sinh trồng trỉa, vì để sinh tồn, để có thành quả của mùa vụ phải cần đến Lịch nhiều hơn là dân du mục săn bắn. Người Việt cổ đã có những tên gọi đơn vị thời gian còn lưu lại, còn dùng đến tận bây giờ như Rằm, Mồng. Đó là những ngữ âm thuần Việt liên quan đến lịch tuần trăng, bây giờ gọi phổ biến là Lịch Âm. Một số người còn gọi chúng là Lịch Ta. 

            Thời cổ xưa, cứ mỗi lần từ đêm tối chuyển qua sáng, con người đón nhận được ánh mặt trời gọi là sang một ngày mới. Mỗi một mùa trăng trôi qua, xem như là một tháng. Chuyển vận của mặt trời làm nên Ngày, chuyển vận của mặt trăng làm nên Tháng. Hầu hết lịch cổ đại trên thế giới đều tính theo tuần trăng, lấy 10 tháng cấu thành một Năm. Về sau phát hiện ra chu kỳ 10 tháng không đúng với chu kỳ tuần hoàn của thời tiết, người xưa đã điều chỉnh thành một năm có 12 tháng. Lịch ở phương Đông phối hợp với yếu tố Tiết khí, là cấu thành tuần hoàn của chuyển vận mặt trời làm nên một năm, để trở thành Âm Dương Lịch có nhuận tháng. Bên trời Tây thì không theo tuần trăng nữa, Tháng là đơn vị quy ước chứ không theo hiện tượng thiên nhiên là chuyển vận của mặt trăng. Phương Tây đổi hẳn ra Lịch Dương có nhuận ngày. 

            Lịch Dương hay là Lịch Tây, còn lưu lại dấu vết cải cách lịch qua tên gọi của tháng. Tháng September của tiếng Anh có gốc La tinh là septem, nghĩa là “bảy” mà nay thành Tháng thứ 9. Tháng Octorber tiếng Anh có gốc La tinh là octo, nghĩa là “tám”, nay thành Tháng 10. Tương tự, Tháng November và December cũng vậy. 

            Lịch Âm hiện người Việt đang sử dụng là loại Âm Dương Lịch, nó cũng thể hiện rõ dấu vết cải tiến thành 12 tháng. Tháng được gọi theo số đếm có 10 tháng, còn 2 tháng kia gọi bằng tên là GiêngChạp, hiểu là 2 tháng được thêm vào Lịch cũ. Xưa người Việt gọi tên tháng là Một, Chạp, Giêng, Hai, rồi tính tiếp cho đến Mười. Có phải Chạp và Giêng là ngôn ngữ của tộc Việt (!?), nó có trước hay sau tên gọi Lạp nguyệtChính nguyệt của người Hoa, xin nhường cho những nhà chuyên môn lý giải, để từ đó có thể lần ra được mối quan hệ giữa Lịch của người Hoa và Lịch của người Việt. 

            Người Việt xưa đói no có thiếp có chàng, đã từng trải nghiệm mùa vụ trồng trỉa qua câu ca dao: 

Tháng Chạp là tháng trồng khoai,
Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà.
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng… 

            Lịch tính theo tuần trăng thời cổ chỉ có 10 tháng, gọi tháng Năm là tháng giữa năm của thuở xa xưa cũng chẳng có gì là sai. Lịch theo Tiết khí 12 tháng, ghi âm Tháng theo Can chi, tháng Tý là tháng Một (tháng 11), thì tháng Ngọ là tháng Năm, cũng xem như là giữa năm. Nhưng những tên gọi tháng Ngọ, ngày Đoan ngũ (ngày 5/5), hay ngày Trùng cửu (ngày 9/9)… chỉ có thể có về xa sau chớ không thể hình thành cái tên từ thời thái cổ.
VÌ SAO LẠI ĂN TẾT GIỮA NĂM
            Vì sao giữa năm người Việt lại ăn Tết, đây là nét đặc thù của cư dân nông nghiệp lúa nước, của vùng một năm làm được 2 vụ. Từ xa xưa, thu hoạch mùa màng xong, hoặc nhờ thời tiết mà xuống được giống cho vụ sau, không thể không ăn mừng. Hằng năm ăn mừng, lâu đời sẽ thành tập tục, sẽ thành lễ, sẽ thành Tết. 

            Tết đầu năm của người Việt cổ, không loại trừ xa về trước cũng được tổ chức sau khi đã cắt gặt xong vụ Mùa vào khoảng tháng 10 âm lịch. Thuở đó tháng Một (tức tháng 11 âm lịch) chính là tháng đầu năm. 

            Theo sách sử bên Trung Hoa, đời nhà Hán phổ biến dùng lịch Kiến Dần, tức là lấy tháng Dần (tháng Giêng) làm chính sóc khởi đầu cho một năm (Sóc là ngày không trăng, ngày khởi đầu của một tháng). Trước đó, nhà Chu lấy tháng Tý (tháng Một) làm chính sóc, cho nên lịch nhà Chu gọi là Lịch Kiến Tý. Nhưng nay có người đã cho là chưa thấy ngày Tết của người Hoa vào thời nhà Chu, dựa vào câu nói của Khổng Tử trong Lễ Ký: Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó (!?). 



            Theo sách sử Việt Nam, qua sự tích Bánh Chưng theo huyền sử thì người Việt đã có ăn Tết từ thời thái cổ. Còn theo Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn thì thuở ấy (triều Tự Đức 1847 - 1883), người Xứ Đoài, tỉnh Sơn Tây lấy tháng 11 âm lịch làm đầu năm mới. Để đối phó việc quan trong các thủ tục hành chính, họ gọi “ngày ngoại” là theo lịch của quan, “ngày nội” là theo lịch của bộ tộc. Quy tắc để so lịch họ với lịch của quan là tháng tính lùi lại hai, còn ngày thì tính tiến lên một. Sách chép rằng: 

+ Thổ dân ở các huyện Bất Bạt và Mỹ Lương, hằng năm lấy tháng 11 làm đầu năm, hàng tháng lấy ngày mồng 2 làm đầu tháng và lấy ngày mồng 1 làm cuối tháng, gọi là tháng lùi ngày tiến, lại gọi là ngày nội, dùng trong dân gian, còn ngày quan lịch thì gọi là ngày ngoại, chỉ dùng khi có việc quan(2)

            Việt Nam là vùng làm được 2 vụ lúa. Không chỉ ăn mừng sau khi thu hoạch mùa lúa tháng Mười (Tết Nguyên Đán), người Việt còn mừng cho thu hoạch mùa vụ vào khoảng giữa năm, sau khi đã làm mạ mưa sa đầy đồng: 

Tháng Năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy… 

            Tháng Năm của Việt Nam cũng còn là tháng trồng trỉa, xuống giống. Sau cây mưa sung vũ thường có vào tiết Tiểu Mãn hằng năm (21 tháng 5 dương lịch), là tới tiết Mang Chủng (ngày 5 hoặc 6 tháng 6 dương lịch) tức thời điểm phải tra giống, hoặc cấy hoặc gieo. Khoảng thời gian nầy, xét vào lịch đã cải tiến theo Tiết khí, biên độ xê dịch của ngày Mồng 5 tháng 5 âm lịch bao giờ cũng xoay quanh, hoặc trước hoặc sau tiết Mang Chủng. Như vậy ăn mừng vào giữa năm, xem như là lễ Tết, là mừng đã thu hoạch xong vụ Chiêm, mừng xuống được giống vụ Mùa.
NGƯỜI VIỆT XƯA ĂN TẾT GIỮA NĂM RA SAO
            Lao động nông nghiệp rất bức thiết cho thời vụ. Không cần lễ lạt gì, đòi hỏi của thời vụ đã phải cần sự tập trung lao động. Vì vậy mà quãng mồng 5 tháng Năm ngày xưa, sự quần tụ con người là không thể thiếu. Cũng vì vậy khi đã thành lễ Tết Đoan ngọ, sự sum họp gia đình trong những ngày nầy đã thành nề nếp. Ai đấy mà ngày Đoan ngọ không có mặt cùng với người thân, là thấy lòng mình thất tha thất thểu. Giống như ông quan Cao Bá Quát (1809 – 1855) não lòng khi phải ăn Tết Đoan ngọ ở nơi đất khách: 

Bắc vọng thiên dư lý
Nam lai ngũ lục niên
Khách tâm kinh tuế nguyệt
Quy mộng trở sơn xuyên…
(Đoan Ngọ – Cao Bá Quát)

Tạm hiểu nghĩa: 

Ngóng Bắc xa hơn nghìn dặm
Về Nam đã năm, sáu năm
Lòng khách ghê cho năm tháng
Mộng về bị núi sông ngăn…

            Ông quan lăng xăng với một chức quan nhỏ ở triều đình Huế đó, cũng đã tỏ nỗi niềm y như thế trong một bài khác viết về tiết Đoan Dương: 

Mạc mạc gia hương lưỡng thân cách,
Thê thê ky hoạn nhất huynh dao…
(Đoan Dương – Cao Bá Quát)

Tạm hiểu: 

Mờ mịt quê nhà xa phụ mẫu
Lăng xăng đất khách cách bào huynh

            Trong ngày Tết Đoan ngọ xưa, vì vừa thu hoạch mùa màng nên chú Rể người Việt có tục mừng Cơm Mới cho gia đình vợ sắp cưới. Học trò còn có tục Sêu Tết cho Thầy dạy, vì lương phạn của những Thầy Đồ xưa chỉ nhờ vào thu hoạch suất ruộng công điền cấp cho mà tự canh tác. 

            Tết Đoan ngọ người Việt thường dùng rượu nhẹ như rượu nếp, hoặc rượu ngâm thảo dược như thạch xương bồ, uống để điều hòa khí huyết trước thời tiết vừa mưa to vừa nắng gắt của tháng 5. Y kinh (sách thuốc) mô tả Thạch xương bồ là “loại cỏ trên đá, một tấc 9 cành, làm thuốc rất hay, uống lâu thành tiên”. Có phải vì vậy không mà ngày Đoan ngọ xưa dân gian đã có tục uống rượu gọi là để diệt trùng bọ ở trong người, nên Tết nầy xưa đã gọi là Tết giết sâu bọ. 

            Hoặc là vào ngày nầy, mọi người thường đi hái lá thuốc về tắm rửa cho thông huyết mạch, tránh cảm mạo trong tiết Đoan dương. Để rồi từ đó mới thêu dệt, du nhập, lưu truyền chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu hái thuốc gặp tiên. Người Việt xưa còn lấy lá ngải bện treo trước cửa để ngăn khí độc vào ngày Đoan ngọ. Ngoài ra còn có kiểu dùng tơ ngũ sắc buộc vào cánh tay, mặc áo dấu, cột chỉ ngũ sắc vào bánh, gọi là dùng để cúng cho Khuất Nguyên… nhưng đó vốn là là tập tục ngoại lai, chúng đã du nhập theo hướng trừ ma, trấn quỷ, mang màu sắc tà thần, theo như mô tả của Ức Trai  trong một bài thơ: 

端午日
天中共喜值佳辰,
酒泛菖蒲節物新。
進帖當年思永叔,
沉湘底事嘆靈均。
闢邪不用絲纏臂,
隨俗聊為艾結人。
願把蘭湯分四海,
從今澡雪舊污民。

Thiên trung cộng hỷ trị giai thần
Tửu phiếm xương bồ tiết vật tân
Tiến thiếp đương niên tư Vĩnh Thúc
Trầm Tương để sự thán Linh Quân
Tịch tà bất dụng ty triền tý
Tùy tục liêu vi ngải kết nhân
Nguyện bả lan thang phân tứ hải
Tòng kim táo tuyết cựu ô dân 

(Đoan Ngọ Nhật – Nguyễn Trãi)

Tạm hiểu nghĩa: 

Cùng mừng nhau giữa trưa gặp được ngày giờ quý
Rượu ngâm xương bồ là món mới cho ngày tết, rót uống chơi
Nhớ năm ấy Vĩnh Thúc (Âu Dương Tu) can vua mà dâng sớ
Thấy thương cho Khuất Nguyên trầm mình xuống Tương giang
Không dùng chỉ ngũ sắc buộc ở cánh tay để trừ tà
Tạm lấy lá ngải bện thành hình nhân theo phong tục
Nguyện mang nước thơm mộc lan rải chia bốn biển
Để từ nay rửa sạch cái ô nhục trước đây của tứ dân.

● Tết Đoan ngọ. Xét ra ở vào cái thuở mà canh tác, nước nôi đều trông cậy vào thiên nhiên, vào mưa nắng… thu được mùa, xuống được giống, sao lại chẳng ăn mừng. Ăn mồng 5 tháng 5 âm lịch. Ăn cái Tết vào giữa năm. Ăn Tết thì đâu để riêng tưởng nhớ người đã trầm mình xuống giòng Mịch La, cũng đâu phải để nhắc đến chuyện mấy anh đi hái thuốc vô tình lạc chốn thiên thai. Những mắm muối ấy chỉ là những gia vị nêm thêm vào món ăn đã sẵn có. 

            Xem ra cách ăn Tết Đoan ngọ ở Việt Nam cũng tỏ rõ nét riêng của người Việt. Trong đó từng có người hữu tình đa mang tâm sự “Nguyện bả lan thang phân tứ hải / Tòng kim táo tuyết cựu ô dân” (Nguyện mang nước thơm mộc lan rải chia bốn biển / Để từ nay rửa sạch cái ô nhục trước đây của tứ dân), đã quyết tránh xa những thứ u mê, ngoại lai “Tịch tà bất dụng ty triền tý / Tùy tục liêu vi ngải kết nhân” (Không dùng chỉ ngũ sắc buộc ở cánh tay để trừ tà / Tạm lấy lá ngải bện thành hình nhân theo phong tục). 

            Mồng 5 tháng 5, ăn Tết giữa năm. Đúng hay sai. Giờ cũng chẳng cần phải lấy đó làm việc tìm hiểu, tranh biện. Hiện nay ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam còn được đưa lên bàn mổ là nên duy trì nó nữa hay không, thế thì có là gì cái ngày Tết giữa năm. Với cơn lốc của thời đại công nghiệp tận dụng sức lực con người để làm ra sản phẩm, những ý niệm cổ truyền sẽ xem như là không cần thiết, sẽ lần hồi đi vào quên lãng. 

            Ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch giờ chỉ còn đáng quan tâm về khái niệm đây là ngày giết sâu bọ của người Việt xưa. Những con sâu con bọ trong tâm, con người không tự giết nó trước, chắc chắn việc sống chung với loài sâu bọ là điều không tránh khỏi.

Trường Nghị

Chú thích:
(1)   Tam Quốc Diễn Nghĩa có nhắc chuyện hiếu nữ Tào Nga trong đoạn Tào Tháo đi đánh Lưu Bị ở Hán Trung. Cô lúc ấy chỉ mới 14 tuổi, cha là Vu sẩy chân té khỏi thuyền, mất vào ngày mồng 5 tháng Năm. Cô khóc suốt 7 ngày đêm, rồi nhảy xuống sông mất tích. Qua 5 ngày sau, bỗng thấy đội xác cha nổi lên mặt sông. Người làng vớt cả hai đem chôn cất. 

(2)   Tr.236, Tập 4 – Nhất Thống Chí
Tham khảo:
+ Đại Nam Nhất Thống Chí - Tập 4, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa 2006
+ Cao Bá Quát Toàn Tập - Tập 1, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn học 2004
+ Nguyễn Trãi Toàn Tập, Viện Sử học, Nxb Khoa học Xã hội 1976 

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét