Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

NGÔN NGỮ VÀ VĂN TỰ


Nói đến mối quan hệ giữa Tiếng nói và Chữ viết, có lẽ ai cũng nhớ đến câu nói của cụ Thượng Chi – Phạm Quỳnh chừng trăm năm trước : 

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn
Tiếng ta còn, nước ta còn.

Chữ viết là ký âm của Tiếng nói. Tiếng nói là công cụ truyền đạt thông tin trong giao tiếp, ứng xử… Chữ viết ghi lại truyền đạt đó, để truyền lại cho ngàn sau. Trong giao tiếp, chủ thể tiếp nhận ngôn ngữ của khách thể về làm giàu vốn liếng, cũng là để thông hiểu nhau trong tương tác. Hẳn nhiên cũng sẽ tự làm nghèo một số ngôn ngữ của mình nếu chủ thể ít khi đề cập đến nó. Với tiến trình cuộc sống phát triển, ngôn ngữ định danh cho một sự vật, nếu sự vật ấy không còn sử dụng, tiếng chỉ nó cũng sẽ bị mất đi.

- Vài chục năm sau hay trăm năm sau nữa, những tiếng định danh các công cụ hiện nay đã ít dùng như nong, nia, rế, rá, ú, thõng… nay mai ấy chắc gì còn những tiếng ấy trong giao tiếp hằng ngày.

- Mới đây, khoảng hơn trăm năm trước, với một số sự vật mà nước ta chưa có chẳng hạn như xe đạp, thì lúc ấy ngôn ngữ Việt đâu đã có các tiếng như dây sên, rô líp, guy đông, ba ga…

Ngôn ngữ luôn vận động. Nhưng trong giao tiếp, điều đáng lưu tâm đến là những biến thể, chuyển hóa của ngôn ngữ khi nó vận động, dẫn đến việc chuyển biến của chữ viết, vì chữ viết có cùng vận động với ngôn ngữ. Trong tiếp nhận và truyền đạt thông tin, những biến thể của ngôn ngữ, chúng là nguyên cớ đã đưa đến việc Ông thì nói Gà, Bà thì nói Vịt.

Thử tìm hiểu sự biến thể của ngôn ngữ qua một vài ví dụ :

- Chữ An 安 theo chiết tự chữ viết, bên trên là bộ 宀 miên (vòm nhà), bên dưới nằm trong là chữ 女 nữ. Nghĩa biểu ý : thiếu nữ ở trong nhà thì được che chở hơn là ở ngoài nhà. Người được tôn trọng phải ở trong nhà, chẳng những tránh được mưa nắng mà còn được bảo bọc bởi người thân, an toàn hơn là bước ra ngoài… Nhưng sau vào thời phụ hệ thì được hiểu ngược lại : trong nhà có được người phụ nữ quán xuyến thì ngôi nhà đó mới yên ổn.

● Ở đây, nghĩa biểu ý bị chuyển hóa, dù sao thì ngữ nghĩa, âm đọc và chữ viết biểu thị tiếng AN không có gì thay đổi. Còn có trường hợp chữ viết và ngữ nghĩa giữ nguyên, nhưng âm của tiếng khi nói phải nói trại đi. Chẳng hạn :

- Xứ Đàng Trong nước Việt ngày trước, những tiếng như Hiếu, Nhân, Nghĩa… phải nói trại ra là Háo, Nhơn, Ngãi… vì kỵ húy tên các chúa Nguyễn. Thậm chí với tên của vợ vua Minh Mạng là Hồ Thị Hoa, thứ dân cũng phải kiêng, khi nói đến tiếng nầy, phải nói trại ra là Huê (Phàn Lê Hoa thành Phàn Lê Huê) hoặc Ba (chợ Đông Hoa thành chợ Đông Ba), hoặc phải dùng lại tiếng đã có từ xưa cùng nghĩa là Bông (cầu Hoa thành cầu Bông).

Nhân đây cũng thử “diễn nghĩa” câu chuyện biến thể của ngôn ngữ đã gây khó cho người viết. Vì chữ Ba của Hán ngữ có nhiều tự dạng, nên người xưa khi viết chữ nầy, phải hỏi lại là viết dạng chữ Ba nào, là Ba với nghĩa là sóng, Ba là bồ cào, hay Ba là hoa… Biết đâu từ chuyện diễn nghĩa nầy đã nảy ra một dấu hiệu để lấy đó tìm cho ra nguyên cớ phát sinh cụm từ “ba hoa”. Ba hoa với ngữ nghĩa hiện dùng là : nói không đúng với sự việc vốn có, nói quá sự thật, nói kiểu khoác lác, khoe khoang. 

● Còn có trường hợp, chữ viết lẫn âm đọc cũng giữ nguyên, nhưng ngữ nghĩa biểu thị không còn đúng với ý nghĩa ban đầu. Ví dụ :

- Chữ Cân 斤 với ngữ nghĩa dùng để biểu thị đơn vị trọng lượng, ngày xưa một cân gồm 16 lạng (lượng), hiện nay còn được dùng trong cân lường thuốc bắc, hoặc kim loại quý là vàng. Để nói lên sự so sánh tương đương, xưa đã có câu “kẻ tám lạng, người nửa cân” chính là mượn vào ý nghĩa của lượng từ nầy. 

Một cân xưa, nếu quy ra đơn vị đã chuẩn hóa quốc tế là kilogram thì nó tương đương 0,605kg, một lạng tương đương 37,8gr. Nhưng hiện nay trong giao dịch hằng ngày ngoài đời thường, 1 cân lại cân lường là 1kg, còn 1 lạng lại chính là 100gr. Dùng 1 cân để biểu thị trọng lượng 1kg, đây không còn là tiếp nhận sự biến thể để làm giàu ngôn ngữ nữa, mà là sinh thêm sự rối rắm ngôn ngữ khi giao tiếp.

● Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp, nên nó cũng là một yếu tố trong việc duy trì và phát triển kiến thức, để từ đó biểu thị văn minh, văn hóa của một dân tộc, một đất nước. Vay mượn, tiếp nhận ngôn ngữ ngoại lai là để làm giàu ngôn ngữ, làm giàu kiến thức, nhưng khi tiếp nhận một nền văn minh, văn hóa ngoại lai, thì sự dung hợp ngôn ngữ không cẩn trọng dễ dẫn đến sự rối rắm ngôn ngữ vốn đã có. Có một ví dụ cho trường hợp nầy :

- Bấy lâu cụm từ “ngân hàng” được dùng làm tiếp đầu ngữ để ghép với các từ như “đề thi”, hoặc “máu”… là để biểu thị đó là kho dữ liệu đề, dùng để chọn lọc ra đề cho các kỳ thi, hoặc đó là nơi tồn trử máu sống của người cho máu, xử lý, để dành đó để sau truyền cho người bệnh… Nhưng ngữ nghĩa của “ngân hàng” vốn đã dùng là chỉ nơi giao dịch tiền bạc (the bank trong Anh ngữ). Việc gán ghép, dung hợp ngôn từ nầy làm rối mù ngôn ngữ cả lên.

Ngôn ngữ vận hành và sẽ duy trì theo số đông người sử dụng. Mà số đông người, đâu đã là chuẩn mực cho sử dụng. Thành thử khi dịch ngôn ngữ nước ngoài ra tiếng Việt, hoặc ngược lại, người dịch thuật không những phải nắm vững văn minh, ngôn ngữ của người, mà còn phải hiểu sâu văn minh, ngôn ngữ của mình, từ đó mới tránh được chuyện lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. 

- Tỷ như người Việt (đang ở trong phòng) nói “chiếc xe dựng ở ngoài sân”, nhưng với ngôn từ tiếng Anh thì phải hiểu là người nói dù đứng ở vị trí nào đi nữa, câu văn vẫn phải là “chiếc xe dựng ở trong sân”.

- Tỷ như ngôn từ về cách so sánh của người Việt nó khác với các nước. Các nước rành mạch câu văn so sánh theo 3 cấp độ : hơn – bằng – thua kém. Nhưng với tiếng Việt, có trường hợp “bằng” lại là giá trị so sánh “hơn” tuyệt đối. Chẳng hạn với câu “Không có gì quý hơn tình Mẹ”, có nghĩa là vẫn còn có những cái tình được xem là quý ngang bằng tình mẹ như : tình cha, tình gia tộc, tình đồng bào… Nếu dùng “Không có gì quý bằng tình Mẹ”, đã không có cái gì quý bằng thì làm sao có cái quý hơn được. “Không có gì quý bằng” đã biểu thị giá trị so sánh tuyệt đối trong ngôn ngữ Việt.

Đây cũng là trường hợp lấy làm lưu ý, để xem lại việc sử dụng cụm từ “thấu cảm” dùng để dịch từ “empathy” trong tiếng Anh, là một thuật ngữ trong tâm lý mỹ học. Thử xem lại ngữ nghĩa của empathy, thấu và cảm như thế nào :

- Empathy theo cắt nghĩa của từ điển Oxford : “The ability to understand and share the feelings of another”, có thể hiểu là “Khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác”.

- Thấu 透 bộ Xước : nghĩa là xuyên suốt qua, từ đó Thiều Chửu cho rằng khi tỏ rõ sự lý thì gọi là thấu triệt 透 徹 , nghĩa là biết rõ ràng, thông suốt hết.

- Cảm 感 gồm bộ tâm 心 cùng với nhất 一 và khẩu 口 nằm dưới chữ mậu 戊 : biểu ý tấm lòng có một tiếng nói dung hợp với đối nhân (mậu là vị trí thứ năm trong thập can), ngữ nghĩa được hiểu là cảm xúc của chủ thể, là tiếng nói, là biểu hiện của tâm.

Trong tâm lý học, đã gọi là biểu hiện của tâm thì không thể nào tâm thông suốt chính mình lẫn biết một cách rõ ràng cảm xúc của khách thể. Tâm luôn luôn động, thời điểm nầy tâm thế nầy, nhưng với thời điểm sau một tíc tắc thì biểu hiện cảm xúc của tâm đã khác. Thế thì khó mà thấu suốt cái tâm hiểu để chia sẻ cảm xúc của khách thể. Ghép thấu với cảm là có sự khiên cưỡng về mặt ngữ nghĩa.

Trong trường hợp nầy thử xét đến chữ Đồng : 

- Đồng 同 gồm bộ khẩu 口 cùng với nhất 一 nằm trong chữ quynh 冂 : biểu ý có cùng chung một tiếng nói với khách thể, ngữ nghĩa hiểu là cùng như một, cùng như nhau.

Như vậy Đồng cảm có thể hiểu là biểu hiện cảm xúc của chủ thể “có cùng như một” với khách thể. Khách thể biểu hiện thế nào thì cảm xúc của chủ thể cũng rằng y như vậy. Ở đây nó biểu thị cảm xúc của chủ thể cùng khách thể có giá trị tuyệt đối trong tương tác qua lại. Thế thì Đồng cảm đã hàm chứa được hết ngữ nghĩa của Empathy.

Ngôn ngữ khi đã dùng quen sẽ dễ cùn mòn cái nghĩa gốc ban đầu, chưa nói đến việc biến thể, hiểu ngược lại ngữ nghĩa đã có. Nhiều khi sử dụng quen, cũng không để ý là nó có xuất xứ từ đâu. Đã vốn quen với Anh ngữ, có lẽ không ít người lớp trẻ chưa rõ rằng xà bông, xà phòng của Việt ngữ, nguyên có gốc là từ savon của Pháp ngữ…, áo sơ mi, tiền bo… có là từ các từ chemise, pourboire cũng của tiếng Pháp. 

Đúng trăm năm trước, vào năm 1917 người Pháp đã chủ trương bỏ thi chữ Hán, cấp thời phổ biến chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự La tinh, song hành với việc học chữ Pháp. Các cụ ngày xưa hội đủ tri thức Đông Tây thấy vậy cũng đã cấp thời dịch lại kho tri thức của tiền nhân, để ngôn ngữ người Việt không bị mai một. Mỗi khi thay đổi văn tự tránh sao khỏi không ít tri thức bị rớt rơi. Thấy vậy mới rõ các cụ xưa đã đau đáu với câu nói :

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn
Tiếng ta còn, nước ta còn.

Hiện nay với chữ viết theo mẫu tự La tinh, người Việt dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận được văn minh và ngôn ngữ các nước Phương Tây, nhưng đến nay cũng không thể tránh được những chập chững trong việc dung hợp ngôn ngữ. 

Từ điều nầy cho thấy mất chữ viết chưa đáng sợ bằng đánh mất ngôn ngữ đã có.

Tháng 7.2017
Đồ Gàn XXI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét