Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

BIỆT ĐỘI CON NAI




Biệt Đội Con Nai - The Deer Team là tên một toán đặc nhiệm của cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (The Office of Strategic Services), tiền thân của CIA sau nầy. Biệt Đội Con Nai được hình thành vào tháng 5, tháng 6 năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá Archimedes Patti, Đội trưởng là Thiếu tá Allison Thomas. Nhiệm vụ của Biệt Đội là nhảy dù xuống Tuyên Quang, chuẩn bị cơ sở cho kế hoạch tiếp nhận vũ khí và huấn luyện quân đội lực lượng Việt Minh.

Hội Nhà Văn TpHCM ngày 20/8/2012 có một bài viết TÌNH BÁO MỸ TỪNG GIÚP VIỆT MINH RA SAO dưới hình thức trích đăng hồi ức của Henry Prunier (một thành viên trong nhóm Biệt Đội Con Nai) do Claude G. Berube ghi lại, Thanh Xuân dịch…

QuangTrung BinhKhe lược trích lại và bổ sung một số hình ảnh về hoạt động của Biệt Đội nầy …




Trong thời gian huấn luyện ở Tân Trào tháng 8/1945, các Thành viên Đội đặc nhiệm Con Nai chụp ảnh với lãnh đạo Việt Minh Ho Chi Minh và Vo Nguyen Giap. Hàng đứng từ trái sang phải  là Rene Defourneaux, (Ho), Allison Thomas, (Giap), Henry Prunier, và ở phía xa bìa phải là Paul Hoagland. Bìa trái là Kneeling,  Lawrence Vogt và Aaron Squires

Đội trưởng của đại đội hỗn hợp Mỹ Việt : Đàm Quang Trung (phía bìa phải - sau nầy là Thượng Tướng) cùng chụp ảnh với Biệt Đội Con Nai

Rene Defourneaux và Đàm Quang Trung

Huấn luyện ném lựu đạn

Đại đội do Biệt Đội Con Nai huấn luyện và vũ trang, 
tại Tân Trào làm lễ xuất quân tiến về Hà Nội ngày 19/8/1945



Ngày 26/8/1945 tại Hà Nội. Ho Chi Minh cử một phái đoàn do Vo Nguyen Giap dẫn đầu nghênh đón nhóm công tác của OSS đến Hà Nội. Trong khi giàn nhạc trổi lên quốc thiều Mỹ, Giap cùng phái đoàn đứng nghiêm chào cờ Mỹ với tác giả (Trưởng đoàn OSS tại Hà Nội - Archimedes Patti) và toán OSS



Tướng Giáp chụp ảnh vớiThiếu tá Archimedes Patti và toán OSS

Những người Mỹ của toán OSS trên đường phố Hà Nội sau ngày 2/9/1945


 ...     ...     ...

 GIA NHẬP OSS

Thời thơ ấu ở Worcester, Prunier được cho đi học ở một trường phổ thông Công giáo nói tiếng Pháp, sau đó học ở trường cấp hai Assumption Preparatory, nơi ông được dạy bởi các thầy tu người Pháp.

Tôi không muốn đi lính theo chế độ quân dịch vì như vậy quân đội sẽ toàn quyền quyết định nơi cử đi”, ông hồi tưởng, vậy nên năm 1942 ông tự nguyện gia nhập Lục quân, và được phép học hết năm thứ 3 tại trường Cao đẳng Assumption. Do lý lịch và khả năng ngoại ngữ, ông được đưa vào Chương trình Huấn luyện Đặc biệt của Lục quân tại Đại học Berkeley để học tiếng An Nam (cách người Mỹ gọi tiếng Việt Nam khi đó). “Ngôn ngữ này thật khó”, ông kể. “Nó đơn âm với 6 âm điệu, mà tôi thì hoàn toàn mù về nhạc”. Để những người lính – học viên làm quen với môi trường nơi được cử đi, bên cạnh việc học ngoại ngữ - tới 4 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần – lớp học cũng giảng cả về lịch sử, địa lý, chính trị, và văn hóa Việt Nam.

Năm 1943, một sĩ quan OSS tiếp cận ông và hai người khác để đề nghị “một nhiệm vụ tình nguyện ở Đông Dương”. Prunier kể rằng cả ba người đều từ chối vị sĩ quan này sau khi biết rằng “cơ hội sống sót chỉ là 50%”. Sau khi hoàn thành khóa học tại Berkeley năm 1944, ông được cử tới trường phân tích mật mã ở bang Missouri, nơi ông được đưa vào danh sách một đơn vị bộ binh, chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của Đồng minh vào Pháp trong Thế chiến thứ II. Nhưng vào đêm trước khi đơn vị lên tàu, Prunier được lệnh đến Washington để gia nhập OSS. “Đó chẳng phải là tình nguyện”, Prunier nói, nhưng vào lúc ấy, như ông thừa nhận, “tôi cảm thấy vui”.

Bên cạnh việc phải trải qua một chuỗi những thử thách tâm lý, chương trình huấn luyện khắc nghiệt của OSS còn gửi Prunier tới đảo Catalina ở California để huấn luyện kỹ năng sống sót và các bài học judo. “Chúng tôi học cách giết và ăn thịt dê, học cách mò bắt và ăn bào ngư, ông kể. Khi hoàn thành chương trình đào tạo, ông được đưa lên tàu vào tháng 4 năm 1945, cùng 3000 người khác, tất cả được chuyển đến Calcutta. Từ đó, ông được bay qua dãy Himalaya để tới căn cứ OSS tại Côn Minh, Trung Quốc.

Tại Côn Minh, Đội Hươu được hình thành vào tháng 5, tháng 6 năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc OSS Archimedes Patti. Đội trưởng là Thiếu tá Allison Thomas, trước đó từng là công tố viên ở bang Michigan trước khi làm việc với tình báo Anh trong thời chiến. Các thành viên khác ngoài Prunier còn có một điện đài viên người Mỹ là thượng sĩ William Zielski, và để thử nghiệm xem lực lượng cách mạng Việt Nam có chấp nhận sự giúp đỡ của người Pháp hay không, người ta đưa vào một sĩ quan Pháp cùng hai sĩ quan người Pháp gốc Việt.

“Trước khi Đội Hươu nhảy dù xuống Tân Trào, không ai biết nhiệm vụ là gì”, Prunier hồi tưởng, “chỉ biết rằng ‘Mr. Hồ’ đang ở Tân Trào, và rằng chúng ta phải huấn luyện cho lực lượng của ông”.

Sau này Prunier mới biết rằng nhiệm vụ được hình thành khi Hồ Chí Minh gặp trung úy Charles Fenn, người muốn xây dựng một quan hệ hợp tác để giải cứu các phi công của Đồng minh, đồng thời gửi báo cáo tình báo và thời tiết cho Đồng minh. Fenn và OSS muốn được cung cấp thông tin tình báo về các động thái và vũ khí của quân đội Nhật. Họ đã được Hồ Chí Minh đồng thuận để đổi lấy sự hỗ trợ của Mỹ cho các lực lượng yêu nước ở Việt Nam. Tuy OSS không biết rõ Hồ Chí Minh là ai, nhưng họ đồng ý huấn luyện một đơn vị nhỏ. “Phía Đồng minh cho rằng Nhật Bản đang muốn dùng Đông Dương làm bàn đạp tấn công phía Nam của Trung Quốc”, Prunier nói. “Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp lực lượng du kích quấy rối quân Nhật. Chúng tôi đã cùng họ phá hủy đường ray tàu hỏa, các cơ sở viễn thông. Nhưng không đối đầu trực tiếp với quân Nhật vì chúng tôi không đủ hỏa lực”.

OSS ban đầu định để cho Đội Hươu hành quân bằng đường bộ dài 300 dặm (gần 483 km) tới Tân Trào, nơi đặt các trại huấn luyện quân nổi dậy. Nhưng người Trung Quốc cảnh báo OSS rằng quân Nhật đang chờ sẵn ở biên giới để ngăn chặn mọi lực lượng của phía Đồng minh. Vì vậy, thay vì đi bộ, từng thành viên của Đội được vận chuyển bằng máy bay nhỏ loại Piper Cub tới thị trấn Po Sah, cách biên giới Việt Trung khoảng 50 dặm (80 km), nơi đóng vai trò đầu mối liên lạc giữa Côn Minh và Tân Trào. Một buổi sáng ngày 16/7/1945, sáu thành viên Đội Hươu lên một chiếc máy bay C-47, nhưng khi tới nơi viên phi công không thể nhìn thấy những chiếc khăn trắng làm ám hiệu cho biết mặt đất bên dưới là khu vực an toàn. Cuối cùng, Prunier, Thomas, và những thành viên khác đều đánh liều nhảy xuống. Tới mặt đất, trong khi đang thu xếp dù, họ nhìn thấy vài chục người tiến đến, không rõ là người Trung Quốc hay Việt Nam. Đa số là các thiếu niên, “Thiếu sinh quân”, Prunier hồi tưởng, ngoại trừ một người thấp hơn, mặc áo vải lanh màu trắng, đi giày đen, đội mũ phớt cũng màu đen, được mọi người gọi là “anh Văn”. Phải sau này nhóm đặc vụ mới được biết tên của ông là Võ Nguyên Giáp.

HUẤN LUYỆN ĐỘI QUÂN VIỆT MINH

Được dẫn tới làng Tân Trào, nhóm được đón tiếp với một biểu ngữ bằng tiếng Anh có nội dung “Chào mừng các bạn Mỹ của chúng tôi”. Pruner sau đó được biết biểu ngữ này được làm bởi hai người Mỹ: trung úy Dan Phelan, nằm vùng tại Trạm Trợ giúp Không lực từ Mặt đất, có chức năng giải cứu phi công Mỹ bị rơi xuống trong vùng; và Frankie Tan, một người Mỹ sinh ra trong khu phố Chinatown ở Boston, một thành viên mạng lưới gián điệp làm việc cho Texaco và hoạt động ở Việt Nam từ 1944. “Họ bán thông tin tình báo thu lượm được cho các bên – Mỹ, Pháp, Anh”, Prunier kể.

Địa điểm huấn luyện có kích thước không lớn hơn 200 bộ (183 m) nhân 300 bộ (274 m), xung quanh là các lán. Nhóm OSS sống trong các lán trên núi. “Có một dòng suối, và họ xẻ ống bương đưa một ít nước về, thứ nước từ núi ra ấy rất tuyệt, lạnh băng”, Prunier nói.

Khi Prunier và cả nhóm gặp Hồ Chí Minh lần đầu, người mà họ chỉ biết qua cái tên “Hồ”, họ thấy ông gầy guộc “chỉ toàn da với xương”, bị ốm yếu vì những căn bệnh nhiệt đới như lỵ và sốt rét. Tuy ông nói thông thạo tiếng Pháp, nhưng không chấp nhận nói ngôn ngữ này, thay vào đó chỉ nói chuyện với Prunier bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ngay lập tức tỏ sự không tin tưởng các sĩ quan người Pháp và người Pháp gốc Việt trong nhóm, và yêu cầu họ quay trở về Côn Minh. Phải mất thêm một tuần những người Mỹ thay thế mới có mặt: bác sĩ quân y Paul Hoaglund, chuyên gia vũ khí – thượng sĩ Lawrence Vogt, và Trung sĩ Aaron Squires, người cũng đồng thời là một nhiếp ảnh gia. Thành viên cuối cùng là Trung úy René Defourneaux, một người Pháp thoát li trở thành công dân Mỹ.

Ngay khi tới nơi, ưu tiên hàng đầu của Hoaglund là điều trị cho Hồ Chí Minh, và ông đã nhanh chóng hồi phục. “Ông Hồ không có vẻ là một chỉ huy quân đội, dù những người lính của ông thể hiện sự tôn kính như với ông nội”, Prunier nói. “Ông không tạo ấn tượng với chúng tôi rằng ông sẽ trở thành một lãnh đạo quân đội, hay lãnh tụ tương lai của Việt Nam.”

Tôi nói chuyện với ông và kể rằng tôi đến từ Massachusetts”. Ông nói “Tôi còn nhớ Boston”. Nhà cách mạng vóc người nhỏ nhắn này từng làm bếp ở London và New York, và từng có mặt trong một du thuyền cập bến Boston. “Điều thú vị mà tôi được thấy là ông dùng giấy viết của Khách sạn Parker ở Boston để viết”, Prunier nói. “Ông kể cho tôi về thời gian ông ở thành phố New York, và sự ngạc nhiên về quyền tự do mà người da màu, người Trung Quốc, và người châu Á ở đây được hưởng”.

Khi Đội Hươu bắt đầu huấn luyện đội quân Việt Minh khi ấy mới được thành lập, những vũ khí duy nhất mà quân nổi dậy có khi ấy là súng hỏa mai nòng ngắn (musketoon) và một số ít súng thu được của Pháp. “Họ không được vũ trang tốt và thiếu khả năng sử dụng vũ khí”, Prunier nói. OSS thả xuống những thùng chứa súng trường M-1, bazooka, súng cối 60 mm, và súng máy loại nhẹ, vừa đủ để trang bị cho 80 người. “Người Việt háo hức và học được cách tháo lắp súng M-1 sau ít giờ đồng hồ”, Prunier kể.

Tổng thời gian nhóm OSS dành để huấn luyện người Việt chỉ kéo dài ít tuần trong tháng 7 và tháng 8. Nhóm đã cung cấp cho ông Giáp những kỹ năng chiến trận cơ bản, nhưng “những điều họ học được về chiến tranh du kích là sau này, vì chúng tôi không có đủ thời gian để hướng dẫn họ”, Prunier kể.

Ngoài Võ Nguyên Giáp, nhóm còn huấn luyện cho ít nhất hai chỉ huy quân sự cấp cao khác, trong đó có tướng Đàm Quang Trung, người từng khiến quân Pháp và sau này là quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam phải đau đầu. “Đây là một nhóm được tinh tuyển từ nhiều nơi của Việt Nam”, Prunier nói. “Họ hoàn toàn không phải là một đám đông nông dân ô hợp”.

Khi nghe tin về vụ ném bom nguyên tử của Mỹ, những người chủ nhà Việt Nam chia vui cùng Đội Hươu vì biết rằng kết thúc Thế chiến thứ II đã gần kề. Ngày 15/8, Hoàng đế Nhật Bản Hiroshito thông báo trên toàn quốc về quyết định đầu hàng. Nhiệm vụ của OSS ở Việt Nam tới đây về cơ bản đã hoàn thành. Ngày hôm sau, Prunier nhớ lại, Chính phủ Lâm thời của Hồ Chí Minh họp tại Tân Trào. “Chúng tôi thấy rằng tình hình đã đến lúc ra đi”, ông nói. “Chúng tôi gặp ông Hồ, và Thomas nói lời từ biệt với ông”. Đội Hươu “đi cùng ông Giáp, Quang Trung, và khoảng 20 – 30 chiến sĩ Việt Minh đi xuyên vào rừng”, hướng về Hà Nội, Prunier kể.

Ngày 19/8, đơn vị của ông Giáp gặp một đồn của Nhật tại Thái nguyên. Việt Minh, háo hức muốn thử nghiệm những gì đã được nhóm OSS hướng dẫn, đã lên kế hoạch tấn công đồn. Theo Prunier, nhóm đặc vụ Mỹ được lệnh qua radio từ Archimedes Patti ở Côn Minh rằng không được tham gia vụ việc này, không được nhận tù binh, và phải án binh bất động. Nhưng Thiếu tá Thomas không nghe theo chỉ đạo này. Ông đã tham gia vào trận chiến và kể lại cho chúng tôi. “Một vài người của Việt Minh bị giết còn bao nhiêu lính Nhật chết thì tôi không biết”, Prunier nói. “Tôi nghĩ là với trận đánh này, ông Giáp muốn chứng minh cho chúng tôi thấy những kinh nghiệm quân sự mà họ đã học được”.

Sau trận chiến ở Thái Nguyên, nhóm OSS được cấp vài người dẫn đường, còn ông Giáp rời đi cùng đa số những người lính khác. Đội Hươu đi tiếp 40 dặm (64 km) nữa đến Hà Nội, tới nơi vào ngày 9 tháng 9. Ông Hồ đã tới Hà Nội từ trước và tuyên bố Việt Nam độc lập vào ngày 2 tháng 9 – trùng với ngày Nhật Bản chính thức đầu hàng Mỹ tại chiếc bàn trên chiến hạm Missouri. Ông Hồ đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ trong bản tuyên ngôn của mình. Theo suy nghĩ của Prunier, có thể ông đã có ý tưởng này sau nhiều lần thảo luận với Trung úy Dan Phelan.

Trong ký ức của Prunier, Hà Nội là một thành phố đẹp, với những con đường lớn với các biệt thự, nhưng khi quân Tàu Tưởng tràn vào, “chúng thật là một bọn hạ lưu… một đám lưu manh. Trong khi Việt Nam đang có nạn đói thì chúng đi ăn cướp các nhà”.

Trước khi rời khỏi Hà Nội vào ngày 16/9, Prunier có gặp ông Hồ và ông Giáp một lát. Hồ Chủ Tịch đã tặng Prunier một tấm thảm lụa để bày tỏ lòng biết ơn những trợ giúp của ông.

Prunier sau đó bay về Côn Minh và được bố trí tạm thời vào một đơn vị tình báo ở đây. Một tháng sau, ông quay lại Hà Nội để thiết lập một trụ sở chi nhánh của OSS, nơi ông phục vụ việc xử lý những vụ phạm tội ác chiến tranh của Nhật đối với người Việt và người Pháp. Vì công việc này không được chú trọng nhiều trong tổ chức nên ông có khá nhiều thời gian rảnh rỗi để đi khám phá thành phố, và gặp được những người lính ông từng huấn luyện, trong đó có Thai Buc, một người phiên dịch từ thời ở Tân Trào. “Ông ấy như một người anh em”, Prunier kể. Tổ chức OSS bị giải tán vào tháng 10, và tới tháng 11 Prunier được lệnh về nhà để giải ngũ.
…     …     …
Claude G. Berube

HoaiAn tổng hợp
. 

7 nhận xét:

  1. quá hay, rất cảm ơn anh đã sưu tầm! té ra hồ chí minh phải cảm ơn người mỹ mới phải đạo!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào VinhLoc đã đến với Trang giao lưu của Cựu học sinh Trung Học Quang Trung Bình Khê.

      Không cần cảm ơn người Mỹ đâu. Dưới cái nhìn về đòn phép chính trị, Đội đặc nhiệm của OSS chỉ là những chú Nai BamBi.
      Sâu sắc nhớ túi khôn của cha ông : Đi với Bụt phải mặc áo cà sa ...
      .

      Xóa
    2. Các bạn có thể:

      - Coi thêm chi tiết này ở cuốn sách OSS và Hồ Chí Minh một tư liệu mới lần đầu tiên được công bố ở Việt Nam đây hoặc ở đây

      -Và coi thêm bức thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman ngày 28 February 1946 từ tài liệu của tui lưu trữ (đã xử lý ảnh để đọc cho rõ hơn) đây hoặc từ nguyên bổn ở tài liệu lưu trữ quốc gia của Mỹ ở đây

      Xóa
  2. rất cảm ơn anh đã sưu tầm một sự kiện lịch sử! hồ chí minh và đội quân của ông cho đến mãi sau nầy nện biết ơn người mỹ!

    Trả lờiXóa
  3. Từ bài này, mình bổ sung thêm hình ảnh và tư liệu, các bạn tham khảo nhé
    http://tranhung09.blogspot.no/2013/10/the-oss-deer-team-with-viet-minh.html#more

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được đại ca Thợ Cạo ghé thăm quả là có bất ngờ!
      Trang QuangTrung BinhKhe những ngày chập chững lên mạng nhờ học cách chơi blog từ đại ca đấy !

      Xóa
    2. Gặp nhau cũng nhờ Đội con nai của Mỹ. hé hé.

      Xóa