Dãy
Cù Mông là một nhánh của Trường Sơn chồm ra sát biển, làm ranh giới thiên nhiên
giữa 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên hiện nay. Xa xưa trước, năm 1471 vua Lê Thánh
Tôn đưa quân vào đánh chiếm thành Đồ Bàn của người Chiêm, dãy Cù Mông cũng từng
là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm quốc của một thời.
Còn
Cao Bá Quát thì không chỉ là nhà thơ, là người hay chữ vào thời nhà Nguyễn, ông
còn được biết đến là người từng tham gia cuộc chiến chống triều đình, với vai
trò là quân sư của Lê Duy Cự. Khởi nghĩa Lê Duy Cự nổ ra vào năm 1854, ở Mỹ
Lương, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), triều đình nhà Nguyễn gọi là giặc Châu
chấu. Cuộc nổi dậy năm ấy bị binh triều nhanh chóng dập tắt, Cao Bá Quát mất
theo cùng nó. Cuộc đời con người tài hoa nhưng cứ gặp cảnh khốn cùng nầy có thể
tóm tắt ngắn gọn như sau:
-
Cao Bá Quát tên tự là Chu Thần, sinh năm 1809, người làng Phú Thị, huyện Gia
Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay cũng thuộc về Hà Nội.
-
Ông đỗ cử nhân năm Tân Mão - 1831, mãi đến năm 1841 mới được bổ làm Hành tẩu ở
bộ Lễ. Tháng 8 âl. năm đó, triều đình cử Cao Bá Quát làm sơ khảo trường thi Thừa
Thiên. Nhưng vì ông dám dùng muội đèn sửa chữa quyển thi của thí sinh có văn
tài nhưng lỡ phạm húy, nên bị triều đình bắt tội.
-
Sau 3 năm bị giam cầm, năm 1844 vua Thiệu Trị cho ông tham gia sứ đoàn xuất
dương của Đào Trí Phú để lập công chuộc tội (gọi là dương trình hiệu lực). Tháng 7 năm ấy hoàn thành sứ mệnh, được phục
chức, nhưng ông lại lui về sống ở Thăng Long, Hà Nội.
-
Năm 1847 triều đình lại triệu ông về triều, cho làm việc ở viện Hàn lâm. Năm
1850, người chuyên lo sưu tầm, sắp xếp văn thơ ở viện Hàn lâm ấy được cử làm
Giáo thụ ở phủ Quốc Oai – Sơn Tây. Đến cuối năm, lấy cớ chịu tang cha, ông xin
thôi chức.
-
Năm 1854, Cao Bá Quát cùng Lê Duy Cự phát binh nổi dậy ở Mỹ Lương, và mất cùng
với cuộc nổi dậy vào đầu năm 1855.
Vì
được xem là kẻ phản nghịch, văn thơ của ông bị thu đốt, cấm tàng trử, lưu hành.
Người đời sau sưu tập lại, trong những sưu tập ấy có bài thơ ông viết khi đi
qua địa phận Bình Định “Qua Vùng Biển
Bình Định Trông
Núi Cù Mông”, nguyên văn:
QUÁ BÌNH ĐỊNH DƯƠNG PHẬN
VỌNG CÙ MÔNG SƠN
Nam phong dạ tác (*) đào thanh
Ký đắc Cù Mông lĩnh ngoại hành
Hiểu vọng quần sơn hoành nhất đới
Ức phong khúc xứ cựu ao binh
(*) Bản bị mất một chữ, chỗ nầy có
nơi thêm chữ “nộ”, có chỗ thay bằng chữ “xuy”
QUA VÙNG BIỂN BÌNH ĐỊNH
TRÔNG NÚI CÙ MÔNG
Đêm
gió Nam thổi, tiếng sóng dữ gầm gào
Biết
rằng đang đi ven bên ngoài núi Cù Mông
Sáng
ra trông lên những ngọn núi liền một dãi
Trên
những đỉnh nhấp nhô trăm nghìn ngọn núi đó,
xưa là nơi xảy ra những trận chiến lở đất long
trời.
Núi non nằm đó ngàn đời, sẽ phải
trơ trụi ngàn đời, nếu đứng trước nó chỉ là những kẻ vô tình. Sẽ không thấy hòn
Cù Mông cao chất ngất, sẽ không thấy nơi đây chất chứa những đớn đau, nỗi lòng
của những chinh phụ, chinh phu thời chinh chiến… những nỗi ấy người đời sẽ
không thấy, nếu như không có câu ca của vùng Bình Định - Phú Yên còn lưu lại:
Tiếng ai than khóc nỉ non
Vợ chàng lính thú trèo hòn Cù Mông
Qua
bài thơ của Cao Bá Quát, người đời như cùng thấy với ông dãy Cù Mông trùng
trùng điệp điệp. Trên những đỉnh nhấp nhô trăm nghìn ngọn núi đó, còn lưu dấu ngày xưa là nơi đã xảy ra những trận đánh lở đất long trời. Trước một cảnh vật, người đã buồn thì bao giờ
cảnh có vui đâu. Những trận kịch chiến giữa quân Tây Sơn cùng quân Gia Định của
Nguyễn Ánh trên dãy Cù Mông, mà Cao Bá Quát như còn nghe được, vì trong chuyến
hải hành đêm qua, ông đã nao nao lòng cùng với tiếng sóng gầm theo trời dậy gió
Nam.
Khi
đứng trước dãy Cù Mông, vì sao Cao Chu Thần như riêng nghe có tiếng gươm đao của
ngày trước (!).
●
Xét lại thời điểm ra đời của bài thơ. Có thể hình dung được là ông làm ra khi
tham dự chuyến đi “dương trình hiệu lực”.
Trước đó vào năm 1841, Cao Bá Quát bị tội sửa quyển thi phạm húy, án đưa lên
vua, Thiệu Trị đã cho xóa án tử trảm quyết (chém ngay), cứ giam lại đó đợi lệnh
sau. Sau đó cho ông đi theo sứ bộ Đào Trí Phú xuất dương, lập công chuộc tội.
Chuyến đi rời cảng Đà Nẵng tháng 12 âl. năm Quý Mão, dương lịch đã là đầu năm
1844. Đến tháng 7 sứ bộ từ Tân Gia Ba (Singapore) mang về, tiến lên vua 1 “chiếc thuyền nhỏ có máy đốt lửa”. Theo Đại
Nam Thực Lục thì Thiệu Trị xét thấy thuyền chạy nhanh như chớp, nhanh hơn cả ngựa
phi nên cho đặt tên hiệu của nó là “Điện phi”. Thực Lục còn diễn tả rất tỉ mỉ về kích thước, hình dáng con tàu, cách
thức đốt than cho tàu chạy… Còn lệnh cho tập trung các chiến thuyền cùng diễn tập
với nó ở cửa biển Thuận An, hòng lo việc quân bị biên phòng.
Thực
ra đây chỉ là thuyền buôn nhỏ, chạy bằng máy hơi nước, sứ bộ đã mua của người
Anh ở Malaca – Malaysia, trị giá hơn 280.000 quan tiền. Cao Bá Quát cũng mô tả
loại tàu tương tự mà ông đã gặp ở bên ấy, có trong bài cổ phong Hồng Mao Hỏa Thuyền Ca. Theo bản dịch
trong trang web Thi Viện:
(…)
Đây
là chiếc tàu Tây đang tiến lại veo veo
Cột
tàu chót vót, quay gió lặng
Ống
khói đứng giữa nhả mây lưng trời cao
Dưới
có hai guồng xoay chuyển đập ngọn sóng
Guồng
quay, sóng vỗ ầm ầm như sấm gào
Có
lúc chạy ngang, giật lùi, nhanh hơn ngựa
Không
buồm, không lái, không người chèo
Long
Nha, Xích Khảm ngoài trăm dặm
Phút
chốc đè sóng, đến nhẹ vèo
(…)
Chiếc
“Điện phi” mà
sứ bộ mua về cho triều đình, Cao Bá Quát biết nó chẳng là gì trước lớp lớp hàng
hàng tàu chiến của người Tây dương mà ông đã gặp ở Malaca, ở Tân Gia Ba. Tiếp
xúc, mở rộng tầm mắt khi ra được với thế giới bên ngoài, Cao Bá Quát đã biểu hiện
cái giật mình của kẻ có văn tài bấy lâu chỉ biết nhả chữ nhai văn,
những con ếch ngồi đáy giếng trước văn minh cơ khí của phương Tây:
(…)
Nhai
văn nhả chữ buồn ta,
Con
giun còn biết đâu là cao sâu
Tân
Gia từ vượt con tầu,
Mới
hay vũ trụ một bầu bao la.
Giật
mình khi ở xó nhà,
Văn
chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
Không
đi khắp bốn phương trời,
Vùi
đầu án sách uổng đời làm trai
(…)
Trúc Khê – Ngô Văn Triện, dịch bài
của Cao Bá Quát “Đề
sau khúc Yên Đài Anh Ngữ của quan Đô sát họ Bùi”.
● Xét theo mạch văn bài “Qua Vùng Biển Bình Định Trông Núi Cù Mông”
của Cao Bá Quát, trong bài có đưa lên hình ảnh gió Nam thổi khi đi đến vùng biển
Bình Định. Có thể thấy được bài ông làm ra là lúc trên đường về triều, lúc có
gió Nồm tháng 7 của năm 1844, Như vậy bài ông đã làm, là khi mà ông vừa tận mắt
chứng kiến văn minh kỷ thuật cơ khí phương Tây đã áp sát khắp vùng Đông Nam Á. Trước
đó 3 năm, vào tháng 11 âl. năm 1841, là năm vua Thiệu Trị đăng quang, hơn 60
phát súng đại bác thị uy bắn vào vịnh Sơn Trà của người Pháp, đánh chìm mấy tàu
bọc đồng tuần dương của binh triều. Cao Bá Quát đã hình dung họa ngoại xâm sẽ xảy
ra chỉ trong một sớm một chiều.
Những vướng vất về hình ảnh tàu
chiến phương Tây dòm ngó đất nước, chúng luôn ám ảnh Cao Bá Quát. Ông có thể hiện
nỗi lòng đó trong bài “Thập Ngũ Dạ Đại Phong”:
Nhất dạ trường phong hám hải đài
Thuận An môn ngoại lãng như lôi
Thiên thu thượng tác Chu Lang khí
Yếu đả Hồng Mao cự hạm hồi !
Trong bài “Đêm Rằm Ngày Gió Lớn” nầy, ông đã cảm nhận được hình ảnh “Một đêm
gió thét lộng hải đài canh ven biển / Ngoài cửa Thuận An tiếng sóng gầm vang
như sấm”…
Hình ảnh sóng to gió mạnh chúng
luôn thường trực trong tâm thức của ông, như hiểm họa ngoại xâm của đất nước đã
luôn hiện diện hằng tháng hằng năm. Ngày sứ bộ về đi qua vùng biển Bình Định, đến
đây ta rõ được vì sao ông trông vời đỉnh núi Cù Mông mà lại nghe như có tiếng sắt
tiếng vàng chen nhau. Một ngày nào đó, non sông tránh sao khỏi binh đao như những
trận kịch chiến đã xảy ra trên dãy Cù Mông ngày trước.
Cùng một cảnh vật, nhưng mỗi người
lại có riêng một biểu hiện cảm xúc. Hai mươi năm sau ngày Cao Bá Quát đi qua
núi Cù Mông, Tam nguyên Vị xuyên Trần Bích San có câu thơ khi đã 3 lần vượt qua
cửa ải Hải Vân sơn:
Văn
phi sơn thủy vô kỳ khí,
Nhân
bất phong sương vị lão tài.
Văn mà không có núi non sông nước thì không
có thần khí / Người không có dãi
dầu sương gió thì chưa thể gọi là người già dặn, từng trải.
Trước
một dãy núi hùng vĩ, người thì nghe có tiếng gươm đao của một cuộc chiến, người
thì dặn lòng trước những gian nan. Nhưng cả hai đều có những thần khí thể hiện
trong văn thơ của mình. Câu văn, con chữ chỉ là cái xác. Tư tưởng, góc nhìn chỉ là cái hồn. Chúng chẳng sống đời được nếu chúng không có cái thần khí bên trong. Riêng với Cao Bá
Quát, nỗi lòng của ông trước hiểm họa ngoại xâm, cái giật mình của người đã thấy được văn chương
chữ nghĩa chỉ là trò
chơi. Thế mà từ vua tới quan vẫn
vùi đầu với trò nhai văn nhả chữ… trách sao được Cao Bá Quát, khi đi qua Cù Mông
ông chỉ nghe được tiếng gươm đao của ngày xưa.
Núi
Cù Mông đã không trơ trụi khi đã có người hữu tình vời trông bóng nó. Người hữu
tình Cao Bá Quát đã gởi nỗi lòng cho dãy Cù Mông hùng vĩ:
Đêm chen Nồm dậy sóng gào
Thuyền
qua Cù lĩnh nao nao dặm ngàn
Sớm
trông non núi hàng hàng
Nghe
xưa tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Tháng
7.2017
Phan Trường Nghị
1/. Cao Bá Quát đúng là "Nhân tài ko gặp thời". Tài hoa của ông ko ai bàn cãi, nhưng mãi lận đận truân chuyên. Làm quan chậm, lại yêu tài, khẳng khái sửa văn cho người tài lở phạm húy, nên bị vạ, bắt tội, giam cầm 3 năm. Sau khi đi sứ thành công phục chức, lại giao việc quá bình thường ko thỏa chí bình sanh, nên phải lui về quê nhà ở ẩn. Cuối cùng, theo Lê Duy Cự khởi nghĩa Mỹ Lương lại thất bại, bỏ mình khi chí anh hùng còn chưa thỏa. Thật đáng tiếc thu7ong 1 tài hoa văn chương lỗi lạc.
Trả lờiXóa2/. Anh Hùng vốn là 2 chữ rất khó viết, luôn viết bằng huyết, lê (của mình hoặc của người khác). "Nhất tướng công thành, vạn cốt khô" (1 vị tướng phá thành, hàng vạn người phải hy sinh). Đèo Cù Mông (còn gọi là Cù Lĩnh) đã chứng kiến bao trận chiến đẫm máu giữa 2 miền Nam Bắc Đèo (vùng Bình Định - Ph8ú Yên) của Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Với người văn tài như Cao Chu Thần, "tức cảnh sinh tình" bhìn dãy núi nghe như còn văng vẳng tiếng binh đao xung trận,..... Cuối cùng, cũng chỉ góp được 1 tiếng thở dài trước thế cuộc biến đổi ko lường.....