Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

25 NĂM THƯƠNG HẢI BIẾN VI TANG ĐIỀN


Người xưa có câu Tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền – Cứ ba mươi năm một lần, biển xanh hóa thành ruộng dâu, ruộng dâu hóa thành biển xanh. Trải qua một kiếp nhân sinh, con người ít nhất phải có một lần chứng kiến sự thay đổi của chung quanh, như Tú Xương đã từng giật mình, nghe tiếng ếch kêu mà tưởng đó là tiếng gọi đò:

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai 
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(Sông Lấp – Trần Tế Xương)

Biến đổi biển xanh hóa thành nương dâu không hẳn là ba mươi năm hay bốn mươi năm có được một lần. Bất quá nó hình tượng hóa sự thường xuyên có việc thay đổi chung quanh là do biến động của thiên nhiên, và không loại trừ là do bàn tay của con người tác động vào. Như ở Bình Định bấy lâu truyền rằng do vua Thái Đức Nguyễn Nhạc bị ông Thầy Địa lý người Tàu mê hoặc, đã cho thay đổi dòng chảy của sông Côn và phụ lưu của nó: 

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

NHỮNG TRẬN CHIẾN Ở TRƯỜNG ÚC


Trường Úc là địa danh thuộc huyện Tuy Phước, từ lâu nó nổi tiếng nhờ những lò vôi một thời cung cấp sản phẩm cho xây dựng, hoặc cho những lò nấu đường thủ công của tỉnh Bình Định. Sự nổi tiếng đó đi kèm với câu ca từ xưa thắm đượm ý tình đôi lứa:

Bao giờ Cầu Úc hết vôi
Đôi ta hết đứng hết ngồi với nhau.

Trường Úc còn hiện diện qua lễ hội Chợ Gò, cái chợ nằm dưới chân núi Úc, ở đây mỗi năm nhóm họp chỉ mỗi một buổi sáng ngày Mồng 1 Tết, là chỉ để bán cái xui rủi, mua lấy cái may mắn đầu năm.

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

XƯA & NAY, KỶ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP



Số tháng 3 năm 2019, tạp chí Xưa & Nay kỷ niệm 25 năm thành lập, có đăng bài Quân Ngự Lâm Của Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh. Từ trang 19 đến trang 25. 

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

BA CHÌM BẢY NỔI LỄ TIẾT – TẾT HÀN THỰC



Trước xưa ở Việt Nam có những lễ tiết mà nay lần hồi đã đi vào quên lãng, như Hàn Thực (mồng 3 tháng Ba), Thất Tịch (mồng 7 tháng Bảy), Trùng Dương (mồng 9 tháng Chín)… Dĩ nhiên lễ tiết sinh hoạt ở trong dân gian, nếu không hiện diện trong ca dao, tục ngữ thì đôi khi thể hiện trong thơ văn của những nhà khoa bảng, văn học. Có thể sơ lược một đôi bài liên quan các lễ Tiết đó:

+ Về tết Thượng nguyên, có bài Quỳnh Hải Nguyên Tiêu của Nguyễn Du, nói đến nỗi niềm của người góc biển chân trời đêm Rằm tháng Giêng, trăng sáng đầy trời vẫn đến với kẻ cùng đường tuổi mới ba mươi.

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thuyền quyên.
Nhất thiên xuân hứng, thùy gia lạc,
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,
Bạch đầu đa hận tuế thì thiên.
Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,
Hải giác thiên nhai tam thập niên

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

XỨ CÀ ĐÁO


Ở Tây Sơn – Bình Định, Cà Đáo là tên gọi trước đây của thôn Dõng Hòa, xã Bình Hòa. Dõng Hòa phía Nam giáp sông Côn, phía Đông là thôn Vĩnh Lộc và Trường Định cùng xã, phía Bắc là thôn Kiên Ngãi xã Bình Thành, phía Tây là Thuận Nghĩa của Thị trấn Phú Phong. Đúng ra Xứ Cà Đáo xưa không phải chỉ diện tích bấy nhiêu như hiện giờ. Thời Gia Long có Dõng Hòa Nhứt khách hộ ấp và Dõng Hòa Nhì khách hộ ấp, mà Dõng Hòa Nhì đến thời Minh Mạng đổi làm thôn An Dõng, còn lưu tên đến ngày nay thuộc xã Bình Thành.

Danh xưng Cà Đáo, có người còn gọi là Kỳ Đáo. 

+ Bất quá, gọi là Kỳ Đáo cho có ngữ âm tiếng Việt, viết được bằng văn tự Hán ngữ cho có nghĩa, giống như vùng ở phía trên xa có địa danh Hà Riêu được gọi trại ra là Hà Rêu (Hán ngữ là Đài Thủy). Xem ra Cà Đáo là ngữ âm của người Chiêm Thành, mà hiện giờ ở các vùng lân cận vẫn còn di chỉ Champa, trong các di chỉ đó, nổi bật nhất là Tháp Dương Long. 

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

TÌNH SỬ VÕ ĐÔNG SƠ - BẠCH THU HÀ


BỐI CẢNH RA ĐỜI

Người miền Nam trước đây từng sống trong cơn lửa binh, cũng từ đó mà phần đông cảm nhận được và mê mẩn hình tượng nhân vật Võ Đông Sơ qua 6 câu vọng cổ của soạn giả Viễn Châu. Trong cải lương, tình sử Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà cũng đã dựng thành vở, do cụ Nguyễn Tri Khương (1890 – 1962) soạn cho gánh Đồng Nữ Ban khoảng năm 1927.

Có tích mới dịch nên tuồng, khởi đầu tích tuồng là dựa theo truyện Giọt Máu Chung Tình của nhà văn Tân Dân Tử, in ở Sài Gòn năm 1926. Giọt Máu Chung Tình còn được biết với cái tên là Thảm Kịch Tùng Đình. Tác giả Tân Dân Tử (1875 – 1955) người làng Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, Gia Định (Nay Tăng Nhơn Phú thộc quận 9, TpHCM). Tên thật ông là Nguyễn Hữu Ngỡi, có lẽ do âm miền Nam đọc trại chữ Nghĩa mà ra. Chưa rõ họ tộc ông có thuộc tộc công thần Nguyễn Hữu của triều Nguyễn hay không. 

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

BÊN BỜ SÔNG CÔN - GÁI PHÚ PHONG NGỒI TRONG DỆT LỤA


Theo một câu ca xưa cho thấy đất Phú Phong, thị trấn của huyện Tây Sơn, Bình Định, từ lâu nó đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa :

Gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa
Gái Cây Dừa cấy lúa quanh năm

Đất Phú Phong ngày xưa gọi là Cây Cốc. Còn vùng Định Quang, Định Bình của huyện Vĩnh Thạnh bây giờ, ngày xưa gọi là Cây Dừa. Cách gọi nầy là cách dân gian gọi theo tên cái Chợ có ở trong vùng. Chợ tại mỗi địa phương hồi ấy không nhóm họp hằng ngày như bây giờ. Chợ ngày xưa chia nhau nhóm theo phiên, nghĩa là chợ họp đúng ngày đã định trong tháng. Tên những chợ phiên phải luôn nằm trên đầu môi của cư dân. Phải biết và nhớ phiên chợ, hòng để đúng ngày mang sản phẩm đến đó bán, hoặc đến để sắm sửa những vật dụng, thức ăn cần thiết.

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

TIẾNG CHIM KÊU BÊN BỜ SÔNG CÔN


Ở Bình Định nay còn lưu truyền lại câu ca xưa:

Củ lang Đồng Phó
Đỗ phộng Hà Nhung
Chàng bòn thiếp mót đổ chung một gùi
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
Chàng giận chàng đá cái gùi lăn đi
Chim kêu dưới suối Từ Bi
Nghĩa nhơn còn bỏ huống chi cái gùi.

Tiếng chim kêu ở suối Từ Bi chỉ là sự than vãn tình đời đổi trắng thay đen. Hẳn ở nơi nào cũng có. Nhưng khi đã là phương dao thì câu ca thể hiện được địa phương tính, chỉ có ở đây mà không có ở nơi khác. Thử xét lại tính địa phương thông qua câu ca trên.

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

TIẾNG GỌI ĐÒ BÊN BỜ SÔNG CÔN


Bình Định có 3 con sông chính. Ở phía Bắc có sông Lại, thuộc huyện Bồng Sơn thời Hậu Lê, nay là các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn. Rồi đến sông La Tinh, nó được xem là ranh giới thiên nhiên của 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát bây giờ, tức là của huyện Phù Ly cũ. Còn huyện Tuy Viễn ngày xưa ấy, gồm các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh, Quy Nhơn của ngày hôm nay thì có sông Côn. Có thể tính thêm sông Hà Thanh, từ Cù Mông chảy qua Vân Canh, Tuy Phước, Quy Nhơn, cũng cùng sông Côn đổ nước ra cửa Thị Nại, được xem là một nhánh của lưu vực phía Nam sông Côn.

Sông Côn là sông lớn nhất của Bình Định. Ngày xưa gọi nó là sông Tuy Viễn. Thời Minh Mạng, khi huyện Tuy Viễn chia làm hai thành Tuy Viễn và Tuy Phước, huyện Phù Ly chia làm hai thành Phù Mỹ và Phù Cát, vì lưu vực sông bao trùm, chảy qua cả 3 huyện Phù Cát, Tuy Viễn, Tuy Phước nên thời bấy giờ nó mang tên trong sách sử là sông Tam Huyện. Từ Pháp thuộc đến nay, sông được gọi là sông Côn. Có lẽ do đọc theo âm Kon của người miền ngược, Kon là tên gọi thượng nguồn chính của sông phát tích tận vùng núi giáp với Kon Tum và Quảng Ngãi.

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

NGÔN NGỮ VÀ VĂN TỰ


Nói đến mối quan hệ giữa Tiếng nói và Chữ viết, có lẽ ai cũng nhớ đến câu nói của cụ Thượng Chi – Phạm Quỳnh chừng trăm năm trước : 

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn
Tiếng ta còn, nước ta còn.

Chữ viết là ký âm của Tiếng nói. Tiếng nói là công cụ truyền đạt thông tin trong giao tiếp, ứng xử… Chữ viết ghi lại truyền đạt đó, để truyền lại cho ngàn sau. Trong giao tiếp, chủ thể tiếp nhận ngôn ngữ của khách thể về làm giàu vốn liếng, cũng là để thông hiểu nhau trong tương tác. Hẳn nhiên cũng sẽ tự làm nghèo một số ngôn ngữ của mình nếu chủ thể ít khi đề cập đến nó. Với tiến trình cuộc sống phát triển, ngôn ngữ định danh cho một sự vật, nếu sự vật ấy không còn sử dụng, tiếng chỉ nó cũng sẽ bị mất đi.