Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

BÌNH ĐỊNH "NẰM CO" HAY BÌNH ĐỊNH "HAY LO" ?


Lâm Bích Thủy - trưởng nữ nhà thơ Yến Lan, một hôm hỏi tôi: “Anh ơi! Em nghe câu ca dao về Bình Định - có người thì nói: “Quảng Nam hay cãi, Quàng Ngãi nằm co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết” - lại có người bảo “Quảng Ngãi hay lo,” còn “ Bình Định ta nằm co” - câu nào đúng vậy?”

Tôi biết Bích Thủy xa quê Bình Định từ năm lên mười, sau 75 – lại tiếp tục sống ở Saigon, nên mới “thắc măc”…kì quặt như vậy. Nhân buổi sáng chủ nhật được thư thả - tôi xin góp dôi điều, trước là đẻ trả lời cho Bích Thủy - và sau chia sẻ là cùng quý bà con - cho vui!

Vốn là người yêu quý văn chương truyền khẩu – từ thuở còn là học sinh trung học, tôi đã có đọc (và thuộc) một số câu ca dao (và tục ngữ) của các vùng miền. Tôi có biết đến câu ca dao nói về “tính chất” của người dân bốn miền như vừa đề cập trên - có nơi ghi là: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định so đo, Thừa Thiên ních hết”. Nhưng theo nhà nghiên cứu biên khảo (đã có trên hai mươi tác phầm - phần lớn viết về con người & quê hương Bình Đinh) Đặng Quý Địch, thì : “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết”  mới thật chính xác!

Tôi có góp ý với Ông: Bình Định so đo - bởi vì “người Bình Định ưa “phân bì”, so sánh. hơn thua, kèn cựa với nhau -cho ý nghĩa về tính chất của người Bình Định được ,,,”giàm nhẹ” (hơn là “hay lo”!) cho dầu, tôi đã nghe câu ca dao chính xác như vậy từ lâu; nhưng Ông Đăng Quý Địch không chịu! Có lẽ, tôi chỉ là người “viết truyện” (và làm thơ lai rai chơi khi thích) chứ không thể là người “nghiên cứu, biên khảo” nghiêm túc? Tôi còn có “tính thiên vị” người dân Xứ Nẫu của mình, nên đã trả lời cho Bích Thủy như vậy!

Theo ý nghĩa của câu ca dao – chúng ta có thể đoán biết – câu ca dao nầy dã được “truyền khẩu” ngay dưới triều nhà Nguyễn (1802-1945):  Vùng miền Quảng Nam – nơi sản sinh nhiều nhà cách mạng, học rộng – nhìn xa, đã luôn “phản kháng” triều đình (và sau nầy là chế độ thực dân Pháp) – nên “hay cãi lại” (tranh luận hơn thua/ đúng sai) không ngoan ngoãn, dễ sai khiến! Miền Quảng Ngãi thì “hay co”  chính là sự“co cưỡng”, không chịu khuất phục, có thể dùng từ bình dân một chút là…”cứng đầu”! Trong lúc người Bình Định bản chất vốn đã “thàng hậu” ( tạm hiểu là hiền hậu, chất phác, cầu an) lại chịu thêm định kiến của nhà Nguyễn về nhà Tây Sơn, về phong trào kháng thuế, phong trào cần vương, phong trào chống Pháp – nhất là“mối liên hệ mật thiết của các gia đình hào phú & người dân Bình Định với phong trào Tây Sơn” – nên muốn yên thân, đành phải “lo lót cho các quan” mà thôi! (Nếu không sẽ bị “gây khó dễ” nầy nọ - có thể dẫn đến tù tội khi không được lòng “các quan” trên!). Người dân Bình Đinh trong qúa khứ đã “lo” cho ai? (câu ca dao trên đã nói rõ rồi!).

Người Thừa Thiên ( Huế) tuy sống trong vùng đất mà về mặt kinh tế không được phong phú, đất hẹp, không phải là vùng giàu có về nông nghiệp, thương nghiệp – nhưng họ có nhiều điểm thuận lợi hơn các vùng miền xa Kinh đô khác: Có trường học lớn, có trường thi cho cả nước, có thầy giỏi, có người thân nhiều đời thay nhau làm quan (từ to đến nhỏ) – do đó, đã đễ dàng trong thi cử, và tiến thân làm quan (nói chung các lãnh vực). Nhìn lại, trên khắp miền đất nước – người Thừa Thiên – Huế đi làm quan các nơi khá đông. Có nơi, không có người dân bản địa được trìều đình cử ra làm quan. vì “không có học vị, phẩm hàm” tuy rất có tài về văn võ! Dưới chế độ phong kiến – “ý quan là ý trời” – ai dám cưỡng lại?

Một lần – Ông Đặng Quý Địch nhắc cho tôi nghe về chi tiết một bài viết của nhà nghiên cứu - biên khảo Tạ Chí Đại Trường (người Bình Định) trên tạp chí Bách Khoa (khoảng năm 71 -72). Ông Tạ Chí Đại Trường, vì “bực mình & cay cú” (cũng vừa dí dỏm chua cay)- nên đã “viết lại” vế sau của câu ca dao là: “ Bình Định…to, Thừa Thiên…”(!). Xem như vậy – không những chỉ “đúng” dưới các triều nhà Nguyễn phong kiến – mà còn kéo dài sau 54 -  dưới triều “nhà Ngô” cũng thế, cho nên một nhà nghiên cứu biên khảo uy tín * (và dẳng cấp) như Ông Tạ Chí Đạ Trường cũng phải…”cay cú” như vậy!

Nhưng ca dao – vẫn là ca dao, chúng ta phải tôn trong sự thật của một thời đã qua trong lịch sử! Giá trị của ca dao (hay tục ngữ) còn lệ thuộc vào dòng thời gian, chuyển biến xã hôi, lịch sử, văn hóa của nhiều thời đại kế tiếp. Trong xã hội tiến bộ vượt bậc ngày nay về các mặt khoa học kỹ thuật, tư tưởng, văn hóa, đời sống – chúng ta đang dần dà “đổi mới” tất cả! Chúng ta sẽ thiết lập một xã hội công bình, văn mình và hạnh phúc hơn!

Có phải vậy không Bích Thủy?

Quê nhà, tháng 9 năm 2013
MANG VIÊN LONG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét