Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

THẦY NGUYỄN ĐỒNG - NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC ĐẤT BÌNH KHÊ

Thầy Nguyễn Đồng (1910 - 1991)

Thầy Nguyễn Đồng, hiệu là Kính Sơn, sinh năm Canh Tuất (1910), vào giữa năm âm lịch, tại thôn Phú Hiệp, xã Bình Phú, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay thuộc Thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Thầy là người con thứ hai trong một gia đình có truyền thống đạo đức và văn hóa. Thuở nhỏ, Thầy được học Hán văn tại nhà. Lớn lên theo học trường Pháp - Việt Collège de Quinhon, là tiền thân của trường Quốc Học Qui Nhơn hiện nay. Thầy Nguyễn Đồng đậu bằng Cao Đẳng Tiểu Học Pháp - Việt hay còn gọi là bằng Thành Chung (Diplôme d’Études Primaires Supérieures Franco-Indigène) năm 1929. Là bạn học cùng quê Bình Khê và cùng khóa với Thầy Nguyễn Đồng ở trường Collège de Quinhon còn có hai người bạn thân thiết của Thầy là Nhà thơ Quách Tấn (1910 - 1992) và Nhà sư phạm Nguyễn Châu (1910 - 1972). Sau khi đậu bằng Thành Chung, vì gia đình không có khả năng tài chính, Thầy không thể tiếp tục học lên bậc Tú Tài ở Huế hay ở Hà Nội. Thân phụ của Thầy và gia đình cũng không muốn cho Thầy làm việc với chính quyền Bảo hộ hay Nam triều, nên Thầy không thi vào ngạch Thông phán hay vào trường Hậu bổ. Thầy về nhà lập gia đình và bắt đầu công việc dạy học và giáo dục của mình ở địa phương.

Cuộc đời hoạt động hơn bốn mươi năm của Thầy Nguyễn Đồng gắn chặt với sự nghiệp phát triển giáo dục và văn hóa ở địa phương Bình Khê, Bình Định. Xuyên suốt các hoạt động của mình, Thầy luôn nghĩ đến và dành toàn bộ tâm sức cho công việc giáo dục và tạo điều kiện giáo dục cho con em ở địa phương, đặc biệt là con em các gia đình nghèo khó, không có phương tiện để cho con em mình được đi học ở nơi xa. Triết lý giáo dục mà Thầy Nguyễn Đồng theo đuổi và thực hiện là Học dĩ vi nhân tức là Học để biết đạo làm người, để  đào tạo được con người sống tốt và hữu ích cho xã hội và đất nước. Trong số rất đông học trò cũ của Thầy, có người đã thành đạt và rất nhiều người đã làm nhiều việc hữu ích cho xã hội và đất nước. Qua bao biến động của lịch sử và thời gian, những học trò cũ nầy vẫn luôn có lòng tưởng nhớ đến Thầy mình, một số ít vẫn tiếp tục liên lạc với gia đình của Thầy sau khi Thầy đã mất.

Sau khi đậu bằng Thành Chung, cùng với anh ruột của mình là Nguyễn Phàm, Thầy Nguyễn Đồng mở trường Tiểu học Pháp - Việt đầu tiên (còn được học sinh và phụ huynh địa phương gọi dưới tên Trường Ông Phàm) ở thôn Phú Hiệp, xã Bình Phú, huyện Bình Khê để dạy học cho con em trong huyện không có điều kiện đi lên tỉnh học. Trường chủ trương phụ huynh nào có khả năng và phương tiện thì trả học phí, nếu không thì được giảm hoặc miễn học phí hoàn toàn, nhưng phải cam kết cho con em theo học đều đặn, không được bắt con em ở nhà giúp gia đình theo vụ mùa nông nghiệp. Trường dạy theo chương trình Pháp - Việt. Trường duy trì được trong nhiều năm, đến cuối năm 1939 thì bị đóng cửa. Từ năm 1940 đến năm 1943, Thầy Nguyễn Đồng rời Bình Khê, lên dạy học ở thành phố Đà Lạt, trong một trường trung học tư thục Pháp - Việt. Đây là khoảng thời gian duy nhất Thầy dạy học ở ngoài tỉnh Bình Định, sau đó Thầy về lại Bình Khê.

Trong suốt những năm của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), dù phải chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ và oan trái, Thầy Nguyễn Đồng vẫn luôn gắn bó với công việc giáo dục ở địa phương. Năm 1949, cùng với người bạn thân thiết của mình là Quách Tấn, và hai người bạn khác là Nguyễn Đồng Luân ở Phú Phong và Trần Đình Chi ở Phù Cát, Thầy Nguyễn Đồng và các bạn đã xin phép lãnh đạo Việt Minh Liên Khu 5 cho mở trường Trung học Tư thục Mai Xuân Thưởng ở thôn An Chánh, xã Bình An, huyện Bình Khê (nay thuộc xã Tây Bình, huyện Tây Sơn) để tạo điều kiện cho con em ở địa phương có chỗ để học tập mà không phải đi xa xuống đến An Nhơn hoặc Qui Nhơn. Trường được lập ở dưới chân núi Hương Sơn, bên bờ Sông Côn, trên một địa thế rất tốt. Hiệu trưởng của trường là Thầy Quách Tấn, nhưng mọi công việc tổ chức quản lý điều hành đều do Thầy Nguyễn Đồng đảm nhiệm. Trường Mai Xuân Thưởng mở được ba lớp : hai lớp đệ nhất niên và một lớp đệ nhị niên, đều do bốn thầy của trường giảng dạy. Trường dạy đúng theo chương trình của chính phủ kháng chiến, nhưng nhấn mạnh ở sự rèn luyện lòng yêu nước, yêu giống nòi. Một nhân sĩ ở thôn An Chánh là Nguyễn Đình Mẫn, lúc bấy giờ có tặng trường một bài thơ :

Rộng rãi ba gian trung học đường
Nương dòng Côn thủy, tựa non Hương
Rèn tâm chí trẻ bền son sắc
Mong nước nhà sau vững cột rường
Lũy cổ gió đưa mùi chính khí
Nguồn trong nước dợn thức văn chương
Rỡ ràng danh hiệu Mai Xuân Thưởng
Đất nước lòng treo một tấm gương

Trường Mai Xuân Thưởng được học sinh mến mộ và phụ huynh ủng hộ dù hoàn cảnh hoạt động rất khó khăn. Nhưng trường chỉ hoạt động được một niên khóa (1949 - 1950) thì phải giải tán theo lệnh chung của toàn Liên Khu 5. Sau khi trường Mai Xuân Thưởng giải tán, năm 1951, Thầy Nguyễn Đồng được tuyển dụng đi dạy trường công lập ở Bình Khê còn Thầy Quách Tấn đi dạy trường công lập ở An Nhơn.

Sau khi hòa bình lập lại, từ năm 1955 cho đến khi nghỉ hưu năm 1974, Thầy Nguyễn Đồng lại kiên trì tiếp tục công việc giáo dục và văn hóa ở Bình Khê, Bình Định. Lúc đầu, Thầy dạy học Tiểu học ở Phù Cát và đến năm 1957 thì được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Quận Lỵ Bình Khê. Cùng trong thời gian kiến thiết lại sau chiến tranh của thị trấn Phú Phong và quận lỵ Bình Khê, Thầy Nguyễn Đồng mong mỏi xây dựng được nền giáo dục và văn hóa ở địa phương cho giới trẻ. Thầy quan niệm rằng để giáo dục học sinh và thế hệ trẻ, chỉ có nhà trường thôi thì không đủ, cần thiết phải có công trình văn hóa, tôn vinh lịch sử và văn hóa địa phương để họ có hiểu biết và lòng tự hào về quê hương, đất nước mình, từ đó noi theo gương sáng, cố gắng làm điều hữu ích cho xã hội và đất nước. Thầy Nguyễn Đồng, cùng với người bạn thân của mình là Quách Tấn, và nhiều bạn hữu có tấm lòng ở Bình Định, vận động, thuyết phục tham gia và tổ chức xây dựng các công trình văn hóa tôn vinh lịch sử và anh hùng hào kiệt ở Bình Khê cho thế hệ sau. Khởi xướng từ năm 1959, Thầy Nguyễn Đồng đã đóng góp không mệt mỏi cho việc vận động và tổ chức xây dựng Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và Lăng mộ Anh hùng Mai Xuân Thưởng trên địa bàn của quận lỵ Bình Khê. Song song với công việc và trách nhiệm hiệu trưởng của Trường Tiểu Học Quận lỵ Bình Khê, Thầy đã vận động thành lập Ban vận động cho hai công trình xây dựng lịch sử và văn hóa nầy, từ việc quyên góp các nhà hảo tâm, xin phép chính quyền tỉnh Bình Định và Trung ương cho việc xây cất, đến việc điều hành và quản lý thực hiện cơ sở vật chất cũng như nội dung lịch sử và văn hóa quan trọng của công trình. Sáng kiến văn hóa nầy được nhân dân địa phương ở các xã trong quận Bình Khê cũng như các địa phương lân cận hưởng ứng nhiệt liệt và kết thúc mỹ mãn. Năm 1961, Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt được xây dựng hoàn thành trong khuôn viên ngôi vườn cũ của gia đình các Vua Tây Sơn, ở thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành, quận Bình Khê, nay thuộc Thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Ngoài sân Điện thờ, đặc biệt có tấm bia khắc bài tôn vinh Hoàng Đế Quang Trung do Thầy Quách Tấn viết. Ngôi Điện thờ nầy hiện nay còn được giữ lại trong khuôn viên của Nhà Bảo Tàng Quang Trung ở địa phương. Tiếp sau công trình nầy, Thầy Nguyễn Đồng đóng góp vào việc xây dựng Lăng mộ Anh hùng Mai Xuân Thưởng và cải táng mộ của Ngài từ thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, vượt Sông Côn sang ngự ở lăng mộ uy nghiêm và trang nhã, được xây dựng trên Núi Ngang, gần Quốc lộ 19, ở thôn Trinh Tường, xã Bình Tường, quận Bình Khê, nay là thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Công trình được khánh thành ngày 17 tháng chạp năm Tân Sửu, nhằm ngày 22 tháng 1 năm 1962. Từ khi hai công trình nầy hoàn thành, Thầy Nguyễn Đồng liên tục tham gia Ban Quản lý Điện Tây Sơn và Lăng mộ Mai Xuân Thưởng. Thầy tham gia việc tổ chức Lễ hội Chiến thắng Đống Đa ngày mồng 5 Tết và ngày giỗ Anh hùng Mai Xuân Thưởng hằng năm, cũng như việc trùng tu và bảo tồn công trình, trở thành rất khó khăn trong những năm cuối của chiến tranh, cho đến khi Thầy nghỉ hưu năm 1974. Từ năm 1961 đến nay, Lễ hội Đống Đa ở Tây Sơn liên tục trở thành sự kiện văn hóa quan trọng bậc nhất của Bình Khê và là điểm nhấn văn hóa đầy tự hào của tỉnh Bình Định trên toàn quốc.

Sau đó, khi các công trình văn hóa và lịch sử nầy đã hoàn thành và hoạt động đều đặn, Thầy Nguyễn Đồng lại đóng góp hết tâm và sức của mình cho việc thành lập và xây dựng Trường Trung Học Quang Trung - Bình Khê, Bình Định, là tiền thân của Trường Trung Học Phổ Thông Quang Trung - Tây Sơn ở Phú Phong hiện nay. Trước đó ở Bình Khê không có trường Trung học, học sinh phải đi Qui Nhơn để học lên Trung học. Con nhà nghèo không có khả năng đi học tiếp sau bậc Tiểu học, phải chịu thất học. Thầy mong ước lập được một trường Trung học công lập ở Phú Phong, để con em trong huyện có thể theo học tại chỗ, không phải đi xa. Thầy vận động thành lập Ban bảo trợ cho việc xin thành lập trường, rồi trong nhiều năm liền liên tục đi lên Tỉnh, vận động việc xây dựng Trường, cuối cùng chương trình được chấp thuận, Trường được thành lập năm 1965. Sau đó Thầy lại phải đảm đương công việc quản lý xây dựng trường ốc hơn hai năm để có thể khai giảng lớp đầu tiên vào niên khóa 1967 - 1968 trong cơ sở mới. Cơ sở mới nầy, được xây dựng trên phần đất giữa bờ sông Côn và di tích của Sở Delignon thuở trước ở Phú Phong. Lúc đầu chưa có hiệu trưởng chính thức, Thầy Nguyễn Đồng kiêm nhiệm chức vụ Quản đốc của Trường Quang Trung đến năm 1968. Sau đó, Thầy vận động được Thầy Trần Văn Thái, một học trò cũ của Thầy ở Phú Phong, đã tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp, dang dạy học ở Bồng Sơn, về làm Hiệu trưởng của Trường. Thầy Nguyễn Đồng vẫn tiếp tục dạy ở trường này cho đến khi nghỉ hưu năm 1974. Từ khi Trường Trung học Đệ nhất cấp và tiếp theo là Trung học Đệ nhị cấp Quang Trung được thiết lập ở Phú Phong, ngôi trường đã góp phần tạo điều kiện cho con em của huyện Bình Khê, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tài chính cho con em đi học xa, sau khi tốt nghiệp bậc Tiểu học, được tiếp tục lên Trung học tại chỗ, đã thực hiện được mong ước từ lâu của Thầy Nguyễn Đồng.

Từ năm 1974, sau hơn 40 năm hoạt động giáo dục và văn hóa liên tục, Thầy Nguyễn Đồng về nghỉ hưu, vui thú điền viên và đọc sách ở quê nhà tại thôn Phú Hiệp, xã Bình Phú, huyện Bình Khê. Mùa đông năm Tân Mùi (1991), do tuổi già, sức yếu, Thầy Nguyễn Đồng lâm bệnh và mất vào ngày mùng 10 tháng 11, nhằm ngày 15 tháng 12 năm 1991. Lễ tang Thầy được tổ chức đơn giản, nhưng nghiêm trang và ấm cúng. Ngoài các bạn bè, thân thuộc, còn có hằng trăm học trò cũ của Thầy, nhiều thế hệ khác nhau, xa gần đến thăm, chia buồn với gia đình Thầy. Điều hết sức cảm động là có nhiều học trò cũ của Thầy Nguyễn Đồng, đã chung vai, thay nhau cùng khiêng linh cửu đưa Thầy đến tận huyệt mộ. Lúc đó là mùa Đông, ở quê trời tối sớm, phải đốt đuốc soi đường để đi. Mộ phần của Thầy được an táng trong nghĩa trang gia tộc họ Nguyễn ở thôn Phú Hiệp, nằm dưới chân núi Kính Sơn, đầu tựa đỉnh Kính Sơn, chân hướng về dòng sông Côn xanh lục. Năm Kỷ Tỵ 1989, nhân dịp được 80 tuổi, Thầy Nguyễn Đồng trong bài thơ tự thuật Mừng tám mươi xuân gởi tặng người bạn thân Quách Tấn, có hai câu :

Núi Kính tuôn mây gìn đủ nghĩa
Sông Côn trải lục đón nguồn ân

Thầy Nguyễn Đồng an nghỉ trong lòng đất của quê nhà, sau suốt một đời miệt mài hoạt động vì sự nghiệp giáo dục và văn hóa của địa phương, đã sống một lòng vì nghĩa lớn để trả ơn cho quê hương đã sinh ra mình, để lại cho không ít người, lòng biết ơn và kính mến…

Nguyễn Chí Thành
Cựu HS Khóa 3 Quang Trung Bình Khê


*  Xin phép tác giả cho BBT được đăng bài viết dưới tiêu đề khác bản thảo.
*  Xin phép được ghi năm sinh của Thầy theo Bia mộ. Sau sẽ xác định lại rõ hơn.












2 nhận xét:

  1. Trong văn học sử cũng như các sự kiện lịch sử, thường có chút lẫn lộn khi quy chiếu các niên đại ngày xưa ra năm Dương lịch theo công lịch đang sử dụng phổ biến hiện nay. Đó là chuyện bình thường. Vì ngày xưa với tuổi mụ, tuổi âm, tuổi dương, tuổi khai giấy tờ… ít ai để ý rằng sau nầy chúng dễ gây nhiều nhầm lẫn khi ghi chép lại.

    Thông thường, khi quy chiếu năm Kỷ Dậu đầu thế kỷ trước ra năm Dương lịch thì nó là năm 1909, năm Canh Tuất là năm 1910. Nhưng nếu có người sinh vào ngày 02.01.1910 thì lúc đó Âm lịch chỉ mới 21 tháng 11 năm Kỷ Dậu, có nghĩa là người đó vẫn ở tuổi Dậu. Mãi đến ngày 10.02.1910, ai sinh từ ngày đó đến ngày 29.01.1911 mới gọi là tuổi Tuất.

    Đồ Gàn XXI hiện nay đủ điều kiện quy chiếu ngày tháng Âm lịch, ngày tháng Can Chi ra Dương lịch và ngược lại, trong khoảng đầu thế kỷ trước đến năm 2200. Ai cần tra cứu, Đồ Gàn XXI sẵn lòng phụ một tay…

    Trả lờiXóa
  2. - Công nghiệp và tấm lòng của Thầy, quá rõ; nói thêm chỉ là kết hoa thêm vô gấm mà thôi.
    - Góp với tác giả bài viết về phần lăng Mai Xuân Thưởng là "Trinh Tường" chưa bao giờ là "ở thôn Trinh Tường, xã Bình Tường, quận Bình Khê" mà trước năm 1945 Trinh Tường là "làng", là "xã" Trinh Tường, thuộc tổng Vĩnh Thạnh. (coi thêm ở đây )
    - Tôi rất vinh dự và tự hào khi từng được là học trò, hơn nữa là học trò giỏi, của Thầy. Mời coi thủ bút và lời phê của Thầy (mời coi ở đây )

    Trả lờiXóa