Có
lẽ ngày xưa các cụ của ta hẳn bấn loạn ghê gớm khi bỏ bút lông cầm lấy cây bút
sắt để viết chữ “quốc ngữ” - kiểu chữ abc (!). Cái “chữ ta”, chữ Nho của Hán ngữ mà lâu nay các cụ tụng như tụng kinh, theo
các cụ đó là chữ của thánh hiền. Chữ thánh hiền là chữ của đạo nghĩa. Không ít
người kể lại chuyện các cụ khi tập viết chữ, viết xong phải nhai chúng nuốt vào
bụng. Chữ của thánh mà vứt bỏ bậy bạ sẽ ô uế, tỏ ra bất kính. Không biết có phải
vậy không, nhưng cũng không ít người kể lại rằng các cụ nuốt chữ vào bụng là để
chữ ở luôn hẳn trong người, may ra khi đi thi còn có chữ lấy ra tranh làm ông
Nghè ông Cống với thiên hạ!
Thời
của các cụ còn đậm hằn cái tư tưởng người An Nam phải học chữ An Nam. Cái chữ
viết bằng cái bút sắt kia là chữ của Tây, của giống bạch quỷ đang gặm từng tấc
đất của cha ông như tằm ăn dâu. Chữ của Tây là chữ của quân xâm lược, chữ của chúng
làm sao có đạo lý bằng “chữ ta” … Ấy đấy, nhưng chữ viết ta đang dùng
hiện nay lại là chữ của Tây, là chữ “quốc
ngữ” mà hồi ấy các cụ đay nghiến! Thế mới đau cùng các cụ! Nhưng kể ra cũng lạ, nỗi đau nào rồi
cũng đụng tới cái ngưỡng hòa tan với sự trưởng thành của chính con người. Thế
mà đến tận bây giờ, có người còn cho rằng chữ Quốc Ngữ, chữ của mấy ông Cố đạo
Tây sáng tạo từ thời Trịnh Nguyễn ấy, họ phát minh ra chúng chỉ nhằm mục tiêu
duy nhất là tạo ra một phương tiện truyền đạo để rồi gieo rắc bao tai ương cho
đất nước (!?), không cần phải tri ân, không cần phải dùng tên của họ đặt tên đường
để biểu lộ lòng biết ơn! Hãy coi chữ
“quốc ngữ” như là một “chiến lợi
phẩm” (!)
Xem
kiểu chữ abc như một chiến lợi phẩm, không cần phải tri ân (!?). Hiện nay chỉ
có Việt Nam là nước duy nhất vùng Đông Nam Á sử dụng kiểu chữ viết abc để ghi lại
ngôn ngữ Việt. Trong khi đó, cũng giống như Việt Nam, các nước Đông Nam Á trước
đây đều là những thuộc địa của các nước sử dụng hệ thống chữ viết theo mẫu tự
la tinh abc. Nếu vậy thì thật là khó coi cho chính ta và cũng tội nghiệp cho mấy
ông Cố đạo. Những nhà hiền triết phát kiến, những bậc thông tuệ phát minh, họ sáng tạo ra những lợi ích cho nhân
loại, khi khổ công làm việc hẳn không ai lại nghĩ đến việc người đời sẽ phải
tri ân họ. Chỉ có những người thừa hưởng sản phẩm của họ đã thật lòng biết ơn,
hay giả vờ tri ân họ khi sử dụng những sản phẩm đó vào một mục đích lợi lộc nào
đó mà thôi.
Ngôn
ngữ, Chữ viết cũng là một trong những vũ khí xâm lược, hoặc được dùng để ngăn
chặn sự thôn tính. Đi theo ngàn năm Bắc thuộc, Hán tự đã hiện diện ở Việt Nam
như là một chữ viết chính thức. Rồi gần đây, vào đầu thế kỷ trước, Nhà nước Bảo
hộ phải chèo kéo, bắt buộc thanh niên Việt học chữ abc để kéo dài ách đô hộ
trăm năm. Thằng Chuột của “Tuấn
Chàng Trai Nước Việt” thời đầu thế kỷ
trước hý hửng khoe nó là “lắc léo mê
dòng lô” - ráp chữ L'élève maison
l'eau của tiếng Pháp để dịch nghĩa là Học Trò Nhà Nước (!?), nhưng chẳng qua chỉ
vì bị hăm dọa là quan Tây sẽ bỏ tù nên Chuột mới nén lòng mà đi học kiểu chữ viết
bằng bút sắt. Thời ấy, các cụ của ta dù có không ưa kiểu chữ của mấy ông Cố đạo
đi nữa, nhưng khi Nhà nước Bảo hộ Pháp cùng với vương triều Nguyễn bãi bỏ các kỳ
thi chữ Hán thì các cụ đành vứt bút lông đi mà giắt lấy cây bút sắt, bút chì. Cụ
Tú Trần Kế Xương thời ấy đã từng ngậm ngùi với chuyện thi cử, đỗ đạt. Bên cạnh
đó lại cho chúng ta thấy rõ vì sao những con chữ lại có mặt trái của sức sống nó. Giắt bút lông chỉ để mong được ghi bia Tiến sĩ, ăn trên ngồi trước, giắt
bút chì chỉ để mong được làm ông Thông, ông Phán tối rượu sâm banh sáng sữa bò :
ĐỔI THI
Nghe nói khoa này sắp đổi
thi
Các thầy đồ cố đỗ mau đi !
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút
chì.
(Tú
Xương)
Chữ
viết là hệ thống ký hiệu dùng để ghi lại ngôn ngữ. Chữ viết thực sự phát triển
hay bị chết đi khi ngôn ngữ - tiếng nói của dân tộc đó không còn nữa, hoặc
không được giới có thẩm quyền bảo bọc, thừa nhận để có những quyết định chính trị
chính đáng. Mọi cố gắng của các cụ nhà ta là sáng tạo ra chữ Nôm để ngăn chặn sự
Hán hóa. Nhiều tác phẩm văn thơ các cụ để lại cho đời nay đã được viết bằng chữ
Nôm. Nhưng những cố gắng đó đều vô vọng khi nhà cầm quyền đương thời vẫn duy
trì Hán tự. Rồi nếu nhà cầm quyền Bảo hộ Pháp không bãi bỏ các kỳ thi Hương trước
đây thì nhiều người vẫn sẽ tiếp tục học và dùng chữ Hán. Biết đâu nó sẽ tồn tại
cho đến bây giờ. Chữ viết theo hệ thống mẫu tự la tinh abc được các Cố đạo dòng
Tên như Chiristoforo Borri, Francisco De Pina, Francesco Buzomi… nhen nhúm,
khai sinh ở cảng thị Nước Mặn (Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định) tự những năm
đầu thế kỷ 17. Khi cuốn tự điển Việt - Bồ - La được Alexandre De Rhodes (15.03.1591
- 5.11.1660) xuất bản vào năm 1651, chữ
quốc ngữ đã được định hình. Nhưng mãi đến khi nhà cầm quyền Pháp thực sự bắt
tay vào cuộc thì chữ viết kiểu abc mới song hành cùng tiếng Việt với chúng ta cho
đến tận ngày nay. Tồn vong của chữ viết, có một phần không nhỏ từ vai trò của
nhà cầm quyền.
Chữ
viết tồn tại, nó có quan hệ mật thiết, không thể tách rời nó với ngôn ngữ. Chữ
viết làm phong phú thêm ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ không thể áp đặt lên chữ viết.
Còn nhớ khoảng sau 1975, thời ấy không ít người (là những anh chàng cô nàng mà
ngày nay cỡ chừng năm mươi năm mấy), đã từng ngớ ra khi nghe Thầy dạy toán của
mình ngượng nghịu với lời giảng : “Trong
một hình 5 cạnh a bê xê dê đê …”. Thậm
chí có nơi còn nghe Thầy đọc rổn rảng : “Cho
hình vuông a bờ cờ dờ”. Thật quái quỷ.
Làm như khi đọc là “tứ giác a bê xê
đê” (ABCD) thì không thể hiện đúng bản
sắc của tiếng Việt vậy !? Chỉ mấy chữ cái để biểu thị một đa giác trong môn
toán, sao lại có kiểu học khác với trước đây làm nhiều Thầy mắc cỡ khi phải
phát âm. May là chúng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Hiện
tượng nhảy múa của những chữ cái kiểu đó ngày nay có không ít chuyện tréo cẳng
ngỗng. Chữ viết ghi lại âm của ngôn ngữ. Ấy vậy mà chỉ với mấy chữ cái, âm gọi
của chúng lại lộn xộn cả lên :
- Nờ thì có nờ
cao (L), nờ thấp (N)
- Ơ thì có ơ
tròn (Ơ), ơ dẹp (Ê)
- Y thì có y
dài (Y), y ngắn (I)
- Bê thì có bê
bò (B), bê phở (P)
- Sờ thì có sờ
nặng (S) sờ nhẹ (X)
Làm
sao kiên nhẫn nổi với những cách đọc loạn cào cào như vậy, thậm chí có nơi xuất
hiện ngay trong nhà trường, thế thì trách chi chuyện học sinh thường viết sai
chính tả!
Mười
năm trước đã có quy định phân biệt hệ thống
a-bê-xê là hệ thống tên chữ dùng đọc từng chữ cái riêng biệt, còn hệ thống a-bờ-cờ
là hệ thống âm của các chữ dùng để ghép vần. Nhưng xem ra quy định nầy chẳng
tác dụng gì trong nhà trường. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thanh - truyền hình,
nơi thể hiện tri thức cũng như phong cách sống của người dân trong một nước lại
là nơi đi ngược lại quy định đó.
- Nếu ai thường xem chương trình Chiếc Nón Kỳ
Diệu, hẳn là chưa thấy người chơi nào
cũng như người dẫn chương trình đọc mẫu tự G là “giê” cả. Ai cũng đều đọc chúng là “gờ” theo hệ thống a bờ cờ.
- MU là chữ viết tắt tên đội bóng Manchester
United, cả truyền thanh lẫn truyền hình, khi thì đọc là đội em u, khi thì đọc là mờ u. MC là chữ viết tắt chỉ người dẫn
chương trình (Master of Ceremonies), không đọc là em xê (theo hệ thống a bê xê), cũng không đọc là mờ cờ (theo hệ thống a bờ cờ) mà lại
đánh vần thẳng bằng tiếng Anh là em xi
…
Thật
điên đầu cho mấy đứa nhỏ mới học vần chẳng biết đâu mà lần. Cũng thật khổ tâm
cho ai muốn thống kê đủ những kiểu loạn cách đọc ở trên.
Chỉ
với những mẫu tự - chữ cái mà đã lộn xộn đến vậy. Nhà trường lẫn hệ thống truyền
thông chẳng làm trọn phần việc của mình. Có nhiều nguyên nhân, trong đó không
thể không lưu tâm đến quán tính, phản ứng tự nhiên của người sử dụng tiếng nói gắn
với quá trình đào tạo, gắn với phương ngữ, với tâm lý kẻ bề trên, kẻ chiến thắng
… Hơn ai hết, những nhà chuyên môn về ngôn ngữ, về âm vị học đã nhìn ra những
rào cản nầy, đã nhận ra được quy định phức tạp trên kia là gánh nặng khi học
sinh phân biệt sự khác nhau giữa âm và
tên chữ cái. Nhưng những nhà chuyên môn không thể làm gì nổi trước thực trạng
lề mề của công chúng cũng như giới có thẩm quyền.
Thừa
hưởng được chữ viết có nhiều ưu điểm trong việc dễ dàng tiếp cận với kỷ thuật
văn minh nhân loại là may mắn của dân tộc. Vậy làm thế nào để chữ viết và ngôn
ngữ của đất nước ngày càng được trong sáng hơn. Bất quá đó chỉ là ước ao của
người mới học vần abc mà ngồi mơ giải được phương trình của một bài toán. Dù
sao đã sống chung với chữ viết theo hệ thống mẫu tự la tinh bấy lâu nay, gì đi
nữa thì uống nước phải nhớ tới nguồn, không thể không nhớ đến cái thời học vỡ lòng, lúc tập đánh vần từng con
chữ đã thường hay cùng nhau nghêu ngao hát :
a bê cê ngồi xề xuống chấm
a ă â phải nhớ trả tiền
Trường Nghị
- Nờ thì có nờ cao (L), nờ thấp (N)
Trả lờiXóa- Ơ thì có ơ tròn (Ơ), ơ dẹp (Ê)
- Y thì có y dài (Y), y ngắn (I)
- Bê thì có bê bò (B), bê phở (P)
Toàn là "tượng hình" hết, sao lại chen vô một cái "tượng thanh":
- Sờ thì có sờ nặng (S) sờ nhẹ (X)
Ta cho nó "tượng hình" luôn, như zầy:
- Sờ thì có sờ chim -giống con chim (S) sờ bướm - giống con bướm (X).
Rất hình tượng và rất ấn tượng!
XóaMấy Thầy Cô thật sáng tạo!
Nói thêm cho đủ chớ :
XóaSờ ( S ) chim là sờ Sung Sướng ,
Sờ ( X ) bướm là sờ Xấu Xa.