Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

GIỖ THẦY


Đã từ lâu, từ khi tập tễnh viết thành những đoản văn, tôi đã có ý định viết về Thầy, nhưng đến giờ này, vẫn là trang giấy trắng nằm trước mặt tôi.

Bởi vì Thầy tôi tài giỏi lắm, Thầy tôi tài hoa lắm và Thầy tôi cũng ngang, ngang lắm. Eo ui, đến bây giờ, mấy chục năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ đến cây roi thần của Thầy, Thầy chỉ cần đứng đó, nhịp nhịp cái roi là đám con gái bọn tôi đã toát mồ hôi hột rồi, còn đám con trai thôi thì khỏi nói, đang leo hàng rào cổng trường, thấy bóng Thầy đã co giò thẳng cẳng, cao chạy bay xa, không dám ngoái đầu nhìn lại... Ôi chao! Nhớ ơi là nhớ.

Thầy mà tôi muốn nói đến đây là Thầy Nguyển Đình Lương, Giám thị một thời của trường Quang Trung Bình Khê, thị trấn Phú Phong, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Ừ ! Không biết tại sao : Thầy là Giám thị, Thầy Trương Di là Tổng Giám thị, vậy mà trong trí nhớ của tôi, luôn là ngược lại. Có lẽ tại Thầy Di nhỏ nhắn, trắng trẻo, còn Thầy Lương với cây roi mây dài mấy thước, vừa lo dạy học, vừa lo mọi việc trong trường, từ việc lớn đến việc nhỏ, báo chí, văn nghệ, hội hoạ, thi văn. Cứ có gì khác lạ là học trò tìm đến Thầy, nhờ giải quyết.

Không biết sao vào thời kỳ đó, trừ những Thầy từ ngoài Huế vô, từ QN đến, đa phần còn lạii là sinh đẻ ở quê tôi hay huyện vùng lân cận. Thầy Lương cũng không ngoại lệ. Nhà Thầy gần nhà tôi lắm, chỉ cách nhau mấy căn. Học sinh đa số cũng là người địa phương. Có nghĩa là có Thầy đã nhìn thấy chúng tôi khi còn là những đứa bé  thơ, lớn dần theo năm tháng, cắp sách đến trường, và trở thành Thầy cô giáo của chúng tôi. Sau này tôi tự hỏi, có phải chính vì tình yêu quê hương, yêu làng xóm láng giềng, yêu các lớp đàn em nhỏ, đã khiến cho Thầy tôi bỏ ra rất nhiều công sức, tâm huyết vào mái trường trung học duy nhất, nơi đào tạo chúng tôi nên người, hòng có một tương lai tốt đẹp hơn.

Kỷ niệm tôi có với Thầy may mắn hơn nhiều so với các bạn khác, thay vì bị thưởng thức cái nhịp nhịp của chiếc roi mây, bị la vì đi học không đúng giờ, không mặc đồng phục chỉnh tề, không làm bài đầy đủ... Tôi lai được “nghe  lén”  những mẩu chuyện riêng tư của Thầy. Bởi vì Thầy là bạn với người anh lớn nhất của tôi. Tôi nói là nghe lén bởi thỉnh thoảng Thầy vẫn đến nhà tôi, hai người tâm tâm sự sự. Tôi không biết hai người có học chung lớp với nhau không, nhưng hai người có gia đình vào cùng thời điểm, có đứa con đầu lòng cỡ tuổi giống nhau, có người phổi ngẫu  không là người của địa phương... Có lúc tôi thấy Thầy mang theo tranh do Thầy vẽ, cùng anh tôi chăm chăm chú chú, nhưng cũng có khi là những bức tranh của hoạ sĩ BeKy mà anh tôi ưa thích. Lúc ấy, tôi thấy mình hãnh diện lắm. Thấy dáng Thầy từ xa đi tới, tôi khoanh tay chào, rồi giả vờ loanh quanh đâu đó "để  mà nghe họ nói gì". Thật ra, nói nghe lén cho nó xôm trò, chứ hai người đàn ông có bao giờ biết thầm thì to nhỏ như cánh đàn bà con gái của chúng tôi đâu. Còn hãnh diện? Sao không hãnh diện cho được khi bạn bè tôi sợ Thầy ghê lắm, tôi lại được Thầy đến nhà, được nghe Thầy cười, nghe Thầy nói dù chỉ là với anh tôi. Có nhiều khi tôi muốn kể vài chuyện của Thầy mà tôi đã  nghe lén cho các bạn tôi, "cho tụi nó tin ", nhưng nghĩ đến chiếc roi mây nhịp nhịp của Thầy là tôi phát ớn, thế là từ đó, từ thuở bé, tôi đã có những niềm riêng mà không dám nói ra rồi. Tội nghiệp tôi ghê chưa?

Nhưng đó là kỷ niệm của Thầy với anh tôi. Còn tôi với Thầy là những kỳ văn nghệ. Tôi làm sao quên được những kỳ lưu diễn, Thầy dẫn đoàn văn nghệ trường, sau này còn là văn nghệ của địa phương, đi khắp những huyện xa thị trấn hơn để trình diễn. Mỗi một màn trình diễn của bất kỳ lớp nào cũng được Thầy quan tâm, sửa đổi để đạt được kết quả tốt đẹp, mà chỉ với những người có năng khiếu về nghệ thuật như Thầy mới có thể nhận ra.

Năm tôi học lớp 8A, màn vũ Hái Hoa  của lớp tôi may mắn được tuyển chọn thu cho đài truyền hình của Tỉnh cùng với các tiết mục cấp lớp khác. Đây là lần đầu tiên, vinh dự cho trường tôi lắm. Thế là Thầy trò chúng tôi lên đường, đến Thị xã Quy Nhơn để quay phim.  Nếu đám học trò của bọn tôi lo một thì Thầy lo đến mười. Trách nhiệm to lớn lắm. Thầy xăng xái chăm cho từng tiết mục, trước và sau khi diễn, từ phần trang điểm, dựng cảnh, tập dợt... Xong còn lo cho những cấp lớp nhỏ như lớp chúng tôi, Thầy nhắc nhở ăn uống, không được để mất sức... Tôi còn nhớ lúc ấy, từ quê tôi xuống thị xã còn khó khăn lắm chứ không như bây giờ.  Có nhiều bạn còn bị say xe, Thầy tôi lôi trong túi ra chai dầu. Đấy ! Thầy tôi lo cho chúng tôi từng chút, từng chút như thế đó, từ việc nhỏ cho đến việc to. Như tôi đã nói ở trên, hỏi sao chúng tôi không gần gũi với Thầy cho được. Trên đường đi, ngồi trên xe, Thầy trò chúng tôi cùng nhau hát những bài hợp ca hùng hồn, mà Thầy bảo vừa cho có phong trào, vừa tránh được say xe say sóng. Đó cũng là điều tôi học hỏi được từ Thầy của tôi, khi tôi còn là cô bé lớp 8.

Theo tôi, cấp lớp chúng tôi là cấp lớp không được may mắn lắm trong những năm ở bậc trung học. Có thể đó chỉ là nhận xét của riêng bản thân tôi. Nhưng tôi vẫn cứ muốn viết ra đây. Này nhé, khi mấy đứa con gái chúng tôi thi vào đệ thất, được mặc chiếc áo dài đầu tiên, chao ôi thấy mình quan trọng lắm, đi tới đi lui nhưng vẫn chỉ là thân hình của những đứa bé. Sau vận nước đổi thay, chúng tôi đang biến dần thành những thiếu nữ biết soi mình làm dáng, biết chăm sóc cho dáng dấp con gái của mình..., thì vì hoàn cảnh đất nước giao thời, chúng tôi không còn mặc chiếc áo dài nữa, mà thay vào đó, đồng phục đi hoc của chúng tôi là áo trắng với quần đen. Bây giờ nhìn các em nữ sinh trung học đi học, mặc áo dài trắng, mang cặp, đi chiếc xe đạp, tôi thấy yêu kiều và may mắn lắm. Và tôi bỗng thấy thương cho tuổi thơ của mình. Không biết tôi có đa sầu đa cảm lắm chăng?

Tôi làm quen sớm lắm với nhạc Trinh công Sơn, không biết từ năm lớp mấy tôi đã biết lẩm nhẩm những Ca khúc da vàng, Như cánh vạc bay... theo giọng ca Khánh Ly phát ra từ chiếc máy cassette hình chữ nhật, nhỏ nhắn, xinh xắn có mấy nút bấm trên đầu năm xưa. “Nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em”... Từng lời ca như thấm vào trong tôi, nhưng lúc ấy tôi có hiểu gì đâu. Làm sao tôi hiểu được nét suy tư của Thầy và anh tôi khi họ cùng nhau hát : “người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín, người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương nước mắt lưng dòng”.

Sau này lớn lên, hiểu được từng chữ từng lời của Trịnh, tôi ngầm cảm ơn người đã cho tôi những ký ức của tuổi thơ bằng dòng nhạc quý giá ấy. Ngoài Trịnh công Sơn, Thầy tôi còn yêu dân ca lắm lắm. Những kỳ thi văn nghệ, hễ lớp nào múa dân ca là được cao điểm. Thầy tôi yêu thích lắm những bản đồng dao, những ban nhạc tình tự quê hương, Thầy đã đưa vào tâm hồn  chúng tôi bằng dòng nhạc, bằng sự yêu thương như Thầy đã yêu thương cái thị trấn nhỏ bé, xóm láng giềng của tôi. Ôi! sao mà tôi nhớ những Se chỉ luồn kim, Hái hoa, Ông Ninh Ông Nang, những Thu ca, Nắng lên xóm nghèo... hay những hoạt cảnh Tiếng trống Mê Linh, Hòn vọng Phu hay Thạch Sanh Lý Thông của mấy mươi  năm trước như thế này đến thế nhỉ? Ôi! nhớ sao là nhớ!

Tôi rời xa quê hương ở vào cái tuổi có thể bước vào đời. Bấy lâu quen sống trong sự bảo bọc, che chở của ba mẹ và gia đình, nên khi đối diện với thực tế của cuộc sống, tôi  ngỡ ngàng, ngơ ngác nơi đất nước tạm dung. Mặc dù lúc đi hoc, vì sợ ăn roi mây của Thầy nên tôi cũng O cái môn Anh văn lắm, nhưng với cái vốn liếng anh ngữ của một cô học trò tỉnh lỵ nhỏ, không có cơ hội thực tập, trong buổi giao thời, thật quá ít ỏi khi phải tiếp xúc với người bản xứ. Tôi và người em trai đi cùng phải vật lộn với cuốn từ điển hàng đêm để có được mảnh bằng và để ổn định cho cuộc sống của mình nơi đất khách. Tôi còn may mắn là có cô giáo trẻ người Huế vô ở trọ nhà tôi, cô cũng dạy Anh văn. Cô Đoàn thị Lộc. Nhưng đúng là bụt nhà không thiêng, thay vì học kèm thêm Anh ngữ với Cô, những lúc rảnh rỗi, chị em chúng tôi và Cô cứ đùa giỡn, chọc phá nhau, bày vẽ trò ăn uống. Nhắc lại, tôi nhớ Cô lắm. Tình cảm chúng tôi như là chị em. Điều mà tôi muốn nói ở đây là thỉnh thoảng tôi cũng có nhớ về dĩ vãng, mỗi khi nghe lại một bản dân ca, một bản nhạc của Trinh công Sơn ngày nào, tôi thấy nhớ những buổi trưa hè nơi chôn nhau cắt rốn, có Thầy, có anh tôi... Nhưng rồi, như những cơn gió thoảng bay đi, tôi trở về với thực tại.

Sau này, khi ba và anh tôi mất, điều kiện đi về dễ dàng hơn, tôi có về thăm. Về lại với gia đình, tôi như sống lại những ngày xa xưa, bây giờ mẹ tôi sống ở Sài Gòn, tôi ngụp lặn trong sự yêu thương, chăm sóc của mẹ, của chị, của người thân. Bốn tuần về thăm, 2 tuần bên chồng, 2 tuần bên mẹ... quả là quá ít. Nên lần nào về lại Úc - quê hương thứ hai, gia đình tôi cứ mong ngóng cho lần về kế tiếp.

Tôi còn nhớ năm về Quy Nhơn, tôi ghé lên thăm trường cũ. Trường tôi thay đổi nhiều quá, tôi dõi mắt tìm về sân khấu năm xưa, nơi tôi và các bạn đã từng trình diễn. Thấy buồn lắm. Không biết giờ này Thầy và các bạn có ai còn nhớ đến tôi hay cũng vì cuộc sống mà quên đi những năm tháng cũ. Tôi muốn đi thăm hỏi để tìm người quen, nhưng rồi, tôi đã rời trường với nỗi bâng khuâng...

Sau ngày giỗ của anh tôi, gia đình tôi chuẩn bị hành lý để trở về Úc, có cô em họ từ ngoài quê vào tiễn đưa. Sau một hồi chuyện trò, em hỏi tôi có còn nhớ Thầy Nguyễn Đình Lương không, Thầy vừa mất không lâu. Tôi thấy lòng mình se thắt, nước mắt không tuôn chảy, mà thay vào đó một hối hận, tiếc nuối khôn nguôi. Thì ra Thầy tôi vẫn còn ở đó, ở tại nơi có mái trường mang tên Quang Trung Bình Khê mà Thầy đã bỏ vào đó nhiều tâm huyết. Nếu hôm ấy về lại trường, tôi chịu đi tìm người quen, thì có thể Thầy trò tôi đã có dịp gặp lại  nhau rồi. Tất cả cũng chỉ vì tính do dự, ngại ngùng của tôi mà ra. Tôi ân hận lắm.

Như đã nói ở trên, từ khi tập tễnh viết văn, tôi đã có ý định viết về Thầy, như một lời tri ân, như ghi lại những kỷ niệm với người Thầy mà tôi quý mến. Nhưng đến giờ này, ba năm sau ngày Thầy tôi mất, cố gắng lắm tôi chỉ viết được có chừng này kính gửi đến Thầy. Xem như một nén hương muộn màng gửi đến Thầy nhân ngày Hiến chương các nhà giáo. Hy vọng Thầy hiểu được tấm lòng thành của tôi. Bởi vì, tôi đã thử viết nhiều lần nhưng không hoàn tất, vì viết về Thầy tôi là điều không phải dễ. Viết không hay, không đúng thì có lỗi với Thầy, mà viết về tài của Thầy thì tôi không đủ khả năng. Lại nữa nhiều người văn hay chữ tốt đã viết về Thầy tôi rồi, bỡi Thầy nổi tiếng lắm. Thầy là một trong những dị nhân của đất Võ Tây Sơn của tôi mà. Tài hội hoa, thơ văn của Thầy tôi tuyệt vời. Từng chữ từng câu trong nhiều bài thơ của Thầy mà gần đây tôi mới tìm và đọc,  đã thật gây xúc cảm và ấn tượng trong tôi. Thầy như vậy thì làm sao tôi dám viết về Thầy cho được. Cộng thêm cái tính do dự, không tự tin của tôi nữa, cho nên viết về Thầy, tôi cứ viết nửa chừng rồi lại thôi... 
                       
Nhưng lần này tôi nhất định phải hoàn thành điều mình đã ấp ủ từ lâu. Bởi tôi không muốn mình sẽ ân hận như ba năm về trước, về đến quê nhà mà vì ngần ngại nên đã bỏ đi cơ hội gặp lại người Thầy mà mình quý mến. Văn dở hay hay thôi thì cũng tùy theo người đọc. Và tôi, tôi hy vọng rằng Thầy sẽ hiểu được tấm chân tình của tôi, nhận bài viết nầy như những nén hương muộn màng kính dâng lên trong ngày giỗ ba năm của Thầy...

Xin gửi các bạn một trong những bài thơ của Thầy Nguyễn Đình Lương mà tôi rất thích để kết thúc cho bài viết Giỗ Thầy của tôi  năm nay.

CHÀO EM 

Chào em Xuân tạnh một mình
Ngẩn ngơ đi giữa cuộc tình bể dâu
Chào em chưa biết về đâu
Nón nghiêng đổ nắng đỏ màu phượng bay
Chào em sương mỏng lá gầy
Vàng heo may hắt bóng gầy phù du
Chào em mưa gió mịt mù
Trắng trời nước mắt buồn du phận  mình
Chào em qua khỏi linh đinh    
Về mừng tuổi mới ấm tình xuân nay



Úc Châu, tháng mười, năm hai không một bốn 
Xuân Trương
Khóa 8 QuangTrung BinhKhe.


8 nhận xét:

  1. Từ bao ngàn dặm xa xôi, Xuân vẫn luôn nhớ về người Thầy đáng kính, tài hoa của mình với bao kỷ niệm đầy thương nhớ, cảm ơn em tôi đã nhắc về kỷ niệm của Thầy chúng ta, cảm ơn VinhK8 đã đưa "Cát bụi" vào bài với hình, thơ làm lòng người thật xúc động.

    Trả lờiXóa
  2. Chị ơi :Thật lâu ,lâu lắm em mới có lại được cảm giác này chị à;nó cứ nghèn nghẹn ,cay cay nơi khóe mắt,làm ta muốn khóc.Đọc đến cuối bài ,ròi xem video của k8.nhìn chân dung Thầy lồng vào bối cảnh bài thơ Thầy viết ,lắng nghe giọng ca mê hồn của Khánh Ly.Em đẫ ứa nước mắt tự lúc nào,. Nhớ Thầy.nhớ lắm..Cám ơn chị cám ơn vinh k8 cám ơn QTBK. đã cho tôi cảm xúc này.cám ơn

    Trả lờiXóa
  3. Chào Xuân Trương,
    "Giỗ Thầy", đọc bài viết của bạn từ trời Tây, với cả tấm lòng yêu kính Thầy chân thành, gợi nhớ về Thầy bằng những kỷ niệm rất thực, làm mình...xúc động lắm!
    _Cảm ơn Xuân, cảm ơn Vịnh-k8 như nói thay cho những đứa "Học trò" ngày xưa đã từng "Học Thầy", luôn nhớ về Thầy, luôn nghĩ về Thầy bằng cả tấm lòng kính yêu vô bờ!
    Chúc các bạn luôn vui-khoẻ và bình an!

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn Xuân Trương học trò cưng của thầy Lương. Và thật xúc động khi đọc từng chữ , từng dòng tình cảm kính yêu dành cho người thầy quá cố...
    Hạnh phúc lắm khi ta còn 1 nơi chốn để nhớ để thương.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn chị Xuân Trương đã viết " Giỗ Thầy" quá xúc động, bài viết là một lời tạ lỗi đến với Thầy của đứa học trò xa quê hương, lưu lạc nơi đất khách quê người nhưng luôn nhớ về quê hương . Dù không được vinh hạnh học chữ của Thầy nhưng rất kính phục Thầy
    Chúc chị Xuân Trương luôn khỏe mạnh và viết thêm những "tâm sự" về quê nhà

    Trả lờiXóa
  6. Võ Đình Đảm12:10 17/11/14

    Là học trò lớp 7 ( 1973-1974) của Thầy Lương, ai cũng có những kỷ niệm về Thầy và ai cũng nhớ thương, tiếc nuối về sự ra đi quá sớm của Thầy,Cũng như các bạn cùng lớp, Đảm cũng nhớ những buổi học, những lần cắm trại,...nhưng nhớ nhiều nhất là những hình vẽ minh họa tập san, có cô gái cái cổ thật dài, hỏi Thầy mới biết đó là tranh trừu tượng,,,Riêng Xuân Trương may mắn được làm em của bạn Thầy và nhờ vào năng khiếu văn nghệ của mình, được Thầy cưng nên có những "tư liệu" độc quyền, nhân dịp viết bài Giỗ Thầy, các bạn Xuân mới biết thêm những ưu điểm khác của người Thầy kính yêu.Cảm ơn Xuân nhiều.

    Trả lờiXóa
  7. Xin được tri ân các Thầy cô đã yêu thương dạy dỗ,uốn nắn...để ta có được ngày hôm nay...Cảm on Xuân Trương đã viết thay cho nhiều bạn muốn viết mà không viết được..hay lắm ,ý nghĩa lắm..congrat.!

    Trả lờiXóa
  8. Đặng Thị Chín20:17 19/11/14

    Đọc bài'' Giỗ Thầy" mình thật xúc động! Xúc động trước tấm lòng của đứa học trò xa xứ luôn vọng tưởng về Thầy với bao điều ấp ủ,trăn trở... khi chưa làm được gì để tạ ơn thầy và nỗi ray rứt,xót xa, ân hận...khi có dịp về lại quê nhà mà chưa được gặp lại thầy để rồi mãi mãi cách biệt...!

    Trả lờiXóa