Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

CHỊ HAI

             Cài nhanh then cửa, Lành chạy vội vô phòng tắm. Vục mặt vào lavabo để mặc cho nước xối xuống tóc xuống cổ, Lành đờ đẫn tìm kiếm sự tỉnh táo. Mệt đừ cả người, Lành thấy như ai đấy đang dần đang băm từng thớ thịt. Da mặt Lành cũng đang căng ra, hình như chúng muốn tiếp tay cùng những thớ thịt bên trong trương lên để biểu hiện sức săn chắc tuổi gái một con của Lành. Cái kiếp làm thợ ngành may quần quật với những việc chẳng nặng nề gì mà luôn ngốn lấy công sức con người khủng khiếp, nhưng đối với Lành chúng chẳng có ký lô gram nào cả, Lành mệt đừ, đơn giản chỉ vì suốt ngày ai gặp Lành cũng cứ ra rả một gọi Chị Hai, hai gọi Chị Hai.
            Lúc nãy về vừa bước vào cổng, đang bù khú với Hoan ngoài sân, Bác Tư Sẹo chủ dãy nhà trọ cũng tiếp theo Hoan mà buông ra lời chào khác ngày thường :
-  Nay tăng ca hay sao mà về muộn thế Chị Hai !

            Với Hoan, thằng bạn cùng xóm học chung trường hồi nhỏ ngoài quê, lâu nay Hoan gọi Lành thế nào cũng được, Bác Tư mà gọi như vậy thì Lành làm sao chịu nổi. Nghe đâu ngày xưa Bác cũng là một tay anh chị đất Sài Gòn nầy. Vết sẹo trên mặt Bác Tư là dấu tích còn lại của một thời Bác lăn lộn với giới giang hồ Xóm Củi. Lành biết dân anh chị khi buông ra một lời là như cóc cắn. Cóc mà cắn là không khi nào nhả. Dân giang hồ tứ chiếng thời xửa thời xưa mà buông ra lời là như đinh đóng vào cột. Hình như có điều gì đó ẩn náu bên trong tiếng gọi Chị Hai của Bác Tư.
            Lành hất mái tóc ra sau nhìn thẳng vào gương soi. Trong gương đôi mắt Lành long lanh chớp chớp nhưng vẫn chất chứa cái nhìn hồn hậu của một gái quê, đôi môi chín mọng vẫn tươi tắn nét nhu mì giống như tên của nàng, da mặt nàng trắng trắng hồng hồng, không đen đúa như hồi còn ở quê cắm đầu xuống ruộng dầm mưa dãi nắng…, Lành thấy Lành chẳng ra vẻ gì là một tay đàn chị của dân giang hồ cả. Lâu nay Lành cũng đâu có hành động nào gọi là thể hiện tính du côn du đảng đâu. Nhớ năm trước cũng ở dãy nhà trọ nầy, Lành đã từng ra tay quẳng một thằng trai ra cửa như quăng một con nhái - cái thằng là bạn trai của Gái Thoa trọ phòng bên làm cùng xưởng với Lành, hắn đến mè nheo với Gái Thoa, hằn học nã Gái Thoa đưa tiền cho hắn đi cá độ đá banh. Ra tay chút ngón nghề của gái Bình Định khi thấy chuyện bất bình thôi mà, có to tiếng gì đâu. Lành cài thế đẩy hắn bay ra cửa, nàng đanh giọng bảo đừng nên sống bám vào váy phụ nữ nữa, hắn lồm cồm bò dậy, lẳng lặng xách gói đi biệt cho tới tận bây giờ chẳng thấy mặt. Từ đó mọi người chung dãy nhà trọ, kể cả bạn làm cùng chung trong xưởng đều gọi Lành là Chị Hai. Nhưng hôm nay, đây là lần đầu Lành nghe tiếng gọi đó thốt ra từ Bác Tư Sẹo.
            Lành dừng tay khăn đang lau khô mái tóc lắng nghe Bác Tư khề khà với Hoan ngoài sân :
-  Qua nói thằng Hai mầy nghe. Thằng Hai mầy uống có cỡ nhưng mầy dở như con bọ nẹt. Đờn ông đờn yêng gì mà không dám nói tuốt ruột ra. Con Lành nó sống nó chết với người thế cô, dám ra mặt đòi chủ đáp ứng quyền lợi chung cho cả bọn. Nó đáng mặt Chị Hai, nhưng qua biết nó là người nhu mì, ít nói. Mở miệng ra là Thằng Hai mầy cứ gọi nó bằng chị Hai chị Ba thì làm sao nên việc.
            Té ra mọi việc đều từ chỗ Hoan mà ra. Với Gái Thoa cùng mấy đứa làm chung xưởng, lâu nay Lành đã căn dặn kỹ là khi về nhà trọ không nên nói đi nói lại những gì Lành đã làm cho chúng ở công ty. Tội cho mấy con bé hồn nhiên ở miền Tây bỏ ruộng bỏ đồng lên bon chen cùng bụi bặm Sài Gòn, Lành biết chắc là lúc nào chúng cũng riu ríu làm theo lời nàng. Có lẽ Hoan đã biết chuyện Lành mấy hôm rồi nổi đình nổi đám đứng ra bảo vệ chị em đòi công ty không nên tăng ca quá mức, để rồi hôm nay rượu vào lời ra mà Hoan vui miệng kể lại cho Bác Tư ! Đàn ông khi có rượu vào là bép xép như phụ nữ. Rõ xấu !
            Kể ra cũng tội cho Hoan, Hoan lúc nào cũng quanh quẩn bên cạnh với Lành. Từ ngày còn đi học, Hoan đã thầm để ý Lành nhưng không hiểu sao nàng chẳng chút mảy may rung động nào trước săn đón của Hoan. Ngày Lành nghỉ học giữa chừng vào Sài Gòn tìm việc, chẳng bao lâu Hoan cũng vào theo. Ngày Lành kết đôi với Sang, người đã đem lại chút ấm áp cho cuộc đời nàng, tiệc vui ngày cưới đơn sơ nơi xứ lạ cũng chỉ có mỗi mình Hoan dự chúc phúc chung vui. Ngày Lành sinh bé Tí Nị, Hoan lại cũng là người thay mặt Sang, người bạn đời vắn số của nàng mà lo cho nàng mẹ tròn con vuông giữa đất Sài Gòn. Năm trước về đây ở, Hoan cũng tìm đến thuê chung dãy trọ với Lành. Lành biết rõ Hoan muốn chăm sóc cả cuộc đời nàng, Hoan đeo đuổi nàng cho tới cùng, mặc cho Lành vẫn cứ xem Hoan chỉ là người bạn học, bạn cùng quê.
            Có Hoan ở gần bên, nhiều khi nghĩ lại Lành thấy mình cũng phần nào đỡ tủi.
            Ngày Lành được sinh ra chưa tròn năm, chưa biết đi chập chững thì ba của Lành phải đi chiến trường Tây nam. Ông đi biệt gần mươi năm mới trở về, không như bác Tấn, ba của Hoan chỉ mấy tháng sau là phải về cùng với đôi nạng gỗ. Ba Lành về là lăn ngay ra đồng, ông vứt bỏ mọi quan hệ chỉ chăm chăm với cán cuốc chuôi cày.
            Nghiệp nhà mình là dân làm nông, chẳng tranh giành cùng ai chi, cứ vui cùng với trời với đất vậy con. Lành biết ba mình có niềm vui với từng lát đất đường bừa, vui dù phải ngửa mặt lạy trời trông mưa trông nắng, nhưng Lành hờ hững với lời khuyên của ba khi nàng xin vào Sài Gòn tìm việc. Ba Lành xuất ngũ về chẳng bao lâu là Lành có thêm mấy đứa em nhỏ. Nhà thêm người nhưng ruộng đất đâu có thêm, trong khi đó đất canh tác ngày cứ càng eo hẹp lại theo đà mở rộng khu dân cư hai bên đường lộ lấp ruộng bán đất cất nhà. Hẳn nhiên nhà hai bên đường lộ hình thành nên phố thị bán buôn chớ không dành cho nông dân ở đường nhựa. Trong xóm đã lác đác vài đứa bạn của Lành vô Nam làm thợ, tiền lương hàng tháng của chúng chắt chiu gởi về bằng ở nhà một mùa thu vô. Mỗi chiều nhìn mấy đứa em nhỏ lóc thóc tranh nhau lấy rơm bỏ vào chuồng cho bò ăn thêm, trời chưa sáng tỏ là mẹ đã phải dậy nổi lửa lo cho ba lót bụng ra đồng, Lành âm thầm ra gốc xoài sau nhà dấu đôi mắt đẫm ướt. Ngày ba của Lành đổ bệnh nằm mấy tháng trời, Lành quyết chí vô Nam. Làm nông bây giờ cả nhà đã thành nông thợ, đi xa cũng là làm thợ, Lành sẵn sàng rời xa mái trường dù chỉ hơn năm nữa là thi tốt nghiệp. Thản nhiên với quyết định. Lành tự biết quyết định như vậy là đã chấp nhận phần thua thiệt về mình, chấp nhận một thân một mình đương đầu với những rủi ro, những phản phúc của cuộc đời.
            Đời thiệt lạ, ai cũng leo lẻo là xã hội nhiều thầy hơn thợ phải làm cái gì đó để giảm bớt lớp thầy đi, nhưng thật ra ai cũng muốn con mình phải làm thầy làm xếp chớ không muốn con mình đi làm thợ làm cu ly. Ai ai cũng tranh lấy phần hơn về mình, tận dụng mọi thế lực để con cháu mình đừng đứng trong lớp thợ, lớp làm thuê.  Bạn của Cô Nguyệt làm Hiệu trưởng Đại học nào đó ở Sài Gòn, thằng con chỉ mới lớp 10 đã cho đi du học, làm như kiểu học ở đất nước nầy chỉ để đào tạo ra những đứa cu ly.
            Cũng phải thôi, xã hội bon chen kỳ quái đã đẩy đưa mọi người phải tranh lo cho trẻ ngay từ lúc mới sinh ra nếu không muốn cho con cháu mình phải thua thiệt. Cô Nguyệt, cô giáo chủ nhiệm của Lành năm lớp 11, Cô sẵn sàng hưu non để vào trong nầy chăm nom cháu ngoại. Con gái Cô học đến nơi đến chốn nên có chỗ làm tốt ở trong nầy, Cô không muốn cháu mình phải tách xa mẹ, Cô cũng không muốn cháu mình gởi nhà trẻ lỡ đâu ăn phải cháo ngủ hằng ngày. Hôm Lành đến thăm Cô, Cô cười buồn :
-  Nay nhà nhà đều đi làm Oshin. Cô đang là bà, đang là mẹ, đang là Thầy cũng phải nghỉ dạy đi làm Oshin đây Lành ạ.
            Nghĩ đến đây Lành lại nhớ đến Tí Nị đang gởi cho ngoại ở quê. Lành thẫn thờ bước lại vòi hoa sen xả nước mặc cho nước xối tuôn ướt cả áo quần.
            Hôm Tết rồi Lành về thăm nhà, thăm con. Tí Nị lẫm đẫm theo mấy Dì của nó chạy ra mừng Lành. Tí Nị nay đã đi đã chạy vững vàng, nó cũng ôm chầm lấy Lành ríu ra ríu rít như chim :
-  Chị Hai dzìa, Chị Hai dzìa…
            Lành đứng sững dưới vòi hoa sen chẳng buồn vuốt nước trên mặt. Lành nghe như có vị mằn mặn đang đọng ở khóe môi. Lành phải bôn ba nơi xứ xa, nàng có đứa con thơ dấu yêu, gặp con, được ở bên con mấy ngày nhưng chỉ để nghe tiếng con thơ gọi ngoại của nó là Mẹ…


Phan Trường Nghị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét