Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

THỔ NGỮ BÌNH ĐỊNH (1)

Đào Đức Chương


Điểm đặc biệt của dân tộc ta là suốt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ xưa đến nay, người Kinh đều nói một thứ tiếng và tất cả các dân tộc thiểu số, ngoài tiếng nói riêng của dân tộc mình, họ cũng nói rành tiếng Việt. Hơn thế, trên toàn quốc, người Việt Nam đều dùng một thứ chữ viết.


Tuy nhiên, nước ta trải dài qua nhiều vĩ tuyến, điểm cực bắc thuộc xã Lũng Cú huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang ở 23º 23' phút Bắc vĩ tuyến, điểm cực nam (không tính hải đảo) là mũi Cà Mau ở 8º 30' Bắc vĩ tuyến; nước ta lại có nhiều sông ngòi và núi non chắn ngang, nên địa hình và phong thổ mỗi nơi một khác làm ảnh hưởng đến giọng nói. Vì thế, trong cái chung về ngôn ngữ thì ở mỗi miền lại có thổ ngữ và giọng nói đặc trưng cho vùng đó. Tuy vậy, sự cách biệt không nhiều, nên bất cứ người ở khác vùng nói chuyện, vẫn hiểu.

Đất Bình Định chạy dài từ đèo Bình Đê (phía bắc) đến đèo Cù Mông (phía nam) đều có chung một giọng nói. Tuy nhiên nếu để ý, mà phải là người địa phương mới nhận biết được, giọng nói của người ở vùng Bắc Bình Định (từ Bồng Sơn trở ra) cứng hơn một tí vì hơi giống giọng Quảng Ngãi.

Bàn về giọng Bình định, thử xét qua các điểm về Thổ ngữ, Thổ âm, Lối nói Bình Định, Nguồn gốc giọng nói, Đặc điểm giọng nói và sau cùng là Tầm ảnh hưởng.


1. THỔ NGỮ

Ngày nay, nhờ phương tiện truyền thông tân tiến và giao thông tiện lợi, việc tiếp xúc giữa dân cư các vùng không còn bị cách trở, cô lập. Bởi thế, một số tiếng địa phương (phương ngữ) không còn tính cách riêng tư của một vùng, một số khác bị đào thải vì không còn thích hợp nữa. Tuy nhiên, với yếu tố phong thổ của mỗi vùng, vẫn còn một số thổ ngữ và thổ âm đặc trưng cho địa phương đó, đủ sức vượt mọi hoàn cảnh để tồn tại với thời gian.

Cũng như các tỉnh khác, Bình Định có nhiều thổ ngữ, cấu tạo bởi hai yếu tố: biến thể từ một tiếng đã có sẵn nhưng vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa, hoặc từ ngữ không biến đổi nhưng hiểu theo một nghĩa khác với nghĩa chữ ban đầu. Dưới đây, chưa thể gọi là liệt kê đầy đủ số thổ ngữ của Bình Định, nhưng có đủ mặt các loại thổ ngữ vừa nêu trên.


1.1 THỔ NGỮ TIÊU BIỂU

1.1.1
 Ảnh mơi : còn gọi là Đảnh mơi hay Thảnh mơi tức là sáng ngày mai, sáng mai. Thổ ngữ này rất phổ biến trong vùng, ca dao Bình Định có câu:

Ai dìa ai ở mặc ai,
Áo già ở lại ảnh mơi mới dìa.

Mặc dù "ai" bắt vần với "mơi" không được chỉnh như "ai" và "mai", nhưng người Bình Định không quen gọi là "sáng mai".

1.1.2
 Bãi tạt rảnh : dẹp đi cho rồi.

Thí dụ: Có chút việc mà làm không xong, bãi tạt rảnh

1.1.3
 Báng họng : cổ họng

Thí dụ: Để cho tui nói cái đã, sao cứ chận ngang cái báng họng.

1.1.4
 Beng : so sánh, bì. Bài chòi Bình Định có câu:

Con vợ tui tốt tợ tiên sa,
Coi trong thiên hạ ai mà dám beng.

1.1.5
 Bườm : nói trại từ tiếng "buồm", là tấm vải dày hay cói đan, căng trên thuyền để hứng gió, nhờ sức gió đẩy thuyền chạy. Trong bài Vè Cát Lái (hát ra), lưu hành tại Bình Định, có thổ ngữ này:

Thuận bườm xuôi gió một phen,
Ghé vô cửa Giã trong miền Hòn Mai.

1.1.6
 Cái : tất cả, thảy đều. Thổ ngữ xưa, nay không dùng. Trong văn bản Hát bả trạo, lưu hành tại Bình Định, ở phần mở đầu có dùng thổ ngữ này:

Tổng hậu (ra lệnh):
    Ớ bá trạo!
    Cái khai thuyền hầu trạo.
Con trạo (đồng thanh):
    Dạ!

1.1.7
 Cành nanh hay cành hanh : đành hanh. Trẻ em hoặc phụ nữ trẻ có thái độ ngang bướng, đòi phải được lãnh phần hơn đồng lứa của nó một cách vô lý.

Thí dụ: Đứa bé đòi độc quyền nằm bên mẹ, không cho anh em của nó được cùng nằm chung. Người mẹ bèn mắng: "Con nhỏ cành nanh quá!"

1.1.8  Cầm đũa : khi ngồi vào bàn ăn, người Bình Định tiếp khách bằng câu nói "mời cầm đũa" tức là mời ăn.

1.1.9
 Cha chả : cùng nghĩa với thán từ "chà", thường dùng trong những tuồng hát bội Bình Định, đặt trước câu nói để biểu lộ sự ngạc nhiên, bực tức, hay tán thưởng.

Thí dụ: Trong tuồng Trầm Hương Các của Đào Tấn, phần cuối: Bá Lộc đài xây xong, vua Trụ mở hội Diêu Trì thỉnh tiên phó yến, Đát Kỷ bèn mời đồng loại là đám yêu tinh giả làm quần tiên đến dự. Trong lúc quá chén, lũ yêu để lộ chân tướng, nên gấp rút cáo lui.

Mở đầu lớp 16, bầy yêu nói: "Cha chả là say thôi! Tốc tốc phản hồi động lý, Man man phi liễu tiên đài" (Chóng chóng trở về hang động, Mau mau rút khỏi đài tiên).

1.1.10
 Chẹ : còn gọi là chớ ẹ, tương đương với tiếng "mà" đặt ở cuối câu để biểu thị ý cầu xin, năn nỉ, hay khẳng định, hoặc giải thích, với tính thuyết phục người đối thoại. Vậy "chẹ" là tiếng đệm tiếp sức cho lời thỉnh cầu mạnh lên.

Thí dụ: Đứa em nhỏng nhẻo nói: "Anh Hai cõng em đi chẹ!"

1.1.11
 Chớp ảnh : còn gọi là chốp ảnh, chộp ảnh, tức chụp ảnh. Theo nghĩa thông thường, trước kia người ta dùng chữ "chớp ảnh hay chớp bóng", nay dùng chữ "chiếu phim" đều chỉ chung cho việc chiếu ánh sáng qua phim đã ghi hình, để cho hình ảnh ấy hiện lên màn ảnh. Ở Bình Định chữ "chớp ảnh" lại có một nghĩa khác là dùng máy hình để chụp ảnh.

Thí dụ: Sau một tấm ảnh, thay vì ghi là: "Chụp ảnh tại...ngày.. tháng.. năm...", thì người Bình Định, nếu dùng thổ ngữ, lại đề là: "Chớp ảnh tại..."

1.1.12
 Chộp rộp : dùng thay cho chữ "chộn rộn". Trước kia người Bình Định rất quen dùng nên thường thấy trong bài vè cổ, nay không còn thông dụng nữa:

Tao làm tội tao chịu cho,
Bay không chộp rộp sợ lo nỗi gì.
(Vè Chú Lía)

1.1.13
 Chui cha : tiếng tán thán được đặt trước câu nói để biểu lộ sự ngạc nhiên, trầm trồ, than thở, giải bày...

Thí dụ: Chui cha mày quơi (ơi)! Tao mới giừa (vừa) đau một trận giữ (dữ) lắm.

1.1.14
 Chưng hửng : theo nghĩa thông thường là sửng sốt, rất ngạc nhiên, tạo trạng thái ngẩn người vì sự việc xảy ra trái với dự đoán. Nhưng đối với người Bình Định, còn dùng từ ngữ "chưng hửng" với nghĩa là: nói năng vô duyên, lảng nhách, không ăn nhập vào đâu cả.

Thí dụ: Người em bày tỏ một ý kiến gì đó, người chị không vừa ý, bèn nói: "Chưng hửng quá!", hoặc nói: "Chưng hửng nà!"

1.1.15
 Dẫy na : tương đương với tiếng "vậy hả"

Thí dụ: Người con khoe :
- Mẹ ơi! tháng này con học đứng nhất lớp.
Người mẹ vui mừng đáp:
- Dẫy na.

Ngoài ra còn có các tiếng: Dẫy nghen : vậy nhé; Dẫy á : vậy đó.


1.1.16
 Dẹ : gớm, ghê; tỏ ý chê bai, không đồng tình với ý người đối thoại.

Thí dụ: Thằng A nói với B: "Con C đẹp quá!"
Thằng B bĩu môi nói: " Dẹ!"

1.1.17
 Dện : nện, tác động mạnh từ trên xuống.

Thí dụ: Tao dện cho nó một đạp.

1.1.18
 Dến : đánh với tác động ngang.

Thí dụ: Mày dến cho nó một tát tai.

1.1.19
 Dí, thá, dớn dọ, dọ : các thổ âm này là tiếng dùng làm âm hiệu để điều khiển trâu, bò trong việc cày bừa và chăn dắt. "Dí" là khẩu lệnh cho bò đi lệch về bên phải, "thá" bên trái, "dớn dọ" đi chậm chuẩn bị dừng, "dọ" đứng hẳn lại, không đi nữa.

1.1.20
 Dìa : thay cho chữ (đi) "về". Văn bản bài Vè Cát Lái (hát vô) chép:

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

nhưng người Bình Định quen hát:

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai dìa Gia Định, Đồng Nai thì dìa.

1.1.21
 Dọi : tiếng lóng của dân chài, chỉ hiện tượng dậy sóng ở biển khơi, khi có Ông (tức cá voi) xuất hiện:

Đến khi phụ mẫu rằng nghe,
Thấy tin lên dọi quay lui trở về.
(Hát bả trạo)

1.1.22
 Dữ ngư : rắn mặt, lờn mặt. Tiếng để nói trẻ con không vâng lời, khó dạy bảo. Địa phương có câu khuyên: "Thương con phải kín đáo kẻo nó dữ ngư".

1.1.23
 Đứng : đấng (danh từ), chỉ cho người được suy tôn vì có công lao, sự nghiệp hay phẩm cách cao quý đáng trọng.

Biết mặt lúc này mới biết,
Đứng (đấng) làm người có việc phải lo.
(Hát bả trạo)

(Còn tiếp …)

12 nhận xét:

  1. 1.1.11 :
    Chụp ảnh ở quê tui thì kiu là chớp bóng
    Còn chiếu phim thì kiu là chiếu bóng
    1.1.23 Đứng: xếp hạng, vị thứ. Đứng nhứt, đứng nhì,... trong lớp.

    Trả lờiXóa
  2. Dzẫy na!
    Hêhê! Tiếng Bình Định dzui quá ta!

    Trả lờiXóa
  3. Ở Bình Khê cũ quê mình có một sồ phát âm:
    * Âm Ê thành âm Ơ :cà"phơ";đi(học)"trỡ"...
    * Âm V thành âm D :cái"dõng"(võng);cái"dò"(vò nước)...
    * Âm KH thành âm PH:"phai"(khoai) lang;chìa"phá"(khóa); "phẻ"(khỏe )re...
    * Âm ÔI thành âm ÂU : trái "ẩu"(ổi);ăn"xâu"(xôi),"thâu rầu"(thôi rồi)...và đôi khi có ngược lại ( cái mũ "cấu" nó "đậu" trên "đồi")
    Cũng hay hay, dui dui phải không quý dị

    Trả lờiXóa
  4. Dzẫy Bình Khê nói là Bình Khơ hở.
    Bãi tạt rảnh! Nghe kỳ quá!
    Hêhê!

    Trả lờiXóa
  5. @ Trâm Anh (coi cái tên thì chắc chắn là Mrs hoặc Ms rầu, nếu đã là Mrs thì thẵng làm gì?):
    Hãy coi chừng nghen! Ngừ Bình Khơ coi dẫy chớ bắn súng Xơ-Ka-Xơ thì hết chơ luôn đấy nghen!
    Nẫu nói thiệt đấy chớ hổng phải nói quáp đâu!

    Trả lờiXóa
  6. Thẵng, Quáp, Xơ-Ka-Xơ !!!
    !? ... !? ... !? ... !?
    Hêhê! Tiếng BĐ hở!? Hỏng hiểu!?

    Trả lờiXóa
  7. Thỏ con11:46 13/6/11

    -Thâu, tậu,để Nẫu dzìa nhà chớ không thâu bị dến một phát dện một đạp bi giờ.Còn nói nẫu dữ ngư nữa là khổ.
    -Nẫu nói nghe chưng hửng quá,thâu,bãi tạt rảnh.

    Trả lờiXóa
  8. Trâm Anh ui.
    Anh Bửu Châu hỏi thẵng làm gì ? Có nghĩa là hỏi về đấng lang quân của Trâm Anh í mà.
    Có một thời hình như không riêng gì dân nẫu, từ nói quáp được dùng theo nghĩa là nói quá sự thật.
    Còn Xơ Ka Xơ là CKC. Con gái biết chi chuyện súng ống mà hỏi.

    Trả lờiXóa
  9. Chưng hửng chưa!
    Hêhê! T.A còn đang đi học mà.
    VinhK8, Thanks for your help.

    Trả lờiXóa
  10. trần bá nghĩa20:31 15/6/11

    quáy shồ,dẫy na,tẽn rầu hữ!?

    Trả lờiXóa
  11. Chu cha bên này dân nẫu đông dzẫy na, dzui hén.
    Nẫu mừng húm, sợ không biết nói gì , nói lảng xẹt mấy ngừ cừ thì chưng hửng chết. Thâu mời tất cả dzô nhà Nẫu chơi
    Đây nè
    http://chuyenthangnau.wordpress.com/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã ghé Chuyện Thằng Nẫu trước khi laisac comment ở đây.
      Vì đẫ thấy chuyenthangnau wordpress vào thăm quangtrung binhkhe mấy bữa nay.
      Cùng dân nẫu cả, mong cùng chung có niềm vui.

      Xóa