Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

NHÀ BẾP CỦA MÁ TÔI


            May được sống nhờ con, được ở trong ngôi nhà hiện đại của con với cái phòng bếp, phòng ăn khá sang, khá tiện nghi, nó khiến tôi cứ ngùi thương cái nhà bếp lọ lem của má tôi hồi xưa.

Ngôi nhà ngày xưa của chúng tôi ba gian hai chái, mái tranh vách đất mà được cái gọn gàng, ngăn nắp. Ba là chủ nhà ở nhà trên để tiện việc hương khói ông bà, lũ chị em chúng tôi ở nhà dưới, còn má tôi thì vừa ở nhà buồng vừa ở nhà bếp. Nhà buồng là buồng ngủ, là chỗ sinh nở những đứa con của má, còn nhà bếp là chỗ cho má thức và làm lụng từ sáng đến tối.

            Nhà bếp của má khá rộng rãi, chừng 16 mét vuông, úp mặt về phía sân cát (nơi đặt bể non bộ, và cũng là chỗ trống bây giờ người ta gọi là giếng trời) ba mặt kia vây kín bởi các vách trát đất nứt nẻ, sù sì. Ba giúp má làm “nội thất” nhà bếp. Trên nền đất nện đen bóng, dựa vào vách bên này, đặt hai bộ ông táo. Ông táo nặn bằng đất sét, phơi khô. Dọc vách, đặt ú, tỉn sành, hũ đất nung: cái đựng muối hột, cái đựng mắm cua, cái đựng nước tương… để vần nóng. Cái nào cũng đậy nắp hoặc bịt miệng bằng lá chuối, lá tra kín mít. Những ú tỉn đó, lâu ngày có cái bị vỡ tan ra, ném đi, cho lũ con lít nhít của má những mảnh sành để chúng vanh tròn chơi trò đánh chuông hoặc ném thia lia… Dọc vách đối diện bên kia, đặt bộ cối xay lúa với cái tai cối to hơn tai bò, giằng xay dài hai thước móc vào thanh đà nhà đen nhẻm vì ám khói. Giữa nhà là khoảng trống, dành cho má vần cối ra giã gạo. Má thường giã gạo chày đôi với chị dâu hoặc chị Hai (lâu ngày chỗ ấy lõm xuống, in hình đít cối hình vuông). Ba còn “bổ sung” một gác bếp bằng thanh tre ghép để có chỗ hun khói vật dụng, từ bó lạt tre, bó hom tre đến các loại thúng, rổ, mê, trẹt đan bằng nan tre…

            Nơi má ngồi làm bếp, vừa tầm tay với của má, về phía bên trái, má có một bịch trát đất, cao chừng 5 tấc, để chứa chất đốt (rơm, củi, vỏ trấu…); về phía bên phải đặt một cũi (chạng) hai tầng bằng khung tre, gài các mảnh khại đan tre vây kín bốn mặt xung quanh và hai mặt đáy cũi, đình cũi. Sóng chén má đặt trên đình cũi. Má cột vào một trụ cũi một ống so đũa. Ống so đũa cao khoảng một thước, nhiều tầng, bằng ống tre cưa lỗ làm miệng, đựng ở tầng trên mấy bó đũa con, tầng giữa vài chiếc vá muổng, tầng dưới cùng vài bộ đũa bếp (còn gọi đũa cái). Vò, chậu thau nước đặt ở sân cát lát gạch thường đóng rêu xanh. Tính má kỹ lưỡng, vò nước má kê trên hòn đá ong với gáo dừa có sẵn, đậy nắp bằng nón mê vanh vừa vặn, thau nước trên giá tẩy. Nhà bếp của má có nhiều đòn ngồi, cái cho má ngồi đun bếp, cái cho má tiếp khách hàng xóm sang chơi, tiện đâu ngồi đấy cùng trò chuyện. Chuyện quanh bếp lửa hồng với má thường là chuyện nhờ vả, vay mượn lẫn nhau. Khi thì khách má mời đến để kêu công cày công cấy, kèm lời hứa cho mượn giạ lúa giống, có khi khách tự đến hỏi mượn gàu dai tát nước, sợi dây dừa cây đòn gánh lúa… Và cả chuyện “thời sự để trong bụng là không chịu được” : khi thì chuyện cô con gái nhà nọ chửa hoang, lúc khác ông Lý đương vừa cưới thêm vợ bé … Ba kê bộ ván xoài nơi nhà cầu nối với nhà bếp để làm chỗ dọn cơm cho ông bà Nội ăn, cho hôm nhà có khách. Cơm gia đình thường bữa được trải chiếu dọn dưới đất, trước bếp, ai cũng bảo, cho được “thoải mái”. Má còn treo lơ lửng, khỏi đầu người, những gióng mây đặt vào đó nồi này, trã nọ đầy ắp đồ ăn, khi cũi bị “quá tải” trong những ngày giỗ tết. Trong bếp của má “ngự trị” những bồ hóng, lọ nồi trã, và cả mùi hăng hắc của khói, của rơm rạ, vỏ trấu cháy sém, cháy dở.

            Gia đình tôi có mười hai miệng ăn. Ông bà Nội, ba má và tám đưa con, cháu của họ. Mười hai miệng ăn, mỗi ngày ba bữa hết mười muổng dừa gạo (bằng mười bò thời nay). Má tôi mới gà gáy một lần đã thức dậy. Bà thổi bùng những đóm lửa ủ qua đêm thành bếp lửa rực rỡ để nấu bữa ăn sáng. Trong nhà, ngọn lửa bếp cháy, soi hồng đôi má người phụ nữ mới sang tứ tuần, ngoài trời bóng đêm dần lui, ánh ngày dần sáng, chim chóc bắt đầu chuyền cành và hót líu lo. Bữa sáng má dọn lên mâm, thường nồi cháo trắng ăn với muối rang hoặc với cá cơm, cá nục ướp hành tiêu kho khô. Những khi cần đổi bữa, má cho rổ khoai lang, củ mì luộc hay bánh tráng sống cuộn bánh tráng chín chấm mắm cái. Bữa trưa, bữa chiều, má ngồi giữa hai bếp, đẩy lửa bếp bên này cho nồi cơm chín, bếp bên kia cho trã canh sôi. Bữa nấu nhiều món, má liên tục nhấc trã này xuống, bắc nồi kia lên. Lửa rơm cháy rần rật, nóng hừng hực, nhìn má bên bếp lửa, lũ chúng tôi chỉ biết thương và tội nghiệp má nhọc nhằn. Má không rời khỏi bếp, vì lửa rơm dễ bùng dễ tắt, không khéo bị cơm khê, cơm cháy, cơm sình, cơm  sống, không sao ăn được. Chờ khi nấu xong, bớt lửa, má mới ra sân cát uốn dẻo người, giải lao, thư giãn bằng cách xem bể non bộ với Lã Vọng ngồi thạch bàn câu cá, rồi ngước mặt nhìn bầu trời cao xanh với áng mây bay.

            Thường tới khi mâm cơm đã đông người, ba vừa ngồi vào mâm vừa ngâm nga mấy bài ca quen thuộc: “Cơm dưa muối khó khăn mới có / Của không ngon nhà khó cũng ngon…” (Ca dao), hoặc “Đầu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” (Ca dao). Ba bảo, ngâm nga thế cho vui để “thưởng” má bay tần tảo và làm cho cả nhà “nhập tiệc” thêm ngon. Có không ít bữa, má không ngồi vào mâm cho “chén cơm đôi đũa đề huề” với ba, với gia đình, vì bà còn bận hoặc đun dở om nước chè đang sôi trào bọt, vỗ về đút cơm cho đứa cháu nội vừa mới thôi nôi ăn…

            Những khi đi ra khỏi bếp, khỏi nhà, ít khi má đi có về không, không nhặt nhạnh bó củi tre ngoài bụi tre làng thì cũng thúng vỏ trấu hốt đâu đó đội đầu về cho bếp; không mớ rau sam thì nắm bồ ngót hái đằng nhà hàng xóm đựng rổ mang về cho bếp… Lũ chị em chúng tôi thấy, cái gì của má cũng thường được má đưa vô nhà bếp. Ở nhà bếp, ít khi má nói năng nhiều, ngoài mấy câu mắng yêu chồng con, khi : “Ba bay cái gì cũng thèm”, lúc : “Lũ chúng bay chỉ giỏi… ăn”… Những khi rảnh rang, má thường ngồi đòn ăn trầu, sửa lại mái tóc, lặng lẽ nhìn con thằn lằn ôm cột nhà, lắng nghe tiếng chuột kêu chút chít trong mủng cối xay… Hình như để bà nghĩ ngợi điều gì đó.

            Nhà bếp là hơi thở của mỗi người trong gia đình chúng tôi. Vì có khi nào nó ngưng hoạt động: xong nấu cơm cháo, luộc khoai, thì đun nước trà, nướng bánh tráng, rang cốm ngô cốm nếp, bắc nồi cháo heo… Đến ngày gần hết gạo cất trong ảng, má đem lúa ra xay giã với sự giúp sức xay đôi, giã chày đôi của chị dâu, chị Hai. Cối xay quay ù… ù…, tiếng chày giã gạo rơi ình… ịch… khiến những con gián trong xó tối giật mình cắn đuôi nhau, ù té chạy tán loạn, những chuột chù, chuột nhắt trong hang nghe mùi gạo thơm, ló đầu, láo liêng con mắt, vụt chạy ra ăn trộm thóc gạo, rồi vụt chạy vào. Buổi tối, má vẫn giữ bếp lửa cháy bập bùng để lấy ánh sáng, làm các việc vặt vãnh: không phải vá may, thì nén cải làm dưa, không cặp lại cái rổ bùng vành để sáng ngày đi chợ sớm thì sắp xếp lại cơi trầu của bà cho thêm tươm tất… Đến khi ở nhà trên, ba “thôi đọc sách đêm khuya” hay tiễn ông khách hàng xóm ra về, trăng giữa tháng soi sân cát, dơi chập choạng bay ngoài vườn cây, va đập vào các tàu chuối, thì má cũng dừng lại công việc, đứng dậy, đi vào buồng, ngủ. Đêm khuya khoắt, nhà bếp ủ lửa nồng cho đến sáng ngày hôm sau. Đó là chưa kể những đêm đông giá lạnh, má vung vãi rơm rạ ra giữa nhà bếp, lót tổ, bắt cả nhà ngủ trước bếp lửa, cho ấm áp. Lại còn những ngày giỗ kỵ, đám tiệc, tết tư là những ngày “hoạt động cao trào” của nhà bếp. Nhà bếp đông người, nồi niêu, củi lửa, dao thớt tập trung lại nhiều hơn, tiếng nói cười cũng nhiều hơn. Còn phải kể, mấy đùm gà vịt trói chặt cẳng, ném ra sân cát cho chúng luôn quẫy đạp và kêu quang… quác, túc… tục… đến nhức óc.

            Bây giờ ở với con, tôi ngùi thương cái nhà bếp ám khói của má tôi xưa, và má suốt đời quanh quẩn với bếp. Tôi cũng ngùi thương cái làng quê An Định (trong vùng phủ An) của tôi hồi đó, còn có bao phận nghèo sống trong những túp lều với cái hiên lai làm bếp. Mà những cái hiên bếp đó thì có nhiều hôm lạnh, không thấy đâu sợi khói lam chiều tỏa lên từ mái tranh.

Huỳnh Kim Bửu

Cố GS. TH Quangtrung BinhKhe
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét