Lúc chiếc Lambro đậu ở
xế bên trái trại gia binh, Quang bước xuống, đưa tiền cho tài xế, rồi xăm xăm
bước vào cổng. Người lính gác không thèm nhìn lại, lấy tay làm dấu cho đi. Cây
chắn vẫn nằm ngang lối vào, Quang khom mình luồn xuống sát đất, chui vào bên
trong. Mấy chiếc GMC vẫn đậu chỗ cũ. Mái tôn doanh trại chỉ huy đã bắt đầu rỉ
sét, hàng dương liễu thấp trồng trước sân gần trụ cờ bám đầy bụi đỏ.
Trên sân tennis, các
sĩ quan mặc quần sọt và áo cánh trắng vẫn tiếp tục trao banh dưới ánh nắng bắt
đầu gắt. Vòng ra sau hai dãy nhà kho, cái ga ra và dãy phòng dành cho sĩ quan độc
thân, Quang cúi xuống cho trán khỏi chạm vào các poncho ướt treo thấp, tiến về
phía phòng mình.
Anh Lâm và ba người bạn
nữa ngồi ở căn trước đang nhậu nhẹt. Cái giường ngủ được xếp lại gọn ghẽ, dành
khoảng trống phía trước để trải chiếu ni lông trên nền xi măng. Đống chai 33 ngổn
ngang.
Ba người bạn anh Lâm
mặc quần treillis, áo mai dô, ngồi xếp bằng trên chiếu. Anh Lâm mặt mày xanh
hơn thường lệ, dựa mình vào vách ván. Quang phải lần theo mé nước đi ra phía
sau mở cửa bếp vào nhà. Tiếng anh Lân hằn học giận dữ:
- Uống, tao bảo uống
là uống. ĐM thường ngày tụi bay chỉ huy tao, nhưng trên chiếu rượu, tao chỉ huy
tụi bay. Nghe chưa?
Tiếng một người bạn
cười ha hả, rồi nói lớn:
- Uống thì uống chớ sợ
gì. Đó, đó, hai thằng này chơi không ngon gì hết. tao với thằng Lâm nãy giờ uống
một hơi cạn ly, tụi bay hớp hớp vài cái rồi để xuống. Ăn gian!
Anh Lâm lớn tiếng:
- Ăn gian là hèn!
Lại có tiếng cười hí
hí, vẫn giọng anh Lâm:
- Tụi bay thường bảo
tao say sưa. Mấy con mẹ ngồi lê đôi mách trong trại chê tao du côn, rượu chè be
bét nên ế vợ. ĐM tao đâu có cần. Rượu uống cả két không say là ngon hơn hết.
Anh em ở đây, tao thấy có thằng Thảnh là chơi được.
Ông bạn Thảnh phụ hoạ:
- Đúng. Nam vô tửu
như kỳ vô phong. Cờ không có gió, hì hì, giống như mấy thằng già dịch hết xí
quách. Tụi bay hết xí quách chưa mà ngồi nhắp nhắp như đàn bà.
Lại tiếng anh Lâm:
- Hai đứa bay là đồ bỏ.
Thôi tao với mày hết ly rồi tính cái khác nghe Thảnh. Nè, một hai ba, dô.
Có tiếng ực ực trong
khi hai người bạn yếu rượu gõ đũa vào mâm, hô theo nhịp; dô, dô, dô, dô. Thằng
Thảnh cạn trước. Không, thằng Lâm cạn trước. Rán lên. Dô, dô.
Một cái ly dằn mạnh
xuống mâm kêu rổn rảng. Một chặp sau, lại một tiếng dằn khác. cả bốn người la ó
cười cợt náo nhiệt.
- Tao nói trúng phóc.
Trước sau gì thằng Lâm cũng chì hơn. Nghề của chàng mà.
Tiếng Thảnh cố cải
trây:
- Không đúng. Ly của
nó ít hơn ly tao. Mà dù hai ly có đầy như nhau nó cũng không ngon. Uống rượu mà
phải dựa lưng vào vách. Nó chỉ có cái gân cổ nói phét, còn cái gân lưng sụm bà
chè rồi. Vậy là yếu.
Giông Lâm có vẻ tức tối:
- ĐM tao không lội
bùn suốt tuần nay, thì tao chấp hết. Tụi bay ở nhà ngủ với vợ. Tao hành quân từ
hôm mồng bảy, hôm qua mới về. Thằng trung đội trưởng mới ra trường như thỏ đế,
cứ bắt lội lầy mà đi. Vòng về lại phải khiêng con heo nặng thấy bà nội…
Bỗng nhiên căn trước
im lặng đột ngột. Quang kinh ngạc nhìn lên. Chị Phú tần ngần đứng trước cửa,
nón cắp bên nách, thấy anh đang ngồi uống rượu không dám vào. Ba người bạn anh
Lâm bối rối, tự sửa lại dáng ngồi. Giọng anh Lâm bắt đầu lè nhè:
- Nữa, nữa. Hễ uống
hơi đã đã là có đàn bà tới tìm cằn nhằn. Vào hồi nào đó Phú?
Quang xỏ dép chạy lên
phía trước. Chị Phú chưa thấy em, hỏi anh Lâm:
- Thằng Út có về đây
không anh Hai? Có thằng nhỏ cạnh nhà ở Qui Nhơn về nói thằng Út bị nhà trường
đuổi. Nó về đây chưa?
Quang lên tiếng:
- Em đây chị Phú.
Thấy Quang ở buồng
sau, chị Phú không còn giữ ý tứ nữa, bước đại qua mé chiếu rượu vàn bên trong.
Một tiếng huýt gió bay theo tà áo cụt tím của chị. Một người hỏi:
- Em gái mầy hở Lâm?
Giọng Lâm trả lời một
cách miễn cững, nhát gừng:
- Em kề tao đó. Thằng
chồng nó tập kết năm 54.
Bây giờ đến lượt Thảnh
đề nghị:
- Gả cho em đi anh
Lâm.
Cả lũ cười hô hố. Lâm
nói:
- Muốn bị cắt cái đầu
hả? Chồng nó đi bộ đội, lấy vợ mấy tháng rồi theo trung đoàn 120 ra Bắc.
Rồi tự nhiên, giọng
nói của anh Lâm sang sảng, đầy hãnh diện:
- Con nó đã mười tuổi
mà nó còn “ngon” lắm. Nhiều thằng nghĩa quân ngoài Phù Cát mê tít, quên cả gác
cầu. Trong ba đứa bay, có thằng Thảnh tao chịu nhất. Để tao kêu nó ra gả cho mầy.
Chị Phú bực mình cau
mày. Anh Lâm gọi lớn:
- Phú, ra biểu em.
Im lặng. Bên ngoài có
vài tiếng cười khúc khích. Lâm la lớn hơn:
- Phú, ra biểu.
Quang nói nhỏ với chị:
- Chị thấy không, hôm
nào đi hành quân về, ảnh cũng kéo bạn kéo bè nhậu nhẹt la hét. Cả xóm không ai
chịu thấu. Ông thiếu tá mấy lần đòi trục xuất ra khỏi trại.
Chị Phú tỏ vẻ lo ngại,
vội hỏi em:
- Ảnh mới hành quân về
à? Hôm nào?
Lúc đó, anh Lâm nói
chõ qua cánh cửa sổ che màn xanh:
- Phú, ra anh biểu.
Anh mới đi càn ở Dương Xuân về đây.
Nét mặt của chị Phú hốt
hoảng. Chị bỏ rơi cái nón xuống chân bàn, chạy ra phòng ngoài:
- Thật hả anh?
Anh Lâm làm chủ tình
thế, chậm rải, thản nhiên:
- Ờ, lâu lâu hành
quân miệt đó một lần, chớ thiệt với giả gì?
Giọng chị Phú nóng nảy
hơn:
- Có gặp nẫu không?
Anh Lâm cười ha hả:
- Mầy nói huỵch tẹt
là có gặp chồng mầy không, chớ giấu giếm làm gì? Sợ tao bắn chết chồng mầy hả?
Chị Phú không chịu đựng
được nữa, chạy vào buồng khóc tức tưởi.
Quang tìm cách an ủi
chị:
- Chị đừng sợ. Anh ấy
hành quân trong đèo mà. Chị cứ lo sợ vẩn vơ, ảnh bắt chẹt doạ nạt hoài.
Chị Phú quay lại lấy
tay áo lau nước mắt. Cánh tay đưa lên, chiếc áo cụt may bó sát vào thân hình nẩy
nở của chị bị kéo theo, vết xẻ quá cao để hở khoảng hông trắng. Chị bắt đầu tin
tưởng lời Quang, nên xoay sang hỏi em:
- Mấy chị em mình mồ
côi mồ cút, chỉ còn có Út may mắn được đi học. Vậy mà em còn làm các thầy phiền
lòng, giận dữ, đến nỗi bị đuổi không cho học nữa. Sao vậy Út?
Quang đứng im không
biết giải thích thế nào cho chị Phú hiểu. Làm sao cho chị hiểu rằng riêng cá
nhân Quang, Quang không thấy có điều gì ấm ức bực bội đối với các thầy. Quang vẫn
luôn luôn hết lòng tôn kính những người mà Quang tin là những nhà nho lạc loài.
Quang chỉ nói giùm cho các bạn, nói giùm cho cả một thế hệ. thế hệ? Niềm hoang
mang trước tương lai? Sự an nhiên của người lớn? Với một người đàn bà suốt ngày
lo buôn bán tảo tần để nuôi đứa con mười tuổi, sống chật vật kham khổ từng
ngày, những vấn đề ấy có lẽ vô nghĩa phù vân như một ngày không rượu của anh
Lâm. Làm sao cho chị hiểu lúc này đây, Quang chỉ lo sợ cuộc đời mình cũng cần
cù nhẫn nhục, lặng lẽ trôi đều như ánh đèn đá xe mì âm thầm trên đường khuya,
giữa hai hàng cây thiêm thiếp ngủ. Làm sao nỗi lo sợ của chị giống nỗi lo sợ của
Quang, sợ cái nhìn thương hại bao dung của những người đã từng một lần cuồng
say, mệt mỏi ê chề.
Sự im lặng của Quang
khiến chị Phú hiểu lầm, tưởng em đã thành thực hối hận. Chị bảo Quang lại ngồi
với chị đằng cái giường gỗ, và tỉ tê:
- Nếu bấy giờ Út đủ
khôn lớn để nghe mẹ trăn trối, Út đã lo học hành chăm chỉ. Lúc đó anh Lâm chạy
lại nhà bác Chấn mượn tiền đi bổ thuốc. Cái bệnh ho của mẹ làm nhiều ông thầy
bó tay, băn khoăn. Không biết phải làm gì cho dứt tuyệt một lần. Ở nhà quê mình
cứ gọi là bịnh ho tổn. Mẹ mệt nhọc lắm, chị đoán là khó qua khỏi đêm ấy. Mẹ bảo
bồng em vào, lấy tay xoa xoa lên má và vuốt tóc em. Mẹ khóc không thành tiếng.
Chỉ có nước mắt chảy ra thôi. Mẹ dặn chị rán thưa với chú Bảy hay bác Chấn cho
em đi học. Mẹ biết anh hai giỏi làm lụng cày bừa, nhưng học hành thì chậm lắm.
Mẹ hy vọng nơi em. Mẹ cứ rán nhắc đi nhắc lại: hai đứa con tìm cách cho thằng
Út học hành như các cậu bên ngoại. Cha mày ỷ y gia tài ruộng đất, đến lúc thời
thế xoay đổi, phải đem thân đi nhờ cậy anh em. Nhục lắm con!
Quang cảm động, không
còn nghe thấy tiếng nói chuyện ồn ào từ nhà ngoài. Chị Phú vẫn thút thít:
- Em biết tại sao mẹ
cưng em nhất không? Tính anh hai, gàn bướng ngỗ nghịch ngay từ nhỏ. Mẹ suýt chết
khi sinh con đầu, nên ít thương anh ấy. Chị thì là con gái. Mẹ sợ lại khổ thân
như mẹ. Sau chị, mẹ sinh liên tiếp bốn em nữa, nhưng đứa nào cũng òi ọp chết
lúc mới ra đời hay được vài tháng. Mẹ cầu khấn mãi, xin trời cho thêm đứa con
trai nữa. Chưa sinh em ra, mẹ đã xin sẵn bùa. Lại năn nỉ gửi em cho nhà chùa.
Út biết không, mẹ khóc vì sung sướng khi chị nói cho mẹ hay em là con trai. Vậy
mà em cứ lo ăn chơi, không chịu học hành, đến nỗi bị đuổi.
Quang thấy không thể
tiếp tục giữ im lặng. Bằng bất cứ giá nào, cũng phải giải thích cho chị Phú yên
lòng. Quang không học hành bê bối, và chắc chắn không thể hỏng thi như mấy đứa
khác ở quanh xóm chị Phú.
Quang nói:
- Không phải em bị đuổi
vì lười học hay vì vô lễ đâu chị. Làm sao nói cho chị hiểu bây giờ? Có nhiều điều
khó nói quá. Như cách anh hai cư xử với chị chẳng hạn. Ban đầu em tưởng ảnh
ghét chị. Biết trung đoàn 120 trở về Nam hoạt động vùng Dương Xuân, hễ gặp chị
đâu, anh hai cứ đem chuyện hành quân ở Dương Xuân ra doạ. Sau dần dà em mới hiểu.
Một lần anh hai say đến quá khuya. Lúc tỉnh dậy, em lấy khăn ấm lau nước dãi
quanh cổ và miệng cho anh hai, múc nước cho anh hai súc miệng. Anh hai ậm ừ
không nói gì như thường ngày. Em hỏi anh hai có mệt không. Anh hai lắc đầu. Em
đem cái áo mới giặt cho anh hai thay. Anh hai cầm áo tần ngần, rồi ôm em mà
khóc. Anh hai nói không thể chịu nổi tai ách hách dịch của mấy tên chỉ huy. Anh
hai đã quá chán với nghiệp lính. Anh hai ôm em mãi, khóc hức hức như con nít.
Em nói anh hai còn say, rượu chưa dã hết. Anh hai nói không, anh tỉnh lắm. Anh
phí cả đời anh vào những trò lố lăng thô lỗ. Hậm hực tàn nhẫn với cả hai đứa
em. Gặp con Phú đâu, anh cứ đem chuyện hành quân giết Việt Cộng ra doạ nó đấy.
Còn ở đây, anh cứ nhậu nhẹt la hét om sòm, Út có học được đâu. Mẹ mà còn sống,
chắc mẹ đã vác gậy đuổi anh ra khỏi nhà như thời nhỏ. Nhắc tới mẹ, anh hai càng
khóc to hơn, hai ba lần ôm đầu kêu: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Em đỡ cho anh hai nằm xuống
giường, bỏ mùng cho anh hai. Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh hai chắc còn nhớ giây
phút thổ lộ tâm sự đêm trước, nên tránh mặt không nhìn em nữa.
Vừa lúc ấy, ngoài
phòng trước có tiếng dằn ly trên mâm nhôm, và tiếng vỡ loảng xoảng. Hai chị em
im lặng nhìn nhau. Lại vẫn giọng anh Lâm, lè nhè cộc cằn:
- Mẹ ơi! Cả trung đội
đứng tim hết. thằng nhãi mới ra trường ý chừng để cảnh giác binh sĩ, cứ nhắc đi
nhắc lại đây là vùng Việt cộng trăm phần trăm. Coi chừng mìn bẩy. Coi chừng hầm
chông. Coi chừng bắn lén. Đứa nào đứa nấy thất sắc. Nhất là mấy đứa đi trước.
Chiếc giày vừa giở lên, định dậm xuống một chỗ đất mới, đã rùng mình muốn rút lại
vì tưởng tượng cái ngòi nổ hay hố chông bên dưới. Đứa đi sau gắng bước đúng dấu
chân đứa đi trước. Cảnh tượng giống một lũ sợ vợ về khuya hay một toán hát xiệc
đi dây. Khôi hài đéo chịu được! Nhưng bây giờ nói thế, chớ lúc đó tao cũng sợ
xanh mặt. Từ chín giờ cho tới mười một giờ, cả đại đội mới tiến được nửa cây số
đường đất. Ở đó lại toàn đồng không mông quạnh, đi ngờ ngờ có khác nào tấm bia
sống cho Việt cộng. Mãi đến 12 giờ mới vào tới làng.
Một giọng ồ ồ hỏi
Lân:
- Thiệt mấy con, được
mấy con?
Anh Lâm tiếp:
- Con gì? Ngu bỏ bà!
Tao không tả ra, tức là không có. Đánh đấm gì đâu! Vào trong mấy hàng tre, đến
giữa xóm, mới biết chẳng phải là làng chiến đấu chiến điếc gì hết. Tất cả dân
làng đã bỏ đi từ lâu, nhà cửa đã dột nát, vườn tược cây cối um tùm. Tụi tao giở
lương khô ra ăn. thằng truyền tin đang lo báo cáo tình hình, xác nhận toạ độ. Vừa
mới thiu thiu, cả trung đội giật mình chụp lấy súng nằm ẹp xuống. Có tiếng động
lạ phía bụi cây. Tao nằm tênh hênh giữa cái sân cao, sợ teo luôn. Tiếng sột soạt
vừa nghe rõ mồn một đó, bây giờ lại không thấy gì. Vừa định ngồi dậy, lại nghe
sột soạt trở lại. Nhãi ranh ra lệnh tiểu đội của tao tiến đến mục tiêu. tao
nghĩ thầm: Thôi, lần này nhất định về với ông bà rồi. Cả mấy đứa bò nhẹ, trườn
lên, mắt đăm đăm nhìn tới bụi rậm. Cả trung đội nín thở theo dõi. Khi tao định
nhỏm dậy, xung phong cho xong cuộc, thì một bóng đen trong bụi chạy ra. Súng nổ
ran. Trật lất. Nó cứ ụt ịt chạy tới.
Sau một tiếng vỗ đét
vào vế, có giọng Thảnh hỏi:
- ĐM heo hả?
Lâm trả lời:
- Ừ, heo Cộng sản.
Dân làng chạy hết bỏ heo lại, đương nhiên là heo Cộng sản. Heo nhà mà lông dài
và nanh mọc như heo rừng, thế mới kỳ. Cả tụi thở phào, hùa nhau bắt chú ị trói
lại.
Cả mâm rượu cười rân,
chị Phú và Quang cũng không ngăn được khỏi khúc khích. Chị Phú phác tay ý bảo dẹp
chuyện lẩm cẩm đó sang một bên, nói với Quang:
- Chị cũng hiểu vậy,
đâu có dám giận anh hai. Hồi nhỏ chị đã thấy cảnh anh bị mẹ hất hủi, nên hiểu
vì sao tính ảnh lầm lì, đôi lúc cộc cằn điên khùng. Người ta chạy chọt đi được
nghĩa quân, cảnh sát, ảnh vì vụng về mà kẹt lính. Ở Lam Sơn ra, người khác làm
văn phòng, ảnh tác chiến. Người khác lên cấp, ảnh thì không. Nói mang tội, một
phần do ở mẹ. Vô cớ, mẹ hất hủi ngay đứa con đầu. trông cái gương đó, bây giờ
chị nâng niu chiều chuộng thằng Hiệp.
Quang hỏi:
- Cháu lâu nay vẫn
thường chớ chị? Học lớp nhì đứng thứ mấy?
- Không biết. Nhưng mấy
tháng nay, nhờ nó, chị làm ăn khá lắm.
Mắt chị Phú sáng rỡ,
nét mặt hân hoan. Đáng lý Quang phải thấy điều đó ngay từ đầu. chị ăn mặc tươm
tất chải chuốc hơn lúc trước. Cái quần lãnh bóng láng, chiếc áo cụt rủn ở vai
và xẻ hông lên quá cao theo kiểu tân thời, đôi guốc nạm cườm giấu bớt đôi bàn
chân đen thô và mấy ngón hà ăn ngang dọc. Không chờ Quang hỏi, chị khoe:
- Nó học một buổi, buổi
sáng. Buổi chiều, nó lấy tiền đi theo bọn con nít xóm chợ lên sở Mỹ gần phi trường.
Tụi kia chui vào khiêng đồ hộp chuyển ra ngoài. Một thùng đồ ăn loại C bán có
300, một thùng có trái cây hộp thì 500. Thằng Hiệp trả tiền liền tại chỗ, rồi
biểu tụi nó khiêng về nhà. Chị bán lại kiếm lời khi 200, khi 500, khi 1000. Có
bữa chị kiếm lời cả 10000.
Quang thắc mắc:
- Kho tụi Mỹ canh gác
cẩn thận lắm. Buổi chiều ngờ ngờ ai cho vào ăn cắp?
- Đâu có. Tụi nhỏ chờ
tối mới lấy được. Kho ngoài phi trường chưa xây, đồ đạc để cả đống trên sườn đồi.
Thằng Hiệp núp dưới gò vừa giữ giùm quần áo vừa mua ngay tại trận mấy thùng đồ
hộp.
Quang cau mày hỏi chị:
- Tối nào cũng vậy
sao?
- Ừ, cả tháng nay rồi.
Cái kho đang xây. Chắc hơn tháng nữa mới xong.
- Thì giờ đâu cháu nó
học bài?
Chị Phú lúng túng,
nói qua quít:
- Nhiều bữa chị thức
cháu dậy sớm. Với lại cũng gần hè rồi. Để nghỉ hè chị cho nó xuống đây Út kèm
giùm. Răn dạy cho nó một chút. Chị sợ ở trên đó riết, nó hư…
- Tính thằng Hiệp hiền
lành mà chị. Hôm Tết nó xuống đây, trông nhút nhát như con gái.
Chị Phú buồn rầu:
- Bữa nay nó khác nhiều.
Nói thì còn biết nghe, nhưng đâu lại hoàn đó. Đôi lúc nó làm biếng, chị phải nhắc:
Lúc ba đi, dặn má rán cho con học hành, dặn má đừng đánh thằng Hiệp con Định tội
nghiệp…
Quang cắt ngang lời
chị:
- Con Định nào?
Chị Phú giải thích,
nét mặt có nét bâng khuâng mơ mộng:
- Ảnh dặn nếu sinh
con trai thì đặt tên Hiệp. Sinh con gái thì đặt tên Định. Hiệp Định Giơ ne đó
Út.
Cả hai chị em đều cười.
Quang tò mò:
- Sao chị biết ảnh sắp
ra Bắc mà cứ lấy?
Chị Phú cúi mặt, có vẻ
thẹn thùng trước mặt đứa em nhỏ:
- Tiểu đoàn ảnh về
đóng ở làng mình. Ảnh hát hay lắm, nhất là bài Nụ Cười Sơn Cước. Ảnh cũng… cũng
dễ thương nữa. Chú thiếm không dám cản. Với lại lúc đó, trong bộ đội, ai muốn lấy
vợ, chính phủ chẳng những không cấm đoán như trước mà còn khuyến khích nữa. Tiểu
đoàn ảnh đóng ở làng mình có ba tháng, đã có gần hai chục cặp thành vợ thành chồng.
Dễ dàng lắm. Hai đứa đưa nhau ra trước bàn thờ tổ quốc, chào quốc kỳ, thề gắn
bó yêu thương nhau mà không quên nhiệm vụ trước mặt bác.
Khách uống nước trà
ăn bánh ngọt. thế là xong.
- Hèn gì chị đặt tên
Hiệp cho cháu. Chắc cậu ta sành chuyện mua bán lắm?
- Sành lắm. Sành nhiều
thứ nữa: tập hút thuốc lá ở mép môi, tập nhổ nước miếng đánh xẹt một cái cho
cao bồi, tập nói tiếng Mỹ…
Quang báo động:
- Chị coi chừng. Đi
đêm lắm có bữa gặp ma. Ở dưới Qui Nhơn tuần trước, Mỹ nó bắn chết mấy thằng nhỏ
vào phi trường ăn cắp đồ hộp.
Nét mặt chị Phú từ lo
lắng, đổi sang hốt hoảng. Quang nhìn đăm đăm vào khuôn mặt đang cúi xuống, thấy
rõ nét viết chì kẻ thêm ở đuôi chân mày, và vệt phấn vữa ra vì mồ hôi ở chân
tóc. Cả Quang và chị Phú không nói gì. Hai chị em ngồi như thế không biết bao
lâu. Quang vừa định lên tiếng bảo chị yên lòng về thằng Hiệp, đã nghe tiếng cười
bên kia vách. Lúc nào cũng thế, tiếng anh Lâm luôn luôn lớn nhất.
- Tao nói láo làm
cháu nội tụi bay. Chẳng lẽ đem về được mà sáng nay nhậu củ kiệu, xoài sống!
Một người hỏi:
- Chia mỗi đứa được
bao nhiêu?
- Chia cái gì?
- Tụi bay bán con heo
cho “bảy đáp” rồi chia tiền chớ chia gì.
- Mẹ ơi! Heo đâu mà
bán! Tụi tao tiếp tục đi. Xóm bên cạnh cây cối nhiều hơn. Tre mọc hai bên đường
cái, đứa nào cũng sợ bị phục kích hay bắn lén. Không thằng nào dám hó hé một tiếng.
Vậy mà con heo cứ en ét kêu miết. Phát ớn luôn!
Giọng của Thảnh hỏi:
- Không bịt mỏ nó lại?
- Tại sao không? Mầy
tưởng cả trung đội toàn đồ ngu hết sao. Tao lấy dây dù riết chặc hai cái hàm
như cột chả giò. Nó vẫn kêu được, thế mới kỳ. thằng nhãi định thả ra, nhưng thấy
tụi tao lăng xăng quá, không dám ra lệnh. Cả trung đội vẫn chậm chạp tiến giữa
hai hàng tre. Giày bước thật nhẹ cho khỏi gây tiếng động. Và con heo vẫn kêu en
ét. Thằng trung sĩ đề nghị lấy vải bịt mắt nó. “Nó tưởng trời tối, nằm ngủ một
giấc quên kêu đi.” Tụi tao nín cười không được. Không tin, nhưng cứ thử.
Thảnh hỏi:
- Còn kêu hết?
- Ăn thua gì. Nó cứ
kêu. Thằng nhãi tức giận bảo: Đem thọc huyết cho rồi. Cứ cái điệu này lộ mục
tiêu, tụi nó phục kích chết cả đám.
Ông thượng sĩ già chậm
rải giải thích: “Mấy ngày nay ăn toàn lương khô, thiếu uý. Lâu lâu có chút chiến
lợi phẩm, anh em mới hăng hái. Giết heo bây giờ, thịt phơi nắng tới chiều, thúi
là cái chắc.” Thằng nhãi đành làm thinh. Càng vào sâu trong xóm, cảm giác rờn rợn
càng tăng. Con heo khỏi thở dốc vì nắng, được trớn càng kêu to. Tao nhìn con
heo, vừa tức giận, vừa tiếc rẻ. Đứa nào cũng muốn giết quách cho nó rảnh, nhưng
lại tiếc của trời. Chỉ cần luộc sơ, lấy dao cắt chấm muối, phải biết. Miễn là cả
bọn an toàn cho đến chỗ đóng quân định trước.
Người bạn nhậu không
thể chờ đợi thêm, hỏi ngay:
- Tụi bay có việc gì
không?
Anh Lâm không trả lời
ngay, cả chị Phú và Quang cũng im lặng lắng chờ.
Sau một tiếng khà kéo
dài, anh mới nói:
- Lảng xẹt! Có việc
gì mà tao ngồi đây? Tụi tao về bãi đáp an toàn. Không thiếu một sợi lông. Râu
tóc mọc tùm lum, vì cả tuần lội bùn không thằng nào thèm cạo. Thằng nhãi mừng
hơn hết. Ra quân lần đầu mà không sát lính là may. Nó tới vỗ vỗ con heo, cười
hí hửng. Tụi tao đứa đề nghị luộc, đứa đề nghị nướng, đứa đề nghị quay…
Chị Phú chợt nhớ chuyện
bếp núc, hỏi Quang:
- Mấy giờ rồi em?
- Mười một giờ rồi chị.
- Lo cơm nước gì
chưa?
- Em mới lên đây hồi
chín giờ rưỡi trước chị khoảng một giờ. Để khách về hết hỏi anh hai có ăn cơm
không, mua tạm vài cái trứng kho nước mắm.
Chị Phú trách:
- Ăn uống thất thường
hèn gì hai anh em ốm như còng gió. Phải gởi tiền người ta đi chợ giùm chớ. Thôi
chị về không kịp, để ở lại ăn trưa ở đây luôn. Gạo để đâu, chỉ cho chị nấu cơm?
Hai chị em dẫn nhau
ra bếp. Tiếng cười rổn rảng vẫn dội xuống phía dưới. Quang chỉ cái thùng đạn đựng
gạo cho chị Phú. Chị loay hoay không biết mở thế nào, Quang nói:
- Chị cầm cái quai sắt
bên hông giật mạnh lên. Cái son để dưới giường. Để em đi múc nước.
Lúc Quang xách thùng
nước về, chị Phú đã nhóm xong lửa trên cái rề sô. Khói đen bốc lên, chờ mãi ngọn
lửa vẫn chưa xanh. Quang nghi ngờ:
- Chắc hụt dầu rồi chị.
Chai dầu lửa dấu sau thùng giấy đựng rác. Thôi chị vo gạo, để em nhen cho. Em
biết tật của cái lò nầy.
Lúc bắt xong son gạo
lên lửa, chị Phú hỏi:
- Chỗ bán trứng gần
đây không?
- Đầu bên kia dãy trại
nầy. Quán của bà thượng sĩ.
- Để chị lấy tiền.
Mua thêm hai hộp thịt ba lát ăn cho đủ.
Chị Phú lên giường mở
cái xắc ni lông lấy tiền đưa cho em. Anh Lâm vẫn lớn giọng kể:
- Mẹ ơi, thiếu tá đâu
có dám giỡn. Lãnh củ dễ ợt. Đứa nào đứa nấy mệt phờ, nhưng cũng đứng thật
nghiêm. Thiếu tá đi thanh sát một vòng, bắt tay thằng nhãi rồi theo nó đi vỗ
vai từng đứa. Tới chỗ tao, lão nổi hứng bắt tay khen ngợi điều gì không rõ.
Thảnh cười hô hố, lật
tẩy:
- Ê, nghe không rõ mà
mầy biết lão khen mầy?
Lâm cười lớn cho qua,
kể tiếp:
- Bàn tay lão mềm
nhũn. Tao biết lão làm cảnh, thối chí quá. Chợt lão chú ý con heo đang nằm quay
lơ phía sau tao. Lão kêu thằng nhãi lại, hỏi:
- Heo đâu đó?
Thằng nhãi sợ xanh mặt,
mới ấp úng được câu trả lời:
- Thưa thiếu tá,
không phải của đồng bào. Tụi Cộng sản bỏ chạy, không kịp đem theo. Heo Cộng sản,
thưa thiếu tá.
Thiếu tá gật gù:
- Tốt, tốt, các anh cừ
lắm. Đã tảo thanh cả vùng, còn huỷ diệt nguồn lương thực của tụi nó nữa. Thiếu
uý cho khiêng heo lại trực thăng của tôi. Đem về tiểu khu cho đại tá thấy.
Nhiều tiếng ồ lên ồn
ào, không nghe được người nào nói câu gì. Chị Phú lại phác tay ngang qua trước
mặt, ý bảo bỏ qua chuyện lẩm cẩm đó đi, rồi đưa hai trăm cho Quang:
- Em nhớ mua loại hộp
mới. Mấy cái hộp phồng lên là hộp quá ngày hư rồi. Ăn đau bụng chết. Đừng có
mua nghe chưa. Quang chọn mua thịt hao ngon hơn.
- Chị yên chí. Thịt
heo Mỹ. Không phải heo Cộng sản của anh hai đâu.
Nguyễn Mộng Giác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét