Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

MỘT VÙNG NON NƯỚC HẦM HÔ


Từ thị trấn Phú Phong, khách tham quan Bảo tàng Vua Quang Trung có thể làm tiếp chuyến đi của mình bằng cuộc đi chơi Hầm Hô. Hầm Hô cách thị trấn chừng 6 kilômét về phía Nam, được nối bởi con lộ trải bê – tông rộng rãi. Trên con lộ này, du khách sẽ gặp những dòng xe cộ đủ loại (Ô tô du lịch, xe máy…) ngược xuôi với mình, đông nhất vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, tết. Du khách có thể vừa đi vừa ngắm cảnh: Sông Đá Hàng một bên; làng xóm và ruộng lúa, ruộng mía một bên. Bạn sẽ thấy ở đây chim mía nhiều lắm, chúng ở trong các đám ruộng mía và ở trên bầu trời, một bầu trời khoáng đãng cho những đám mây kéo nhau bay về dãy núi gần đó.

Thuyền của chúng tôi, hòa vào thuyền của những đoàn khách du lịch khác, nhẹ mái chèo trên mặt nước Hầm Hô. Chúng tôi nhẹ mái chèo, vì sợ khuấy nước mạnh sẽ làm cho những dề hoa lộc vừng nổi dập dềnh trên mặt nước vỡ tan đi. Cảnh Hầm Hô  thực là thủy tú sơn kỳ: nước trong, núi dựng; đôi bờ đá lởm chởm hòn thấp hòn cao, hòn nhọn hòn bằng, hòn lồi hòn lõm, hòn đứng hòn nằm…

Bài trí đó khiến tôi liên tưởng tới hàm răng hô của ông Bếp Độ cổ quái, hết thời đi lính Khố Đỏ, rồi về bán kẹo kéo ở cửa Tây thành Bình Định. Có lẽ vì thế, mà người ta đặt tên ban đầu cho đây là Hầm Răng Hô, về sau trại dần (hay rút gọn) thành Hầm Hô chăng?

Rồi thuyền xuôi ngược trên dòng suối, khi êm trôi, khi vút nhanh, khi chòng chành, lắc lư, làm chúng tôi vừa thích thú vừa lo sợ. Chúng tôi nói chuyện, trầm trồ khen ngợi những vẻ đẹp của Hầm Hô, nghe nước đổ, chim rừng kêu, thưởng thức mùi thơm của đủ loại hoa rừng tỏa trong không gian. Đến chỗ thác nước đổ nghe ồ… ồ… chúng tôi lại một lần nữa liên hệ đến cái tên Hầm Hô, theo một cách giải thích khác: Nghe nước đổ ồ… ồ… phải hô lên để báo động cho người chèo chống bè súc biết sắp tới chỗ nguy hiểm mà cẩn thận hơn, nhân đó mới đặt tên là Hầm Hô (theo Quách Tấn - Nước non Bình Định).
Chúng tôi bơi thuyền trên Hầm Hô, nghĩ đến bao chuyện cổ tích, huyền tích kỳ thú, hấp dẫn nơi phía thượng nguồn hầm nước sâu và mênh mông tới nghìn mét vuông mặt nước này. Nào chuyện trên đó có cửa Vũ Môn (liên quan đến chuyện thi cử, chọn nhân tài) có ông Khổng Lồ ngồi trên thạch bàn câu cá mà nay còn in dấu chân; nào chuyện nơi đó có chư tiên xuống đánh cờ, có vò rượu uống mãi không cạn, có sông Trời Lấp, có Hòn Đá Thành… Và có ai qua đó đã tức cảnh sinh tình, đặt thành câu ca khắc vào đá mà nay nét chữ còn lờ mờ:

“Hầm Hô có đá Khổng Lồ
Có hang Bảy Cử có vò rượu sôi”

Đi từ nửa buổi sáng đến quá trưa, chúng tôi trở về nhà hàng Hoa Lộc Vừng nghỉ chân. Chỗ ngồi của chúng tôi là bộ bàn ghế đan nan tre nơi nhà vọng cảnh, dựng theo kiểu nhà lục giác, gần “bến thuyền” Hầm Hô đang đậu mấy chiếc thuyền inox và mấy chiếc thuyền nhựa hình vịt bầu, ngỗng, ngan màu trắng…Thuyền đang đợi khách. Hai cô tiếp viên gương mặt sáng như gương, mặc đồng phục, đeo phù hiệu Nhà hàng Hoa Lộc Vừng, đến chào thưa. Một anh bạn khen: “Con gái đất Vua có khác, yểu điệu thục nữ lắm”. Mấy nhà vọng cảnh khác đều đã có khách, nhà kề bên trái chúng tôi có hai người khách Âu Mỹ, một nam một nữ còn rất trẻ.

Nhà hàng phục vụ chủ yếu là các “đặc sản” của Tây Sơn. Anh bạn tôi xem thực đơn, rồi kêu món “khai vị” là chim mía quay, bia Sài Gòn và rượu Bầu Đá. Bụng đói, nhưng chúng tôi ăn uống chậm rãi để thưởng thức. Sau, bạn tôi gọi tiếp món cá mương chiên xù và chim cút rừng quay, ăn với rau sống, bánh tráng nướng chín, bánh tráng sống nhúng nước. Một anh bạn dân Tây Sơn, với tinh thần rất bốc và đầy hứng chí, không ngớt ca ngợi cái phong vị quê nhà: “Tới Tây Sơn mà anh không ăn chim mía là không sành ăn, đi Hầm Hô mà không ăn cá mương, chim cút rừng là chưa biết Hầm Hô”. Con cá mương chiên xù trắng như bông, sắp ngay ngắn trên đĩa sứ men trắng, trông lịch sự làm sao. Cầm miếng bánh tráng nhúng dẻo mềm, cuốn cá mương chiên xù, với rau sống lá lộc vừng non, vừa có vị chát vừa có vị chua, chấm vào đĩa nước mắm vạn Gò Bồi giã ớt tỏi nặn chanh, thì cái ngon nó thấm đến từng tế bào trong cơ thể. Và tất nhiên, anh phải tợp một ngụm rượu Bàu Đá kèm theo để “phát huy” món ngon lên đến tuyệt đỉnh chứ?”.

Hầm Hô nổi tiếng có nhiều chim, cá:

"Hầm Hô nước chảy trong xanh
Dưới sông cá lội trên cành chim ca"
(Ca dao Bình Định)

Và chỉ ở đó mới có con cá mương, chim cút rừng và món rau sống lá lộc vừng non. Con cá mương sinh sản ở Hầm Hô, to bằng ngón tay cái, mình thon dài trên dưới 1 tấc. Gọi cá mương, bởi thân hình của nó và cách nó bơi thong thả, lượn lờ trong nước, chứ không phải vì nó là giống cá sinh sản dưới mương nước như người ta vẫn nghĩ. Ăn chim cút rừng nhai rau ráu, thơm ngon hơn hẳn chim cút nuôi. Buổi trưa, Hầm Hô yên tĩnh quá, chỉ có tiếng chim rừng kêu huýt cô, bắt cô trói cột... và mùi hương lộc vừng thoảng thơm. Những cành hoa lộc vừng màu đỏ, dài đến một mét, soi bóng nước Hầm Hô và thả những hoa tàn xuống mặt nước hồ, tạo cho hồ một vẻ ảo diệu lạ thường. Chỉ tiếc là đã sang thu, cho nên chỉ còn hoa lộc vừng nở muộn. Một cô tiếp viên cho biết: “Nếu chúng tôi đến vào dịp hè vừa qua, chắc chắn chúng tôi đã được tận mắt nhìn thấy một mùa hoa lộc vừng đỏ rực trong khu du lịch sinh thái Hầm Hô này”.

Ăn uống và nghỉ ngơi, đến ba giờ chiều chúng tôi đi dạo rừng. Đi trên cầu cong bắc qua con suối, chúng tôi băng qua những tảng đá giống hình trâu nằm, voi phục, để vào cánh rừng chạy dọc theo bờ Tây con suối nhỏ chảy róc rách ra hướng Bắc. Một rừng cổ thụ với những thân cây sù sì, xám xịt quấn dây leo, đính những hoa phong lan hồ điệp, vũ nữ, thủy tiên… đang ra hoa và một ngàn mai, lộc vừng dưới thấp. Đi dạo một hồi, rừng cây bắt đầu sẩm tối. Chim từ đâu bay về tìm chỗ ngủ, từng đôi, từng đôi đậu xuống những cành cây, khóm lá; các loài hoa nở về đêm đã bắt đầu tỏa hương thơm dịu nhẹ.

Chúng tôi giã từ Hầm Hô, xe xổ dốc ra cổng Khu Du lịch. Hồ Thủy tạ ở ngoài cổng, bên trái, đang đông những khách nam nữ thanh niên, chắc là họ đi chơi Hầm Hô một ngày, về nghỉ chân. Ra đến đầu làng Phú Thọ, chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng chiều Trung du tuyệt đẹp: màu sương khói đang buông xuống đôi bờ và mặt nước sông Đá Hàng đổ ra sông Côn cách đó vài kilômét

Huỳnh Kim Bửu
Cố GS. TH QuangTrung BinhKhe


2 nhận xét:

  1. Đọc "bài viết" của Thầy Huỳnh Kim Bửu, dội nhớ một thời tuổi thơ nơi đó khó quên, nhất là đối với những ai ở đó từng tha hương...
    Hầm Hô- Đã Hầm mà còn Hô, gợi cho ta nghe như tiếng vọng của thác đổ trên đá, réo gọi trong đêm khuya thanh vắng như sóng vỗ trong lòng... "hồ hâm" chăng?("Nước chảy đá mòn" thành lỗ hổng... vang xa)
    _Hầm Hô, sao nghe giống... Phùng Há, Kissinger ghơ!
    _

    Trả lờiXóa
  2. “Hầm Hô có đá Khổng Lồ
    Có hang Bảy Cử có vò rượu sôi”
    QTBK ơi! Mona chưa hiểu: hang Bảy Cử và vò rượu sôi.
    Giải thích giùm nhen .Cảm ơn QTBK

    Trả lờiXóa