Tôi
không phải dân Nẫu. Thằng bạn Việt kiều Ý gốc Nẫu xúi tôi viết về Nẫu, kèm theo
lời khuyên (răn đe?), nên tham khảo những bài do người Nẫu viết. Không ! Tôi chẳng
cần tham khảo sách vở. Tôi viết về Nẫu dưới con mắt của người Sài gòn, viết
theo ký ức và cảm nhận.
Hồi
trung học, tôi từng chứng kiến bà vợ Bình Định mắng…chồng, chỉ hiểu loáng
thoáng, rõ ràng bả đang hét bằng tiếng Việt, mà hình như xen lẫn tiếng… lạ. Hồi
trẻ, gặp gái Bình Định là sợ, về già gặp mấy bà Bình Định là hãi. Chết xuống âm
phủ, gặp ma nữ Bình Định thì coi như hết kiếp (khỏi đầu thai). Nói như thế để
thấy hồi trẻ tôi bị ám ảnh thế nào. Đàn bà con gái gì mà roi quyền cung cước,
thấy là muốn… ù té chạy. Tôi có phải là Lưu Bị đâu mà đứng lại vờ vĩnh sợ hãi,
để Ngô quận chúa dẹp hết đao kiếm, dắt chả vào phòng… hoa chúc.
Hồi
đó tôi cứ tưởng Nẫu là dân Quảng Ngãi, sau mới biết mình lầm. Bình Định, và cả
Phú Yên nữa mới là Nẫu. Tôi hỏi thằng bạn Nẫu: “ Bộ mấy bà Nẫu dữ lắm hả?”. Y tần
ngần: “Chỉ hơi nóng tính thôi, chứ còn chịu khó lo cho chồng cho con lắm”.
Người
Nẫu bảo thủ, gia phong, khuôn phép, cục bộ đến độ hơi cố chấp. Đàm tiếu từ dòng
họ làng xóm, thì Nẫu ngán, chứ dư luận bên ngoài thì Nẫu… chấp. Bạn tôi dân
Sàigòn làm rể Nẫu, hàng năm về quê vợ ăn giỗ, nhức nhối về mấy cái nghi thức
“duy nhất đúng” kiểu Nẫu. Về lại Sàigòn
là y hú anh em ra quán nhậu xả stress, rồi đi đến kết luận: “364 ngày bả lo cho
tao. Tao có 1 ngày để… khổ vì bả, cho bả nở mày nở mặt với bà con. Một ngày của
tao còn gấp trăm lần cái ngày 8 tháng 3 ở Sàigòn. Mấy thằng mua hoa nịnh vợ là
mấy thằng có… khuyết điểm”.
Dĩ
nhiên chẳng dại gì lấy một vài trường hợp riêng lẻ, rồi khái quát thành đặc
tính của cả một vùng, nhưng đó là cảm nhận, mà cảm nhận thì có ai giống ai?
Giọng
Nẫu không khó nghe lắm, biến âm nặng một chút, nhưng chen vài “tiếng lạ” thành ra khó hiểu. Phải nghe Hoài Linh
hát cái bản thất tình (tôi quên tựa) mới thấm hết cái giọng Nẫu. Lại thêm cảnh
tượng một Hoài Linh gầy nhom, lê la ở quán ven đường than thở “ … Anh bây giờ, khoé mắt sầu cứ rung rinh có giọt
lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra…”. Trời ơi! Nghe thê lương, sầu thảm gì đâu…
Đúng là “nẫu” cả… ruột gan. Chí Phèo có nghe, chắc cũng rơi lệ. Tác giả, tôi
đoán, chắc bị em Nẫu nào đó phóng cho một cước chí mạng mới làm nổi cái bài “Đệ
nhất thất tình ca” này. Tôi thích bản này, nghe rách cả băng video, nhớ lõm bõm
vài câu. Bây giờ muốn nghe lại, chẳng biết tìm ở đâu. Một di sản độc địa như vậy,
sao cất kỹ thế !
Người
Nẫu ghiền bánh tráng. Thằng bạn Nẫu hót với tôi về nghệ thuật cuốn bánh tráng
quê nó tỉ mỉ tới tầm… quốc tế, cứ như nghệ thuật ăn bốc của dân Ấn. Mặc kệ !
Tôi chưa bao giờ thử thách đôi tay mình theo cách này (dĩ nhiên, có ai đó cuốn
sẵn thì vẫn hơn). Tôi từng dẫn mấy ông Tây bà Đầm đi ăn bánh tráng phơi sương,
thấy họ toát mồ hôi vì… cuốn. Tôi nói : “Làm theo tôi !”. Lấy bún, khế, chuối
xanh, rau thơm, thịt, bánh tráng xé nhỏ ra cho hết vô chén, rưới mắm nêm lên. Rồi,
Action ! Tây khen: Good… good… Thiệt giả không biết, nhưng mặt họ tươi hẳn lên,
trút được gánh nặng ngàn cân.
Người
Nẫu hiếu khách quê mùa kiểu… Nẫu.
Tôi
thường đãi khách ở một quán quen. Quen, nên có lần hỏi chuyện một cậu phục vụ ở
đó. “Rượu Bàu Đá hồi đó uống ngon, sao bây giờ dở quá vậy. Kinh tế thị trường hả?”.
“Quê cháu đâu có làm rượu giả. Chú mua phải rượu dỏm rồi. Thứ 7 này về quê,
cháu sẽ mua tặng chú”. Chuyện tưởng quên. Lần sau tôi trở lại, cậu ta mừng rỡ:
“Cháu chờ chú cả tháng nay”. Rồi quay vào bếp, mang lên bình 2 lít, trịnh trọng:
“Đây là rượu Bàu Đá quê cháu, tặng chú uống chơi”. Tôi cám ơn và trả tiền bình
rượu. Cậu ta từ chối. Quê cậu ta ở An Nhơn, Bình Định.
Hơn
10 năm trước, tôi đi công tác Quy Nhơn, rồi ghé Bảo tàng Quang Trung ở huyện
Tây Sơn. Hôm đó vắng khách. Tôi vào thắp nhang, xem di tích, rồi ra ngoài điện
thờ, chụp ảnh tượng đài. Đang loay hoay vì ngược nắng, thì một anh thợ chụp ảnh
dạo bước đến đề nghị chụp dùm. Chuyện nhỏ! Biết tôi là dân Sàigòn, thế là anh
“mở máy” nói, chỗ này là nền nhà xưa của anh em Tây Sơn, chỗ kia là nơi luyện
võ. Ông Nhạc dân gọi là ông Hai Trầu, Nguyễn Huệ là chú Ba Bình vì Huệ là tên
chị dâu. Đây là giếng nước, cây me ngày xưa họ dùng. Rồi anh chỉ hướng nào là vựa
trầu của ông Nhạc, chỗ nào là quê ông Dũng, chỗ nào quê ông Diệu, họ tụ nghĩa
thế nào,… Càng nghe càng hứng. Đột
nhiên, giọng anh trầm lại, “Em nghe ông bà kể lại, nơi đây, đêm đêm họ nghe thấy
tiếng ngựa phi, tiếng binh khí, thấy cả bóng đoàn quân cưỡi ngựa qua núi. Bây
giờ không còn nữa”… Tôi cám ơn anh phó nhòm kiêm “sử gia dân dã”. Gửi biếu ít
tiền, anh từ chối.
Tôi
hiểu, quê Nẫu nghèo, cần kiệm đôi khi trên mức cần thiết một chút. Vùng đất này
đã có thời là “hang ổ” của “ngụy quyền” Tây Sơn, bị nhà Nguyễn truy bức bách hại
cả gần trăm năm. Họ trở nên khép kín, nhưng cái hào khí năm xưa vẫn là nỗi luyến
tiếc và trở thành huyền thoại. Như cái lò xo bị nén, một khi lòng tự hào được xả
ra, Nẫu sẽ chơi… xả láng. Tự ti xen lẫn tự tôn là thế!
Nói
đến vua Quang Trung, tôi lại nhớ đến bài hịch của ngài:
Đánh cho để dài tóc.
Đánh cho để đen răng.
Đánh cho nó chích luân bất
phản.
Đánh cho nó phiến giáp bất
hoàn.
Đánh cho sử tri Nam quốc anh
hùng chi hữu chủ.
Nay,
cửa khuyết không còn, nhưng đền thờ còn. Tiện dân từ phương Nam khấu đầu, kính
bẩm: “Tâu hoàng thượng, khi nào ngài tái sinh?”.
Vũ Thế Thành
Tuyển tập Những Thằng
Già Nhớ Mẹ
Đích thị dân Tây sơn đọc Nẫu cả người "Nẫu" sướng rên mé đìu hiu luôn.Cảm ơn nhà văn Vũ Thế Thành.Ở nhà sách đã có "Những thằng già nhớ mẹ" chưa ạ. Có ai biết chỉ giúp với.
Trả lờiXóa