Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

CÂU ĐỐI TẾT CỦA CÁC CỤ NGÀY XƯA



Câu đối Tết ở Việt Nam ta chắc chắn là có nguồn gốc từ Trung Hoa rồi. Mà xuất xứ của câu đối Tết Tàu nghe đâu phát tích từ chuyện Thục chúa Mạnh Sưởng vào thời Ngũ Đại (919 - 965) đã viết hai vế đối lên mảnh gỗ đào, mảnh gỗ nguyên dùng để đến Tết treo hai bên cửa làm bùa (đào phù) trừ tà trục quỷ. Từ đó về sau, cứ mỗi Tết đến văn nhân tài tử bên Tàu đua nhau viết đối treo lên, vừa đuổi quỷ, đuổi xấu, vừa thể hiện tâm tình, ý chí của mình.

Câu đối Tết qua đến Việt Nam, với bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1772 - 1822), thơ của Bà hình ảnh phồn thực lúc nào cũng ngồn ngộn, nên đào phù, tính phồn thực quyện với nhau thật thú vị trong câu đối mà người ta cho là của Bà :

Tối ba mươi khép cánh càn khôn,
ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa,
mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.

Văn nào thì người ấy.

Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) lận đận hàn vi, nửa đời người mới tham chính, hoạn lộ lúc thì lên voi làm tướng, lúc xuống chó làm lính trơn. Mang trong mình hạo khí làm trai, cụ xem dòng đời như không tách bạch với thời gian. Nên khi gặp Tết :

Chiều ba mươi nợ réo tít mù,
co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một rượu say túy lúy,
giơ tay bồng ông phúc vào nhà.

Người ưu thời mẫn thế như Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909), ông bỏ quan về quê. Một chút chức sắc nơi cửa đình, một chút thiên chức làm thầy trong làng, một chút bệnh già (mắt mờ), Tết của cụ một chút nào đó có thâm trầm lẫn chua xót :

          Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên. Nào lềnh, nào trưởng, nào bàn ba, tiền làm sao, gạo làm sao, đóng góp làm sao. Một năm mười hai tháng thảnh thơi, cái thủ lợn nhìn thấy đà nhẵn mặt

          Già chẳng già với trẻ, đàn tiểu tử lau nhau đứng trước. Này phú, này thơ, này đoạn một, bằng là thế, trắc là thế, điểm khuyên là thế. Ba vạn sáu ngàn ngày thấm thoắt, con mắt gà đeo kính đã mòn tai.

Dù sao hai cụ Uy Viễn cùng Yên Đỗ cũng từng tham chính, dù nghèo cũng có khí chất thanh bạch của nhà quan. Nhưng nghèo như cụ Tú Vị Xuyên Trần Tế Xương (1870 - 1907), việc nhà phó hết cho mẹ nó buôn bán ở mom sông, Tết của cụ là cái Tết thanh bần, hiu hẩm như mọi người chung quanh, nhưng Câu đối Tết của cụ không thể chê vào đâu được ...

Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình bạc thế lại bôi vôi

Cụ Tú Xương còn có bài thơ nghe chúc Tết  Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau … bây giờ đọc lại thấy vẫn như chuyện đang xảy ra trước mắt, bài thơ ở thời nào cũng thực, cũng thời sự. Nhưng cụ còn có bài hát nói Ngày Tết Dán Câu Đối, nói về Tết nhưng câu đối trong bài lại trưng ra một tuyên ngôn để đời.

Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống thân danh đã đỗ Tú Tài
Ngày Tết đến cũng phải một hai câu đối
Đối rằng :
Cực nhân gian chi phẩm giáPhong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu,  Giang hồ khí cốt
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay ?
Thưa rằng hay thật là hay,
Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú Tài !
Xưa nay em vẫn chịu ngài !

Câu đối Tết mà không nói chuyện ngày Tết, không nói chi mong ước của gia đình trong năm mới, câu đối gần như là một tuyên ngôn của tao nhân mặc khách :

Cái phẩm giá cao nhất trong cuộc sống
là tình mến trăng trong gió mát
Cái phong lưu quý nhất ở trên đời
là cốt khí kẻ lãng tử sông hồ.

Hậu Tổ Tuồng, Hiệp Tá Đại Thần Đào Tấn (1845 - 1907) người Bình Định cũng có tuyên ngôn nghệ thuật bằng câu đối :

Thiên bất dự nhàn,
thả hướng mang trung tầm tiểu hạ
Sự đô như hý,
hà tu giả xứ tiếu phi chân.

Trời chẳng cho nhàn, nên tới chốn nhộn nhịp nầy tìm chút rảnh rổi
Trò đời như kịch, chớ cười trong giả ấy không có cái chân thực.

Cụ Đào với tuyên ngôn đó cùng phương châm tùy chỗ mà có cách hài như Đông Phương Sóc, tùy nơi mà có cách diễn lấy vui theo cách của Hoan Hỷ Bồ Tát :

Tùy xứ khôi hài, Mạ Thiên Tiên bản sắc
Phùng trường tác hý, Hoan Hỷ Phật tiền thân.

Nhờ vậy mà nghệ thuật tuồng ở Bình Định trưởng thành theo phong cách của cụ, tiếng tăm vang xa. Nhưng cũng từ đây mà có giai thoại về câu đối đã làm khó chịu cả một địa phương trong những ngày đầu năm mới.

Sắc phong cụ Đào Nhữ Tuyên 

Nguyên đầu tháng giêng năm Khải Định thứ 10 (1925), con của cụ Đào Tấn là cụ Đào Nhữ Tuyên nhận sắc phong ra trấn nhậm lỵ sở huyện Mộ Đức - Quảng Ngãi. Trước đây sĩ tử 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi thường tranh nhau giành thủ khoa các kỳ thi Hương ở Trường thi Bình Định. Ganh tài nhau nên hai bên thường có những hục hặc chữ nghĩa với nhau. Nay có người ở Bình Định ra làm quan ở địa phương mình, lại là con của một ông quan đại thần chỉ màng chuyện văn chương tuồng tích, một số kẻ thủ cựu ở Mộ Đức chơi khăm lén viết hai bên cổng công đường mỗi bên hai chữ :

Hát hay
Học dở

Ý chê quan mới về trấn nhậm chỉ giỏi hát hò chớ sở học chẳng bao nhiêu. Thuộc lại có người định xóa đi, Ông ngăn lại và sai người viết nối thêm thành cặp đối làm bẻ mặt dân sở tại :

Hát hay, chánh kép Quy Nhơn thiệt
Học dở, làm quan Quảng Ngãi chơi.

Câu đối Tết một mặt nào đó thể hiện ý chí, sự ước muốn con người mong có được trong năm sắp đến, một mặt nào đó thể hiện mặt bằng tri thức của làng xã. Nhưng ganh tài, hục hặc chữ nghĩa với nhau, kể ra cũng khó chịu.

Hoài An
Khóa 4 QuangTrung BinhKhe


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét