Tôi sinh ra và lớn lên ở
xóm Nam, Thôn Mỹ Thuận, xã Bình An, Tây Sơn, Bình Định. Ngôi nhà tôi ở nằm giữa
những cánh đồng lúa mượt mà tốt tươi, có những con mương nhỏ chảy men theo
những thửa ruộng nối liền nhau. Dòng nước Mương lặng lẽ mang phù sa từ sông lớn
tưới mát khắp đồng quê, cũng chính nhờ vậy mà đồng ruộng quê tôi xanh mướt khi
còn con gái và vàng ruộm khi đến kỳ thu hoạch, luôn hứa hẹn một mùa bội thu.
Nhìn lên hướng Tây, cách
nhà không xa là ba ngọn tháp Dương Long cân đối thẳng hàng, đã trải qua bao
đời, vẫn đứng sừng sững hiên ngang như người dân quê tôi vậy! Nơi đây là một
trong những di tích thu hút nhiều khách du lịch khi đặt chân đến Bình định (tôi
rất tự hào).
Nhìn xuống phía đông là
''Nhà thờ“ được xây dựng không rõ từ khi nào, nhỏ nhắn nhưng hơi cổ kính. Vào
những buổi sáng sớm, thường nghe chuông nhà thờ ngân nga như đánh thức mọi
người thôn tôi chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu, với bao công việc đồng áng
''bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”...
Bên trái, kế bên cánh
đồng lúa là những soi mía bạt ngàn, xanh mướt ngọt ngào của thôn bạn (thôn An
Chánh).
Bên phải, cách một dãy
ruộng là ngôi Đình làng cổ, nơi đây thờ Thần Hoàng đồng thời cũng là nơi dân
làng, thanh thiếu niên của thôn tổ chức hội họp, tiệc tùng... Nằm sát bên
Đình là ngôi Chùa nơi thờ Phật và cũng là nơi ở sinh hoạt, tu hành, giảng đạo
phật của nhà sư, cũng là nơi những tín đồ đạo Phật thường lui tới để nghe giảng
kinh và thực hiện các nghi lễ tôn giáo nhà phật.
Cạnh khu vườn nhà tôi là
ngôi Miếu của xóm Nam thờ các vị thần và cũng là nơi hội họp của dân trong xóm,
gắn liền với Miếu là khu Gò mả có tên gọi là ''Gò Cây Bún”, với nhiều mồ mả
được chôn san sát nhau, đa số là mồ vô chủ. Ngoài ra còn có Miếu Đông, Miếu
Tây, Miếu nào cũng gắn liền với mồ mả. Con đường đất dẫn đến nhà tôi luôn rợp
mát bóng tre xanh. Tôi giới thiệu như vậy để cho các bạn biết rằng, thôn tôi
một làng quê êm ả nhưng rất huyền bí... tuy có hơi nhỏ bé nhưng cách bố trí xây
dựng không thiếu một nghi lễ nào của một làng quê, chỉ thiếu là không còn thấy
cây đa giếng nước (có lẽ là trải qua nhiều năm tháng chiến tranh, cây đa giếng
nước không ai gìn giữ)
Tất cả những quang cảnh
trên, tôi đã quan sát và cảm nhận được từ năm 1975, khi mà gia đình tôi đã thật
sự trở về đây sống. Vì lúc trước, vào khoảng 1965 do chiến tranh loạn lạc, nên
gia đình đành phải tạm rời xa quê hương đến sinh sống nhiều nơi theo công việc
của cha tôi (ở thị trấn Bình Định, thành phố Quy Nhơn, thị trấn Phú Phong, vào
Nha Trang rồi lại trở về Phú phong) và cuối cùng cũng trở về Mỹ Thuận (nơi chôn
nhau cắt rốn của tôi), có lẽ cuộc sống của gia đình tôi được trời định sẵn
không thể tách rời với cội nguồn, với tổ tiên được ! Các bạn biết không ! khi
về sống nơi này tôi được nghe nhiều câu chuyện kể về ma, mà là những câu chuyện
ma ấy lại quanh quẩn ở cái thôn nhỏ bé của tôi mới đáng sợ chứ ! Lúc đó, vì còn
là tuổi thiếu niên chưa hiểu biết bao nhiêu nên tôi rất sợ nhất là khi màn đêm
buông xuống, trong nhà được thắp sáng bằng những ngọn đèn dầu leo lét, bên
ngoài thì tối om. Trong cái vắng lặng không có tiếng người, tiếng xe đó, mọi
côn trùng tranh nhau cất tiếng kêu nghe đến rợn cả người. Mấy chị em tôi ai
cũng sợ ma, đặc biệt là tôi tuy có hơi mạnh mẽ (có chút nam tính) nhưng lại là
người sợ nhất (chắc là do tôi hay đọc truyện ma và thường được nghe dân trong
xóm kể nhiều câu chuyện ma). Vì vậy nên nửa đêm mỗi khi muốn đi ''ngoài” chị em
tôi hay đánh thức nhau dậy để cùng đi, hoặc có khi gọi cha, cũng có lần nhờ mẹ
dẫn đi. Thấy chị em tôi quá nhút nhát sợ sệt nên ông nội tôi đã kể cho chị em
tôi nghe hai câu chuyện đã xảy ra tại chính căn nhà đang ở, để cho chị em tôi
biết rằng dù có ma cũng không làm được gì để hại mình, nhằm trấn an tinh thần
và cũng để cho chị em tôi thấy rõ tác hại của việc sợ ma...
![]() |
Đình làng Mỹ Thuận ngày nay |
Ông kể rằng:
Câu chuyện thứ 1 : Trước
năm 1965, ngôi nhà ông cháu mình đang ở là nhà lá mái rất to chứ không phải là
nhà mái ngói như hiện tại. Nội không có ruộng nhiều như các nhà đại địa chủ, nhưng
cũng thuộc diện có ruộng kha khá trong làng, hầu hết các mẫu ruộng của Nội đều
cho tá điền làm công, còn Nội chỉ lo việc cai quản chứ không trực tiếp làm. Công
việc hàng ngày của Nội là chăm sóc cây trái trong vườn, lúc rảnh rỗi Nội dạy
chữ cho con cháu, người thân, dạy cho những người dân nghèo trong xóm nếu ai
hiếu học. Tuy là gia đình tương đối khá giả nhưng Nội rất thương và hay giúp
người nghèo nên dân làng rất quý Nội và hay gọi Nội là “ông Hương Bản” Như các
cháu cũng biết đó, Nội có năm người con. Hai cô con gái học xong tiểu học ở nhà
cùng bà lo việc trong nhà và chợ búa... Ba đứa con trai đều là giáo viên tiểu
học. Một gia đình cũng có chút tiếng tăm là có truyền thống hiếu học, hiền
lành, ấy vậy mà luôn gặp nạn, nhất là ngôi nhà nhiều lần bị đốt cháy. Những lần
cháy xảy ra vào mùa hè lúc đêm khuya, khi dân làng đang ngon giấc. Nội nhớ có
một lần trong lúc cả nhà đang ngủ say, tự nhiên Nội ngửi thấy có mùi khói khen
khét rất khó thở, Nội mở mắt ra thì... trời ơi ! Trước mắt Nội cái mái nhà cháy
sáng rực...! Nội bật nhanh dậy, vội đánh thức cả nhà, rồi chạy nhanh ra ngoài
đánh mõ báo động cầu cứu! Chỉ trong chốc lát dân trong làng kéo đến rất đông, nhiều
chiếc thang tre kê lên nóc nhà, người dùng gàu, kẻ xách thùng, múc nước ở
giếng, ở ao chuyền tay nhau đưa lên mái nhà tưới vào ngọn lửa đang bốc cháy
ngùn ngụt. Nhờ sự nhiệt tình và đồng tâm giúp đỡ của dân làng nên ngọn lửa
chẳng mấy chốc đã được dập tắt. Cũng may chỉ cháy một mảng mái tranh lợp. Hôm
sau Nội cho người sửa chữa và lợp lại ngay. Tưởng chỉ là tai nạn bất ngờ thôi, nhưng
khoảng một tháng sau thì ngôi nhà cũng lại bị phát cháy như lần đầu, nhưng lần
này ngọn lửa vừa phát sáng là Nội đã phát hiện ngay, kịp thời cầu cứu và đã
được dập tắt. Lần trước cháy thì Nội không nghĩ gì, nhưng lần này lại xảy ra
một cách trùng hợp và cũng phát cháy giống như lần trước nên Nội rất ngạc nhiên
và có nhiều điều thắc mắc. Sáng hôm sau Nội có mời một vài người bạn có chức vụ
nho nhỏ trong làng đến nhà bàn bạc. Có người cho rằng “do nấu ăn bằng củi nhiều
khi quên dập tắt nên mới vậy” Nội bảo ''Nếu phát cháy từ dãy nhà bếp thì có thể
do nấu ăn bằng củi có khi đập tắt không hết nó ngấm ngầm lây lan phát cháy”
nhưng đằng này đâu phát cháy ở nhà bếp nên khả năng do trong nhà bất cẩn làm
cháy là không đúng! Người thì nói: ''Chắc bọn trộm thấy nhà mái lá của anh to
lớn nên phóng hỏa đốt để tập trung dân làng lại chữa cháy cho lâu mà có thời
gian ra tay trộm cắp”. Điều này cũng hay xảy ra ở những nơi khác, nhưng nếu có
thì sáng hôm sau cả làng đều biết nhưng không nghe ai bị mất trộm gì cả. Có
người lai hỏi Nội ''anh có gây thù chuốc oán với ai không?” nhưng Nội nghĩ từ
trước đến giờ có gây ai đâu, lại hay giúp người, ngay cả những người tá điền
Nội cũng chưa bao giờ trách mắng, thì làm sao có chuyện đốt nhà trả thù. Nói
đến trả thù Nội lại nghĩ “hay là thằng cháu mồ côi cha mẹ, tính tình khù khờ về
bên ngoại sống. Nội đã tìm đem về, giao đất, cất nhà cưới vợ cho ở sát vườn mà
hàng ngày hay bị Nội la mắng, dạy dỗ nên nó trả thù. Nghĩ vậy nên Nội có gọi
đứa cháu đến nhà hỏi, nhưng nó bảo không dám làm vậy. Tuy nghe thằng cháu nói
thế nhưng Nội vẫn không tin. Nội nghĩ ''nhiều khi nó khùng nó đốt rồi chối” nên
Nội quyết định ban ngày ngủ, ban đêm thức rình bắt tại trận kẻ đốt nhà. Thế là
Nội chuẩn bị một chỗ núp khá kín đáo, an toàn. Nội phát lùm tre sau nhà thành
một khoảng trống ở giữa rồi mắc một chiếc võng, cứ đêm đến là Nội ra nằm thức canh.
Rồi ngàỳ thứ nhất, thứ hai, thứ ba... nhiều ngày kế tiếp vẫn bình yên, không có
gì xảy ra. Mặc dù vậy Nội vẫn kiên nhẫn canh, cho đến một ngày kia không nhớ rõ
là ngày thứ mấy, đang nằm nhìn lên trời bỗng... Nội phát hiện có một chiếc lá
tre từ cây tre trong vườn cháy sáng bay đáp vào mái nhà thế là mái tranh bốc
cháy. Nội lật đật cầu cứu và mái cháy cũng được dập tắt ngay tức khắc. Sáng hôm
sau Nội đem chuyện xảy ra đêm hôm kể cho mấy người bạn nghe. Ai cũng bảo nếu
quả như vậy thì là ''ma đốt đó !”. Nội nghĩ ''là Ma đốt sao ?” Nội không tin
trên đời này lại có Ma vì nội có nghe nhiều người kể về ma nhưng Nội chưa bao
giờ tận mắt thấy! Nhưng nếu bảo không phải Ma đốt vậy thì là người đốt, chính
mắt Nội nhìn thấy đâu phải người đốt. Nội rất phân vân, nửa tin nửa ngờ. Nhiều
người khuyên nên thỉnh ''ông về thờ”, cũng có người khuyên rằng ''có thờ có
thiêng có kiêng có lành”, nghe câu nói có lý, mặc dù không tin lắm, nhưng vì
tận mắt chứng kiến chuyện lạ, nên Nội cũng nghe theo sang chùa Ông bên An Thái
thỉnh Ông về thờ. Thật kỳ lạ là kể từ khi trong nhà thờ ''Ông” thì ngôi nhà
không còn bị đốt cháy nữa. Điều này Nội thấy rất lạ không biết thực hư như thế
nào... kể vừa xong câu chuyện ông Nội cười khà khà nói :' 'chắc có lẽ ma đốt
nên không sao ! Chứ người đốt là tiêu luôn không chữa kịp !” Các cháu thấy
không ngôi nhà mà Nội nhiều lần chữa cháy cũng đã bị con người thiêu rụi sau
khi cả gia đình đi di tản, khi trở về chỉ là cái nền đất cỏ mọc xanh rì!
Câu chuyện thứ hai : Xảy
ra Khi Nội còn trai trẻ, chưa vợ con, có lần Nội được chú rủ đến ăn giỗ nhà
người thân ở làng kế bên, từ nhà đến nơi đó rất xa nhưng vì lúc đó không có xe
nên hai chú cháu đi bộ trên con đường đất quanh co lại phải đi ngang qua nhiều
Gò mả, Miếu thờ... Đến dự đám giỗ gặp nhiều người thân nên chú của Nội uống rượu
cũng hơi nhiều, đến khi chú Nội quyết định ra về thì lúc đó trời đã về đêm, trên
trời có trăng nhưng là lưỡi liềm nên nhá nhem chỉ đủ để thấy đường đi. Hai chú
cháu cố rảo bước nhanh để về nhà được sớm hơn, đang đi bỗng ''Soạt! Soạt”...
tiếng kêu rất lớn phát từ một bụi rậm ven đường, hai chú cháu giật mình đứng
khựng lại... rồi ''vụt” một bóng đen nhỏ phóng nhanh như chớp ngang qua chân
Nội, giật mình nhưng Nội cũng kịp nhìn theo bóng đen đó, tuy không thấy được rõ
nhưng Nội đoán đó là con Chồn, sau vài phút hai chú cháu bình tĩnh trở lại, rồi
tiếp tục đi về. Đang đi nhanh khi đến đoạn gò mả của thôn Nhơn Thuận tự
nhiên... chú của Nội đứng khựng lại... giữ chặt tay không cho nội đi. Nội hỏi
''sao vậy chú ?” chú của Nội không nhúc nhích, toàn thân run lẩy bẩy, miệng lèm
bèm nói ú ớ không rõ lời, mắt trân trân nhìn và chỉ tay về phía trước. Lúc bấy
giờ Nội rất ngạc nhiên nhìn theo ngón tay chỉ của chú xem sao ? Tự nhiên Nội
thấy ớn lạnh, da gà nổi lên khắp người, toàn thân bắt đầu run như bị cảm lạnh...
vì... trước mắt Nội... là một người cao to lúc sáng trắng, lúc mờ ảo. Nội dụi
mắt đến mấy lần rồi cố căng mắt nhìn nhưng hình ảnh trước mắt vẫn không gì thay
đổi, sau vài phút tĩnh tâm bằng cách nắm cú tay thật chặt Nội nghĩ ''chả lẽ
chịu chết đứng ở đây sao ? Trong khi đường về nhà đã rất gần, còn quay trở lại
thì cách đã quá xa rồi” đang trong tình thế ''Tiến thoái lưỡng nan” mặc dù cũng
đang rất sợ nhưng Nội quyết định chậm rải... chậm rải... tiến dần... tiến
dần... đến cái bóng đó... xem sao?... Càng đến gần... cái bóng đó càng hiện rõ…
rõ dần... Ồ! thì ra không phải là con người mà một cây duối to cao có dáng như
hình người mọc hoang bên đường, ánh sáng trắng lúc tỏ lúc mờ phát ra từ cây
duối là ánh sáng của rất nhiều con Đom Đóm bám xung quanh trên cây. Lúc bấy giờ
Nội mới thở phào nhẹ nhõm, Nội vội vã quay trở lại giải thích cho chú hiểu: ''Đó
là cây duối đom đóm bám vào từ xa nhìn thấy vậy chứ không phải ma cỏ gì đâu chú
à !”, nhưng dù nói như thế nào chú Nội vẫn cứ đứng im không nói không rằng, cũng
không chịu nhúc nhích luôn, cuối cùng Nội phải vất vả cõng chú về nhà. Cũng kể
từ đó chú Nội sống trong hoảng loạn, bỏ ăn, mất ngủ tinh thần suy sụp, cơ thể
yếu dần mặc dù đã chữa trị, kết quả sau một tháng chú của Nội mất. Rất nhiều
người bảo rằng chú Nội mất do ma bắt, nhưng Nội khẳng đình là do uống rượu hơi
nhiều cơ thể đang mệt lại quá sức sợ hãi, tâm không vững, nên tinh thần suy sụp
chứ không có ma nào bắt cả...
Kể xong hai câu chuyện
ông nội của tôi bảo “các cháu thấy chưa, vì quá nhút nhát sợ sệt đầu óc hay
nghĩ về Ma nên nhìn Gà hóa Cuốc, nhìn cây Duối hóa Ma mà lâm bệnh rồi chết một
cách oan uổng như chú của Nội. Còn Ma đốt nhà Nội cũng không tin mấy, có khi
ngẫu nhiên trùng hợp, cũng chưa tìm rõ nguyên nhân nên tạm tin vào linh thiêng,
vì giả sử có ma nếu mình không chọc ghẹo thì cũng không hại mình. Nội còn nói :
''Ma chỉ có khi tâm không vững, và chỉ thấy khi mình làm điếu ác... (bị ám ảnh)
“
Các bạn biết không, ông
Nội là người thầy dạy vỡ lòng và lớp 1 của tôi đó ! Lên lớp 2 tôi mới cắp sách
đến trường, nên những gì ông nói tôi đều tin và nghe theo. Tuy nhiên tôi vẫn
thấy sợ vì người dân ở đây họ bảo Ngôi Miếu ở cạnh nhà tôi trước đây có người
tự vẫn trong đó nên hàng đêm hay nghe tiếng rên rỉ, khóc than thảm thiết..., còn
Gò Cây Bún Và cây me cổ thụ ở mé vườn nhà tôi nằm sát đường đi là nơi trú ngụ
của Ma vào ban đêm mà nhiều người đã gặp. Và sau đó đúng như lời người dân kể
tôi là nạn nhân của con ma'' Me ''và ma ''Cây Bún''.
Câu chuyện xảy ra vào mùa
hè 1975, mùa hè mà học sinh được tạm nghỉ học để về sinh hoạt ở địa phương. Tôi
rời nhà trọ ở Phú Phong về Mỹ thuận tham gia đội thiếu niên của thôn, trong
thời gian này phong trào sinh hoạt thanh thiếu niên ở địa phương rất sôi nổi, hào
hứng. Ban ngày thì chúng tôi theo các anh chị thanh niên cầm gậy gộc, cây nọc, dẹp
kéo nhau đi diệt chuột, đêm đến thì thì tập trung tại ngôi đình của thôn để
sinh hoạt ca hát, rồi được các anh chị phụ trách dạy các bài hát mới… Và trên
đường về nhà tôi đã gặp Ma…
Hẹn sẽ kể cho các bạn
nghe chuyện ''Con ma Gò Cây Bún” và ''con ma Me” mà mình đã tận mắt chứng kiến
vào dịp khác!
Đặng Thị Chín
Khóa 8 QuangTrung BinhKhe
Nhà tôi ở gần Đình Mỹ Thuận ( tôi lớn lên cùng cha mẹ, trong ngôi nhà của Ông bà nội ), cách nhà Chín không xa.Năm 1965, tôi được học lớp vỡ lòng tại ngôi trường xây trong sân Đình này, và người Thầy đầu đời là Thầy Đặng Dung ( cha của Chín).
Trả lờiXóaNgày đó, giữa sân Đình có xây một sân khấu cao gần thước, để lâu lâu có lễ tế, hay chuyện vui của làng xóm thì rước gánh hát bội về diễn ở đây.Ngày đó chúng tôi còn nhỏ lắm, chỉ bảy, tám tuổi thôi. Được gia đình hứa cho “coi” hát Bội, là lòng nôn nao lắm, cả ngày trông cho mau tới chiều tối, ăn cơm sớm rồi chạy lên Đình, ra sau sân khấu xem kép, đào vẽ mặt. Được coi kép chính: ông Chinh, ông Cá, tư Trọng…đào Lệ Siềng…là mê rồi. Tôi còn nhớ, mỗi buổi chiều chưa tắt nắng , tiếng kèn, tiếng trống trên Đình đã vang lên, nhất là tiếng trống chầu thúc giục, làm trong lòng nôn nao khó tả, cơm cũng ăn chẳng ngon, nhưng cũng phải ráng ăn, vì không ăn thì gia đình chẳng cho đi.
Ngày nay, sân khấu đó đã dỡ bỏ rồi, dấu tích xưa còn lại là chân cột cờ nguyên cả khối đá xanh.
Nghe người lớn kể lại: khoảng 1950, có kẻ muốn đập phá Đình, nhờ “võ sư” Đặng Đồng đứng ra ngăn cản mới giữ được . Nhưng rồi vì thời gian, nắng mưa tàn phá, cổng Đình cũng hư hỏng nhiều.Gần đây, những người tâm huyết trong thôn như chú 7 Nguyễn Thành Trí và chú 4 Nguyễn Siêng v.v…đi vận động những người con Mỹ Thuận, ở khắp nơi trong nước và ngoài nước, biết được tin, kẻ ít người nhiều, đóng góp về thôn, để Ban liên lạc thuê một Công ty thuộc Sở Văn Hóa Thông Tin Bình Định về phục hồi lại cổng Đình nguyên vẹn như xưa.Là người cùng thôn của Chín, Chín đã kể chuyện làng quê mình cho các bạn khác biết, tôi cũng muốn kể ra đây công lao của những người lớn trong thôn có tâm huyết giữ gìn và tu bổ Đình làng, như một lời cảm ơn .
Gần đây tôi có đến tham quan và chụp tấm hình lưu niệm tháp Dương Long được sửa chữa, trùng tu nhiều năm và sắp xong.Phần dở dang còn nhìn thấy được là những phiến đá xanh lớn được đào lên từ dưới đất,hay được gỡ từ thân tháp xuống, một phần chở đi bảo quản, phần còn lại chất đống gần chân tháp.Những phiến đá xanh đầy hoa văn, phù điêu theo đặc trưng của tháp Champa được gỡ xuống và được thay thế bằng những phiến đá xanh phẳng lì, chẳng có hoa văn nào trông giống như viên đá xây tường .Tôi đi quanh tháp, nhìn một lúc, tự nhiên lòng man mác buồn và lẳng lặng ra về.