Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

LÁ THƯ UPU


Cuộc thi Viết thư quốc tế (UPU) lần thứ 43 – năm 2014 với chủ đề  “Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đến đời sống như thế nào” là lần thứ 25 Việt Nam tham dự. Năm nay Trường THPT Quang Trung, Tây Sơn, Bình Định (hậu thân của Trung Học Quang Trung Bình Khê) đã được em Nguyễn Cao Huy Nghĩa, học sinh lớp 10A2 mang về danh hiệu giải nhất cấp Tỉnh. Sau đây là nội dung bài viết của em (nguồn từ trang facebook Thầy Trần Kim Tuyến) :


Phú Phong, ngày 13 tháng 1 năm 2014

An thân!

“Hà Nội ơi, của tôi những khi xa xôi nhớ về.
Nụ hoa trắng, khẽ rơi bên thềm đan nắng rất nhẹ…”.

Giai điệu thật khó quên, phải không An? Cũng lâu lắm rồi kể từ ngày ấy. Cái ngày phép màu đối với cả cậu và tớ… Hai năm trước, nhỉ? Tớ bỗng có một cậu bạn hàng xóm kỳ lạ - người Hà Nội và mang một căn bệnh cũng lạ kỳ: tự kỷ. Cậu ít nói, thậm chí là không nói! Cậu chỉ quanh quẩn trong nhà, không ra ngoài chơi mặc cho tớ chèo kéo, mời gọi hết lời. Gần một tháng trôi qua mà không tiến triển được gì, tớ, với chiêu bài cuối cùng - quyết tâm kết bạn với cậu. Trưa hôm đó, ăn cơm xong, tớ chạy tót qua nhà cậu, không quên cầm theo cái máy nghe nhạc, lao lên gác, chui tọt vào phòng mà không cần sự cho phép của chủ nhân. Cậu giật mình và không chờ cậu phản ứng, tớ đút luôn cái tai nghe vào tai cậu và bật nhạc: “Hà Nội mùa ký ức” - bài hát tớ cực thích. Thật ngạc nhiên là cậu không tống cổ tớ ra khỏi phòng, chỉ im lặng và lắng nghe. Và cậu cười, nụ cười của sự thích thú, tớ thấy rõ điều ấy trong đôi mắt cậu, sáng trong, long lanh và tuyệt đẹp! Và rồi cậu chấp nhận tớ, cậu chia sẻ không gian của cậu cho tớ. Cậu bắt đầu cười nhiều hơn, nói chuyện với mọi người và cậu khỏi bệnh. Tớ nhớ như in lời mà mẹ cậu đã nói với tớ: “Cám ơn cháu, nhờ cháu mà An nhà bác được tái sinh!”. Nhưng tớ chắc chắn, nguyên nhân chính không phải tớ, mà vì âm nhạc.

Âm nhạc, An ạ, là một sự sáng tạo tuyệt vời của tạo hóa. Nó có thể thay đổi bất kỳ tâm trạng nào, làm cho bất cứ ai cũng có thể hát, có thể cảm nhận, đam mê. Và quan trọng hơn, nó có thể chạm vào bản thân bên trong của chúng ta hoặc tâm hồn của chúng ta. Âm nhạc làm cho người ta suy nghĩ một chút và chiêm ngưỡng mọi thứ một lúc. Nó có thể biến đổi tâm trạng hay bầu không khí của một người hoặc một địa điểm cụ thể. Tùy thuộc vào thể loại, âm nhạc có thể vang vọng qua trái tim và tạo một sự kết nối đến tâm hồn chúng ta. An ơi, đó có phải là những gì xảy ra với cậu? Nhưng, tớ tự hỏi, cái gì trong âm nhạc có thể kết nối tâm trí của chúng ta và chạm vào trái tim của chúng ta? Đầu tiên, định nghĩa của âm nhạc là gì? Có ai hay bất cứ cái gì sản xuất ra âm thanh và được gọi là âm nhạc? Các yếu tố của nó là gì?

Theo mình, âm nhạc là một bộ sưu tập những âm thanh xen kẽ bằng sự yên lặng. Con người đã cụ thể hóa chúng bằng những bài hát, những bản nhạc với giai điệu và nhịp điệu. Có lẽ hầu hết mọi người đều nghĩ rằng âm nhạc là âm thanh được tạo ra bởi con người, An nhỉ? Nhưng sự thật là, âm nhạc có thể được tìm thấy trong bất kỳ âm thanh nào và thậm chí có thể tìm thấy trong im lặng. Âm thanh của gió thổi, âm thanh của giọt mưa rơi xuống trên mặt đất, trên mái nhà, hoặc trên đầu cậu, những âm thanh của nhịp tim và thậm chí cả tiếng thở của cậu, tất cả đều là âm nhạc. Nó len lỏi trong vạn vật của cuộc sống, tác động đến mọi thứ và lay động cả cuộc sống của chúng ta. Bây giờ, tớ sẽ khép khái niệm âm nhạc về gần hơn với con người và những bài hát, bản nhạc. Như vậy thì cực kỳ dễ hiểu, âm nhạc được sinh ra từ cuộc sống con người. Nó tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và tình cảm của con người. Một bài hát đã qua thời gian giống như bức ảnh cũ, cho phép cậu nhìn về quá khứ. Trong khi một bài hát mới giống như một câu chuyện mới, một khởi đầu mới khiến bạn tràn trề nhựa sống và hướng đến tương lai. Âm nhạc cũng có thể cho cậu cảm hứng, sự thoải mái, quyết tâm, đạo đức, sự bùng nổ, thức tỉnh, hay đơn giản là im lặng, hồi tưởng và cười, và đôi khi nó còn lấy đi của cậu những giọt nước mắt. Nó có sức mạnh để xuyên qua trái tim, đến tận sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta. Đó chính là sức mạnh lay động cuộc sống con người của âm nhạc. Có một nhà tù còn dùng âm nhạc để cảm hóa những tù nhân nữa đấy An!

Ngày cậu đi, tớ buồn lắm. Mấy tuần sau tớ cực kỳ chán nản, cộng thêm áp lực từ việc học và thi cử, tớ đã thực sự bị khủng hoảng. Tớ muốn buông xuôi tất cả! Hy vọng một chuyến đi chơi có thể xóa sạch đầu óc, hôm đó, tớ quăng mình lên xe buýt và bật radio. Tớ nghe thấy giai điệu nhanh và vui nhộn. Một bản nhạc không lời. Tiếng violon réo rắt như trêu chọc thật thích thú. Tớ lắc lư theo điệu nhạc, nở một nụ cười giống như cậu hai năm trước. Âm nhạc thúc giục như bảo tớ phải lạc quan, phải chiến đấu, phải yêu cuộc sống. Tớ đã nghĩ: “Wow! Cái gì mới xảy ra vậy? Vài phút trước, mình cực kỳ chán nản và bây giờ thì thật phấn khích”. Đó là những gì xảy ra với cậu phải không An?

Thôi tớ dừng bút đây. Tạm biệt. Sống tốt nha. Đừng tự kỷ nữa đó, đồ ngốc! Chúc gia đình cậu năm mới vui vẻ và hạnh phúc.

Mong hồi âm của cậu.

“Ngày xưa ơi, chiều nay bỗng nghe chơi vơi trong tôi.
Những tháng năm trôi mãi không chờ đợi”.

Thân
Nghĩa




2 nhận xét:

  1. Trần Viết Dũng06:58 10/4/14

    Lá thư hay. Chủ đề mở.

    Có một thứ cao hơn tổ quốc
    Đó là tình yêu
    Nhưng tình yêu cũng chính là âm nhạc.

    Sau Thế chiến 2, Mỹ dùng âm nhạc để chữa bệnh điên cho các binh lính bị thần kinh hay trầm cảm.

    Trả lờiXóa
  2. Tiếng chuông tiếng mõ cũng chính là âm thanh làm cho con người trầm lắng lại.
    Năm mình học ở Kỷ Thuật QuiNhon, nhà trọ trong khu 6, gần chùa Lộc Uyển. Đến tận bây giờ mình chưa gặp được tiếng chuông nào có thinh âm vang sâu như đại hồng chung chùa Lộc Uyển lúc ấy.
    Lúc ấy ngày nào mình cũng nghe luôn tiếng chuông nhà thờ gần đó, mình quên mất tên, nhà thờ nằm ở ngã 3 Nguyễn Thái Học - Nguyễn Hữu Lộc (hình như bây giờ là Ngô Mây thì phải)
    Có bạn nào nghe và ngẫm thinh âm của 2 tiếng chuông nầy chưa !?

    Trả lờiXóa