Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

DẠO ĐÀN BÊN SÔNG


Dạo Đàn Bên Sông là tập thơ của Văn Công Mỹ, Nhà xuất bản TRẺ ấn hành vào đầu năm 2012. Chàng thi sĩ người Bình Định tuổi Bính Thân nầy hiện làm cái nghề mà chàng tự phong là Phụ Bếp cho Quán Sông Trăng ở Bình Quới - SaiGon. Cái nghề phụ bếp chắc là chuẩn bị nguyên liệu và cũng có thể đích thân làm ra các món ăn cho người đời thưởng thức. Cùng đi với cái nghề phụ bếp nầy mà Văn Công Mỹ đã tự tay nấu nướng dọn cho giới bút mực thưởng thức 72 vần thơ theo Lời giới thiệu của Bùi Chí Vinh ở đầu sách là 72 món (phép) của gã khỉ (Tề Thiên Đại Thánh).

Để biết 72 khúc Dạo Đàn Bên Sông nầy ra sao, các bạn hãy xem bạn mình Bửu Châu - Kim Đức đã đọc qua như thế nào nhé …
(QuangTrung BinhKhe)


Tập thơ “Dạo đàn bên sông” là tiếng lòng của nhà thơ Văn Công Mỹ được viết ra từ những trải nghiệm buồn, vui trong cuộc sống, trong tình yêu, những hoài niệm về ký ức, những quan niệm về kiếp người. Chính vì vậy bước vào “Dạo đàn bên sông”  với bốn câu thơ rất xuất thần của anh về cuộc đời này là một kiếp phù sinh:

“Sớm mai nổi hứng ra vườn
Đi cho hết cõi vô thường xem sao
Đi từ bước một chiêm bao
Thêm hai, ba, bốn…té vào trăm năm!”
(Chào buổi sáng)

Tôi đã bị mê hoặc bởi từ “hết” và từ “té” trong bốn câu thơ trên, mà như nhà văn Lê Hoài Lương đã cảm nhận về thơ của anh: “Ngộ từ cách nói nống lên …” khiến tôi phải đọc hết “ Dạo đàn bên sông” để cảm nhận về thơ Văn Công Mỹ, và ta đã gặp ngay tác giả trong “Hy vọng cuối” với sự thanh thản trong tâm hồn:

Ngồi bên sông liếc nước trôi
Thả năm lăm tuổi xuống đời lênh đênh
Ban mai thác, xế chiều ghềnh
May ra được trận gió hiền nửa khuya…


Từ những trải nghiệm, trăn trở về cuộc đời, về cõi ta bà ….để rồi trong những phút suy ngẫm, lắng lòng, anh viết thành lời thơ:

Tay quờ quạng nắm không gian
Không gian trống rỗng, đá vàng nơi đâu
Đá trong ngọc cũng u sầu
Vàng trong cát cũng hai màu lâm li.
(Quờ quạng)

Hoặc:

Bữa nọ trần gian tôi đếm sao
Đếm hoài mệt nghĩ thấy chiêm bao
Thấy trời xuống thấp quơ tay hái
Chạm chốn trần gian muốn…té nhào
(Hái sao)

Ý thức sự tồn tại của kiếp người, trần gian là cõi tạm, đời người như một giấc chiêm bao, Văn Công Mỹ lại khác với Trang Chu, Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm, tỉnh dậy không biết là bướm mộng hóa Chu hay Chu mộng hóa bướm. Văn Công Mỹ khi mộng thấy hoa, thấy bướm và thấy tiên trên trời, nhưng khi tỉnh lại chỉ thấy mặt người và anh còn “hết hồn” vì có cả “Đười ươi” nữa, cái độc đáo của nhà thơ Văn Công Mỹ trong lối sử dụng từ là vậy đó:

Tôi thường mơ mộng bên hiên
Có hoa có bướm có tiên trên trời
Tỉnh ra chỉ thấy mặt người
Đôi khi có cả đười ươi, hết hồn
(Mơ mộng)

Được biết anh làm thơ từ thuở mười bảy tuổi, sau 40 năm, nghiệp thơ vẫn bám riết, đeo đuổi anh như tình yêu muôn thuở. Mưa và em thường là nguồn thi hứng cho những thi nhân, vì vậy ta lại bắt gặp anh dạo đàn rất cảm xúc bởi điệp ngữ “thèm” nghe như dồn dập nỗi niềm:

Gió về Q. hứng mưa đêm
Tự nhiên bỗng thấy mình thèm vu vơ
Thèm mê em, thèm mê thơ
Thèm dầm mưa đến dại khờ kiếp sau
(Mưa nơi xứ Q.)

Hay là một thứ tình yêu diệu kỳ đã hóa vào thơ anh :

Lời thơ tôi tệ như tôi
Có canh tân cũng rã rời vô duyên
Cũng may còn biết yêu em
Tôi đem ván mục đóng thuyền chở thơ
(Ngó lại mình)

Tôi , em và thơ như duyên trời đã định:

Không có anh đàn làm sao anh hát
Không em nhã nhạc làm sao anh ca
Cám ơn trời có đôi ta
Cám ơn em hóa đàn bà vì anh 
(Nói với phu nhân)

Em vẫn ẩn hiện thấp thoáng trong những vần thơ trữ tình của Văn Công Mỹ, dung dị trong từng con chữ:

Vẫn là em tự ngàn xưa
Áo tinh khôi níu gió đùa bước chân
Môi hồng biết níu thanh tân
Em độ lượng níu thanh xuân cho chồng
(Vẫn là em)

Nhưng tôi vẫn thích nhất lời tỏ tình bộc bạch, khí khái của anh:

Cho dù tập tễnh làm thơ
Cũng xin liều mạng thập thò ghẹo em
Nếu tình đóng cửa cài then
Anh làm kẻ trộm bay lên hàng rào
Nếu tình sắc lẻm gươm đao
Anh làm bại tướng té nhào trước em
Nếu tình chất ngất oan khiên
Anh làm tu sĩ độc quyền cầu kinh….
(Tặng Th. Ngày mới lớn)

Không chỉ riêng cho người phụ nữ anh yêu, nhà thơ tuy không tha thiết, mượt mà như lời ru của Mẹ, nhưng anh cũng rất tinh tế, sâu sắc tặng cho các con của mình với những cảm xúc lo lắng, yêu thương đậm chất triết lý:

Sợi dây tơ hồng mong manh dễ đứt
Con hãy yêu và duy nhất hãy yêu
Long đong nắng sơm mưa chiều
Đoi khi khoai sượng chứa nhiều mật tươm
(Nói với con)

Đặc biệt đối với người Mẹ của mình, không bằng lời thơ mượt mà như nhiều nhà thơ khác nói về Mẹ, nhưng bằng một giọng điệu rất mới và chân tình, Văn Công Mỹ đã thổi hồn vào thơ bằng tính ẩn dụ, so sánh làm lay động người đọc khi nhớ về Mẹ:

Má như chiều vắng
Đêm như bão gào
Tội con bất hiếu
Nửa hồn thương đau
(Má và cơn bão)

Mỗi khoảnh khắc, mỗi sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày, bất luận buồn, vui, thương, nhớ…anh đều trăn trở, suy gẫm và viết thành thơ. Vì vậy, khi đứng trên đỉnh Bà na, anh đã chiêm nghiệm về sự thay đổi của cuộc đời, của thế sự:

Núi  khóc thành sương
Thác rơi thành lệ
Mây thành hoang đường
Tôi thành dâu bể.
*Vô Cùng
(Ở trên đỉnh Bà Nà)

Hay là một buổi sáng, ngồi nhìn lá rụng trong sân Quán café Gia Nguyễn – Qui nhơn,  anh lại liên tưởng ngay đến những bon chen giữa cuộc đời để rồi tiếp tục xuất thần những vần thơ đượm chất thiền:

Tranh danh hay đoạt lợi
Cũng thua một chữ “Thiền”
Thà anh làm chiếc lá
Rụng vào bàn tay em !
(Lá)

Rồi một ngày trong “Quán nhỏ bên sông” anh đã ngộ  ra con người là hạt bụi trần gian:

Một buổi mai này thân nín thở
Cũng là hạt bụi hóa hư không

Và thương xót cho người em vừa nằm xuống với lời thơ da diết:

Rồi sẽ cùng nhau về hướng đó
Sao em giành sớm nửa bước chân
Thấy không, ở chốn nhân gian nọ
Còn những vành tang lắm bụi trần
(Viết cho em gái vừa nằm xuống)

Hoặc là anh “để cho “cái tâm” mẫn cảm sâu lắng vào trong để suy tư, chiêm nghiệm về những “sắc màu” của nhân thế trong dòng chảy vô thường…” (Lời cảm nhận bài “Ngóng” của Trần Kim Quy trên Hương Xưa):

Thay vì nằm nghỉ thảnh thơi
Tôi ngồi chiêm nghiệm những lời gió bay
Lòng hoang mang quá phút này
Ai gầy chiếu bạc, tôi gầy…tri âm !
(Ngóng)

Ngoài những chiêm nghiệm về  nhân sinh, ta cũng bắt gặp Văn Công Mỹ với nỗi niềm đau đáu về tình yêu quê hương, hoài niệm về ký ức với thể thơ bốn chữ, như man mác một nỗi buồn:

Chiều qua góc phố
Cây cao cúi đầu
Hỏi thầm bóng đổ
Người xưa nay đâu? 
(Lần về lại Quy nhơn)

Hoặc là thổn thức từ đáy lòng khi nhớ về quê hương mà anh đã gởi gắm nỗi niềm qua những vần thơ lục bát thật gợi cảm:

Hương xưa vắng tiếng nguyệt cầm
Tương tư tôi hát tình rằng xót xa
Viễn du mới thấm nhớ nhà
Lòng ca thổn thức bài ca quê nghèo
(Hoài hương)

Nếu nói mượn thơ để bày tỏ lòng mình, thì ở đây Văn Công Mỹ còn mượn trăng để gieo cảm xúc. Trăng là vẻ đẹp vĩnh hằng, là nguồn cảm hứng của các nhà thơ, Đôi lúc, ta nhìn trăng để mà suy tư, để mà hoài niệm, Văn Công Mỹ trong một lần đêm trăng rằm tháng ba ở Phú Quốc, trong không gian bàng bạc của ánh trăng, anh đã sử dụng những động từ mỹ miều, đẹp đẽ để gieo thành những vần thơ trữ tình đầy cảm xúc với một chút hư ảo, bồng bềnh và đắm đuối:

Em níu ngày đến muộn
Anh nắm vội đêm buông
Đôi ta đùa với biển
Tiếng giỡn động muôn trùng
Trăng của thời năm cũ
Êm ái trườn qua tay
Em của rằm rạo rực
Đắm đuối bờ môi say
(Tắm trăng)

Không thể nói hết những trăn trở, nỗi niềm của Văn Công Mỹ, mà ta chỉ lắng nghe tiếng lòng của anh trong tập thơ “Dạo đàn bên sông” như để chia sẻ và đồng cảm cùng những tâm hồn đồng điệu để rồi trong một khoảng lặng nào đó, những cảm xúc chợt vỡ òa thành những vần thơ, giai điệu thơ cho đời, cho người và cho ta.

Trần Kim Đức

7 nhận xét:

  1. nguyen ngoc tho10:56 3/10/12

    Đọc tập thơ “DẠO ĐÀN BÊN SÔNG” của Nhà thơ VCM cách đây vài tháng , nay lại được đọc bài viết của chị Kim Đức về Tập thơ trên như cô đọng cái hồn thơ đầy xúc cảm của Tác Giả,thổi vào“tiếng đàn”bên sông ngân lên “cái tình” chân chất , chứa nhiều hoài niệm man mác về “cuộc đời _tình người” thoảng bay trong không gian đầy màu sắc thi vị...
    Bỗng dưng ...tôi muốn viết vài dòng cảm nhận về Anh !
    Hơn 40 năm lăn lộn với đời , qua bao thăng trầm đắng cay, mặn nhạt nếm đủ , anh VCM đã lắng lòng ,hoài thai đứa con “tinh thần”, chắc lọc qua cuộc sống mà Anh đã nung nấu gần nửa đời người từ lúc bắt đầu tập tành “làm thơ” ở tuổi 17 !Tập thơ đầu tay “DẠO ĐÀN BÊN SÔNG”ra đời trong cái “ước mơ” nhỏ nhoi đó ! Âm vang của “DĐBS” như “chở” cả cái tình của Anh về tình người_ quê hương Xứ Nẫu ,về tình yêu- hôn nhân cùng những trăn trở, gẫm suy về cuộc sống bên dòng Sông Trăng những lúc chạnh lòng...
    DĐBS vừa trình làng đã được bạn bè _thi hữu gần xa đón nhận , chia sẻ nồng nhiệt !
    Anh vừa là một doanh nhân thành đạt trong giới showbiz,nhà hàng…vừa là một nhà thơ với cái “tình thơ”VCM đậm chất nghệ sĩ rất riêng !Thoạt nhìn , chúng ta cứ tưởng hai tính cách đó như mâu thuẩn gằn xé trong con người Anh , nhưng nó lại “hòa quyện” bổ sung cho nhau bằng những cảm xúc chân thành nhất . Đọc DĐBS, người đọc cảm thấy rất “gần gũi”,tình cảm rất chân thành gần như muốn tâm sự , sẻ chia “cái tình” về cuộc đời…
    Qua các trang mạng, báo đài, truyền hình trong và ngoài nước DĐBS hình như đã có “tiếng vang ”. Như vậy , có thể nói anh VCM cũng đã thành công một phần nào trong vai trò “ nhà thơ” của mình giữa thanh thiên bạch nhật …
    Với tư cách cá nhân khi đọc “DẠO ĐÀN BÊN SÔNG”, tôi rất thích thơ Anh & quý mến cái phong thái thâm trầm ,nhẹ nhàng của con người Anh !
    Xin chúc mừng anh VCM và cảm ơn anh chị BỬU CHÂU_ KIM ĐỨC đã cho đọc bài viết giới thiệu này trên Trang nhà QTBK !
    Chúc QTBK và bạn đọc một buổi sáng thật đẹp !

    Trả lờiXóa
  2. "Âm vang của “DĐBS” như “chở” cả cái tình của Anh về tình người_ quê hương Xứ Nẫu ,về tình yêu- hôn nhân cùng những trăn trở, gẫm suy về cuộc sống bên dòng Sông Trăng những lúc chạnh lòng..."
    Một cảm nhận thật sâu sắc của NNT về VCM với DĐBS. Đã là tiếng lòng nên thơ VCM dễ đi vào lòng người. Cám ơn NNT đã cùng KĐ "sẻ chia “cái tình” về cuộc đời…" qua DĐBD. Cám ơn QTBK đã cho giới thiệu bài cảm nhận trên. Chúc QTBK, NNT và bạn đọc một ngày thật vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Kim Đức đã giới thiệu tập thơ, Mona đọc và thích quá, thích ở chỗ bất ngờ Anh Mỹ là nhà thơ. Mình gặp Anh cách đây 10 năm ở quán Sông Trăng Bình Quới,Anh nghe có khách là Tây sơn BĐ đến Anh ra tiếp : Rất gần gũi và rất vui. Anh đố người BĐ nói câu gi ấn tượng nhất,mình bảo :"Quí chô i sì trời tấu" nghĩalà "giống như trời tối". Anh nói sau khi ăn no nóicâu này đã hơn nè ,Anh đưa tay xoa bụng :"Thâu phẻ phẩu rầu"..Cả bàn cười nghiêng ngã .Rồi Anh kể khi mới vô SG vì mê nhạc nên làm phòng trà có dance ở Q.1 ,nhưng sau khi tìm hiểu anh thấy ẩm thực là cả một nghệ thuật...và thế là Sông Trăng ra đời...Mona ngưỡng mộ Anh lắm lắm.

      Xóa
    2. Mời quý bạn coi mấy hình ảnh có sự góp mặt của vài thân hữu Quang Trung Bình Khê tại buổi ra mắt Dạo đàn bên sông ở Quy Nhơn, ở đây

      Xóa
  3. Bích Hạnh15:53 3/10/12

    Không ngờ chủ nhà hàng Sông trăng lại là một nhà thơ đa tình đa cảm. Cám ơn QTBK đã giới thiệu về nhà thơ đất võ.

    Trả lờiXóa
  4. Su dung may la nen khong bo dau duoc mong cac anh chi thong cam. Cam on anh Nghi da dua Dao Dan Ben Song voi nhung loi uu ai cua Kim Duc den voi Quang Trung Binh Khe. Cam on NNT,Monalisa, Buu Chau, Bich Hanh, mong rang cac anh chi neu thich thi cho minh dc de duoc goi tang tap tho.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trần Châu06:46 19/10/12

      Cái tuổi Bính Thân bầm dập chưa thấy trong thơ VCM . Tôi ở QTBK 69-76, chưa biết cũng lạ !

      Xóa