Bình Định và Phú Yên là hai tỉnh lân cận, cách nhau một dãy núi Cù Mông, đã có sự liên hệ mật thiết ngay từ xa xưa.
Con đường của những lưu dân người Việt vào mở cõi Phương Nam qua hai ngả. Một là qua đèo Cù Mông, dọc theo ven biển để định cư trước hết ở Cù Mông (lưu vực sông Tam Giang), thị xã Sông Cầu ngày nay, hai là theo đường núi phía tây lập ra nguồn Hà Duy, thuộc huyện Đồng Xuân ngày nay, bởi vì theo lệnh của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng việc khai khẩn đất hoang, kết lập thôn ấp phải đồng thời từ trên đầu nguồn xuống tới biển.
Năm 1471 khi vùng Bình Định đã sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt thì vùng Phú Yên là đất ki mi. Có chăng một tiểu quốc Hoa Anh (1471-1578?) thì việc chịu ảnh hưởng Đại Việt vẫn mạnh hơn chịu ảnh hưởng Chăm Pa. Với trận Thành Hồ (1578?), giai đoạn liên minh lỏng lẻo giữa chúa Nguyễn và vua Chăm (1579-1597?) và sau đó cuộc khai khẩn của Lương Văn Chánh là người từng điều hành huyện Tuy Viễn (từ 1597) và từ khi lập phủ Phú Yên (1611) đến khi mở dinh Thái Khang (1653), Phú Yên là vùng đất trấn biên, được xác định bằng tên Dinh Trấn Biên (từ 1629)... tất nhiên sự liên hệ giữa Phú Yên và Qui Nhơn (sau này mới đổi là Bình Định) rất chặt chẽ, cả trong đời sống dân chúng và hai đơn vị hành chánh.
Thời chúa Nguyễn, năm 1744 Võ vương Nguyễn Phước Khoát chia đặt cả cõi Nam Hà là 12 dinh và 1 trấn (Hà Tiên) thì dinh Quảng Nam rất rộng, bao gồm cả các phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, trong khi ấy vì nhu cầu xây dựng vùng đất mới Phú Yên đã là một dinh. Thời nhà Nguyễn, năm 1808 vua Gia Long chia lại các đơn vị hành chánh từ Bắc vào Nam làm 23 trấn và 4 doanh, Bình Định và Phú Yên đều là trấn. Sau đó, có khi Phú Yên là một phủ của tỉnh Bình Định (phủ Tuy An năm 1831), năm 1832 trở lại là tỉnh. Năm 1834 vua Minh Mạng đặt ra các trực, các kỳ, Bình Định và Phú Yên cùng thuộc Tả Kỳ. Từ năm 1853 đến năm 1875 Phú Yên là một đạo của tỉnh Bình Định, mọi công vụ phải trình qua quan tỉnh, trừ việc quân cơ cấp bách tâu thẳng lên triều đình đồng thời thông báo cho tỉnh.
Từ năm 1875 đến năm 1945, Bình Định và Phú Yên đặt dưới sự giám sát và đôn đốc của một vị Tổng đốc Bình Phú, có khi như năm 1944-1945 vị Tổng đốc này kiêm cả Kon Tum và Gia Lai, như ông Pham Phú Tiết là Tổng đốc Bình Phú Côn Gia.
Giai đoạn kháng chiến chông Pháp (1945-1954) Bình Định và Phú Yên trong vùng kiểm soát của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bình Định là trung tâm của Liên khu V.
Về phong tục tập quán, các sử gia triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí đã công nhận hai tỉnh có nhiều điểm giống nhau. Trong ngôn ngữ, có tiếng “nẫu” là biến âm của “nậu ấy” dùng để chỉ ngôi thứ ba số nhiều. Nậu, nguyên nghĩa là một nhóm người cùng làm cỏ ruộng, sau dùng để chỉ một nhóm người cùng làm một công việc (như nậu nại, nậu rớ, nậu rổi...), nậu cũng là một đơn vị cơ sở nơi hẻo lánh, dưới cấp tổng, thuộc, ngang với thôn, phường, man ... Hiện nay nhiều người Bình Định và Phú Yên ở Sài Gòn tự nhận là “dân xứ nẫu”.
Về văn hóa, từ khoa thi Hương ban đầu của nhà Nguyễn năm 1807, thí sinh Phú Yên thi tại trường thi Gia Định hoặc Huế, từ khoa thi năm 1855 đến khoa thi cuối cùng năm 1918 thí sinh Phú Yên thi tại trường thi Bình Định. Giai đoạn quốc ngữ phát triển, trước năm 1945 cả xứ Trung Kỳ chỉ có 3 trường trung học tại Vinh, Huế và Qui Nhơn, sau khi đậu bằng Tiểu học, học sinh Phú Yên muốn tiếp tục đường học vấn phải ra Qui Nhơn, những năm 1945-1954 Phú Yên chỉ có trường cấp II, học sinh cấp III ra học ở Bình Định, những năm 1956-1975 trường Sư phạm Qui Nhơn là nơi đào tạo giáo viên bậc Tiểu học cho Phú Yên và sau năm 1975 không ít học sinh Phú Yên học tại trường Đại học Qui Nhơn.
Quốc lộ 1A ngày nay, trước gọi là đường thiên lý, đồng thời cũng là đường quan báo, trên đường từng chặng đặt các trạm dịch, có Đội trạm điều khiển các phu trạm đảm nhận công việc chuyển văn thư. Trên đỉnh đèo Cù Mông có trạm Bình Phú chung cho 2 tỉnh Bình Định – Phú Yên, cũng như trên đỉnh Đèo Cả có trạm Phú Hòa chung cho 2 tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa.
Giao lưu về thương mại thì cho đến năm 1945 và có thể nói là đến năm 1954 nhờ cửa biển Qui Nhơn, Bình Định có điều kiện tiến triển hơn, các nhà buôn ở Tuy Hòa, Sông Cầu lấy hàng từ Qui Nhơn về phân phối tại địa phương. Đặc biệt Qui Nhơn có hiệu trà Toàn Phát, nhãn hiệu “con nai đen”, gọi là trà chữ mực, được dân chúng Phú Yên từ đồng bằng đến miền núi ưa chuộng.
Ca dao có câu:
Tiếng đồn Bình Định tốt nhà
Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu
Thợ mộc Bình Định nổi tiếng về việc cất nhà cũng như đóng bàn ghế, chắc chắn, đẹp đẽ, mộng ngàm ăn khớp, chạm trổ tinh vi. Họ thường được mời vào Phú Yên và nhiều người lập gia đình, ở luôn xây dựng sự nghiệp tại Phú Yên. Có thể nói trong số đàn ông Bình Định vào cưới vợ Phú Yên đông đảo hơn là thợ mộc và thầy giáo, tiếp theo, ít hơn, là một số vị thầy võ.
Lịch sử mở đất xuôi theo dòng nam tiến, những người con trai Phú Yên lại vào Khánh Hòa lập nghiệp, cưới vợ, sinh con, sống luôn ở đó. Ngược lại ít khi thấy người Khánh Hòa ra Phú Yên cưới vợ ở lại Phú Yên, hoặc người Phú Yên ra Bình Định cưới vợ ở lại Bình Định.
Chính điều này đã đúc kết thành câu ca dao:
Anh về Bình Định thăm cha
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em.
Trần Sĩ Huệ
Nguồn mangvienlong weblog
Nhà giáo, nhà thơ, nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ, người Phú Yên có bút hiệu là Trần Huiền Ân đấy các bạn.
Trả lờiXóaXem bút hiệu các bạn có còn nhớ hồi xưa có các bút hiệu khác mà y viết thành i như Nguiễn Ngu Í (Nguyễn Hữu Ngư), Nguiễn Nho Sa Mạc (Nguyễn Nho Bửu) ... không.
Bài viết như “KHẮC HỌA”Xứ Nẫu qua đèo Cù Mông như “CÂY CẦU” nối liền Bình Định _Phú Yên “MỘT NHÀ XỨ NẪU” hơn 400 năm qua…
Trả lờiXóaNhiều tư liệu dẫn dắt cô đọng, sắc nét rất hay …
Trân trọng kính chào Thầy Trần Huiền Ân đã “Thả hồn Xứ Nẫu” vào Trang nhà QTBK thêm đồi dào & phong phú”Chất nẫu”.Chúc Thầy & Gia đình luôn an vui ! Cho em gởi lời thăm anh cả MVL! Cảm ơn Thầy !
Phú yên hay Bình định đều một nhà nậu cả .ha !ha!...
Trả lờiXóa