Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

CẢM NHẬN KHI ĐỌC "NHƯ ÁNG MÂY TRÔI" CỦA NHÀ VĂN MANG VIÊN LONG


“Có lẽ mỗi người là một chiếc lá trên dòng nước cuộc đời chảy xiết, một áng mây lửng lơ trên nền cao vời vợi của cõi trầm luân, không hẹn trước sẽ tấp vào bến bờ ghềnh thác nào, hay sẽ tan rã giữa xanh thẳm vô biên cõi tạm nào!

Ở gần vào tuổi “xưa nay hiếm”, tôi lại cảm thấy dòng thời gian trôi qua đời mình chậm - rất chậm! Thời gian không ồ ạt cuồn cuộn như thuở thanh xuân; cũng không rộn ràng, réo gọi như thời trung niên năm mươi nữa; mà dòng thời gian tháng năm gần cuối đời như ngày càng lơ lửng, nhẹ nhàng, chậm chạp hơn! “ (MVL)

Những dòng chữ này từ “Đôi lời tâm sự” trong cuốn hồi ký “Như áng mây trôi” của nhà văn Mang Viên Long tưởng chừng như đơn giản, vậy mà nó đã chạm ngay trái tim tôi, khiến đêm hôm đó tôi đã đọc xong một mạch từ trang đầu đến trang cuối (cái ngày mà vợ chồng tôi ghé qua nhà ông để gởi cuốn sách “Một phút tự do” của nhà văn Elena nhờ gởi tặng, tôi được ông tặng cuốn hồi ký này) .


Thật sự tôi biết đến ông như một tình cờ. Vào những ngày cuối năm 2012, một buổi tối, tôi phải viết báo cáo tổng kết cho Công ty để ngày mai thông qua cuộc họp, đến hai giờ sáng tôi viết mới xong, nhưng vẫn còn tỉnh táo, tôi chưa buồn ngủ nên lướt web một chút, thấy truyện ngắn“ Chiếc kính tri thức của chàng ngốc” đăng trên một trang nào đó, lâu rồi tôi không nhớ. Đọc qua, thấy thú vị quá, tôi đọc lại và thấy tên tác giả là Mang Viên Long. Sau này, qua nhà văn Trương văn Dân, tôi mới biết ông là một nhà văn quê ở An Nhơn - Bình Định, trước 1975 ông đã có nhiều sách xuất bản, viết cho các báo và tạp chí; sau 1975 ông vẫn tiếp tục xuất bản nhiều tập truyện và tiểu luận - tạp bút.

Tôi không dám nhận định và phẩm bình tác phẩm của Ông, chỉ viết ra đây những cảm nhận của một độc giả khi cầm cuốn hồi ký “Như áng mây trôi” trong tay. Mười ba phần trong cuốn hồi ký này của nhà văn Mang Viên Long, bắt đầu từ “Tuổi thơ lặng lẽ” và “lớn lên trong bất hạnh”; những “giải bày tâm trạng về tình yêu và chiến tranh” cho đến những chuyến “lãng du tùy duyên”; những lần vào chùa, những giấc mơ mầu nhiệm... cho đến một ngày có duyên gặp được “Pháp Bảo Đàn Kinh”, mỗi một câu chuyện là từng cung bậc cảm xúc về hồi ức và những kỷ niệm buồn vui trong cuộc đời ông; là sự hoài niệm về những tháng ngày thăng trầm, bất hạnh mà Ông đã đi qua theo dòng chảy của thời gian, nhưng đó cũng là con đường dẫn Ông đến tận hưởng “niềm vui chân chính, dài lâu”, tận hưởng một niềm hạnh phúc vô biên mà con người từng khát khao để đạt được: “Từ ngày tháng có duyên gặp được “Kinh Pháp Bảo Đàn”  của Lục Tổ Huệ Năng, tôi dần cảm thấy giảm đi rất nhiều nỗi ưu phiền, khổ đau! Tôi cũng nhận ra lòng an bình, tỉnh táo, không còn nhiều âu lo, băn khoăn hay toan tính cho ngày mai mờ mịt phía trước nữa!” (trang 140).

Ông viết về nỗi bất hạnh cứ đeo bám đời mình, về những tháng ngày bị “mất dạy” phải đi khuân vác, thợ hồ, chở gạch...  Những tưởng những trang viết của ông là lời than oán, hận thù…, nhưng không, chân lý Phật giáo đã bàng bạc trong toàn bộ cuốn hồi ký “Như Áng Mây Trôi”. “Kinh Pháp Bảo Đàn” như một liều thuốc quý, ông ứng dụng Kinh Pháp Bảo Đàn vào trong đời sống thường ngày, không chạy theo những biến động, đổi thay trong cuộc đời để tìm thấy cho mình một sự bình yên: “ Tôi tự chế ngự và giữ gìn tâm mình, tránh không để ngoại cảnh, ngoại duyên khuấy động, lung lạc như xưa! Lục Tổ đã dạy: “Tâm động chứ không phải phướn động!”... Ta bà là biển khổ hay niết bàn - cũng chính tại Tâm ta mà sinh! “Chẳng phải cha mẹ hay bà con nào hết, nhưng chính tâm niệm hướng về hành vi chánh thiện; làm cho mình cao thượng hơn” (Pháp cú 43 - phẩm Cittavago” (trang 140), và chính điều đó đã giúp Ông hóa giải được mọi niềm đau nỗi khổ trong cõi nhân gian này. Ông đón nhận những nghịch cảnh trong cuộc đời một cách vui vẻ; dùng lý nhân duyên để hóa giải sự đổ vỡ trong tình yêu, để cuối cùng ông nhận ra mình là con người hạnh phúc nhất: “Yêu Thương người (và được Yêu Thương) phải chăng là niềm Hạnh Phúc đích thực cho cuộc đời nơi cõi tạm của tất cả chúng ta?” (trang 147)

Tuy cuộc đời ông gặp nhiều bất hạnh từ tuổi thơ cho đến khi trưởng thành, nhưng ông rất may mắn là Phật pháp đã ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời ông, có lẽ ông đã gieo hạt giống lành từ trong tiền kiếp. Từ nhỏ, ông đã có duyên được mẹ dạy cho niệm Phật mỗi khi gặp chuyện không hay, được vào chùa nghe pháp, lớn lên ông gặp được bậc minh sư và đặc biệt ông có duyên lớn gặp được “Kinh Pháp Bảo Đàn” của Lục Tổ Huệ Năng; rồi những giấc mơ nhiệm mầu đi vào giấc ngủ đã hóa giải được những phiền não trong đời sống hàng ngày: “....trong nhiều chục năm sống trong khổ đau và kham nhẫn - tôi cũng thường có những giấc mơ ngắn bất ngờ, mà tôi chưa hề có thời gian nghĩ gì (hay mơ ước) đến trước đó, khi đi vào giấc ngủ mệt mỏi hằng đêm, nhưng “dấu ấn” của nó thật êm đềm, sâu đậm, lặng lẽ trong tôi, như để xóa dịu, nhắc nhở, và an ủi tôi rất nhiều mỗi lần nhớ lại”  (trang 106), cho nên : “Những tháng ngày còn lại ít ỏi của đời mình, tôi vẫn tiếp tục “trò chơi” đã chọn, với tấm lòng thành hiến dâng, và hy vọng cuộc sống mỗi ngày càng thêm tốt đẹp, có ý nghĩa hơn cho tất cả chúng ta, cho dầu Trái Tim bị hẹp động mạch chủ của tôi đã hẹp quá mức cho phép” (trang 146), đó cũng là sự an tĩnh nội tâm và thanh thản trong thân tâm là vậy!

Tôi rất thích cái cách ông mượn cảnh để diễn tả nội tâm, từ việc diễn tả tâm trạng lo lắng, sợ hãi: “Gió thốc vào ào ào mang theo cái lạnh của mưa, của nước lũ, của bóng đêm dày đặc bên ngoài, càng khiến hai chị em tôi thêm hoang mang, lo sợ” (trang 12) cho đến cái cách ông tìm thấy một chỗ để ngã lưng: “Thầy trò vừa uống trà vừa trò chuyện đến khuya… … Tôi cũng đã được Thầy dành cho một chiếc cốc nhỏ để ngã lưng, có thể nhìn ngắm trăng và đón gió biển qua khung cửa bỏ trống” (trang 42). Phải chăng ngắm trăng để tìm lại chính mình, để trở về “bản lai diện mục” và đón gió biển qua khung cửa trống như để tâm hồn ông lắng lại, như một cách ông thiền định để “vượt thế tục đi vào cõi riêng của tuệ giác”, thật là sâu sắc và đầy tính nghệ thuật.

Tôi chưa đọc nhiều lắm về các tác phẩm của ông, nhưng tôi nhận ra ở những  trang viết trong tác phẩm của ông có một lối đi riêng. Ở đây, bằng cách thông qua cuộc đời mình, “Như áng mây trôi” đã thể hiện được ý nghĩa nhân văn sâu sắc về Tình Yêu Thương và phương pháp cứu cánh để giúp con người thoát ra khỏi sự khổ đau, để tìm đến một hạnh phúc đích thực, đó là một vẻ đẹp sáng ngời trong cuốn hồi ký này. Ngoài ra, cuốn hồi ký này như lời tự sự chân tình, giúp cho những ai gặp bế tắc trong cuộc đời dễ tìm cho mình một niềm tin vững vàng: “...Tôi viết lúc vắng khách, một cách nhiệt tình, và sống vô tư mỗi ngày giữa bao bất hạnh còn đeo bám lấy tôi, mà không than thở, không thất vọng! Tôi học được câu “Thúc liễm thân tâm, tam thời bất túc” từ những tháng năm sống ở chùa Phi Lai, nên đã an nhiên đón nhận mọi nghịch duyên, coi việc ăn uống là phục dược, xem mọi khổ đau, bất hạnh như một nấc thang, (hay để trả dần “món nợ” mà tôi  đã “vay” từ nhiều kiếp trước; luôn tin rằng sẽ được đi dần đến chỗ an lành...” (trang 141)

Tôi nghĩ nhà văn Mang Viên Long không có chủ định viết hồi ký là để mọi người biết ông là ai? Ông đã sống  như thế nào, may mắn hay bất hạnh? thành đạt hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau; hoặc là để khoe với mọi người rằng ông đã từng làm gì và sống ở đâu? Mà tôi nghĩ, ông chỉ muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của đời mình, những trải nghiệm từ trong cuộc sống, những sự kiện trong từng giai đoạn của xã hội mà ông đã từng đi qua như một chứng nhân, ghi lại những cảm xúc lắng đọng trong tâm hồn, những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm trí, đặc biệt là cái duyên đưa ông đến con đường đến với Phật.... như một cách để ông chia sẻ yêu thương với người thân, với bạn bè văn chương, với bạn đọc, với những tâm hồn đa cảm hoặc là với những phận người kém may mắn, luôn gặp những bất hạnh trong cuộc sống.... cho nên văn chương của ông rất chân thật, rất tự nhiên, không phù phiếm, không sáo rỗng mà nó toát lên một cái gì đó rất gần gũi với đời sống tinh thần của mỗi người.

Trong ý nghĩa thâm trầm, sâu lắng, “NHƯ ÁNG MÂY TRÔI” cũng là cách để tìm lại chính mình, là hành trang chuẩn bị cho ngày trở về bến bờ giác ngộ.

Tháng 03/2015
Trần Kim Đức


1 nhận xét:

  1. "cái ngày mà vợ chồng tôi ghé qua nhà ông để gởi cuốn sách “Một phút tự do” của nhà văn Elena nhờ gởi tặng, tôi được ông tặng cuốn hồi ký này" là cái ngày chúng tôi về Phú Phong để dự họp mặt đầu năm 2015 của cựu hs K4 Trường TH Quang Trung Bình Khê đấy!

    Trả lờiXóa