Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

"KIẾN QUỐC DĨ GIÁO HỌC VI TIÊN"


Mấy lâu nay thấy thiên hạ lùm xùm với câu khẩu hiệu :

Dựng Nước Lấy Dạy Học Làm Đầu
Cầu Trị Lấy Nhân Tài Làm Gấp

Có người cho rằng
Câu thứ nhất : Sai ý
Câu thứ hai : Hoàn toàn vô nghĩa

Dù chưa đồng tình hoàn toàn với nhận định đó, Gàn tui rán đọc đi đọc lại câu khẩu hiệu trên kia tìm cho ra chữ ra nghĩa mà cũng phải đành gỡ gọng kính ngước lên kêu trời Biết Chết Liền !

Câu khẩu hiệu nguyên được dịch từ tiên đề trong bài CHIẾU LẬP HỌC ban bố dưới thời Tây Sơn. Khi Hoàng đế Quang Trung đã đánh đuổi quân Mãn Thanh ra khỏi đất nước, trước tứ phương đa cảnh sau binh lửa, nhà Tây Sơn ban bố một loạt các Chiếu Lập Học, Chiếu Cầu Hiền, Chiếu Khuyến Nông… để mong sớm ổn định đất nước. Cơ sở để lý luận vì sao phải ban Chiếu Lập Học, có nghĩa là khẩu hiệu ở trên dịch từ câu :

Kiến Quốc Dĩ Giáo Học Vi Tiên
Cầu Trị Dĩ Nhân Tài Vi Cấp



Lỏm bỏm chữ Hán chữ Nôm chẳng nhiều gì, chỉ biết được chữ Nhất viết là một gạch, chữ Nhị viết là hai gạch, chữ Thiên viết tới một một đống gạch (hic), Gàn Tui đâu dám múa mép với thiên hạ để cùng bình loạn câu khẩu hiệu trên kia. Nhưng đã là ĐỒ GÀN thì miệng ngứa, mỏ chẳng chịu im. Chỉ mong bà con thông cảm mà bỏ qua cho Gàn Tui. Gàn Tui chỉ muốn khi dịch chữ của người xưa phải biết rõ ngữ cảnh thời ấy mà tìm chữ theo cách hiểu của ngày nay cho phù hợp. Chữ viết được ghi lại, nhưng cách nói, cách hiểu chữ viết đó mỗi ngày nó một khác, nhiều khi bị biến dạng không đúng nghĩa thuở ban đầu. Có những trường hợp đặc biệt phải tuân thủ như đơn vị đo lường quốc tế, cách sử dụng lại lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, hậu quả là người ngày nay thông qua chữ viết đã hiểu chuyện xưa theo kiểu trái khoáy chẳng giống ai.

-  Chẳng hạn đơn vị đo trọng lượng hiện nay sử dụng là gram, kilogram. Nhưng bà con ta lại gọi là lạng (lượng) thay cho gram, là cân thay cho kilogram. Trong khi đó lạngcân là đơn vị đo lường ngày xưa, bây giờ chỉ còn sử dụng để cân thuốc bắc, cân vàng… 1 cân ngày xưa gồm 16 lạng. Nên dân gian đã có câu so sánh mức ngang ngửa với nhau là Kẻ tám lạng, Người nửa cân. Ấy thế mà nhiều người bây giờ hiểu tám lạng là 800gram, nửa cân là 500gram, nên đòi sửa lại câu so sánh trên là Kẻ tám lạng, Người gần một cân mới đúng (hic).

Thiệt ra Gàn Tui chẳng tường tận lắm đang tràn lan cách dùng, cách hiểu loạn xà ngầu ngôn ngữ và chữ viết của người ngày nay, nên qua câu khẩu hiệu trên kia, thấy chỗ nào ngứa mắt Gàn Tui nói chỗ đó :

-  “Kiến Quốc theo cách hiểu ngày nay có nghĩa là Dựng xây đất nước. Nếu dịch là Dựng nước sẽ có người cho là Lập ra đất nước, theo kiểu câu Vua Hùng Đã Có Công Dựng Nước…. Mà Lập ra đất nước sao lại chỉ Lấy Dạy học làm đầu.

Giáo Học theo cách hiểu ngày xưa thì Giáo là Dạy bảo, Học là tiếp nhận và thực hiện theo sự dạy bảo. Thời người Pháp thống trị Việt nam, Giáo Học còn được dùng để gọi Người Thầy, tựa như bây giờ gọi là Giáo viên vậy. Nếu dịch Giáo Học là Dạy Học thì theo cách hiểu ngày nay chỉ nói được chuyện dạy, không nói đến chuyện học, không thể hiện đầy đủ ý nghĩa của bài chiếu là chỉ thị địa phương phải lập ra trường lớp, chọn người giảng dạy, tổ chức khoa cử…

Cầu Trị là nguyên ngữ chữ Hán, để yên chẳng chịu dịch ra thì đố ai mà rõ. Thiệt tình mà dịch cho rõ nghĩa nó ra cũng chẳng dễ dàng gì. Trong khi đó yêu cầu của câu khẩu hiệu phải ít chữ cho dễ hô, dễ nhớ. Thôi thì cứ tạm hiểu đại khái Cầu là cầu mong, Trị thì có một trời Trị quốc, Trị dân, Trị an, Thời trị (theo nghĩa lúc loạn lúc trị, thời thịnh trị) … đều có thể kết hợp với nhau để hình dung ngữ nghĩa Cầu Trị.

là một trong những hư tự Dĩ, Hỹ, Chi, Hồ, Dã, Giã của Hán ngữ, trong ngữ cảnh câu văn Cầu Trị Dĩ Nhân Tài Vi Cấp mà dịch Dĩ là Lấy, biến thành câu Cầu Trị Lấy Nhân Tài Làm Gấp, nghe nó sao sao ấy. Chẳng trách có người cho là đánh máy sai từ câu Cầu Trị Lấy Nhân Tài Làm Gốc.

Gàn Tui tạm hiểu tiên đề của bài chiếu Lập học :

Kiến Quốc Dĩ Giáo Học Vi Tiên
Cầu Trị Dĩ Nhân Tài Vi Cấp


Đại khái là :

Để dựng xây đất nước, việc trước tiên phải làm là chăm lo chuyện dạy cho ra dạy, chuyện học cho ra học, trường lớp cho ra trường lớp.
Muốn trị yên trăm họ, việc khẩn thiết cấp bách phải làm là tổ chức ngay cách tuyển chọn được người tài, đúng người tài.

Người giỏi đục pháo xông tên lúc loạn không hẳn là người giỏi lúc trị. Người thiếu kiến thức trị nước mà có quyền lực trong tay thì quả là khủng khiếp. Vậy thế trong bài chiếu mới có chỉ thị những loại Sinh đồ 3 quan (3 quan tiền) nên trả xuống hạng thường dân, gánh vác tạp dịch cùng dân chứ không nên để ăn trước ngồi trên.

Hiểu là vậy, nhưng Gàn Tui không có cái khiếu biến nó thành câu khẩu hiệu được. Gàn Tui nghĩ là ai cũng hiểu câu khẩu hiệu trên giống như Gàn Tui đã hiểu.

Đồ Gàn XXI


8 nhận xét:

  1. 1./ Phải kêu bằng cái gì chớ"khẩu hiệu": là chưa ổn, vì rằng "khẩu hiệu" ngày nay người ta hiểu như sau:
    "Khẩu hiệu là một lời văn ngắn gọn diễn tả cô đọng về một vấn đề nào đó mà một tổ chức hay một công ty muốn thông báo đến cho mọi người hay đơn giản là lấy lại tinh thần hay phát động một phong trào nội bộ. Trong lĩnh vực chính trị, khẩu hiệu thường được sử dụng như một công cụ tuyên truyền hiệu quả, có sức thu hút cao. Trong lĩnh vực quảng bá thương hiệu khẩu hiệu thường là những câu gợi nhớ tới lợi ích sản phẩm."
    Do đó người ta thường hiểu "Khẩu hiệu" là nặng và mang tính chất "TUYÊN TRUYỀN" là chính, chỉ là "HÔ KHÂU HIỆU".

    2./ Trong "Giải thưởng Quang Trung" của Sở Giáo Dục và Đào Tạo Bình Định, các thầy, các đ/c đã dịch rõ ràng là:
    "Dựng Nước Lấy Dạy Học Làm Đầu
    Cầu Trị Lấy Nhân Tài Làm Gấp"

    Liệu ai dám nói là chưa chuẩn, chưa chánh xác. Tui thì tui "hổng dám đâu"!

    3./ Nói về "chữ nghĩa", phức tạp và phiền toái lắm. Nội việc trích dẫn nguyên văn của người xưa, người ta đã trích trật lất huống chi giải thích, giải nghĩa. Có một chuyện như vầy:
    Trong friend list trên FB của tui có 1 bạn người Bình Khê - Tây Sơn, để đề cao Hoàng Đế Quang Trung, anh/chị ta đã giới thiệu bài "Hịch ra trận" mà anh/chị ta lại ghi là "Hịch Quang Trung - Nguyễn Huệ"; mà lại ghi như vầy:
    " ...Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để răng đen. Đánh cho nó chích luân, bất phản. Đánh cho phiến giáp bất hoàn. Đánh cho nam quốc sơn hà chi hữu chủ "
    Tui mới góp nhẹ nhàng như vầy:
    "chích luân bất phản" (không có dấu phết sau "chích luân").
    "Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ"
    .
    Vậy mà anh/chị ta không nhận và cũng không sửa lại cho trúng!
    Huống chi những chuyện sâu xa hơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi BuuChau, “Trong lĩnh vực chính trị, khẩu hiệu thường được sử dụng như một công cụ tuyên truyền hiệu quả, có sức thu hút cao…”. Nhưng khẩu hiệu ngoài những sáng tác mang tính thời đại như :

      - “Học tập tốt, Lao động tốt…”,
      - “…bách chiến bách thắng vĩ đại muôn năm”…

      Còn có những câu của người xưa được chế biến ra thành khẩu hiệu cửa miệng :

      - “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”
      - “…vì lợi ích mười năm trồng người”

      Đặc điểm của khẩu hiệu phải ngắn gọn, dễ hô, dễ nhớ, (còn để dễ hiểu thì phải tùy thuộc vào người xào nấu).

      Tiên đề để khẳng định vì sao phải ban bố bài chiếu Lập Học của nhà Tây Sơn “Kiến Quốc Dĩ Giáo Học Vi Tiên…” Đã trưng bày bảng biểu ra như vậy, chẳng phải nay nó không là sologan, khẩu hiệu của ngành giáo tỉnh ta sao !?

      Xóa
    2. Nặc danh09:06 26/9/15

      Cái ông Đồ Gàn, câu khẩu hiệu nào mà lại trồng người chỉ mười năm !

      Xóa
    3. Ấy chết ! Gàn Tui thấy lâu nay thiên hạ trồng người chỉ chừng ấy năm. Nên cứ tưởng...
      Xin lỗi, rất có lỗi...

      Xóa
  2. nguyen ngoc tho14:19 27/9/15

    @ Các Quynh Đồ Gàn-Bửu Châu-QuangTrung Binh Khe…thân mến!
    Theo thiển ý của Nẫu đệ( bản thân,“Hán” thì hẹp như khe hở, chả được… “gộng”; mà “Nho” thì lưa thưa, rời rạc vài trái lép, hổng dính …”chùm”),tình cờ đọc “Bài viết” bác Đồ Gàn thấy vui vui rất đồng cảm, xin chia sẻ vài ý mọn:
    1. Câu “Khẩu hiệu”trong bài viết(cũng có thể gọi là “ Biểu ngữ, Slogan…”), thường là để kêu gọi, quảng bá, truyền đạt một điều gì đó quan trọng, bức thiết ra công chúng không mang nặng đặc thù… “Hô khẩu hiệu”; chẳng hạn như: “Luôn luôn lắng nghe; Luôn luôn thấu hiểu”(Slogan-Prudential); nhưng “câu Trích” trong “Bài viết” dường như có cả thương hiệu lẫn khẩu hiệu được phiên âm ra quốc ngữ, đọc nghe có vẻ lợn cợn sao sao ấy…(hay tại mình Hán quá…hẹp?(cừ)
    * Nguyên gốc:“Kiến Quốc Dĩ Giáo Học Vi Tiên
    Cầu Trị Dĩ Nhân Tài Vi Cấp”
    (Trích Lập Học Chiếu-Quang Trung Hoàng Đế)
    +Dịch thành: “Dựng Nước Lấy Dạy Học Làm Đầu
    Cầu Trị Lấy Nhân Tài Làm Gấp”
    (Qua bài dẫn Trích)
    Bởi, câu 1:Dịch theo từng chữ (1-1) ra quốc ngữ.
    Còn, câu 2: “Cầu trị-nhân tài” giữ y nguyên tác, thêm ba từ quốc ngữ (1-1).
    Đọc lên nghe nửa nạc, nửa mỡ… mà đúng quá đi chớ, ai dám bảo sai(?)
    Chữ Hán hay Hán-Nôm, là lối chữ tượng hình(chỉ ý, chỉ âm), khi dịch ra quốc ngữ (ngữ nghĩa) nếu dựa hoàn toàn theo lối dịch(1-1) sẽ không lột tả hết ý (ngữ cảnh) của nguyên tác; thường người ta dịch nghĩa đôi khi nhiều từ, hay ít từ nhưng phải thoát ý nguyên tác!
    - Chẳng hạn: “Họa hổ, hổ bì, nan họa cốt”
    - Nếu dịch (1-1)ra: “Vẽ cọp, vẽ da, không vẽ xương”(sẽ không rõ cốt lõi nguyên tác”
    - Mà phải dịch: “Vẽ cọp, chỉ vẽ được bề ngoài, chứ không vẽ được tính cách oai phong của con cọp”(Rõ dụng ý nguyên tác)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nguyen ngoc tho14:53 27/9/15

      Xin lỗi các quynh, xin đính chính:" Họa hổ,họa bì, nan họa cốt"(không phải...hổ bì"...)

      Xóa
  3. nguyen ngoc tho14:22 27/9/15

    2. Cần tìm hiểu trước hết ý nghĩa mấy từ chính liên quan câu “Khẩu hiệu”:
    -“Kiến quốc”: hiểu nôm na là xây dựng đất nước cho giàu mạnh.
    -“Giáo học”: dịch là “Dạy học”(không lột tả hết ý nguyên tác); Sát nghĩa hơn có thể là: “Giáo dục” vì:
    -“Giáo dục”: Mang cả nghĩa chung là hình thức học tập, theo đó để có kiến thức, kỹ năng, thói quen được truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác; thông qua dạy học, giảng dạy, hay tự học- Giáo dục thường đi đôi với dạy và học dưới sự hướng dẫn của người khác, hay tự học chia ra nhiều giai đoạn như: giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục đại học…(Wikipedia)
    Giáo dục((Tiếng Anh) là: Education, gốc La tinh là: “nuôi dưỡng, nuôi dạy”; Tiếng Việt, “Giáo”: có nghĩa là dạy học, còn “dục”: có nghĩa là “nuôi dưỡng, dạy dỗ cả về đức dục-thể dúc-trí dục…”
    -“Dạy học”: Theo tình huống bài viết, người đọc sẽ hiểu khái niệm trên chỉ nói rõ một vế là người dạy học, người truyền đạt; mà không sáng tỏ vế kia là người được học, được đào tạo thông qua người dạy.
    -“Cầu trị”(chữ gốc Hán):Câu “Trích” không dịch ra Quốc ngữ, lại giữ nguyên “Cầu trị-Nhân tài”, người đọc sẽ…quờ quạn không hiểu hết rốt ráo ý con chữ, khi kết dính với câu trên muốn nói gì…
    -“Nhân tài”: là người có khả năng vượt trội, nổi bật ở một hay nhiều lĩnh vực, thông qua giáo dục đạt được, có bằng cấp, học hàm, học vị; nhưng trên thực tế, không thể đánh đồng người có bằng cấp và người có tài năng là một. Đó là ranh giới dễ lầm lẫn. Theo khái niệm “nhân tài”(chữ Hán) là “người tài”, nhưng qua tiếng Việt theo từng giai đoạn lịch sử khái niệm “nhân tài” lại có ý nghĩa rộng mở hơn , hay nói một cách khác là: “người tài, trước tiên cần phải có đức độ, làm gốc”; bởi “người tài”(giỏi chuyên môn) mà không có đức độ, không biết đối nhân xử thế; chỉ có chức tước, học hàm, học vị…chưa hẳn là “nhân tài” để cầm cân nẩy mực đem lại cho ấm no , lợi ích cho xã hội...
    -“Hiền tài”: là khái niệm thường người xưa dùng để chỉ người có tài, có khả năng đặc biệt nổi trội đồng nghĩa …“nhân tài”, nhưng định rõ nét về mặt đức độ, khiêm tốn,lòng khoan dung, biết tôn trọng người khác”; là mạch nguồn, nguyên khí hun đúc của dân tộc, một lòng một dạ lo cho sự hưng vong của đất nước; chính là bậc lương đống cầm cân nẩy mực, lo cho dân, cho nước

    Trả lờiXóa
  4. nguyen ngoc tho14:24 27/9/15

    3. Lật trang sử cũ thời Hồng Đức(vua Lê Thánh Tôn)người xưa có nói:
    -"HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA, NGUYÊN KHÍ THỊNH THÌ THẾ NƯỚC MẠNH MÀ HƯNG THỊNH;NGUYÊN KHÍ SUY THÌ THẾ NƯỚC YẾU MÀ THẤP HÈN.VÌ THẾ, CÁC BẬC ĐẾ VƯƠNG THÁNH MINH KHÔNG ĐỜI NÀO KHÔNG COI VIỆC GIÁO DỤC NHÂN TÀI, KÉN CHỌN KẺ SĨ VUN TRỒNG NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA LÀM CÔNG VIỆC CẦN THIẾT."
    -"Trị nước càng thịnh vượng lòng càng phải thận trọng
    Càng lo cho dân chăm chỉ chính sự hằng ngày nơm nớp lo lắng"
    (THÂN NHÂN TRUNG-Ký văn bia" Tiến Sĩ Khoa Nhâm Tuất và "Tiến Sĩ Khoa Đinh Mùi(1487)
    *Có lẽ vua Quang Trung Hoàng Đế đã thấm nhuầm tư tưởng của người xưa về “Giáo Dục”để kén chọn nhân tài giúp nước, nên vừa lên ngôi đã ban “Chiếu Lập Học” như “Bài viết” đã nêu:

    “Kiến Quốc Dĩ Giáo Học Vi Tiên
    Cầu Trị Dĩ Nhân Tài Vi Cấp”
    (Trích Lập Học Chiếu-Quang Trung Hoàng Đế)
    -Có lẽ cho ta ngầm hiểu là lời kêu gọi, cầu mong ...
    “(Muốn) dựng xây nước mạnh (phải) lấy giáo dục làm nền (tảng)
    (Định) chính sách an dân (nên) chọn hiền tài làm thiết (yếu)”
    *Theo thiển ý thẳng tuột nêu trên, Nẫu đệ xin mạo muội chia sẻ … nếu có gì sơ sót xin quý Quynh tỷ bỏ qua sự hiểu biết hạn hẹp này nhé!nnt

    Trả lờiXóa