Sợ trễ, tôi đi làm thủ tục sớm. Trên máy bay tôi được
xếp ngồi giữa ở dãy ghế phía bên phải. Như vậy là tôi có thể nói chuyện với cả
hai người bên cạnh. Ưu điểm của ghế giữa là vừa được ngắm trời mây, vừa có thể
dễ dàng đi lại.
Ngồi
trên máy bay tôi chợt nhớ lại đoạn đường từ nhà thằng cháu đến sân bay.
Lúc
hai cậu cháu khởi hành thì đã hơn 9 giờ sáng mà trên đường vẫn còn rất đông người.
Tuy mồm mũi đứa cháu có bịt khẩu trang nhưng nó cứ nói đủ thứ chuyện trên trời
dưới đất: Từ chuyện giá xăng tăng giữa thời kinh tế khó khăn đến trận đá banh kết
quả không như ý, thua một chầu cà phê... Đang nói trời nắng đẹp rồi bỗng dưng bắt
qua chuyện bầu cử ở Mỹ rồi nhảy sang chuyện thủ tướng Pháp ban hành cải cách để
cứu nền kinh tế. Cái miệng nó huyên thuyên, vừa chạy xe vừa giảng giải đủ mọi đề
tài.
Tôi
chỉ ậm ừ cho qua chuyện và mắt nhìn hai bên đường phố...
Nhiều
cao ốc đã được xây lên. Rất nhiều công trường được che kín bởi các pano quảng
cáo. Hình ảnh, sắc màu lòe loẹt. Nhiều bảng hiệu viết bằng tiếng Anh. Trên phố
chính đã đành mà ngay cả các các con hẻm cũng viết bằng tiếng nước ngoài.
Không
quen bịt khẩu trang. Miệng mũi tù túng, có lúc tôi cảm tưởng như mình là con
chó bị khóa mõm...
Chiếc
xe bon bon chạy giữa phố phường tấp nập.
Bỗng
thằng cháu lách xe một cái làm tôi giật thót. Một chiếc xe máy từ đường nhỏ đâm
ra, suýt chút là hai xe đối đầu, chạm thẳng. Giao thông ở đây rất lạ! Nhiều tài
xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại, hay chạy xe mà không nhìn đường phố, cúi mặt
nhìn màn hình điện thoại, tay bấm bấm nhắn tin. Nhiều chiếc loạng choạng như
người say rượu!
Trong
cái thành phố phát triển nhất nước này, tôi thấy cái gì cũng gấp gáp. Người ta
đi làm, đi chơi, đi mua sắm... gì gì cũng hăm hăm hở hở, muốn làm cho thật
nhanh, thật gấp.
Sau
một tuần sống ở thành phố, tôi đã học được bao chuyện lạ. Ngay ngày đầu đến với
thằng cháu trong căn hộ của một chung cư, tôi đã nhìn ra sự lạnh nhạt bủa vây.
Chung cư nhỏ, chẳng “cao cấp” gì cho lắm, thế mà chẳng ai biết ai. Mỗi tầng có
bốn căn hộ, chủ là các thanh niên trẻ nhưng cửa đóng im lìm, chỉ mở cửa vào buổi
sáng đi làm, chiều về là khóa lại. Năm khi mười họa có gặp nhau, thì mặt họ trơ
trơ, bước đi vội vã, hay móc điện thoại... làm như đang bận để khỏi phải chào
nhau. Láng giềng gần mà xa lạ, như cách một đại dương.
Cách
sống lạnh, nhạt nhẽo như vậy thật khó chịu, rồi cũng quen. Thứ gì tôi cũng đã
thấy. Thế mà sáng nay có một điều làm tôi kinh ngạc.
Tôi
thấy có nhiều người vừa đi vừa hoa tay múa chân bên lề đường. Một người. Hai
người. Trên vỉa hè cũng có. Mà ở nhà chờ xe buýt cũng có. Mấy lần tôi định hỏi
nhưng thằng cháu cứ nói nên tôi chưa thể ngắt lời. Mãi đến khi, ở một đoạn khác
tôi cũng thấy một thanh niên ăn mặc lịch sự, áo vest, cà vạt... đàng hoàng cũng
vừa đi vừa múa máy...
Lần
này thì không thể im miệng nữa. Tôi đập vai, hỏi cháu: “Sao thành phố có nhiều
người bị tâm thần thế?”. “Tại sao?”. “Cậu thấy có quá nhiều người bị “chạm
dây”, lảm nhảm một mình”. “Đâu?”. Tôi chỉ gã thanh niên đang đứng trước tòa cao
ốc. Thằng cháu cười ngất, tiếng cười lớn quá, làm tay lái chao qua chao lại.
“Không phải đâu! Họ nói chuyện bằng điện thoại đó!”. “Bậy nào. Cậu thấy hai tay
họ có cầm gì đâu. Đấy, tay không múa máy kia kìa”. Tiếng cười của thằng cháu to
hơn: “Tại họ gắn tai nghe đó”. “Tai nghe là cái quái gì?”. “Là cái dụng cụ áp
vào tai, tránh sóng điện từ có thể làm hại não”. “Nguy hiểm thế sao không cấm?
Và sao lại có người dùng?”. “Thị trường mà cậu! Có cung có cầu. Thời đại này
không thể sống mà không dùng điện thoại di động”.
Tôi
định nói ở quê tao đâu cần ba cái thứ lằng nhằng này nhưng chẳng lẽ cãi lý với
cháu. Rồi tiếng gió cứ ù ù bên tai nên cái câu định nói “Văn minh gì lạ vậy, biết
nguy hại mà vẫn cứ làm” cũng nằm yên trong đầu.
Thằng
Thiện này có tật nói nhiều nhưng tính tốt. Nó là con trai của người chị cả. Ba
mẹ mất sớm, chị đã cưu mang tôi ăn học để thành ông giáo làng. Chồng chị là người
bủn xỉn, xem đồng tiền rất lớn nên chị phải chắt chiu và lén lút giúp tôi ăn học.
Anh mất vì té xe, say rượu, chị bạo bệnh và cũng mất mấy năm sau đó.
Chính
thằng cháu lần này ân cần mời tôi về thành phố.
Tôi
chưa chịu đi... nhưng dịp giỗ mẹ, nó mua vé xe lửa gửi về để tôi vào Sài Gòn. Vừa
đến sân ga, nó hứa: “Vào bằng xe lửa nhưng chuyến về thế nào cậu cũng phải đi
máy bay một lần cho biết”. Tôi còn do dự, nó bồi thêm: “Con sẽ xin nghỉ phép để
đưa cậu về, sẵn dịp thăm quê. Hai cậu cháu cùng bay, lo gì”.
Thế
mà... công việc đột xuất đã giữ chân nó lại. Chỉ còn mình tôi phải thui thủi
“bay” một mình...
* * *
![]() |
Ảnh minh họa của Báo Thanh Niên |
Sau
khi ngồi xuống chừng mấy phút thì có một cô gái trạc hai mươi ngồi vào ghế bên
trái. Miệng mũi cô bịt khẩu trang bằng vải trắng có in những chấm nhỏ màu hồng.
Chưa kịp buông mình, cô đã lấy điện thoại ra nói chuyện với bạn trai một lát rồi
mới tắt máy. Suốt cuộc đàm thoại tôi không thấy cô ta gỡ khẩu trang. Lý do vệ
sinh? Tôi thấy có mấy vết bẩn vì bụi đường.
Ngồi
yên một lát, cô lấy một chiếc tai nghe (giờ thì tôi biết là cái gì và đã tận mắt
trông thấy) gắn vào chiếc điện thoại rồi ngả lưng ghế về phía sau, nhắm mắt lim
dim nghe nhạc.
Chừng
10 phút sau có người thiếu phụ chừng ba lăm, bốn mươi tuổi, ăn mặc thật sành điệu,
váy đen sơ mi trắng, áo vest xám... bộ dạng chắc là đại gia như báo chí thường
mô tả. Tôi đứng lên để dọn đường cho bà ta ngồi gần cửa sổ.
Vừa
ngồi xuống là bà ta lấy kính râm ra đeo rồi cũng hạ lưng ghế, ngả người ra sau.
Trên
trần máy bay tôi thấy có mấy cái nút mà tôi chẳng biết công dụng, nên định hỏi.
Quay qua trái, cô bé còn giữ nguyên chiếc khẩu trang và đang nghe nhạc. Thực ra
tuổi cô bé chỉ đáng học trò hay con cháu tôi thôi, thế nhưng thái độ xa cách ấy
làm tôi e ngại. Nhìn bên phải, thiếu phụ đang thiêm thiếp. Chẳng dám phiền vì
những câu hỏi ngớ ngẩn của mình nên tôi đành ngồi im.
Trên
mặt sau của lưng ghế ở hàng phía trước tôi thấy có mấy tờ tạp chí. Tôi lấy tờ
Heritage Fashion ra xem. Chả có gì để đọc. Tôi nhìn các kiểu quần áo sắc màu rực
rỡ một lát rồi lật nhanh qua các trang quảng cáo. Resort ở Đà Nẵng thật bắt mắt.
Giữa hai hàng dừa, một cô gái thân trần, đội mũ dứa rộng vành, ngồi quay lưng
nhìn ra biển... cạnh đó là hình chụp các phòng ốc sang trọng mà tôi thầm nghĩ,
nếu bán căn nhà ở quê và tất cả tài sản dành dụm một đời không biết mình có thể
trang trải chi phí ăn ở được mấy hôm.
Câu
hỏi ấy làm tôi thoáng buồn nhưng những trang quảng cáo khác làm tôi bật cười.
“... tăng cường và phục hồi sinh lực phái mạnh”; trang bên cạnh còn có phần
dành cho quý bà : “sâm phục hồi tuổi xuân: sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý nữ”.
Chà, tôi tắc lưỡi. Thời này nam nữ lấy nhau chưa đầy năm đã ly dị. Xã hội không
còn tình yêu nhưng chuyện làm tình hình như đang nở rộ.
Tôi
buông tờ báo, đặt vào chỗ cũ.
Qua
khe hở giữa hai hàng ghế, tôi nhìn về phía trước. Băng trước cũng chẳng ai nói
chuyện với ai. Có mấy cậu thanh niên đang chơi game. Nhìn qua hàng bên trái tôi
thấy có ba nữ tu, họ cũng đang lim dim cầu nguyện. Quay ra hàng sau tôi thấy có
mấy người đọc báo. Có một thanh niên đang say sưa đọc tờ bóng đá. Chắc anh là
người ham mê thể thao và ưa vận động.
Ngồi
giữa hai người đàn bà thế mà chẳng nói được câu nào. Đúng là âm thịnh dương
suy! Tôi tiếc nuối. Phải chi có thằng cháu líu lo như lúc nãy thì hai cậu cháu
tha hồ tám chuyện.
Chẳng
biết làm gì, tôi nghiêng đầu nhìn ra khung cửa sổ. Từng đám mây bên dưới trôi lặng
lẽ. Có những áng mây tản mác, lờ đờ, hình thù như những chiếc lông gà, có chỗ
to dày, mềm mại như một tấm nệm vĩ đại. Trên mặt nệm chỗ nhô cao, chỗ lõm xuống.
Lúc máy bay đảo nghiêng, tôi còn thấy những con đường đất ngoằn ngoèo hiện lên
giữa những mái lá xanh, còn những căn nhà, ao hồ, cây cỏ... như những chấm đen
bé tí.
Máy
bay bay qua vùng trũng, rớt vào khoảng không.
Cô
gái bên trái đang ngồi vòng tay, giật mình nhìn qua lại rồi tiếp tục nghe nhạc.
Tiếp viên nhắc hành khách cài dây an toàn, dựng đứng lưng ghế. Thiếu phụ bên phải
trở mình, chỉ mở mắt chừng vài giây, đủ để kiểm tra dây an toàn rồi tiếp tục ngả
vai về phía thành cửa sổ. Nhưng có lẽ thế ngồi không thoải mái, bà ta ngồi thẳng
người, tỉnh ngủ. Khuôn mặt bà có vẻ mỏi mệt. Thấy tôi nhìn, bà nghiêm mặt, lật
lật tờ báo nhưng cuối cùng bỏ xuống rồi rút xấp hồ sơ trong túi xách ra xem.
Tôi nghĩ bà không muốn ai làm phiền và đang tính toán những công việc sắp tới.
Tiếng
loa vang lên: “Máy bay đang giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh. Xin quý khách vui
lòng cài dây an toàn, dựng thẳng đứng lưng ghế...”.
Ba nữ
tu hàng bên trái ngồi vươn vai, duỗi thẳng tay và áp trán vào lưng ghế phía trước.
Cô gái phía trái xõa tóc, sửa lại mái tóc, cuộn thành một bó tròn trên đỉnh đầu.
Nhìn
nét mặt mọi người, ai nấy cũng đều khẩn trương. Và tôi ngồi im gần suốt chuyến
bay mà chẳng trò chuyện được với ai.
Táy
máy, tôi sờ thử cái nút đen nằm trên trần máy bay. Thấy nó lung lay, tôi vặn thử.
Một luồng gió lạnh ùa ra làm tôi giật mình. Vội đóng lại. Loay hoay thế nào,
tôi đụng cái nút khác làm đèn bật sáng. Hai người đàn bà người bên trái, kẻ bên
phải, cùng lúc mở to mắt, nhìn tôi. Vội tắt, nhưng luýnh quýnh thế nào, tôi lại
chạm tay vào chiếc nút màu vàng. Một cô tiếp viên chạy đến: “Thưa bác cần gì ạ?”.
Tôi đỏ mặt... à, à... rồi lắc lắc đầu... à, à... xin lỗi... Chắc khuôn mặt
tôi lúc đó trông buồn cười lắm.
Lúc
cô tiếp viên quay đi, tôi chợt nhận ra đây là cuộc đối thoại duy nhất mà tôi có
được trong suốt cuộc hành trình.
* * *
Ngồi
bất động gần hai tiếng đồng hồ, cuối cùng rồi máy bay cũng chuẩn bị hạ cánh.
Mặc
dù tiếp viên đã nhắc nhở mọi người phải tắt điện thoại di động và các thiết bị
thu phát sóng FM cho đến khi máy bay dừng hẳn nhưng tôi đã thấy ai cũng đều nhốn
nháo và vội vàng.
Nhiều
người réo gọi nhau ầm ĩ. Có mấy người rút điện thoại oang oang báo tin cho người
thân, bạn bè là mình đã đến. Có kẻ huyên thuyên, có người ngắn gọn. Có người lặng
lẽ nhắn tin.
Thiếu
phụ ngồi bên phải vươn vai rồi uể oải gọi tài xế đem xe đến đón.
Cô
bên trái lấy một chiếc gương con từ túi xách, thoa thêm chút son môi.
Tôi
cũng chuẩn bị bước xuống.
Chỉ
có hành lý xách tay nên tôi không phải đợi. Rảo bước ra ngoài.
Đi
bên tôi là một người có dáng dong dỏng cao, người hơi gầy, chỉ có cái bụng bia
là hơi quá khổ. Nhìn kỹ tôi nhận ra anh thanh niên ngồi ở băng sau. Anh xếp một
tờ báo bỏ vào túi xách rồi châm thuốc hút. Tôi thấy anh hít vội vàng. Kéo hơi
dài như đang hút thuốc lào. Thở khói. Và khạc nhổ.
Trên
đầu anh ta, tôi nhìn tấm pano quảng cáo có vẽ chiếc điện thoại thời trang. Dưới
đó có ghi chữ “Kết nối mọi lúc mọi nơi”.
À,
à… Phương tiện liên lạc chỉ dùng để kết nối những người ở xa.
Trương Văn Dân
Bài đã đăng Trên Thanh Niên Chủ Nhật 31.08.2014
Thông tin:
Bạn Lê văn Bông, cựu hs Khóa IV Trung học Quang Trung Bình Khê, sau khi được chuyển từ BVĐK khoa khu vực Phú Phong đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, đã được điều trị tích cực, trong đó có sự tư vấn từ xa của bạn đồng môn khóa IV QTBK là Bs Giai.
Sau khi được giải phẩu, bệnh tình của bạn Bông đã thuyên giảm, hiện nay đang phục hồi và tiến triển tốt. Xin được thông tin để bạn bè, thân hữu biết.
Chúc mừng Bông đã phục hồi.
XóaCảm ơn Bửu đã chuyển cho thông tin.
“Kết nối mọi lúc mọi nơi”.
Trả lờiXóaÀ, à… Phương tiện liên lạc chỉ dùng để kết nối những người ở xa.
Thế nhưng với người bên cạnh, với những chung quanh, chỉ trong không gian khoang máy bay nhỏ mà chẳng ai có lời chào hỏi nhau... Con người thật cô độc giữa xã hội bon chen. Lỗi Kết Nối từ đâu và vì đâu !