Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

TẬP QUÁN UỐNG TRÀ Ở VIỆT NAM


Tập quán uống trà đã có từ ngàn xưa, khẩu vị uống trà muôn hình muôn vẻ, không cố định mà biến đổi theo thời gian, không gian, theo tâm lý, điều kiện mức sống của từng nước, từng dân tộc. Mỗi dân tộc có một tập quán uống trà riêng biệt, người châu Âu thích uống trà đen, người Mỹ thích uống trà hòa tan, người Trung Quốc uống trà xanh, trà ô long,…

Ở Việt Nam người Kinh uống trà xanh, trà tươi, trà huế, người Dao uống chè bạng, chè lam,… Người cao tuổi uống trà là một thú tao nhã vừa uống từng ngụm vừa bàn thời sự, còn lớp trẻ thì uống nhanh, uống liền một hơi, uống trà để giải khát, làm cho đầu óc thư thái. Trà được uống trong các dịp lễ, tiệc, tiếp khách và sau bữa ăn.

Thời phong kiến xa xưa các tầng lớp thượng lưu, quí tộc, các quan lại triều đình thích uống các loại trà tàu, trà ô long, trà ướp sen, lài, sói,… cách uống cầu kỳ, tinh tế qua những buổi trà sáng, tửu trưa, rượu ngâm nga trà liền tay vừa uống trà vừa ngâm thơ với bộ đồ trà đắc tiền.

Còn giới nông dân, dân lao động nghèo và trung lưu ở các đô thị thì thích uống trà tươi, trà nụ, trà huế,…

Trà tươi được dân lao động Bắc bộ, Bắc Trung bộ ưa thích. Trà tươi không qua chế biến, cách pha chế từ nguồn nguyên liệu gồm lá chè non, già, to, nhỏ, xanh tươi hái về rửa sạch đun với nước cho thật sôi, rót ra bát, chén uống ngay. Uống trà tươi phải ở gần nguồn nguyên liệu và phải pha chế mất thời gian nên trà tươi dần dần ít người uống và được thay thế bằng trà xanh.

Trà huế được thông dụng từ Huế trở vào Nam, trà huế được chế biến từ lá chè già phơi khô sau khi đập dập. Bỏ vào om nấu với nước cho thật sôi rồi rót ra bát, rót càng nhiều bọt chừng nào thì ngon chừng nấy.


Ngày nay với tốc độ phát triển kinh tế ngày càng cao, con người bị cuốn hút theo công việc, do vậy việc uống trà cũng biến đổi theo.

Người Miền Bắc nhất là người Hà Nội đa phần vẫn thích uống loại trà xanh xô được trồng và chế biến từ Thái Nguyên thường gọi là chè Thái nước xanh có mùi thơm vị chát mà có hậu (vị ngọt). Các tầng lớp thượng lưu, viên chức cao cấp thường thích các loại danh trà chế biến theo kỹ thuật trà tàu, trà móc câu.

Người Miền Nam nhất là người vùng đồng bằng Nam bộ, theo tôi cảm nhận có lẽ vì nước uống ở vùng đồng bằng Nam bộ có phèn nên họ rất thích các loại trà ướp hương thiên nhiên như lài, sen, sói,… Trà ướp hương có vị nhạt không chát như chè Thái, được sản xuất từ Bảo Lộc – Lâm Đồng như các danh trà: Quốc Thái, Đỗ Hữu, Trâm Anh, Tâm Châu, Rồng Vàng, … tại Bàu Cạn – Gia Lai có danh trà Catecka được nhân dân vùng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa ưa thích.

Hiện nay có các công ty trà Đài Loan đã trồng và sản xuất trà ô long tại Bảo Lộc, song trà này bán giá rất cao, loại cao nhất cũng đến 1.500.000 đồng/kg, loại thấp nhất 300.000 đồng/kg, do vậy chỉ dùng trong giới thượng lưu và các gia đình người Hoa kiều giàu có trong các buổi lễ, tiệc long trọng. Phần lớn trà ô long dùng để xuất khẩu sang Đài Loan.


Nhân dân lao động và giới bình dân thích uống các loại trà đá trong lúc làm việc, sau bữa ăn vào mùa nóng, trà đá thường bán tại các quán ăn, quán giải khát, các bến tàu, xe,… nhiều nhất là ở Miền Nam.

Gần đây có nhiều nghiên cứu về việc uống trà tươi chữa được các bệnh về tim mạch, giảm tỷ lệ bị bệnh ung thư, thấp khớp,… do vậy việc uống trà tươi dần dần thịnh hành trở lại, nhất là ở Miền Bắc, vùng Bắc Trung bộ và một số người Bắc đang sống tại Miền Nam.

Thị trường trà ngày càng trở nên sôi động, để đáp ứng với yêu cầu cuộc sống hiện tại, đã xuất hiện các loại trà túi lọc (tea bag) như trà lipton xanh, trà lipton đen rất tiện dùng.

Ngoài các loại trà được chế biến từ cây chè (cammellia simensis) người Việt Nam thường uống các loại trà thảo dược để trị bệnh như các loại trà thanh nhiệt, trà khổ qua, trà tim sen, trà sâm,…

Trà đã trở thành một thức uống thông dụng hàng ngày của người dân Việt Nam, trà dùng để tiếp khách, đặc biệt trong các ngày lễ, tết cổ truyền, các tiệc cưới hỏi, tang, chay,… Có thể nói tập quán uống nước trà là một phong tục lâu đời, được duy trì mãi mãi và không thể nào thiếu ở người Việt Nam.

Khoa Chè
Khóa 5 QuangTrung BinhKhe


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét