Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

CHUỘT - NGƯỜI - CHUỘT


Chuột sinh ra đời liền bị nhiều kẻ thù: Mèo vồ, chó chụp, sa bẩy, trúng thuốc độc… Ngành Thú y bào chế thuốc chữa bệnh, thuốc bổ cho bò, heo, gà, vịt… Nhưng lại có lọ thuốc diệt chuột (xếp cùng một góc với lọ thuốc trừ sâu…). Chẳng biết, bởi duyên nợ gì mà chuyện chuột với người nhiều lắm? Nhất là với quan tham, cho nên, bài này xin tản mạn một chút về chuột.  

Chuột là loài đục khoét, phá hại. Đục khoét, phá hại là chuyện thường ngày của chuột, khiến người nhiều khi không chịu nổi. Đó là chưa nói, nếu người không giỏi dự phòng, nó còn truyền bệnh dịch hạch rất đáng sợ nữa.

Nhưng mà chuột cũng có lợi ích cho người ở mặt nào đó chứ?

Y tế thế giới đã làm hàng loạt các xét nghiệm trên chuột (không có con vật nào thay được chuột mà tốt hơn) để tìm ra thuốc chữa bệnh, thường là những bệnh nan y của người. Nhờ đó, ngành y tế thế giới đã chữa khỏi, cứu sống hàng triệu con người. Nuôi chuột bạch cũng là cái thú chơi của không ít người. Nhiều thực khách đã dám chắc rằng, ăn thịt chuột xào lăn, quay, nướng vừa thơm vừa ngon, chẳng hề thua kém thịt gà.

Đời “bất hạnh” của chuột sao giống với thân phận đáng thương của dân đen, một tầng lớp người dưới đáy xã hội.

Nhà văn Mỹ, John Steinback, viết tiểu thuyết Của chuột và người, rất được nổi tiếng. Trong tiểu thuyết, chuột trở thành con vật gần như bạn của nhân dân lao động, những người nghèo khổ, cùng cực. Ai xem tranh Đông Hồ - Đám cưới chuột, cũng dễ nhận thấy một tố cáo rằng dân đen (chuột) cần làm gì (dẫu là một đám cưới thuộc chuyện bách niên), nếu không đem lễ vật (chim, cá…) đút lót cho quan trên (mèo) là không được phép, không yên đâu. Thường thì chuột đói, trốn tránh trong hang sâu, xó tối, bữa nào được ăn no, là nhờ gặp may (sa bồ nếp hoặc rớt chĩnh gạo). Bài học chuột gặp may đã khiến cho “người quan sát” Lý Tư biết chọn con đường cho sự nghiệp của mình: Bỏ sáu nước, đi theo nước Tần giàu mạnh nhất. Nhờ đó, ông lấy tài trí và khôn ngoan của mình giúp Tần, lập được công, làm tới chức Thừa tướng, hưởng vinh hoa, phú quý không ai bằng, và cũng để cho đời cái danh lạ lung :“Chuột Lý Tư” (1).   

Ở trong các làng quê, có những lúc vì chuột phá hại mùa màng ghê lắm, làng xã phải hô hào diệt chuột tận hang sâu, treo giải thưởng cho ai diệt được nhiều chuột. Nhưng ở một thời mà nạn tham nhũng trở thành “quốc nạn”, người ta cũng khéo mượn chuyện diệt chuột để hô hào diệt bọn quan tham đang làm cho nước yếu, dân khổ. Cụ Nguyễn Đình Chiểu (thế kỷ XIX) viết “Thảo thử hịch” (bài Hịch dịch chuột) để hô hào diệt chuột: “Chớ để con nào sơ lậu, phải ra tay lấp lỗ tam bành. Đừng cho chúng nó sẩy ra, phải hết sức trừ đồ lục tặc”. Có như thế mới được cảnh: “Bốn phương đều ngợi cảnh thăng bình. Thiên hạ cùng vui câu án đỗ” Nhưng cũng nên được hiểu, vì một nỗi bức xúc, Cụ có ý mượn đó để hô hào trừ diệt bọn quan tham lại nhũng trong bộ máy cai trị của Tây và Nam triều.

Tuy không hô hào diệt chuột, diệt trừ quan tham mạnh mẽ, quyết liệt như Nguyễn Đình Chiểu (đã từng ra tuyên ngôn Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà), dân gian vẫn thích kiếm chuyện chuột để đùa dai với giới quan lại chuyên nhũng nhiễu dân. Chuyện cũ kể rằng:

Bữa nọ, quan ở công đường, vợ quan ở nhà và đã nhận một món quà hối lộ là một con chuột đúc bằng vàng, to bằng chuột thật, có người đem tới biếu. Quan về, vợ khoe việc nhận hối lộ, và cũng nói thiện chí của người đưa hối lộ, muốn tặng quà cho ấn tượng: Món quà biểu tượng tuổi Tý của quan. Quan mừng, nhưng liền đó nghĩ lại mà bực tức, trách vợ, sao không nói với người ta rằng ông tuổi Sửu, cho được quà cực to là con Trâu vàng. Chao ôi, lòng tham làm cho quan mê muội!

Ngày kia, bầy chuột họp nhau để cùng bàn cách trừ mối họa là chú mèo hiểm ác, đặng bảo toàn nòi giống chuột. Cuộc họp nhiều ý kiến, nhưng có một ý kiến được mọi “người” khen hay: Phải đeo một cái lục lạc vào cổ lão mèo để mèo đi tới đâu cũng có tiếng lục lạc rung leng …keng…, báo động cho chuột chạy trốn. Nhưng ai kìa “cảm tử”, đi làm việc nguy hiểm, đem nạp mình vào miệng mèo hung ác? Chủ trì hỏi mãi mà cuộc họp cứ lặng thinh, không chuột nào dám đứng lên tình nguyện. Đó, cái hung (mà cũng là cái tội) của quan là đã làm cho lương dân phải khiếp sợ, phải chấp nhận hèn. Cũng từ đó mà có thành ngữ: “Hội đồng chuột”.

Người ta có chuyện Nửa dơi nửa chuột để cảnh cáo người dân lương thiện đừng dễ bị mắc lừa bởi miệng lưỡi của hạng quan thiếu đức thương dân. Khi gặp cảnh thuận thì chúng làm chuột để trổ tài ma mãnh, tham gian, khi gặp cảnh nghịch thì làm dơi để thoát thân, biến hóa khôn lường. Người ta gọi chúng là bọn giảo hoạt, nửa dơi nửa chuột, bọn chim (dơi) - chuột, phải thông minh phát hiện ra chúng.

Không biết bằng quan sát cách nào mà tác giả Hồ Huyền Quy đã viết nên áng cổ văn Truyện “Trinh thử” (Trinh thử: con chuột trinh tiết) để tán dương lòng trinh tiết (Trinh thử: con chuột trinh tiết) và chỉ trích thói dâm tà.           

Không biết có bao nhiêu câu ca dao cảm hứng từ bạn chuột vẫn cất lên trong các xóm thôn? Trẻ con vẫn hát: “Con mèo, con chuột có lông / Cây tre có mắt, nồi đồng có quai”,chuột trong lời bài hát khá thân quen và an bình bên cạnh những con vật, đồ vật khác, chớ không có gì là bị hô hào truy đuổi, diệt trừ mối họa. Ông bà già vẫn thường kể: “Con mèo trèo lên cây cau / Hỏi thăm: Chú chuột đi đâu vắng nhà? / Chú chuột đi chợ đàng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo… ”, như đã kể truyện thơ Lục Vân Tiên để màcười cái hiểm sâu của mèo, thương cái trốn chui trốn nhủi mà vẫn không yên của chuột. Đó là một lẽ. Nhưng phải chăng còn một lẽ khác, kể để hóa giải hận thù giữa những người thù địch, không đội trời chung với nhau? Ai yêu ca dao lại không thuộc lòng câu này: “Chuột kêu chút chít trong rương / Anh đi cho khéo đụng giường, mẹ hay” để có thêm một mối thương cảm.

Có ai giải thích giùm, tại sao các cô gái thường sợ chuột? Theo tôi, người đầu tiên gọi chuột “bằng ông” (Ông Tý) chắc là một người phụ nữ, vì chuột hay cắn phá quần áo thời trang của chị, quần áo của chồng con chị. Tôi nhớ má tôi, khi bà còn sống, tối nào đang làm hàng (để sáng ngày quảy ra chợ bán) mà nghe chuột xạ reo là bà mừng và bảo: “Sáng mai nhất định má mua may bán đắt, và sẽ mua về cho các con nhiều quà, vì đã có tiếng chuột xạ reo, báo trước tin vui”.

Có ai xếp giùm tôi, con chuột vi tính của thời công nghệ thông tin này thuộc dòng họ chuột nào: Chuột xạ hay chuột nhắt, chuột xù hay chuột cống, chuột nhà hay chuột đồng? Dù được xếp theo dòng họ chuột nào, con chuột vi tính của thời công nghệ thông tin ngày nay là con chuột thân thương của con người trên khắp thế giới: nó mang lại thông tin cho con người, xích thế giới lại gần nhau. Hàng trăm triệu con người trên khắp thế giới vẫn hằng ngày lăn con chuột mà làm việc, làm công trình, sáng tác… làm niềm say mê, niềm vui, hạnh phúc cho mình.
      
Huỳnh Kim Bửu
Cố GS TH QuangTrung BinhKhe

(1) Lý Tư thời trẻ tuổi, nhờ hai lần gặp chuột (một lần gặp chuột ăn vụng ở xó nhà mình, trong cảnh vừa ăn vừa sợ bị vồ, đập mất mạng; lần khác thấy chuột ung dung ăn trong kho thóc to, không hề tỏ ra sợ gì hết) mà đi tới quyết định bỏ sáu nước để đi theo nước Tần giàu mạnh nhất, đặng làm con “chuột sa bồ nếp”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét