Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

TRÔNG NAY NGẪM XƯA


Mới đây thiên hạ xôn xao đề án đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa trị giá 34.000 tỉ, kể cả thí điểm hay tập huấn gì đó. Nghe thấy ham (ăn)! Học hàm học vị của tôi không đủ cao để gắn trước họ và tên, nghĩa là thiếu tư cách để bàn chuyện giáo dục đại sự. Bàn tới thì thiếu tư cách, nhưng bàn lùi thì chắc dư. Bàn lùi là nói chuyện hồi xưa (*)
Vũ Thế Thành


Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Tháng 6 năm đó vua Bảo Đại ban hành chương trình cải cách giáo dục. Chương trình này do giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng Giáo dục và Mỹ Thuật thời đó chủ trì. Chương trình được soạn thảo chưa đầy 3 tháng với một hội đồng biên soạn đâu đó chỉ gồm 13 hay 14 vị chuyên viên. Chẳng cần dạy nháp hay dạy thí điểm, cũng chẳng cần chờ xin ý kiến thủ tướng (lúc đó là ông Trần Trọng Kim), hay hoàng đế gì cả, chương trình cứ thế đem áp dụng luôn, và áp dụng ngay cho khóa thi tú tài năm đó, niên khóa 1944 - 1945. Đây là khóa thi tú tài bằng tiếng Việt đầu tiên của chương trình trung học Việt Nam, trước đó học và thi tú tài bằng tiếng Pháp. Chương trình này được giới chức sau này gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn để ghi nhớ người chủ trì.


GS Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996)

Những tháng đầu tiên sau tháng 8/1945, cũng như trong giai đoạn kháng chiến, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn, có sửa đổi lại đôi chút để đáp ứng với tình thế cấp bách và khó khăn. Mãi tới niên khóa 1951 - 1952 mới thay thế bằng chương trình phổ thông 9 năm, và từ niên khóa 1956 - 1957 đổi thành 10 năm. Sau năm 1975, mới quay lại chương trình 12 năm từ niên khóa 1981 - 1982.

Ở các vùng Pháp chiếm cũng áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn, sửa đổi đôi chút ở các môn Việt văn, Sử địa, Công dân còn các môn khoa học thì vẫn giữ nguyên

Sau năm 1954, ở miền Nam, chương trình Hoàng Xuân Hãn vẫn được xem là bộ khung để sửa đổi, cập nhật, kể cả các môn khoa học cho tiến triển chung. Hệ 12 năm vẫn duy trì cho bậc giáo dục phổ thông, phân ban ở đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ). Điều thấy rõ là thể chế thi cử ngày càng nhẹ. Mới đầu là bỏ thi vấn đáp ở kỳ thi trung học đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ) từ năm 1959, và rồi bỏ luôn thi vấn đáp ở đệ nhị cấp (cấp 3).

Kể từ niên khóa 1962 - 1963, miền nam bỏ thi tiểu học. Năm 1967 bỏ thi trung học đệ nhất cấp (tốt nghiệp cấp 2 bây giờ), và sau cùng năm 1974 bỏ luôn thi tú tài 1 (lớp 11)

Như vậy từ niên khóa 1973 - 1974, từ lớp 1 cho đến lớp 12 học sinh chỉ còn qua 1 kỳ thi duy nhất, đó là thi tú tài, và thi bằng trắc nghiệm khách quan cho tất cả các môn. Học bao nhiêu môn, thi bằng đó môn. Mỗi môn có bao nhiêu chương boo nhiều bài phải thi hết, không kỳ kèo thêm bớt gì cả, và phải thi đủ 2 ngoại ngữ. Hệ số các môn thi tùy vào phân ban mà học sinh chọn, thấp nhất là hệ số 1, và cao nhất là hệ số 5. Chẳng hạn theo ban Toán, thì toán hệ số 5, triết hệ số 2,.. còn theo ban Văn chương thì môn triết hệ số 4, toán hệ số 1,.. Điều đáng chú ý là môn sử - địa - công dân thi chung và tính hệ số 3. Đừng tưởng ta đây giỏi toán mà đã ngon, gãy môn triết, sử địa, công dân chắc gì đã qua cầu.

Xét theo kết quả thi cử, học sinh thời đó chắc là học dốt hơn học sinh bây giờ, vì thi tú tài chỉ đậu cỡ 15 - 20 %. Trong đó hơn 80% là đậu thứ (điểm trung bình tương đương 5/10), còn đậu hạng bình thứ (6/10), bình (7/10) hay ưu (8/10) là hàng hiếm.

Tính ra chương trình Hoàng Xuân Hãn soạn thảo trong 3 tháng với 13 chuyên viên thọđược 9 năm, nhưng ảnh hưởng của nó trên hệ thống giáo dục ở Miền Nam kéo dài đến năm 1975. Không biết nên gọi đó là cuộc cải cách hay cách mạng giáo dục? Khi chương trình được áp dụng, chẳng thấy ai ý kiến ý cò gì, hay là tại hồi đó không có tự do báo chí? Làm bằng cái tâm, bằng cả tấm lòng với sự nghiệp giáo dục, ai mà nói nổi.

Soạn lại sách giáo khoa thì cứ soạn, nhưng triết lý giáo dục là gì nhỉ?

Ôn cố tri tân, nói ra để ngẫm. Ai nhạy cảm, ngẫm rồi thấy buồn (tủi) thì …ráng chịu.


Vũ Thế Thành

(*) Một số dữ liệu trong bài có tham khảo trong quyển “ Khoa cử và Giáo dục Việt Nam” của Nguyễn Q. Thắng, NXB Văn hóa Thông tin, 1994


4 nhận xét:

  1. Đọc bài viết của tác giả Vũ Thế Thành, thấm tận óc tê tái, đúng là "Ngẫm xưa-trông nay" mà chán ngán cho cải cách giáo dục ngày nay- cứ vài năm lại "cải cách giáo dục", mà cứ... dục giáo hoài hoài...???

    Trả lờiXóa
  2. Nghe đâu quan Thượng Thư Bộ Học phán là dự án ba mấy nghìn tỷ trong đó có cả tập huấn, bồi dưỡng giáo viên gì đấy (!?).
    Đã nghen ! mấy Thầy mấy Cô nay mai tha hồ hưởng ơn mưa móc. Cái kiểu cách mạng giáo dục bằng cách chơi cách cái sách trước rồi mới tới cách cái mạng của người dạy. Kiểu nầy sẽ kéo dài mà không biết khi nào đạt được điểm đến của giáo dục. Thế ấy mưa móc mới kéo dài dài ra... Tha hồ hưởng !

    Trả lờiXóa
  3. Tui ...phận nhãi nhép hương sư chỉ "chộ" ra môt điều : khi có quan tân thượng thư của "bộ có trách nhiệm" thì y như rằng phải có thay sách tất tần tật...cho ngang tầm với vị trí của tân quan. Chuyện xưa không dám bàn ( thời trẻ con lớp 1 học a,b,c.. rồi tới ò,ó o..) nhưng tới trào của quan Thượng trước thì phải đổi mới ( học chữ e trước ) vì rằng ( theo bà tấn sĩ chủ biên )khi sinh ra con nít đã khóc ee nên chi học chữ e trước là vô cùng hợp lý ?!!!.Tới đây,có anh bạn kế bên lạm bàn : Tân quan sắp tới thay sách chắc cho học chữ Á . Thấy tui ngác ngơ, ảnh bèn giải thích : thấy cái gì lạ nó "á"chứ sao !

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh08:32 27/4/14

    Người lớn nửa đêm thức dậy thấy... chần ngần còn giật mình kêu Ă nữa là mấy đứa con nít.
    Xa xa nữa lũ nỏ học vần chắc sẽ học chữ Ư trước ấy nhỉ. Ư ử đấy mà !

    Trả lờiXóa