Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

ĐỌC BÀI "THƠ CUỐI NĂM CHO NGƯỜI TUỔI TUẤT"

HAY CHUYỆN “ĐỒNG MINH” CỦA NHỮNG KẺ ĐANG YÊU!


“Anh nhảy tàu về quê ăn Tết
Mẹ bây giờ đã lớp người xưa
Nên anh ý tứ kiêng mùng Một
Chỉ đến thăm em trước giao thừa

Bên chiếc lọ hoa nơi bàn học
Anh sẽ ê a giọng vỡ lòng
Chiều ba mươi ra vườn tuổi nhỏ
Anh hái cho em một nụ hồng

Trúc lả ngọn chiều phong pháo đỏ
Diêm xòe lửa ấm giữa đêm sâu
Tống biệt ngày cuối đông lận đận
Thắp môi mình đốt cháy những lao đao

Xin em nhắn dùm con chó nhỏ
Ông ấy phương xa sắp trở về
Cún chớ lăng xăng nơi đầu ngõ
Coi chừng pháo nổ giật mình nghe!”

Thơ Trần Viết Dũng ( 1982)

Tôi chỉ là một hoạ sĩ biết “viết” và biết “đọc” thơ đôi chút (tuy có thời gian không dài ngồi ở giảng đường Văn khoa SG), nhưng không hiểu sao có sáng tác nào mới các ông bạn nhà thơ lại hay đưa xem có “cảm” hay có chỗ nào “sượng” không?” Có lẽ tạng của tôi ít úp mở, cả nể trong việc giữ gìn cái đẹp trong Văn học, hay họ muốn nhờ một nhãn quan người khác để phát hiện những gì mới chăng? Nhưng dù gì, tôi thầm nghĩ, mình chỉ biết “vịn” những câu thơ hay để bình, để minh hoạ mà thôi!

Nhận được bài thơ anh Viết Dũng gửi, tôi đọc một mạch như khi mỗi lần về quê ngoại, được bà chặt trái dừa xiêm nhỏ, tôi ngửa đầu uống cạn một hơi! Mát rượi…

Bài thơ có tứ không mới, chỉ lấy một chi tiết mà ai cũng trải qua trong thời trai trẻ: đến thăm nhà người yêu. Có điều chàng trai này xa quê đã lâu, và về thăm nàng trong không gian cụ thể: đêm trừ tịch, và thời gian là trước giao thừa.

Đọc những câu thơ tiết tấu chậm ta thấy thật tội cho chàng trai đang ngần ngại, ý tứ:
“… kiêng mùng Một
Chỉ đến thăm em trước giao thừa”

chỉ vì sợ mẹ già ”giờ đã lớp người xưa” dù chắc biết tỏng là chàng ta (cứ cho là sinh viên), cũng từng trải, ngông nghênh lắm, cũng đã biết “ nhảy tàu về quê ăn Tết” rồi mà!

Chỉ vài chữ mà tác giả đã cho ta biết thời điểm bài thơ. Có lẽ lâu lắm mới nghe lại từ “nhảy tàu” vì bây giờ chỉ nghe “đi tàu” mà thôi. “Nhảy” là vì những năm 70 - 80 phương tiện di chuyển chủ yếu là xe lửa cũ kỹ! Xe đò ít, máy bay là điều không tưởng! Sinh viên, người làm ăn nghèo mỗi lần về nhà cứ chờ tàu dừng ở ga nào là vọt lên đại sau khi dúi cho anh bảo vệ một ít tiền. Có khi bí hơn thì cứ chờ đoạn nào vắng, tàu chạy chầm chậm thì nhảy lên, cứ vô toa rồi tính!

Trong đầu anh thầm sắp xếp, đến lúc đến nhà nàng:
“sẽ ê a giọng vỡ lòng”

rồi mạnh dạn:
ra vườn tuổi nhỏ
Anh hái cho em một nụ hồng”

Khổ thơ này vẫn đi liền một mạch tuy có hơi hiền và chung chung so với toàn bài. Không sao, tình yêu mà, muôn thuở vẫn là chuyện tán vu vơ, trao vội thơ, vô công viên hoặc vào vườn hái trộm hoa để tặng nàng!

Đến khổ thơ thứ ba, lại phảng phất hương vị thơ Tiền chiến, đọc thật thích, nhất là:

‘”Trúc lả ngọn chiều phong pháo đỏ
Diêm xòe lửa ấm giữa đêm sâu
Tống biệt ngày cuối đông lận đận
Thắp môi mình đốt cháy những lao đao”

Hình ảnh đêm trừ tịch dựng ra trước mắt người đọc chỉ sau hai hình ảnh đối nhau chan chat ”Trúc lả ngọn chiều - diêm xoè lửa ấm”. Cái lạnh ngày cuối đông trong cả bài thơ đã bị đẩy đi.  Bài thơ như bừng sáng sau chữ xoè lửa! Trúc lả - một từ đẹp mà lâu nay ít gặp trên thi đàn (Hàn Mặc Tử chỉ viết ”lá trúc che ngang“). Trúc lả - Đọc lên, ta như nghe nghe tiếng lá xào xạc, thấy cái dáng vít cong buông sát đất hay thấy ở những rặng trúc trầm mặc trước cổng nhà lá mái Trung bộ!

Đến với thơ anh Viết Dũng, bạn sẽ quý cách anh nhả những điệp từ, từ láy thật tinh tế như “mốc meo, vỗ về” trong “Lãng đãng giữa đời” và ở đây là ”ê a, lận đận, lao đao, lăng xăng”. Có những từ này bài thơ anh thêm lấp lánh!

Lý thú và đầy chất đời nhất là khổ cuối:

“Xin em nhắn dùm con chó nhỏ
Ông ấy phương xa sắp trở về
Cún chớ lăng xăng nơi đầu ngõ
Coi chừng pháo nổ giật mình nghe!”

Đọc đoạn này người xem không khỏi mỉm cười như xem vở kịch có ba nhân vật, khi thấy cả hai nhân vật chính che giấu cảm xúc của mình cùng gán ép đùn đẩy cho nhân vật phụ - cún con (tội nghiệp - nó có biết gì đâu???)

Đại từ ”ông” nghe thật đắt. “Ông” nghe nửa gần, nửa xa, có chút ỡm ờ, muốn mà không dám nói. Nếu thay bằng anh, chàng … sẽ nhẹ tênh và mất đi sự thú vị thẫm đẫm trong câu văn.

Còn cún lăng xăng, giật mình hay cô gái ”lăng xăng”, bối rối? Cún con chỉ là nhận vật thứ ba (cùng mạng với chàng trai - tuổi tuất), thực chất là cái cớ cho hai người yêu đang “cút bắt“ nhau.

Nhắn cún hay nhắn em?

Dặn cún hay dặn em?

Tôi hồ nghi anh Dũng phải có thời gian ở Bắc hoặc quen… cô em nào xứ Bắc, vì giọng điệu ngoa ngữ ỡm ờ này phảng phất giọng điệu cô em Bắc Kỳ nho nhỏ.

Bài thơ với cái kết lửng lơ lại tạo thú vị và gợi mở. Bởi tất cả chỉ là toan tính, vì chàng trai còn trên tàu cơ mà?

Tôi nhớ lõm bõm câu nhà văn Pautopxki (tác giả Bông hồng vàng) viết: Hãy nói những điều bình thường một cách ấn tượng nhất! Bài thơ này nằm trong tạng ấy, nhỏ đẹp đằm thấm và người nghe sẽ rất khó quên.

Chắc chắn thế!

Anh Viết Dũng, tôi không thích gọi anh là nhà thơ, vì anh không sống bằng thơ và trong tay không có “sổ đỏ” (tên gọi nôm na của những người là Hội viên hội VHNT tỉnh hay huyện gì đó). Bởi sau đúng 17 năm, kể từ khi tập thơ đầu tay “Lãng đãng giữa đời” (1993) ra đời, bạn bè và bạn đọc chờ đợi mãi, chẳng thấy tăm hơi thơ anh đâu nữa, để cho bao người phải than vãn, sốt ruột, tiếc…

Anh vẫn làm thơ đó chứ! Làm ít, tuỳ hứng, nhưng hễ thơ anh ra là “ra tấm, ra món”, đúng chất Trần Viết Dũng!

Lần về Quy Nhơn hè rồi, tôi có nghe nhà thơ Hạt Cát (Thanh Xuân) kể chuyện lý do vì căn bệnh cố hữu của giới văn nghệ Tỉnh nhà (ai cũng biết) nên dù xứng đáng hơn ối các vị kia, anh vẫn đứng ở ngoài ???

Tôi thích gọi anh là người Thơ hơn, và thầm nghĩ may mắn khi anh chưa bước vào Hội? Vì, điều đó có nghĩa là ta còn có dịp đọc thơ anh với mạch chảy thuần khiết như thuở ban đầu, thuở của “Vua và em”, “thơ gửi chân mây”, “ngồi lại với bến sông”… Và tuổi hoa tím còn còn có thêm người “ bày vẽ” mình…

Ơi các chàng trai phơi phới tuổi yêu!

Mai khoe sắc thắm vàng trước ngõ, hãy đọc bài thơ này rồi mạnh dạn đến nhà nàng với nụ hồng trên tay; vì nhớ rằng:  đứng về phía “ta” đâu chỉ có trúc lả, phong pháo đỏ, que diêm ấm… hay chú chó nhỏ “lăng xăng”;  mà còn có “đồng minh vô cùng quan trọng” là trái tim cô gái trẻ đang rộn ràng đập trong gió Xuân hây hẩy trở về…

Sàigòn 2009, mùa chim én bay
Lê Sa Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét