Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

TÌNH THẦY TRÒ

PHẠM VĂN NGHỊ, NGƯỜI THẦY CỦA NHỮNG DANH NHÂN
VÀ ANH HÙNG DÂN TỘC

Đền thờ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị

Lịch sử giáo dục của dân tộc ta  từng ghi lại công lao biết bao vị thầy xuất sắc, hết lòng vì thiên chức cao quý, đã đào tạo được vô số nhân tài cho đất nuớc. Chúng ta có thể kể những vị danh sư tiêu biểu như : Chu Văn An, Võ Công Đạo, Phạm Văn Nghị, Trần Đình Phong, Võ Trường Toản, v.v … Xuất phát từ truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc ta, mối quan hệ giữa thầy và trò luôn luôn được nuôi dưỡng trong môi trường tình cảm và đạo đức. Người Thầy có địa vị được tôn kính xếp vào ngay sau Vua và trước cả Cha theo thứ tự Quân, Sư, Phụ trong Khổng giáo

Tuy nhiên, mối quan hệ thầy trò chỉ có thể diễn ra thật tốt đẹp khi cả thầy lẫn trò đều phải đạt được cái Chính Danh trải qua quá trình tự rèn luyện bản thân.Chính danh trong Khổng giáo gói trọn trong 8 chữ : quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử (nghĩa là vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con). Thuyết chính danh có thể nói gọn cho dễ hiểu là “thầy cho ra thầy, trò cho ra trò”.


Người thầy trong xã hội cũ vừa dạy học trò làm người, vừa truyền đạt kiến thức cho học trò. Thầy không chỉ dạy học trò bằng tư tưởng, kinh truyện mà còn bằng chính con người của mình, như một tấm gương để học trò noi theo.Từ đó, thầy là thần tượng của học trò, những lời thầy dạy là chân lý. Sự tương tri, tương đắc giữa thầy và trò nhiều khi còn thân thiết như tri kỷ, hơn cả tình cha con. Do đó, tình cảm của học trò ngày xưa đối với thầy vừa có kính, vừa có thân. Sở dĩ tạo được mối quan hệ đặc biệt như thế, chính người thầy đã chủ động gây cho học trò cảm thấy khoảng cách thầy trò không còn nữa, hay giảm thiểu đến mức hòa đồng.         

Đối với Phạm Văn Nghị, hoàn cảnh lịch sử đã quần tụ thầy trò ông về chung một chiến tuyến, chung một lý tưởng, nên môn sinh xem thầy vừa như một thần tượng, vừa như một người cha thân thương, và vừa như một lãnh tụ lý tưởng. Lần theo chứng tích của sử liệu và tác phẩm còn lưu lại của Phạm Văn Nghị, chúng ta thử tìm hiểu vì đâu ông là một người thầy của rất nhiều danh nhân, vừa  thành công xuất sắc trên đường cử nghiệp, vừa là những anh hùng dân tộc trong những ngày đầu Pháp xâm chiếm Việt Nam và từ đó thử đánh giá  đúng  những gì ông đã đóng góp vào sự nghiệp đào tạo nhân tài cho đất nước.

TIỂU SỬ PHẠM VĂN NGHỊ

Phạm Văn Nghị hiệu là Nghĩa Trai, sinh năm Ất Sửu (1805) tại làng Tam Ðăng, tổng An Trung, huyện Ðại An, tỉnh Nam Ðịnh (nay là Thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh). Năm lên 8, ông học vỡ lòng bên họ ngoại, 11 tuổi theo học thân phụ ông, lúc ấy dạy học ở Ninh Bình. Khi thân phụ đi binh dịch, ông theo học một số thầy ở Ninh Bình.Từ năm 16 tuổi đã phải đi dạy học để tự túc và để có điều kiện tự học thêm. Cứ thế, vừa tiếp tục dạy học, vừa tự rèn luyện cho đến năm 22 tuổi thì đỗ tú tài, năm 33 tuổi đỗ cử nhân, năm 34 tuổi trúng nhị giáp tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) (1)

Kể từ năm này ông bắt đầu bước vào đường hoạn lộ. Ðầu tiên ông được làm tu soạn viện hàn lâm, có tham gia soạn bộ Khâm định tập vận trích yếu. Năm sau, ông được bổ làm tri phủ Lý Nhân. Nhưng đường làm quan của ông gặp rất nhiều gian truân, bị giáng cấp nhiều lần. Năm 1841, do Bùi Công Quỹ tiến cử, ông được vua Thiệu Trị vời về kinh cho làm biên tu quốc tử quán. Ðến năm 1846, lấy cớ bị bệnh, ông cáo quan về quê dưỡng bệnh và dạy học suốt trong 12 năm.

Sau nhiều lần thoái thác việc triều đình triệu hồi ra giúp nước, ông ra nhận chức đốc học Nam Ðịnh năm 1857. Nhưng năm sau, Pháp đánh chiếm Sơn Trà, Ðà Nẵng, Ông dâng sớ trình bày phương cách chống giặc, được triều đình chấp thuận, rồi cùng với học trò là Ðặng Ngọc Cầu và bạn là Phan Văn Xưởng phối hợp cùng 5 cử nhân, 8 tú tài và hơn một chục học trò khác chiêu tập một đoàn nghĩa dũng gồm 365 người tiến vào Ðà nẵng để đánh giặc. Khi đoàn nghĩa dũng này vào đến Huế thì Pháp đã rút khỏi Ðà nẵng để tăng cường quân đánh chiếm Gia định. Vua cho đoàn nghĩa dũng trở về và cho ông trở lại chức cũ.Từ năm 1861 đến 1862 ông được cử làm hiệp lý quân vụ, đánh dẹp bọn phỉ xâm phạm vùng Thái Bình. Trở về bị ốm, ông cáo quan về quê dưỡng bệnh và dạy học từ 1862 đến 1867.

Mùa thu năm 1867, ông nhận ra làm thương biện kiêm hải phòng sứ Nam Ðịnh. Năm 1871, bọn phỉ Tàu quấy rối ở vùng Ðông bắc, ông đem binh tiễu trừ, nhưng sức yếu, ông xin cho con cả là Phạm văn Giảng đi thay, còn ông về giữ việc phòng thủ bờ biển Nam Ðịnh. Năm 1873 Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ nhất. Sau khi chiềm Hà Nội, Ninh Bình, Pháp tiến đánh Nam Ðịnh. Ông chỉ huy dân binh đồn Ðộc Bộ chống cự quyết liệt, nhưng đạn dược  hết, viện binh không tới, buộc phải rút lui. Ông lập căn cứ An Hòa, thắng trận tập kích của quân Pháp. Sau khi Francis Garnier bị giết ở Cầu Giấy, Hà Nội, điều ước  Philastre thành hình, Pháp rút hết khỏi Bắc kỳ, nghĩa quân An Hoà được cho về quê cũ làm ăn. Ông bị bắt giải về kinh về tội để thất thủ thành Nam Ðịnh, nhưng khi vào đến Ninh Bình có lệnh cho ông về Nam Ðịnh tạm giữ chức thương biện, đi ổn định tình hình rối ren trong tỉnh do xung đột giữa lương và giáo.

Sau 2 lần viện cớ đủ 70 tuổi để xin về hưu, đến giữa năm 1874 ông mới được triều đình chấp thuận. Sáu năm cuối cùng trong đời, ông về sống ẩn dật trong động Liên Hoa, thuộc Hoa Lư, Ninh Bình. Năm 1880 ông bị bệnh mất tại quê nhà. Hiện nay ở Sĩ Lâm, là nơi trước kia ông xin khai khẩn lập thành làng, nay còn đền thờ ông để nhớ ơn ông.

Ông để lại cho đời một tập Phạm Nghĩa Trai tự ký và Tùng Viên văn  tập (do con trai thứ hai của ông là Cử nhân Phạm Văn Hân sưu tập  được phần lớn văn thơ của ông) Tất cả gần 600 bài vừa thơ, vừa văn.

ÐÀO TẠO NHÂN TÀI CHO ÐẤT NƯỚC
           
Cuộc đời hoạt động của ông xen kẽ việc làm quan và dạy học. Những khoảng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời ông là những năm dạy học tại quê nhà. Thời gian đầu được 12 năm (1846-1857). Thời gian sau được 6 năm (1862-1867). Trường ông mở tại làng Hiếu Thiện, tổng Bồng Hải, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây trở thành trung tâm đào tạo nhân tài thuộc các tỉnh vùng duyên hải miền bắc thời đó. Học trò từ  các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Kiến An, hoặc ở những nơi xa hơn như: Bắc Ninh, Thanh Hóa cũng  theo học ông  kể có  hàng nghìn người.  

Nhưng việc dạy học của ông không phải chỉ có những khoảng thời gian đó. Ông dạy học bất cứ nơi nào có dịp thuận tiện. Khi còn làm sử quan tại kinh trong 5 năm đầu trên bước đường hoạn lộ, ông vẫn dành nhiều thời giờ dạy học. Lúc làm hải phòng sứ coi việc phòng thủ cửa biển Ba Lạt, ông vẫn kết hợp mở trường dạy học tại Hoành Nha. Ông cũng dạy học ở Quần Anh, Thượng Ðồng.

Xét về chất lượng, ông đã đào tạo được nhiều học trò đậu cao nhất ( 2 vị đậu tam nguyên và 1 vị đậu đình nguyên : Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San, Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến, và Đình nguyên Đỗ Huy Liêu) (2).

Xét về số lượng, học trò ông trở thành danh nhân, nổi tiếng trong một giai đọạn lịch sử cũng nhiều hơn cả. Những danh nhân nổi tiếng lúc Pháp xâm chiếm nước ta đều là học trò ông. Ngoài 3 vị kể trên (Trần Bích San , Nguyễn Khuyến, Đỗ Huy Liêu) còn có Hộ Bộ Thương thư Phạm Thận Duật (3), Tiến sĩ Tống Duy Tân (4), Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi (5), Phó bảng Lữ Xuân Uy (6), Phó bảng Đặng Ngọc Cầu (7), Thủ khoa Nguyễn Cao (8), anh hùng chống Pháp Đinh Công Tráng. Ngoài tài học, những vị này còn  có tài kinh bang tế thế, ra làm quan giữ nhiều chức vụ quan trọng, khi Pháp xâm chiếm nước ta. tất cả những vị này, hoặc  tham gia phong trào cần vương chống Pháp, hoặc bất hợp tác với Pháp, giữ tròn khí  tiết.

Nhưng thật ra, nếu chỉ căn cứ vào số học trò thành đạt và nổi tiếng để đánh giá một người thầy cũng chưa chắc là đúng hoàn toàn. Trường hợp Chu Văn An, chúng ta được biết rất ít về số học trò thành đạt của ông, ngoài Lê Quát và Phạm Sư Mạnh, vì hầu hết các sử  sách đều bị quan lại nhà Minh thiêu hủy. Hoặc như trường hợp vị thầy được gọi là “thiên hạ chi sư” Nguyễn Đình Trụ, tương truyền có đến hơn 70 học trò đỗ đại khoa, nhưng ngày nay chúng ta không biết rõ những ai là học trò của ông. Hoặc như đốc học Trần Đình Phong, ngoài 3 vị danh nhân là học trò (Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, và Huỳnh Thúc Kháng), còn có những vị tiến sĩ khác đều là học trò của ông, như : Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn (là 3 trong số 5 tiến sĩ của Quảng Nam) đậu năm 1898, và Nguyễn Đình Hiến đậu phó bảng năm 1901.

Đối với những bậc thầy nổi tiếng khác, sử sách chỉ ghi nhận tình của môn sinh đối với thầy. Còn đối với Phạm Văn Nghị, sử sách còn ghi lại không những chỉ tình của học trò đối với ông, mà còn có tình của ông đối với học trò. Qua văn thơ của ông còn để lại, chúng ta  thấy  Phạm Văn Nghị đã đem trọn tấm lòng một người thầy san sẻ yêu thương cho tất cả học trò của ông, ngay từ lúc họ còn là những bạch diện thư sinh cho đến khi họ thành đạt trên đừờng cử nghiệp và hoạn lộ.

TẤM LÒNG NGƯỜI THẦY
           
Hình như đối với ông, việc quan, việc đời toàn là những chuyện bất đắc chí, nên ông lấy chuyện dạy học vừa để làm nguồn vui, vừa đào tạo nhân tài cho đất nước. Do đó, ông luôn luôn dành cho học trò những tình cảm hết sức đặc biệt mà chúng ta không thấy thể hiện ở những vị thầy học nào khác.

Ðối với học trò nhỏ, khi chưa bước vào đường khoa danh, lúc  nào ông cũng giữ một niềm từ ái như cha con, hay hơn thế nữa. Trong số những bài thơ của ông còn để lại, chúng ta tìm thấy một bài tế văn hết sức cảm động, ông làm để viếng một người học trò nghèo mất sớm. Nguyên tác bằng chữ Hán, như sau:

KHỐC MÔN ÐỆ CỔ LIÊU TRỊNH, TẾ VĂN
Sử vãng điện nhi khốc chi viết:
Trịnh Khải ! Trịnh Khải!
Tằng tòng ngã du,
Ðạt nhi nhược nột,
Mẫn nhi nhược ngu.
Ngã liên nhĩ bần
Sử huấn chư ấu
Ngã liên nhĩ đơn,
Thành nhĩ hôn cấu.
Nhĩ danh vị lập,
Vọng nhỉ huyền huyền
Nhĩ chí hoặc tự,
Miễn nhĩ cùng kiên.
Tạc cận đoan dương
Nhĩ phản nhi diện.
Hà tai tự thử,
Thất nhĩ, nhân viễn ?
Nhĩ bệnh bất văn
Nhĩ tử bất tri
Ngô đẳng lai cáo.
Thả kinh, thả nghi.
Khởi ngã quả tình
Mạc nhĩ khẳng cố ?
Bất nhiên tương thệ.
Hà vô nhất ngữ
Y tư nhân dã !
Bất đỗng nhi thùy ?
Kê tửu chi điện
Tri hồ, bất tri ?

BÀI DỊCH :
Văn tế khóc học trò họ Trịnh ở Cổ Liêu (*)
Nhờ người đến viếng mà khóc rằng :
Trịnh Khải ! Trịnh Khải !
Từng theo học thầy
Giỏi mà ít nói,
Nhanh mà tưởng ngây.
Thương con vốn nghèo,
Cho dạy lũ nhỏ.
Thương con cô đơn,
Tìm nơi dựng vợ.
Con chưa thành đạt
Ngày những ngóng trông
Chí có khi nản
Khuyên con vững lòng
Qua tiết đoan ngọ
Con về thăm nhà.
Sao từ hôm ấy
Nhà gần, người xa?
Ốm, ta không biết
Mất, ta không hay.
Bạn con đến báo.
Ta chưa tin ngay
Hay ta chểnh mảng
Mà chẳng đoái hoài
Sao con sắp mất
Chẳng trối một lời?
Ôi! Người như thế!
Không thương, thương ai?
Gà rượu tới viếng
Biết chăng, con ơi!
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch

(*) Cổ Liêu là tên làng cùng huyện với làng tác giả

Bài thơ vô cùng đơn giản, không trau chuốt, nhưng đọc lên xúc động tận tâm can. Chuyện  người học trò đột ngột qua đời làm cho ông đau xót, ái ngại  như tự trách mình, phải chăng trong việc này là do mình ở với học trò chưa thật hết lòng! Ðây là những dòng thơ phản ảnh một tấm lòng nhân hậu tuyệt vời.

Trong thơ văn  cổ Việt nam, chúng ta rất ít gặp những bài ghi lại cảm tình giữa thầy trò, ngoại trừ trong thơ văn của ông. Sau 5 năm làm việc ở kinh, ông lấy cớ bệnh cáo quan về. Ðược vua chấp thuận, ông cùng học trò từ biệt ngoài thành về quê. Bài thơ ông làm lúc từ biệt này, như sau:

BÍNH NGỌ XUÂN, THIỆU TRỊ LỤC NIÊN, NHỊ NGUYỆT, SƠ CỬU NHẬT,BỆNH CÁO ÐẮC CHỈ, THẬP TAM NHẬT QUI, XUẤT THÀNH DỮ CHƯ SINH BIỆT
Kỷ thu hàm trượng tối tương than
Kim nhật phân huề, Nam Bắc nhân
Tu tiến khởi vong ngô đảng sự
Qui lai vị ức cố viên xuân
Ðông Gia kiều thượng,nguyệt sơ xuất
Bắc Ðẩu thành viên, liễu chính tân
Xướng bãi Dương quan, hồi thủ xứ
Du du nhất bộ, nhất ngưng thần

BÀI DỊCH :
NGÀY  9 THÁNG  2 NĂM BÍNH NGỌ, THIỆU TRỊ THỨ 6, ĐƯỢC CHỈ NGHỈ DƯỠNG BỆNH, NGÀY 13 VỀ, RA KHỎI THÀNH , CÙNG HỌC TRÒ TỪ BIỆT
Tình nghĩa thầy trò mấy nắng mưa
Mà nay Nam, Bắc bỗng thành xa
“Tiến, tu”(*) đâu dám quên lời sách
Trở lại, riêng vì nhớ cảnh xưa
Trên bến Ðông gia (**), trăng mới ló
Bên thành Bắc đẩu (***), liễu đương tơ
Dương quan khúc trọn, quay nhìn lại
Mỗi bước chân đi, mỗi thẫn thờ
ÐỖ NGỌC TOẠI dịch

(*)   Tiến, tu là chăm lo sự nghiệp và tu chỉnh đạo đức của người quân tử
(**) Tên cầu ở kinh thành Huế xưa
(***)Chỉ thành vua ở

Nếu đầu đề bài thơ không nói quá rõ và trong bài không có chữ ”hàm trượng” (chiếc chiếu lớn dành cho thầy dạy học thời xưa ngồi)  thì chúng ta có thể nghĩ rằng đây là bài thơ tả cảnh chia tay giữa những người bạn với nhau. Ðối với học trò, ông vẫn giữ cách đối xử như đối với những người bạn.

Cao Bá Quát cũng có một bài thơ tả cảnh chia tay với học trò giống như vậy, nhưng đọc lên ta thấy ngay lời thơ là lời của người thầy. Ông thầy cố dấu vẻ xúc động trước cảnh chia ly, bằng cách chế diễu sự mềm yếu của học trò . Bài này nguyên tác cũng bằng Hán văn, được dịch ra như sau:
     
Xa xa trời đất cũ
Thăm thẳm trên đường dài
Ngoài thành trời lành lạnh
Lấm tấm hạt mưa mai
Học trò tiễn ta đi
Nắm tay không nỡ rời
Nam nhi mà thế ư ?
Nước mắt đầm đìa rơi !
…………………………
(Đây là trích đoạn từ 1 bài trong quyển Luận đề về Cao Bá Quát của GS Bằng Phong & Nguyễn Duy Diễn soạn cho học sinh luyện thi Tú Tài I trong thập niên 60 tại Saigon)

Phạm Văn Nghị sống khá thọ (75 tuổi), nên ông phải khóc nhiều học trò yêu dấu của ông chết trước ông. Ngoài nỗi đau lòng về người học trò nghèo tên Trịnh Khải ở Cổ Liêu, ông còn khóc thương cho hai người học trò nữa. Ðó là phó bảng Ðặng Ngọc Cầu và Tam nguyên Vị xuyên Trần Bích San.

Ðặng Ngọc Cầu, năm 1859 từng cùng ông tuyển mộ đoàn quân nghĩa dũng từ Nam Ðịnh vào Ðà nẵng để đánh Pháp, được ông giao cho nhiệm vụ chỉ huy hậu đạo. Bạn ông là Phạm Văn Xưởng chỉ huy tiền đạo, và ông chỉ huy chung và coi trung đạo. Trong thời gian này và về sau tình thầy trò trở thành tình chiến hữu, tình đồng chí. Năm 1871, ông phụng chỉ dẫn quân lên miền núi, hiệp sức đánh bọn phỉ Tàu. Nhân ngày giỗ đoạn tang Ðặng Ngọc Cầu, ông làm bài thơ cảm tác với lời ghi chú, gọi học trò bằng 2 chữ  «  Ðặng quân » như là gọi một người bạn đồng vai. Bài thơ đó cũng viết bằng Hán văn,như sau :

ÐẶNG XÁ PHÓ BẢNG  ÐẶNG ÐÀI ÐẠI TƯỜNG NHẬT,
CẢM TÁC
Nguyên chú của tác giả :” mùa đông năm ấy (1871) tôi phụng chỉ đem quân thủ hạ lên miền núi để hiệp sức, diệt giặc, gặp ngày giỗ đoạn tang Ðặng quân, cảm tác làm bài này” :
Ai tai Ðặng thị tử !
Tòng ngã phó Quảng Nam
Kê quan khí lẫm lẫm
Nghĩ cổ dã vô tàm
Hồ nhiên uổng nhất tử
Vạn cổ ưng vị cam
Bất ý ngã niên lão
Huy kiếm thướng khê nham
Kim nhật, quân nhược tại
Ðịnh bất ly chinh tham
Phùng quân đại tường nhật
Ðẩu tửu chước chi tam
Sinh anh, tử tất linh
Trợ ngã tảo sơn lam.

DỊCH RA VĂN XUÔI:
Cảm tác nhân ngày giỗ đoạn tang Phó bảng Đặng Xá, họ Đặng
Thương thay chàng họ Ðặng! Đã từng theo ta đi Quảng Nam. Khí thế dũng cảm, lẫm liệt. So với người xưa cũng không thẹn. Vì sao bỗng nhiên chết uổng? Muôn đời có lẽ chưa có thể nguôi. Đâu nghĩ nay ta đã già, vẫn vung gươm lên vùng rừng núi. Nếu ngày nay người còn sống, nhất định chẳng chịu rời cỗ xe trận. Gặp ngày giỗ đoạn tang người, xin chuốc ba chén rượu. Lúc sống  anh dũng,  khi chết ắt khôn thiêng. Xin giúp ta quét sạch khí độc nơi rừng núi.
(Nguyễn văn Huyền dịch)

Ðối với Trần Bích San, ông có một mối liên hệ đặc biệt một chút. Trần Bích San là con của bạn ông, Phó bảng Trần Doãn Ðạt. Lúc chưa đi học, Trần Bích San có tên là Trần Tằng Tiễu (hai chữ “tằng, tiễu” đều viết với bộ “sơn”, chỉ đỉnh núi cao chót vót. Có lẽ cha ông mong danh vọng ông lên tới tột đỉnh. Sau này, tài học cùng  đạo đức của ông đã được thể hiện đúng như vậy).

Khi đi học, Trần Bích San sớm tỏ lộ nét tài hoa, văn hay, hạnh tốt, nên thầy mới đổi tên là Trần Bích San.

Không ai hiểu trò hơn thầy, nên Phạm Văn Nghị đã đoán trước được khả năng của từng học trò. Có một giai thoại chép trong ”Giai thọai làng nho” kể rằng:

“ Trong buổi học chót, trước ngày học trò từ biệt thầy lên đường về quê, để dự thi khoa thi hương năm Giáp Tý (1864), thầy dặn các học trò rằng:” Năm nay anh Yên Ðỗ (chỉ Nguyễn Khuyến) lấy cho thầy cái thủ khoa trường Hà (Hà Nam) , còn anh Vị Xuyên (chỉ Trần Bích San) thì lấy cho thầy cái thủ khoa trường Nam (Nam Ðịnh), rồi đến kỳ thi hội cố giật nốt cái tam nguyên”.

Tan buổi học, Yên Ðỗ tức lắm, nói với Vị Xuyên :” Thầy cho tôi chỉ đỗ được hương nguyên là cùng, thật thấy khinh tôi quá!”

Vị Xuyên trả lời:” Không phải thế đâu, bình nhật tôi vẫn kém anh,  ý thầy là muốn khuyên tôi cố gắng cho bằng anh đấy thôi”

Quả nhiên, khoa thi đó, cả hai người đều đỗ đầu thi hương tại 2 trường thi Hà Nam và Nam Ðịnh. Nhưng vào thi hội , năm Ất Sửu (1865), Trần Bích San đậu đầu luôn thi hội và thi đình, còn Nguyễn Khuyến bị rớt, phải ở lại kinh học thêm, mãi đến khoa thi năm Tân Mùi (1871) mới đậu đình nguyên.

Ai đã từng làm thầy, ai đã từng đi học, thảy đều biết rằng bất cứ vị thầy nào cũng thương học trò học giỏi và hạnh tốt. Thế nên, tất cả chúng ta đều có thể hình dung ra được nỗi đau buồn của thầy Phạm Văn Nghị  đến dường nào khi được tin người học trò yêu của mình chết hết sức đột ngột, trước khi phụng chỉ đi sứ sang Pháp (1877). Trước sự đau buồn này, ông làm bài thơ điếu học trò, nén đau thương, để viết những lời ca ngợi tài đức của học trò như ca ngợi một danh nhân:

ÐIẾU TRẦN BÍCH SAN
Tài ngộ như kim hữu kỷ nhân
Ðiều canh trực nghĩ Tống danh thần (*)
Nhất tâm đoạn thiết duy ưu quốc
Vạn lý phù sa cảm ái than
Sinh dã hữu nhai tùy tạo hóa
Tử nan minh mục trọng quân thần
Hoàn danh, hoàn cục ninh tu thuyết
Tráng ngã sơn hà khí vị nhân

DỊCH RA VĂN XUÔI:
Có tài lại gặp hội, đời này có mấy người. Về việc trị nước, ông không kém gì danh thần nhà Tống. Gang thép một lòng, chỉ lo việc nước. Thuyền sứ đi muôn dặm, đâu dám tiếc thân. Ðời sống có hạn, tùy ở tạo hóa. Chết khó nhắm mắt vì nghĩa vua tôi. Trọn danh tiết, làm xong việc, chưa cần bàn đến. Chỉ biết khí tiết (của ông) làm mạnh mẽ sông núi của ta còn mãi mãi.
(*) Chỉ Vương Tăng, đời Tống, xem ghi chú (2) ở dưới

Ðỗ ngọc Toại dịch ra thơ như sau:

Tài ngộ xưa nay được mấy ai
So cùng tướng Tống, kém chi người
Một lòng son sắt luôn lo nước
Muôn dặm bè khơi, dám tiếc đời
Sống chỉ có chừng, quyền tạo hóa
Chết khôn nhắm mắt, nghĩa vua tôi
Vẹn danh, tròn cuộc, không cần nói.
Khí mạnh non sông chửa chút vơi.




TẤM GƯƠNG SÁNG CHO HỌC TRÒ VÀ HẬU THẾ:

Cuộc đời ông có thể ví như một  viên ngọc toàn bích. Khi ra làm quan vô cùng thanh liêm. Khi quốc gia nguy biến, quên mình chỉ là một nho sinh, không từng quen việc binh nhung, mộ binh dẹp giặc. Khi thành rơi vào tay giặc ông tự trầm mình hai lần, nhờ học trò cùng quân sĩ trông thấy và kịp cứu sống. Ðối với học trò nghèo thì cưu mang, giúp đỡ, thay cha mẹ lo việc gia thất cho học trò. Khi học trò mất đột ngột, tự trách mình chưa  ở hết lòng với học trò. Ðối với học trò đã thành đạt, đối xử ngang hàng như bạn. Ðối với học trò cùng với mình tham gia chống giặc thì coi như chiến hữu, đồng chí.

Con người như thế, lúc nào cũng là một tấm gương sáng chọ học trò noi theo. Thầy tài đức như thế, làm sao chẳng đào tạo được học trò tài đức. Khi quốc gia lâm nguy, rồi nước mất, nhà tan là lúc để lòng người thử thách với nghịch cảnh.

Học trò ông như :
*  Nguyễn Cao, khi bị giặc bắt, dùng gươm tự moi ruột tự sát. 
*  Phạm Thận Duật khi bị Pháp bắt cùng vua Hàm Nghi, không chịu khuất phục, nên bị đày đi Phi Châu, nửa đường bị mất, xác vất xuống bể. 
*  Trần Bích San, từ Hà Nội về Huế sửa soạn đi sứ sang Pháp, tối còn bàn luận mọi việc với vua, khuya về công quán đã mất. Cái chết đột ngột này, có sách cho rằng ông tự nuốt giấy bổi để tự tử vì nghĩ sẽ bị  Dupre’  làm nhục mình để trả thù chuyện cũ, sẽ làm nhục luôn quốc thể, khi tàu đi sứ phải ghé Saigon trước khi đi Paris.(9)
*  Ðỗ Huy Liêu, từng là thầy dạy Tôn Thất Ðạm và Tôn Thất Thiệp trong thời gian tham gia phong trào cần vương. Khi nước mất, bị giặc bắt giam, bị mua chuộc, nhưng nhất định không chịu ra làm quan. Sau khi lo đoạn tang cho mẹ xong vào buổi chiều, thì buổi tối từ trần. Cái chết này cũng có sách cho là do ông uống thuốc độc  sau khi trả hiếu  cho mẹ xong.
*  Lữ Xuân Uy chống Pháp, bị bắt và đày đi Côn Ðảo rồi chết ở đảo.
*  Tống Duy Tân, Vũ Hữu Lợi khởi nghĩa chống Pháp và cả hai đều bị giặc giết.
* Đinh Công Tráng, chiến sĩ cần vương chống Pháp, anh hùng dân tộc lừng danh với chiến lũy Ba Đình, chống nhau với Pháp suốt 3 năm, về sau thành bị vỡ và tử trận
*  Nguyễn Khuyến thì bất hợp tác với Pháp, giữ tròn khí tiết.

Xem thế đủ biết cuộc đời ông đã ảnh hưởng sâu sắc như thế nào đối với  cuộc đời và phẩm chất đạo đức của học trò. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả những nhân tài do ông đào tạo đều là những nhân vật đáng lưu danh lại cho hậu thế.

Khi ông mất, nhân sĩ, bạn bè, và nhất  là học trò đều tỏ lòng thương tiếc vô hạn. Ðỗ huy Uyển, thân sinh Ðình nguyên Ðỗ Huy Liêu và cũng là bạn ông, trong một bài điếu văn dài có viết : ” Ôi! Giặc Tây vốn xảo trá, độc ác, tiên sinh chẳng phải không biết không địch nổi, đánh chưa hẳn thắng, giữ chưa hẳn vững. Việc đánh giữ ấy, kẻ trí giả không ai làm, mà tiên sinh cuối cùng làm được. Không lo, không sợ, biết có vua, chẳng biết có mình; biết có nước, chẳng biết có nhà, tiên sinh chỉ còn nghĩ đến điều nghĩa mà thôi, thật không hổ với tên hiệu là Nghĩa Trai.”

Và một đoạn khác viết:” Học trò tiên sinh có đến hàng nghìn người,kẻ văn, người võ đều tài cán, giỏi giang. Bậc hiền nhân, quân tử đều khen, cũng chẳng phải nói nhiều mới rõ."

Nguyễn Quang Bích, một lãnh tụ Cần vương, học trò của Doãn Khuê (Doãn Khuê là bạn ông) có câu có câu đối viếng ông:

“Dữ ngã sư đồng bảng hựu đồng tâm, vọng chí như Thái sơn, Bắc đẩu.
Y tạo vật hữu lai hoàn hữu vãng, tương phục vi cảnh tinh, khánh vân”

Nghĩa: “Với thầy tôi, cùng chí lại cùng khoa, lồng lộng Thái sơn, Bắc đẩu.
             Lẽ tạo vật có sinh thời có hoá, ngời ngời sao sáng, mây lành”

Nhưng cảm động hơn cả là những câu đối, bài điếu văn của học trò ông. Chỉ trong hai câu đối và bài điếu văn tiêu biểu nhất, ta thấy người học trò nào cũng nhắc đến ơn nghĩa của thầy như ơn nghĩa các bậc sinh thành. Ðặng Duy Trinh, án sát Cao Bằng có câu đối viếng thầy, nguyên bằng chữ Hán, được dịch nghĩa như sau:

 “Một phiến đá núi An, một áng mây Liên động, muôn kiếp thanh danh lừng lẫy.
Thuở trường học Tam Ðăng, thuở hành quân Ðà nẵng, ba sinh ơn nghĩa cao dày”

Tống Duy Tân khóc thầy:

“Phu tử tiên thiên hạ chi ưu,kỷ độ thăng trầm thân thế
Ðệ tử thị tiên sinh do phụ,bách niên tồn một thủy chung”
Nghĩa: “Tiên sinh lo việc trước người đời, thân thế nổi chìm ôi mấy độ.
              Ðệ tử coi thầy như thân phụ, mất còn chung thủy mãi trăm năm.

Ðặc biệt hơn cả là bài điếu văn dài do Phạm Thận Duật, thay mặt toàn thể học trò ông đang làm quan tại kinh, viết gởi về khóc thầy, trong đó có đoạn viết:

"Tuy tiên sinh mất rồi, nhưng cái điều không bao giờ mất là cái chính khí hạo nhiên vẫn cùng với non Côi, bể Nha, động Liên Hoa mãi mãi bất hủ. Ngưòi đời nay, người mai sau, nghe thấy phong độ của tiên sinh ai mà chẳng kính mộ, ai mà chẳng noi theo, như thế thì tiên sinh chưa phải là mất. Than ôi! Học trò cũng như con, vậy mà thấy ốm chúng con chẳng được hầu thuốc; thầy mất chúng con chẳng có thư thăm viếng; lúc chôn cất, chúng con chẳng được tiếng khóc đưa. Thầy coi học trò như con, mà học trò chẳng thờ thầy như cha. Đau xót thay!"

Từ những nhận định trên, dựa vào những chứng cứ lịch sử và và văn thơ của chính ông, chúng ta có thể xác định rằng Phạm Văn Nghị là một sĩ phu yêu nước chân chính, một vị thầy xuất sắc nhất trong lịch sử giáo dục của dân tộc ta. Và để kết thúc, chúng ta cũng có thể mượn lời  thơ của chính ông nói thay cho cảm nghĩ của tất cả mọi người thuộc nhiều thế hệ đối với ông:

Y tư nhân dã ! Bất đỗng nhi thùy ?
(Một người như thế ! Không thương, thương ai ?)

GHI CHÚ:

(1) Tuổi nêu trong bài này là tuổi ta, để phù hợp với cách tính tuổi trong các tài liệu tham khảo
(2) * Trần Bích San, sinh năm Mậu Tuất (1838), tại làng Vị xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh, liên tiếp đậu đầu 3 kỳ thi: Ðậu đầu thi hương  năm Giáp Tý (1864) tại trường thi Nam Ðịnh, đậu đầu thi hội và thi đình năm Ất Sửu (1865).Vì đậu đầu liên tiếp 3 kỳ thi như thế  nên gọi là liên trúng tam nguyên. Bài phú đình thí của ông được vua Tụ đức phê son, hết lời khen ngợi, và ban cho ông tên là Hi Tăng là có ý hi vọng ông cũng sẽ làm được như Vương Tăng, đời Tống, cũng liên trúng tam nguyên như ông và sau làm đền tể tướng.
   * Nguyễn Khuyến, sinh năm Ất Mùi (1835)  tại làng Yên Ðỗ,Hyện Bình Lục, Hà Nam, đậu đầu thi hương tại trường thi Hà Nam (cùng năm với Trần Bích San, năm Giáp Tý (1864), nhưng rớt thi hội và thi đình, mãi đến khoa sau, năm Tân Mùi (1871) mới đậu đầu thi hội và thi đình. Trường hợp Nguyễn Khuyền gọi là cách trúng tam nguyên.
   * Ðỗ Huy Liêu sinh năm Giáp Thìn (1844) tại làng La ngạn, huyện Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh đậu đầu thi hương năm Ðinh Mão ( 1867) và đậu đầu thi đình năm Kỷ Mão (1879)
 Trước Trần Bích San và  Nguyễn Khuyến, trong các triều vua trước, có những vi đậu tam nguyên là :
-  Ðào Sư Tích đậu năm Giáp Dần (1374) đời Trần Duệ Tông
-  Phạm Đôn Lễ đậu năm Tân Sửu (1481) đời Lê Thánh Tông
-  Võ Dương đậu năm Quý Sửu (1493) đời Lê Thánh Tông
-  Lê Nại đậu năm Ất sửu (1505) đời Lê Uy Mục
-  Nguyễn Bỉnh Khiêm đậu năm Ất Mùi (1535) đời nhà Mạc.
- Và đặc biệt có một vi đậu tứ nguyên (đậu đầu 4 kỳ thi : thi hương, thi hội, thi đình và thi ứng chế) là Nguyễn Ðăng đậu năm Nhâm Dần (1602) đời Lê Kính Tông
            (3) Phạm Thận Duật (1825-1885) quê Ninh Bình, đỗ Cử nhân năm 1852 làm quan đến chức Thượng thư bộ hộ, năm 1884 là người trong nhóm thay mặt triều đình Huế ký hàng ước Patenotre với Pháp. Phò vua Hàm Nghi xuất bôn chống Pháp, bị bắt, không khuất phục, bị đày đi Phi châu, giữa đường bị chết, xác vất xuống biển.
             (4) Tống Duy Tân (1837-1892) Quê Thanh Hoá, đậu tiến sĩ năm 1875, làm quan từ tri phủ, đến đốc học, tham biện rồi chánh sứ sơn phòng Thanh hoá. Thủ lĩnh cần vương Thanh Hoá. Bị học trò là Cao Ngọc Lễ báo cho Pháp bắt và bị tử hình năm 1892
             (5) Vũ Hữu Lợi (1836-1884): quê Nam định, đậu tiến sĩ năm 1875, làm đốc học Nam định. Bỏ quan về mộ quân chống Pháp. Bị Võ Văn Báo lừa bắt đem nộp cho Pháp,bị xử tử năm 1884. Học trò là Ðinh Quang Nhường chỉ huy nghĩa binh bắt được Võ Văn Báo đem đốt sống trả thù cho thầy.
            (6) Lữ Xuân Uy (1838-1890) quê Nam định, đậu phó bảng năm 1865, làm quan đến chức Tuần phủ. Bị thua Pháp, chạy sang Trung quốc, rồi trở về tiếp tục chống Pháp. 1889 bị bắt và đày đi Côn đảo, 1890 mất ở đảo này.
             (7) Ðặng Ngọc Cầu (1825-1869) quê Hà Nam, đậu phó bảng năm 1848, từng làm bố chính và Bang biện tỉnh vụ Hà Tĩnh. Từ năm 1859 theo thầy học chống Pháp và sau 10 năm tham gia cần vương chống Pháp thì mất.
             (8) Nguyễn Cao (1828-1887) quê Bắc ninh. Bà mẹ nổi danh là một tiết phụ. Ông đậu cử nhân năm 1867. Làm quan từ tri huyện, tri phủ lên đến bố chính. Tham gia chông Pháp giữ chức Tán tương quân vụ. Năm 1887 bị Pháp bắt, ông dùng gươm mổ bụng tự sát.
             (9) Trong “Giai thoại làng nho” có chép câu chuyện như thế này :”Khi Trần Bích San làm Tuần phủ Hà nội ông phải giao thiệp với người Pháp. Một lần thủy sư đô đốc Dupre’ ghé thăm ông có dẫn theo một con chó, là con vật y yêu quý. Ông vừa đón khách vào công đường mời ngồi, thì con chó cũng nhảy lên nằm trên ghế đối diện. Ông cho đây là dụng ý của Dupre’, nên sai lính hầu đập chết  ngay con chó. Dupre’ căm vì mất chó, lại bất mãn về thái độ rúng rẩy của một vị quan Việt Nam, nên hầm hầm ra về. Vì việc này, ông nghĩ, khi đi sứ sang Pháp, tàu sứ phải ghé Saigon, ông ngại Dupre’ sẽ làm nhục ông để trả thù và sẽ làm nhục luôn quốc thể, nên ông làm một bài thơ tuyệt mệnh, rồi nuốt giấy bổi mà chết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Việt Nam danh nhân từ điển, Nguyễn Huyền Anh, Văn hoá bình dân, Saigon 1960
- Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục, 4 tác giả, Tạ Thúc Khải dịch, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Saigon 1962
- Quốc triều đăng khoa lục, Cao Xuân Dục, Lê Mạnh Liêu dịch, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Saigon 1962
- Hợp tuyển thi văn Việt nam, tập IV, NXB Văn hoá,Hà nội 1963
- Giai thoại làng nho, Lãng Nhân, Nam chi tùng thư, Saigon 1966
- Thơ văn Phạm Văn Nghị, Nguyễn Văn Huyền, NXBKHXH, Hà nội 1979
- Thành ngữ điển tích, Diên Hương, NXBTH Ðồng Tháp,1992
- Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, NXB Văn hóa, in lần thứ 4, Hà nội, 1997
- Việt sử toàn thư, Phạm Văn Sơn, Tủ sách Sử học, Cơ sở xuất bản Ðại Nam, xuất bản tại Hoa Kỳ, 1984
Tài liệu sao chép tay 2 bài viết về Trần Bích San, do Cử nhân Nguyễn Khắc Bỉnh viết,  đăng trong An nam tạp chí số 16,và bài của Mặc Khách viết đăng báo  Tiếng Dân số 1661, 1662 năm 1942

P.Anh
 

1 nhận xét:

  1. ''Tôn Sư trọng Đạo'' Nghĩa làm Người.Tình Thầy Trò ngàn năm mãi sáng Thầy là gương soi cho các học trò noi Thầy độ lượng bao dung ,đem hết cả cái tâm ra sức dạy dỗ trò nên Người Ơn Thầy cao hơn núi Tình Thầy ban bố khắp nơi.Vẫn ưu đãi là mầm xanh vươn tới Là học trò tương lai sáng ngời.Thầy đã cho kiến thức học làm Người trước những văn hóa đòn bẫy đưa lên đài danh vọng sau nầy.Trả ơn Thầy là những học trò làm nên danh phận.Hạnh phúc của Thầy chỉ mong được có thế mà thôi!Thầy Phạm văn Nghị-Nghĩa Trai.Một người Thầy đúng nghĩa Người Thầy,đã dốc tâm sức cả đời cho sự nghiệp của mình,tương lai của học trò.Thật không gì ngưỡng mộ cho bằng .Được trông thấy,được biết thành quả lao động của Thầy.Một vị Thầy đáng kính xứng đáng cho hậu thế noi theo.Học trò cũng thế!Ơn Thầy -Trò đáp trả bằng thành quả học tập''Không thành danh cũng thành Người''Thế mới là hạnh phúc cả đôi bên Là cáí phúc cho đất nước vận nhà bình yên trăm họ Chính là nền giáo dục ''Tôn Sư trọng Đaọ'' mà ra cả..''Thầy ra Thầy -Trò ra Trò''.Rạch ròi như thế mới ra ''Con Người'' Qui cũ không xưa mọi thời?Mọi lúc mọi nơi có những người Thầy như thế Trò như thế ai người cười chê phải nào?Thời buổi văn minh loạn trào biết nói sao!?Cái Tâm hủy hoại đồng tiền lên ngôi!Ước gì như ngày xưa tính Người Ai ai cũng nghĩ sống đời bằng Tâm?Cái Tâm tầm Sư học Đạo.Không phải mục đích kiếm sao dược tiền!Xã hội ngày nay tân tiến.Đổi mới gì đổi đừng đổi cái chuyện;Trọng Đạo tôn Sư?

    Trả lờiXóa