Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

THỔ NGỮ BÌNH ĐỊNH (3)

Đào Đức Chương

Bài Chòi - Bình Định

Theo bài viết của Thầy Đào Đức Chương, Thổ ngữ Bình Định một số có gốc gác từ phía Bắc và một số phát sinh chính từ Bình Định theo đà Nam tiến của dân tộc đang đi lần vào phía nam.


1.2 THỔ NGỮ THEO ĐÀ NAM TIẾN

Tùy theo nguồn gốc, nhóm thổ ngữ này có hai loại:

1.2.1
 Thổ ngữ gốc gác từ các tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, đời Hồng Đức (1470- 1497), theo lớp người di dân vào định cư phủ Hoài Nhơn, như tiếng :

1.2.1.1 
Ghè : tiếng gọi chung ba loại chum, vại, lu, cỡ nhỏ và bằng sành. Cũng trong bài Vè Cát Lái (hát vô) có câu:

Gặp nhau chưa nói đã cười,
Kìa núi Từ Phú là nơi nhiều ghè.

1.2.1.2
 Té ra : chuẩn bị nói ra những điều bất ngờ vừa nhận thức được, nên thổ ngữ này thường đứng đầu câu và tương đương với từ ngữ "thì ra, hóa ra".

Trong tuồng Cổ Thành của Đào Tấn, văn liệu dẫn chứng ở đoạn Quan Vũ được Tào Tháo thả cho về đất Tây Thục, khi qua ải do Hạ Hầu Đôn trấn giữ, bị chặn lại vì hắn không muốn thả cọp về rừng.

Hạ Hầu Đôn nói: "Giỏi đánh với Đôn đã!"
Quan Vũ trả lời: "Té ra ngươi đã muốn đề thương chấp kích. Vậy thì ta cũng nguyền sánh mã giao phong."

1.2.1.3
 Vát : xiên, lệch sang một bên. Với Bình Định, Vát là tiếng lóng của dân chài, chỉ sự việc kéo xiên xiên lá buồm để thích nghi với thuyền chạy ngược gió. Bài Vè Cát Lái (hát vô), có đoạn:

Vát ra khỏi mũi Sa Hoàng
Kìa kìa ngó thấy Tam Quan nhiều dừa.

1.2.2
 Thổ ngữ phát sinh từ Bình Định, theo đà Nam tiến đến tận Nam Kỳ, cũng được xếp vào nhóm thổ ngữ Bình Định, như tiếng:

1.2.2.1
 Bậu : đồng nghĩa với đại danh tự (pronouns) "em, nàng, mình", dùng gọi vợ hay người yêu của ta. Trong hội bài chòi, gặp con bài Tứ cẳng, còn gọi là Tứ ghế hay Tứ móc, chú Hiệu thường hô câu thai có thổ ngữ này:

Một hai bậu nói rằng không,
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người.

1.2.2.2
 Chàng ràng : Theo nghĩa thông dụng là quanh quẩn bên cạnh, không rời. Ở Bình Định, tiếng "chàng ràng" còn biểu thị tình trạng ham muốn cả hai, không dứt khoát bên nào. Ca dao Bình Định dùng nhiều đến chữ này theo nghĩa thổ ngữ, có khi đặt ở đầu câu:

Chàng ràng ếch ở hai hang,
Như chim hai ổ, như nàng hai nơi.

có lúc đặt ở cuối câu:

Chợ chiều nhiều khế ế chanh,
Nhiều con gái lứa nên anh chàng ràng.

1.2.2.3
 Chầu rày : lúc này, hồi này, khoảng thời gian này. Bài chòi Bình Định gặp con bài Bát bồng, Hiệu thường hô câu thai:

Chầu rày đã có trăng non,
Để tui lên xuống có con em bồng.

1.2.2.4
 Cỏn, Thẵng : đại danh từ ngôi thứ ba số ít, "cỏn": con ấy, con vợ mày; "thẵng": thằng ấy, thằng chồng mày; và dùng cho người trên nói với con cháu một cách thân tình.

Thổ ngữ này theo đà Nam tiến vào miền Lục tỉnh, nhưng giọng Nam quen phát âm thiếu dấu ngã (~), nên "cỏn, thẳng" cả hai đều mang dấu hỏi và trở thành phương ngữ Nam Bộ.

Trong khi đó, Bình Định, phát âm đủ sáu dấu (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng) nên "thẵng" mang dấu ngã.

Thí dụ: Người cô hỏi đứa cháu gái: "Thẵng đi đâu rồi?"
Người cháu trả lời: "Dạ, ảnh (chồng cháu) mới đi ra phố."

1.2.2.5
 Đặng : được, đạt tới (động từ).

Thí dụ : Tuổi đặng (được) sáu mươi rồi.

Bình Định còn dùng "đặng" với ngữ nghĩa là "để" (trạng từ)

Thí dụ: Ớ Trung khoang!
Phó cho Trung khoang gìn giữ nội thuyền
Đặng (để) canh lấy nước non mà tát.
(Hát bả trạo)

1.2.2.6
 Gởi : nói trại âm tiếng "gửi". Ca dao Bình Định có câu:

Bơ vơ thì mặc bơ vơ,
Nẫu về xứ nẫu, nẫu gởi thơ cho mình.

1.2.2.7
 Hén : là thán từ đặt cuối câu, tương đương với tiếng "phải không, nhỉ", trình bày dưới hình thức câu hỏi, nhằm tranh thủ sự tán đồng của người nghe:

Thí dụ: Vui quá hén!

1.2.2.8
 Hông, Hổng : là trạng từ, biến đổi từ tiếng "không", trong câu trả lời biểu thị ý phủ định.

Thí dụ: Chồng hỏi vợ: "Em ăn hông"
Vợ trả lời: "Hổng ăn"

1.2.2.9
 Hun : biến đổi từ tiếng "hôn", là áp môi hoặc mũi vào thân thể một người khác, thường ở mặt và tay, rồi hít vào để tỏ lòng yêu thương, quý mến.

Thí dụ: Mẹ hun con.

1.2.2.10
 Mau (còn gọi là mâu) : nhanh, lanh. Phương ngữ này đã thành phổ thông trong thơ văn, đơn cử câu thai Nhứt nọc của bài chòi Bình Định:

Tiếng ai văng vẳng kêu đò,
Mau mau nhổ nọc chèo qua rước người.

1.2.2.11
 Qua : đồng nghĩa với đại danh từ ngôi thứ nhất "tôi, ta, tao"

Tiếng "qua" chỉ dùng cho bậc đàn anh xưng với đàn em hoặc với người cấp dưới. Ca dao Bình Định có câu:

Hầu (hồi) nào làm bạn với qua,
Bây giờ bỏ bạn đi ra ăn mày.

"Qua" còn dùng khi chồng xưng với vợ và để đối lại với tiếng "bậu", chồng gọi vợ. Ca dao địa phương cũng có câu:

Cỏ mọc bờ giếng cheo leo,
Lâm chung có bậu, hiểm nghèo có qua.

1.2.2.12
 Ráng : đồng nghĩa với chữ "cố, gắng sức".

Trong văn bản hát bả trạo, lưu hành ở Bình Định, có đoạn Tổng khoang diễn hát với bạn chèo qua câu nói lối đã dùng thổ ngữ này: "Ớ bá trạo ơi! Anh em ráng mà đưa thuyền cho tới nơi giang đáo xứ túc hộ trì."

1.2.2.13
 Trển : trên đó, trên ấy.

Bài vè Chợ Gò Chàm, chú Hiệu dùng thổ ngữ "trển" hô bài chòi cho câu thai Ngũ trợt:

Buôn mọi bán rợ,
Mấy chú An Khê.
trển đem về,
Xấp trầu nài rễ.

(Còn tiếp …)

3 nhận xét:

  1. Thỏ con22:44 25/6/11

    Hôm qua, qua nói qua qua mà qua hổng qua.
    Bữa nay, qua nói qua hổng qua mà qua lại qua.

    Trả lờiXóa
  2. Bữa nay, qua nói qua hổng qua mà qua lại qua.
    Qua qua qua lại thấy mấy bữa rày anh chị đi đâu mất hổng có mặt tám chơi vui.
    Hêhê!

    Trả lờiXóa
  3. Thỏ con13:14 23/8/11

    Hôm qua, Qua nói Qua qua mà Qua hổng thấy Qua.
    Qua dzìa rầu Qua lại qua,Qua qua hổng thấy Qua Qua lại dìa.

    Trả lờiXóa