Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

QUÂN NGỰ LÂM CỦA NGUYỄN VƯƠNG PHÚC ÁNH


            Hiểu theo nghĩa thông thường, quân Ngự Lâm là loại quân hậu cận, ở bên cạnh và bảo vệ an toàn cho vua. Nhưng trong trận chiến tiến ra Quy Nhơn giao tranh với nhà Tây Sơn những năm 1799 - 1802, trong quân thứ của Nguyễn Ánh có binh chủng Quân Ngự Lâm mà ở đây quân binh đều kén lấy người của Quy Nhơn, hầu hết tướng lĩnh chỉ huy - kể cả cao cấp lại là hàng tướng của Tây Sơn theo về. Trong trận chiến, đội quân Ngự Lâm nầy đã có nguyên một quân hiệu lại trở ngược ngọn giáo làm khốn đốn cho quân của Nguyễn Vương không ít, làm cho Vương phải bao phen gọi là lao tam khổ tứ, ăn chẳng ngon mà ngủ cũng không yên.
            Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng Vương ở Gia Định, dùng theo niên hiệu của vua Lê. Năm 1781, sau khi giết Đỗ Thành Nhơn, Nguyễn Ánh lấy quân Đông Sơn của Nhơn chia làm bốn quân Tiền, Hậu, Tả, Hữu, làm cơ sở gầy dựng nên đại binh với các dinh Trung Quân, Tiền - Hậu - Tả - Hữu Quân sau nầy. Khi lực lượng đã phát triển, Nguyễn Ánh còn có Vệ Thần Sách, là đội cận vệ được trang bị và tập luyện chiến đấu theo kỷ - chiến thuật Tây phương. Năm 1793, Vệ Thần Sách được nâng lên thành Quân Thần Sách, được xem như là thân quân, lính hậu cận của Nguyễn Vương.
            Đến tháng 6 năm 1798 Quân Thần Sách cải đặt làm 5 Đồn quân. Mỗi Đồn đặt một Chánh thống và một Phó thống.
·      Trung Đồn có 4 Vệ : Túc Trực, Hùng Uy, Phấn Uy và Võ Uy
·      Tiền Đồn có 4 Vệ :  Ban Trực Tiền, Ban Trực Hậu, Long Võ và Kiên Uy
·      Tả Đồn có 4 Vệ :  Ban Trực Tuyển Phong Hữu, Diệu Võ, Dương Võ và Túc Võ
·      Hữu Đồn có 4 Vệ : Ban Trực Hữu, Ban Trực Tuyển Phong Tiền, Hổ Oai và Uy Võ
·      Hậu Đồn có 4 Vệ : Ban Trực Tả, Ban Trực Tuyển Phong Tả, Ban Trực Tuyển Phong Hậu và Hùng Võ
            Nguyễn Vương lấy Phạm Văn Nhân làm Chưởng cơ Giám quân Quân Thần Sách, quản tướng sĩ năm đồn. Những chiến tướng có tên tuổi trên các chiến trường trước đây như Vệ úy Vệ Diệu Võ là Lê Văn Duyệt làm Chánh thống Tả đồn, Vệ úy Vệ Hùng Võ là Nguyễn Đức Xuyên làm Phó thống Trung đồn… Quân Thần Sách là binh chủng tinh nhuệ của Nguyễn Ánh, binh chế cũng như nhân sự của Quân Thần Sách là nòng cốt, kiểu mẫu để Nguyễn Ánh thành lập phiên hiệu Quân Ngự Lâm năm 1799.
            Trước đây, năm 1793 binh Phú Xuân của vua Quang Toản vào giải cứu Quy Nhơn rồi kê biên luôn kho tàng, võ khố, khiến vua Thái Đức Nguyễn Nhạc uất ức mà chết đã gây không ít nỗi thất vọng trong lòng tướng sĩ nhà Tây Sơn. Đến năm Mậu Ngọ 1798, con của Thái Đức là Nguyễn Bảo cũng bị binh Phú Xuân vào bắt giết làm cho nhà Tây Sơn ly tán. Một số thuộc tướng của Nguyễn Nhạc đã bỏ vào Nam theo về với Nguyễn Ánh. Hàng loạt các Đại đô đốc Đoàn Văn Cát, Lê Chất, Võ Đình Giai, Nguyễn Văn Điểm, các Đô đốc Lê Văn Niệm, Hồ Văn Viện, Trần Văn Lân, Đô úy Mai Gia Cương, Nguyễn Văn Trí… chạy về với quân thứ Gia Định. Những tướng lĩnh nầy sau sẽ là cấp chỉ huy Quân Ngự Lâm của Nguyễn Vương Phúc Ánh.
            Tháng 6 năm Kỷ Mùi 1799, Nguyễn Ánh đánh chiếm Quy Nhơn, đổi Thành Quy Nhơn làm Thành Bình Định. Tháng 8 cho kén binh ở phủ Quy Nhơn, cứ theo ngạch binh, sổ sách cũ trong 6 Thuộc ở đây tuyển được gần 19.000 quân. Tháng 9 lấy quân ở 2 Thuộc Võng Nhi, Hà Bạc và các xã miền dưới sung vào Thủy quân, lấy quân của 4 Thuộc An Ngãi, Nhơn Ân, Nghĩa Hòa, Sơn Điền đặt làm 5 Đồn quân Ngự lâm, biên chế mỗi Đồn có 5 Chi gọi là Trung Chi, Tiền - Hậu - Tả - Hữu Chi; mỗi Chi gồm 5 Hiệu gọi là Trung Hiệu, Tiền - Hậu - Tả - Hữu Hiệu; mỗi Hiệu có 2 Đội gọi là Nhất Đội và Nhị Đội.
            Lược sơ các viên tướng quản lĩnh Ngũ Đồn Ngự lâm quân
·      Trung Đồn quân Ngự Lâm : Đô Thống chế là Khâm sai Phó tướng Tổng nhung Cai đội Phan Tiến Hoàng, trước là Cai cơ Phó tướng Tiền quân bị giáng làm Cai đội vào tháng giêng năm 1798 lúc còn quản dinh Bình Thuận. Thống chế là Thuộc nội Vệ úy vệ Võ Uy - Trung Đồn quân Thần Sách Hoàng Công Thành. Theo Liệt truyện, Thành người Phù Cát - Bình Định, Đô đốc của Tây Sơn theo vào Gia Định từ năm 1793.
·      Tiền Đồn quân Ngự Lâm : Đô Thống chế là Đại Đô đốc Đoàn Văn Cát của Tây Sơn, Cát người Bình Sơn - Quảng Ngãi, năm 1798 trấn thủ Phú Yên, xảy ra binh biến Tiểu triều Nguyễn Bảo, Cát bỏ vào Diên Khánh theo Nguyễn Vương. Thống chế là Đô đốc Lê Văn Niệm của Tây Sơn, người Phù Cát - Bình Định, mới theo về tháng 4 năm 1799.
·      Tả Đồn quân Ngự Lâm : Đô Thống chế là Đại Đô đốc Lê Chất của Tây Sơn. Thống chế là Đại Đô đốc Võ Đình Giai. Cả hai đều là người Phù Cát - Bình Định, cùng theo về với quân Gia Định vào tháng 4 năm 1799.
·      Hữu Đồn quân Ngự Lâm : Thống chế là Khâm sai Thuộc nội Cai cơ Vệ úy vệ Dương Võ - Tả Đồn quân Thần Sách Từ Văn Chiêu, nguyên trước là Tham tán của Thái Đức Nguyễn Nhạc, năm 1795 theo về Gia Định. Phó Thống chế là Đại đô đốc Nguyễn Văn Điểm của Tây Sơn, mới theo về tháng 4 năm 1799.
·      Hậu Đồn quân Ngự Lâm : Thống chế là Khâm sai Thuộc nội Cai cơ Vệ úy vệ Diệu Võ - Tả Đồn quân Thần Sách Nguyễn Văn Phát. Theo Liệt truyện, Phát người Phù Cát, Bình Định, ở với Tây Sơn làm tới chức Chỉ huy, từ năm 1793 đã theo vào với Gia Định. Còn Phó Thống chế là Đô đốc Hồ Văn Viện của Tây Sơn, mới theo về Nguyễn Vương tháng 4 năm 1799.
            Binh chế Ngũ Đồn quân Ngự Lâm là Đồn, Chi, Hiệu, Đội, có lẽ dưới Đội còn có Thập và Ngũ. Với hơn 18.900 binh tuyển được ở Tuy Viễn phải phân lực lượng của 2 Thuộc Võng Nhi và Hà Bạc về với Thủy binh, nên chưa xác định rõ mỗi Đồn quân Ngự Lâm gồm bao nhiêu quân lính. Nhưng máy móc một chút, nếu một Đội có 5 Thập thì mỗi Hiệu sẽ có 100 quân, dẫn đến mỗi Đồn khoảng 2.500 quân. Cộng lại 5 Đồn được 12.500, gần đúng với 2 phần 3 số quân đã kén tuyển từ 4 Thuộc trong 6 Thuộc của huyện Tuy Viễn.
            Định xong biên chế, 5 Đồn quân Ngự Lâm và quân 2 Vệ cũng vừa chỉnh đốn lại ở đây là Thiên Trường (của quân Thần Sách) và Tín Trực (của dinh Hậu Quân), cùng duyệt quân ở Tam Tháp tức là nơi núi Long Cốt. Xưa kia trên hòn Long Cốt có ba ngọn tháp Chàm cao lớn xây trên ba đỉnh núi, bởi vậy núi có tên nữa là Tam Tháp Sơn. Ít lâu sau Phó thống chế Hậu Đồn quân Ngự lâm là Hồ Văn Viện xin lập 3 đội Chiến võ quân Lạc tòng (tạm hiểu là quân binh lưu lạc chưa có đội ngũ, nay thu nạp về). Nguyễn Vương y cho. "...Lại cho năm Đồn và hai Vệ Thiên Trường, Tín Trực, từ Đô thống chế đến Đội trưởng tham luận, đều được mộ lập thuộc quân theo mình sai sử". Nhưng chính điều nầy đã làm lủng củng đội quân ngay bước đầu thành lập. Tháng chạp năm 1799, xảy ra chuyện ở Hậu Đồn có việc sửa chữa sổ sách tuyển quân, che dấu sự nhập nhằng lính Lạc tòng với lính trốn ở trong quân… Việc bị phát giác, Thống chế Hậu Đồn quân Ngự lâm là Nguyễn Văn Phát và Tham tri Binh bộ Hồ Văn Định đều bị miễn chức. Nguyễn Ánh điều Thống chế Trung Đồn là Hoàng Công Thành sang quản lãnh Hậu Đồn.
            Mùa gió bấc thổi mạnh, Nguyễn Vương Phúc Ánh rút quân về Gia Định, đặt Ngũ Đồn Ngự Lâm dưới quyền sai bát của Chưởng Hậu quân Võ Tánh, cùng cho trấn giữ thành Bình Định. Nhưng trong sách lược điều binh của mình, Phúc Ánh cho Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành kiêm quản Tả Đồn quân Ngự lâm đưa binh về đóng ở Trấn Biên, Chưởng Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức kiêm quản Hữu Đồn quân Ngự lâm đưa binh về trấn giữ Mỹ Tho.
            Chẳng bao lâu sau đó đại tướng Tây Sơn là Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đại tư đồ Võ Văn Dõng đem binh Phú Xuân vào hòng lấy lại Quy Nhơn. Ở Phú Yên, hàng tướng Phạm Văn Điềm cũng bất thần quay ngược lại đánh úp quân Nam, Lưu thủ Phú Yên là Hồ Đức Vạn không biết sống chết thế nào, một số thuộc tướng kẻ chạy ra với Võ Tánh ngoài Bình Định, người chạy vô Diên Khánh. Tham đốc Phạm Văn Điềm liên kết với binh Phú Xuân chiếm giữ Phú Yên, án ngữ, ngăn viện binh Diên Khánh ra giải cứu Bình Định. Binh biến ở Phú Yên làm đảo ngược tình thế, bất lợi cho quân Nam, khiến Nguyễn Vương phải đưa binh trở lại Quy Nhơn mong giải vây Thành Bình Định.
            Kể từ đây, tháng giêng năm 1800 cho đến 1802 kết thúc trận chiến ở Quy Nhơn giữa Nguyễn Vương Phúc Ánh với Nhà Tây Sơn, binh chủng quân Ngự Lâm có 3 phiên hiệu Trung - Tiền - Hậu Đồn dưới quyền của Võ Tánh đang bị hãm trong thành Bình Định, 2 phiên hiệu Tả - Hữu Đồn nằm trong biên chế lực lượng giải vây của Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Đức.
            Dấu vết của Trung, Tiền, Hậu Đồn quân Ngự lâm ở tại Thành Bình Định, hiện diện trong bộ Đại Nam Thực Lục :
             Về Hậu Đồn Ngự Lâm Quân :
·      Tháng 4 - 1800 : Bọn hàng tướng ở thành Bình Định là Trưởng chi Trung Chi Hậu Đồn quân Ngự lâm Võ Văn Sự cùng với Trưởng chi Hữu Chi Nguyễn Bá Phong đem đồ đảng làm phản, giết quân ta, mở cửa thành phía bắc để đầu hàng giặc. Võ Tánh sai Vệ úy Vệ Nhuệ Phong là Ngô Văn Sở chiếm giữ cửa, bọn quân phản đã ra trước ngoài thành hơn 400 người, còn dư thì không dám ra. Tánh liền xét bọn đồng mưu đem giết hết, phòng giữ nghiêm mật hơn [tr.438].
            Hơn 400 người ra được ngoài thành, còn dư thì không dám ra, một số bị Võ Tánh giết chết. Theo thư tịch từ các nhà truyền giáo, lá thư của Longer gởi cho 2 giáo sĩ Boiret và Descourvières ngày 4.9.1801 cho thấy rõ con số binh lính gây biến còn ở trong thành bị Võ Tánh đem ra hành quyết là chừng bảy, tám trăm người. Con số không phải nhỏ. Số lính Hậu Đồn còn lại có gì đi nữa cũng sẽ bị khống chế, giám sát chặt chẽ… Qua binh biến nầy, cứ tạm xem như là Hậu Đồn quân Ngự lâm chỉ sau vài tháng thành lập đã mất hiệu lực chiến đấu. Thống chế trước đây của Hậu Đồn quân Ngự lâm là Nguyễn Văn Phát chết trong quân không rõ vào lúc nào, ở đâu, nhưng chắc chắn là không chết ở trong Thành, vì sau đó được tặng Chưởng cơ thờ ở Miếu núi Độc Sơn cửa Thị Nại - nơi thờ Võ Di Nguy, Tống Viết Phước và các tướng chết trận chết bệnh từ Quảng Ngãi đến Thị Nại… Còn Phó Thống chế Hồ Văn Viện kể từ khi về ở trong quân của Võ Tánh tại Thành Bình Định không thấy ghi chép gì nữa, cả trong Thực Lục cũng như Liệt Truyện.
              Về Trung Đồn Ngự Lâm Quân :
·      Tháng 2 - 1802 : Đô thống chế Trung Đồn quân Ngự lâm là Phan Tiến Hoàng tự trong giặc đem quân lẻn về, sai lệ theo Lê Văn Duyệt để đánh giặc [tr.515].
            Khi Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu người uống thuốc độc người tự thiêu tuẩn tiết tháng 5 - 1801, Trần Quang Diệu vào thành Bình Định mà không giết binh tướng của Võ Tánh. Tới bây giờ Phan Tiến Hoàng đem binh trở lại với Nguyễn Ánh mà không rõ là bao nhiêu quân số, nhưng chắc chẳng nhiều gì, lại cho lệ vào lính của Duyệt. Xem như Trung Đồn quân Ngự Lâm không còn tên tuổi. Sau thấy Tiến Hoàng có mặt đánh các trận ở Đạm Thủy (Cát Minh - Phù Cát, Bình Định bây giờ) và Tân Quan (Tam Quan - Hoài Nhơn, Bình Định bây giờ). Dưới triều Gia Long, ra Bắc hà Tiến Hoàng thụ chức Trấn thủ Kinh Bắc, rồi Lưu thủ Quảng Ngãi, đi đánh giặc Đá Vách (tộc Hré) thất bại bị Lê Văn Duyệt hài tội trói giải về kinh. Còn Thống chế Trung Đồn Ngự lâm quân Hoàng Công Thành trước đã điều sang quản lãnh Hậu Đồn, chết trong quân thứ, sau được tặng Chưởng cơ, thờ ở Đền Song Trung - Chiêu Trung Từ, nơi thờ Võ Tánh, Ngô Tùng Châu cùng các tướng chết trận chết bệnh ở trong thành Bình Định.
              Về Tiền Đồn Ngự Lâm Quân :
·      Tháng 2 - 1802 : Thống chế Tiền Đồn quân Ngự lâm là Lê Văn Niệm, Khâm sai Cai đội là Võ Viết Bảo từ Bình Định về [tr.516].
            Nguyên trong đợt về lại quân thứ nầy còn có Phó Đô Thống chế Trung dinh quân Thần Sách là Phan Văn Kỳ. Phan Văn Kỳ và Vệ úy Nguyễn Văn Trí là tù binh bị quân Tây Sơn bắt được vào tháng giêng năm 1801 trong trận Càn Dương (Cát Tiến - Phù Cát, Bình Định bây giờ). Còn Niệm và Bảo cùng quân Tiền đồn Ngự lâm bấy lâu bị hãm trong Thành Bình Định với Võ Tánh, là tù binh của Trần Quang Diệu hồi tháng 5 năm 1801. Sau nầy ra Bắc, Lê Văn Niệm thụ chức Trấn thủ Thái Nguyên. Còn Đô Thống chế Tiền Đồn quân Ngự lâm Đoàn Văn Cát trước đã chết trong quân tại Thành Bình Định, sau thờ ở Đền Song Trung, được tặng Chưởng cơ.
            Dấu vết của Tả, Hữu Đồn quân Ngự lâm ở bên ngoài Thành Bình Định, hiện diện trong bộ Đại Nam Thực Lục :
              Về Hữu Đồn Ngự Lâm Quân :
·      Tháng 5 - 1800 : Sai Thống chế Hữu Đồn quân Ngự lâm là Từ Văn Chiêu và Phó thống chế Nguyễn Văn Điểm đem quân bản đồn vượt núi Cù Mông đánh giặc, Binh bộ Nguyễn Đức Thiện tham biện việc quân [tr.441].
·      Tháng 6 - 1800 : Triệu Nguyễn Huỳnh Đức đến hành tại. Sai Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách là Lê Văn Duyệt đem quân theo đường Cù Mông, kiêm quản Phó tướng Hữu quân là Mạc Văn Tô và Nguyễn Đức Thành cùng tướng sĩ Hữu Đồn quân Ngự lâm, thẳng tiến đến Phú Trung đánh giặc…
Binh đi tuần của Hữu Đồn quân Ngự lâm bắt được một người Quán quân và hai người lính đem nộp. Thưởng tiền 100 quan... [tr.443].
·      Tháng 7 - 1800 : Hàng tướng là Thống chế Hữu Đồn quân Ngự lâm Từ Văn Chiêu làm phản. Chiêu trước là tướng của giặc… sau lẻn vào Gia Định theo ta, đã được nhiều lần cất nhắc. Đến đây thầm ôm chí khác, bèn cùng Phó thống chế Nguyễn Văn Điểm đem 500 quân đồn theo giặc. Vua sai mật dụ bọn Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Trương rằng: Bọn tiểu nhân giở giói, dù có hay không cũng chẳng đủ gì. Duy nghĩ binh cơ của ta bị chúng tiết lộ, nếu ta không đề phòng trước tất khó chống chế. Bọn khanh nên cẩn thận. Sau khi Chiêu đi, liều đánh cho giặc, nhiều lần cản quân ta, mọi người đều nghiến răng căm tức [tr.444].
            Kể từ thời điểm nầy Hữu Đồn quân Ngự lâm được xem như là đã xóa sổ, Từ Văn Chiêu đem binh Hữu Đồn về lại với Tây Sơn, là lực lượng gây không ít tổn thất cho quân của Nguyễn Vương sau đó. Trong các trận chiến nẩy lửa với quân Nam hầu như đều có mặt Từ Văn Chiêu. Trận Thị Giã (Chợ Giã - là Tp. Quy Nhơn bây giờ) tháng 11 năm 1800, quân binh của Chiêu đã ngăn chặn bước tiến quân của Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành và Tả dinh quân Thần Sách Đô thống chế Lê Văn Duyệt (Duyệt đến năm 1802 mới được phong Chưởng Tả quân). Trận Càn Dương tháng giêng 1801, Chiêu bắt lấy Thống chế Phan Văn Kỳ, Vệ úy Nguyễn Văn Trí, giết 2 Vệ úy Hoàng Phước Bảo và Hoàng Văn Tứ. Trận Tân Quan tháng 6 năm 1801, Chiêu phục binh ở Hang Dơi bắt giết Trung dinh quân Thần Sách Đô Thống chế Tống Viết Phước… Sau Từ Văn Chiêu bị bắt cùng các tướng tháp tùng Trần Quang Diệu lúc chạy ra Thanh Chương - Nghệ An. Lên ngôi, Gia Long cho giết ngay Từ Văn Chiêu khi Chiêu còn xiềng ở trong ngục. Phó Thống chế Hữu Đồn quân Ngự lâm Nguyễn Văn Điểm có lẽ sau bị xử, chết cùng với các đại tướng Tây Sơn tháng 11 năm 1802 trong lễ tuyên cáo võ công, yết tế Thái miếu dâng lễ hiến phù ở Phú Xuân.
              Về Tả Đồn Ngự Lâm Quân :
·      Tháng 4 - 1800 : Thuyền vua tiến đến Tích Áo (Vũng Tích - Phú Yên), sai Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành điều bát quân bản dinh và tướng sĩ vệ Ngũ Thần Tả quân và Tả Đồn quân Ngự lâm đến cửa biển Xuân Đài tiến theo đường bộ đánh giặc, bộ binh của bọn Nguyễn Đức Xuyên đều theo Thành tiết chế, Hộ bộ Trần Đức Khoan thì theo làm việc quân lương [tr.440].
·      Tháng 5 -  1800 : Vua nghe rằng binh Tả Đồn quân Ngự lâm nhiều người trốn, Lê Chất lấy làm lo. Vua xuống chỉ dụ rằng: Vua tôi gặp nhau, xưa vẫn khó. Khanh  dẫu ở bên giặc về hàng, ta vẫn lấy lòng thành đối đãi, mà khanh cũng đem lòng thành thờ ta, bầy tôi cũ của nước chắc cũng không hơn thế. Nay khanh vâng mệnh đánh giặc, hăng hái quên mình, ta đã nghe biết, không xiết khen ngợi. Trong bộ khúc hoặc có kẻ quá nhớ làng mà trốn, ta cũng không để ý, đừng lo [tr.441].
Thành (Tiền quân Nguyễn Văn Thành) đóng ở Thị Giã, bày trận đối lũy với địch, cho các quân do sáu đường cùng tiến. Giặc ở trong bảo bắn ra, tiếng súng không ngớt, quân ta hết sức đánh, từ giờ dần đến giờ tý không phá được. Vệ úy vệ Thần Võ là Nguyễn Văn Sử chết trận. Sĩ tốt bị thương và chết cũng nhiều. Phó Trưởng chi Hữu Chi Tả Đồn quân Ngự lâm là Lương Văn Cương và Trưởng Hiệu Hậu Chi là Nguyễn Văn Vân đem hơn 200 quân chạy sang với giặc. Thành thấy binh cơ của mình đã tiết lộ mà sức quân cũng mỏi, bèn kéo quân về Thị Giã [tr.442].
·      Tháng 7 - 1800 : Phó trưởng chi Trung Chi Tả Đồn quân Ngự lâm là Đỗ Văn Pháp cùng với hơn 150 người lính ốm thuộc đồn ở tại bảo Hội An (ở Phú Yên), nhân ban đêm trốn đi. Vua nghe tin, hạ lệnh hết thảy những lính ốm thuộc Tả Đồn, Hữu Đồn đều thả cho về thăm nhà… [tr.445].
·      Tháng 3 - 1801 : Tham đốc giặc là Phạm Văn Điềm giữ bảo Hội An. Sai Lê Chất đem quân Tả Đồn và kiêm lĩnh các đội Vệ Túc Trực đến đánh. Lại giục Hoàng Văn Khánh tiến lên hội tiễu. Chất đến, đánh nhau với giặc ở Mễ Tân [Bến Gạo], bắt được Đô ty giặc là Nguyễn Nhiễu. Điềm thua chạy. Chất bèn đóng quân ở Hội An, chia sai đuổi bắt… [tr.467].
            Đô Thống chế Tả Đồn quân Ngự lâm là Lê Chất, viên tướng vào triều Gia Long sau nầy năm 1819 làm tới Tổng trấn Bắc Thành, nên nói chung Tả Đồn Ngự Lâm Quân dù có thế nầy thế kia đi nữa cũng tồn tại đến năm 1802. Tháng 5 - 1802, vừa lên ngôi Gia Long cho đổi Tả Đồn quân Ngự lâm làm dinh Hậu quân, cho Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hậu quân Bình Tây tướng quân. Còn Thống chế Võ Đình Giai trước đã chết trong quân khi còn đóng binh ở Hoa An. Sau được tặng Chưởng Cơ, thờ ở Miếu Hòn Nần vũng Cù Mông - nơi thờ Đô thống chế Hậu dinh quân Thần Sách Mai Đức Nghị và các tướng chết trận chết bệnh từ Thị Giã đến Phú Yên… Trong quân thứ tướng lĩnh Tả Đồn còn có người họ thuộc với Giai là Đô đốc Võ Đình Duyên trước cũng theo Giai về cùng lúc, là Trưởng chi Tiền chi Tả Đồn quân Ngự lâm. Mùa xuân 1801 Duyên được thăng Ngự lâm quân Tả đồn Phó Thống chế, sau là Phó tướng Hậu quân.
            Ngũ Đồn Quân Ngự Lâm tồn tại trong quân thứ Nguyễn Ánh chưa tròn đủ 3 năm. 3 Đồn quân Trung, Tiền, Hậu đặt dưới quyền thống lĩnh của Chưởng Hậu quân Võ Tánh phòng ngự Thành Bình Định, nơi đây đã xảy ra biến cố 2 Chi của Hậu Đồn là Trung Chi và Hữu Chi giết quân, mở cửa thành tìm về với Tây Sơn. Biết đâu biến cố nầy có bàn tay sắp đặt của Phó Thống chế Hậu Đồn Hồ Văn Viện, vì trong hầu hết sách sử nhà Nguyễn sau nầy không hề thấy nhắc đến tên ông kể từ khi quân Hậu Đồn về đây. Trong khi đó các chỉ huy cấp thấp như Trưởng hiệu, Cai đội Đội trưởng của các phiên hiệu trong Ngũ Đồn quân Ngự lâm thấy chép có người được thuyên chuyển qua Quân Thần Sách, có người được ghi tên nơi các Miếu thờ… Điều gì đã khiến các sử thần không tiếp tục chép về ông giống như đã chép về các đồng ngũ, đồng hương của ông như các Đô đốc Hoàng Công Thành, Nguyễn Văn Phát, Lê Văn Niệm..., những người cùng quản lĩnh các phiên hiệu Quân Ngự Lâm. Đối với Hữu Đồn, xem ra Nguyễn Vương Phúc Ánh cho giết Đô Thống chế Từ Văn Chiêu ngay khi ông còn bệnh ở trong ngục, đủ biết Vương căm hận binh tướng Hữu đồn Ngự lâm quân biết chừng nào. Còn đối với Tả Đồn, bên ngoài thì an ủy phủ dụ nhưng bên trong Nguyễn Ánh không phải là không ghét cay ghét đắng Lê Chất, viên tướng quản lĩnh Đồn quân Ngự Lâm nầy. Rất nhũn nhặn nhưng đã có lần Nguyễn Ánh phải cắn răng đồng tình với thuộc tướng quy trách nhiệm Lê Chất đã không truy đuổi bắt Vua Quang Toản :
            Tháng 5 năm 1801, khi Nguyễn Ánh bỏ chiến trường Quy Nhơn tiến ra đánh lấy Phú Xuân, Quang Toản chạy ra Bắc, Lê Chất được sai phái đuổi theo. Nhưng Lê Chất cứ khua trống mà đi thong thả. Khi quân đến châu Nam Bố Chính thì Quang Toản đã qua sông đi rồi. Đến đây bị gọi về, đem dâng hai quả ấn ngụy. Vua cùng các quan bàn việc đánh Tây Sơn, nói rằng : Quang Toản được thoát là tự người chứ không phải tự trời [tr.472].
            Với Ngũ đồn Ngự lâm quân, nói cho cùng chỉ có Tả Đồn của Lê Chất là đem lại ít nhiều chiến công cho quân Nam, nhưng thật ra các tướng lĩnh của quân Nam cũng chẳng tin cậy gì ở đội quân nầy. Tháng 6 - 1800 Tiền quân Nguyễn Văn Thành đã dâng sớ lên Nguyễn Vương :
Số quân của giặc hiện nay thêm nhiều, chúng dựa núi đắp lũy, hiện đã vượt qua sau lưng quân ta, mà quân ta thì bị ốm, con số có phần sút kém. Hơn nữa, quân Tả đồn thì mỗi ngày thường ra đầu hàng giặc, trong quân hư thực thế nào giặc đều biết cả. Số còn lại cũng không đủ tin, nên không dám sai khiến. Thần đương tính thế giặc, lánh chỗ khỏe, đánh chỗ yếu, đem các quân đánh đằng trước, quân voi ngăn đằng sau. Nếu nay lại chia tượng quân làm hai, sợ quân chia thì sức yếu, chưa phải là kế vạn toàn [tr.443].
            Thống quản Tượng binh là Nguyễn Đức Xuyên cũng theo đó dâng sớ nên rút quân Tả Đồn về hành tại để khỏi lo về sau. Còn theo Liệt truyện thì ngày trước, khi Lê Chất về hàng đầu, Nguyễn Ánh cho Chất ở trong quân của Võ Tánh, nhưng Tánh cũng tìm cách đẩy Chất vô Gia Định.
            Vậy điều gì đã khiến Nguyễn Vương Phúc Ánh cho thành lập đội quân với binh tướng đều toàn là quân của Quy Nhơn. Tại sao Vương cho lấy phiên hiệu là Quân Ngự Lâm. Tại sao Vương phải bao phen lao tam khổ tứ an ủy, phủ dụ binh tướng đội quân sớm đầu tối đánh nầy. Tại sao Vương phải đưa mẹ và vợ con của Chất vào tận Gia Định cấp tiền lương nuôi nấng.
            Trước tiên phải nói là Gia Định đất rộng nhưng người chưa đông. Lính Gia Định cũng đâu phải toàn tâm theo đuổi cuộc chiến, họ lẩn trốn, bỏ hàng ngũ khiến quan địa phương phải bắt nhốt gia thuộc họ để làm áp lực. Năm 1798 Đông cung Cảnh từng xin với Phúc Ánh : Trai gái có phân biệt, đó là chế độ xưa, người đàn bà bị giam kín một đêm, trọn đời khó lòng biện bạch. Nay vợ con lính trốn bắt giam lẫn lộn, sợ không được phân biệt, xin hạ lệnh cho hữu ty làm chốn giam riêng [tr.393].
            Với nhu cầu cho cuộc chiến, Nguyễn Ánh phải thu nạp nhiều quân binh người nước ngoài, không riêng chỉ lính đánh thuê Tây dương người Pháp, người Y Pha Nho (Tây Ban Nha)… Khi Võ Tánh trấn giữ Thành Bình Định, quân binh dưới quyền ông ngoài lính bản dinh cùng với Ngũ Đồn quân Ngự lâm, các tướng sĩ Vệ Võ Lương Trung chi Hữu quân, Đội Thuộc Viên Trung chi Tiền quân, Tả chi Túc Uy dinh Tiên phong, hai Vệ Thiên Trường và Tín Trực… còn thấy cả một vạn quân Xiêm (Thái Lan hay Cao Miên !?) có mặt ở đó [tr.423]. Lúc đem binh giải vây Quy Nhơn, khi các tướng Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Đức Xuyên xin đưa Tả Đồn Ngự lâm quân về phía sau để tránh hậu họa, qua lời Dụ của Nguyễn Vương cho các tướng cũng thấy ở đây có mặt 5.000 lính Chân Lạp (Cao Miên) của tướng Cao La Hâm Sâm :
Việc dụng binh cần phải biết địa hình. Thị Giã là nơi núi rừng hiểm hóc, không phải là nơi dùng voi; mà đường Cù Mông thì từ Dự Nguyên đến Vân Sơn Phú Trung, địa thế bằng phẳng, rất lợi việc đánh bằng voi. Huống chi bọn giặc chỉ phô trương hão ở đấy, không phòng bị gì, chính nên nhân mà đánh chiếm lấy. Phải kén ngay voi đực những con đã từng ra trận, cùng 100 tượng binh mà sai đi. Còn quân Tả Đồn thì hãy đợi khi quân Chân Lạp đến, sẽ có cách xử trí riêng, động gấp không phải là hay [tr.443 - 444].
            Lục đục giữa quân Phú Xuân và quân Quy Nhơn đã tạo cơ may cho Phúc Ánh thu nạp được binh lính Quy Nhơn về với mình. Với phiên chế của nhà Tây Sơn lấy Ấp làm Đội, biến toàn dân đều làm lính đã cung cấp cho Nguyễn Vương nguồn nhân lực tinh nhuệ, dồi dào để bổ sung, tổ chức quân đội. Thuở thành lập, chỉ trong thời gian ngắn ở Tuy Viễn mà Nguyễn Vương đã kén được gần 19.000 quân, đội ngũ sắp sẵn, chỉ cần biên chế lại là đã có liền phiên hiệu Ngũ Đồn Ngự Lâm Quân. Lính Quy Nhơn ở đây có phải trước là lính Ngự lâm cũ của Thái Đức Nguyễn Nhạc hay không… Hay là Phúc Ánh lấy tên gọi Ngự lâm để vỗ về, xem như lính Quy Nhơn mới kén tuyển là lính hậu cận của mình, hay là Phúc Ánh gieo rắc cho họ tự ám thị, xem đây là lực lượng của Thái Đức, xung trận đánh binh Phú Xuân trả thù cho vua Thái Đức...
            Phải nói Nguyễn Vương Phúc Ánh chẳng phải là kẻ lơ mơ nghệ thuật chiến tranh, mù mờ việc thu phục kẻ về dưới trướng. Chẳng vậy đã không có Lê Chất theo về cúc cung tận tụy. Chỉ cần lấy hiểu biết của Lê Chất về quân tình thủy binh Tây Sơn cũng đủ giúp Nguyễn Vương thu được thắng lợi ở trận đại hải chiến cửa Thị Nại, đối đầu với Đại tư đồ Võ Văn Dõng tháng giêng năm Tân Dậu 1801. Còn để đối phó với hạng binh sĩ lúc nào cũng lăm le trốn về chủ cũ Tây Sơn, Phúc Ánh chẳng phải tay vừa. Thấy quân của Ngũ đồn Ngự lâm hầu như mỗi ngày đều có kẻ chạy về với giặc, có lúc trốn đi cả trăm người cùng với cấp chỉ huy, tháng 7 - 1800, Phúc Ánh liền cho những lính ốm của Tả Đồn, Hữu Đồn Ngự lâm quân về thăm nhà (lính ốm bệnh thì đánh đấm được ai, cho quách về nhà khỏi tốn quân lương, lính đã trốn đi thì đâu phải chỉ để về thăm nhà). Kèm bên cạnh đó Nguyễn Vương ban lời Dụ, đọc lại lời Dụ mới thấy tầm răn đe của Nguyễn Vương (hay chính là của bộ tham mưu quân Nam…) :
Thương nhớ quê hương, ai không như thế. Bọn các ngươi từ năm ngoái về thành Gia Định, năm nay lại theo đại binh đi đánh giặc, trải từ Hội An đến Thị Giã, từ Lữ Quán đến Hoa Lộc, gian khổ chẳng từ, hoặc vì tên đạn mà bị thương, hoặc nhiễm gió sương mà mắc bệnh, thiếu người nuôi nấng, lòng về lại càng thiết tha, cho nên triều đình nghĩ thương, đặc biệt thả cho về. Nên về nói chuyện với những người đã trốn trước, cũng vì nóng về, trên đã soi xét, nên bảo ban nhau, chớ nên ngờ sợ, sớm muộn ta cũng lấy lại được Quy Nhơn, không bắt tội đâu [tr.445].
            Vì sao phần nhiều binh tướng của Ngũ Đồn Ngự Lâm Quân đã không toàn tâm toàn ý ở lại trong quân thứ của Nguyễn Ánh… Ngay như Đô đốc Nguyễn Đức Thu là em của Thống quản Tượng binh quân Phúc Ánh - chiến tướng Nguyễn Đức Xuyên, Thu theo Từ Văn Chiêu phản nghịch Nguyễn Vương, sau thất trận mới về hàng trở lại với quân Gia Định. Nếu nói riêng Từ Văn Chiêu có hằn thù cá nhân với tướng của quân Nam là Tống Viết Phước, thì binh tướng Hậu Đồn quân Ngự lâm gây ra binh biến ở Thành Bình Định lẽ nào cũng có hằn thù với Võ Tánh (!). Nếu nói Lê Chất phải ở lại trong quân của Phúc Ánh vì Chất có cơ tâm làm quan làm tướng, theo Nguyễn Vương để trả thù binh Phú Xuân đã giết Đại Tư lệ Lê Trung, hay là vì mẹ già vợ yếu con thơ của Chất đang ở trong tay của Nguyễn Vương tận trong Gia Định (!).
            Các tướng lĩnh của Ngũ Đồn Quân Ngự Lâm trước kia thấy Nhà Tây Sơn anh em, chú bác tranh giành quyền lực với nhau gây ra giết chóc, họ đã không mong mỏi gì ở chính nghĩa của triều đại mới nữa mà bỏ theo vào với Phúc Ánh. Nhưng trong cuộc chiến ở Quy Nhơn nầy họ thấy Phúc Ánh cũng chỉ là người muốn lấy lại quyền lực của cha ông ngày trước mà thôi. Hồi mới đánh chiếm được Quy Nhơn năm 1799, vào tháng 7 sau khi đã tổ chức thu thuế điền ở đây, Nguyễn Vương còn có ý thu luôn thuế thân, là suất thuế mà trước rồi Tây Sơn đã tha cho dân binh Quy Nhơn. Tham mưu Trung dinh Đặng Đức Siêu dâng mật sớ ngăn cản, không nên thu để gây ơn. Phúc Ánh nghe theo, nhưng chỉ 3 tháng sau là lệnh thu thuế thân cả 2 phủ Quy Nhơn, Phú Yên. Đặng Đức Siêu cũng là tác giả của bài Văn tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu nổi tiếng, Siêu là người Quy Nhơn thì lẽ nào binh tướng người Quy Nhơn không biết chuyện. Vắt kiệt sức dân, nói một đằng làm một nẻo, cai trị bằng sự trí trá… dễ dẫn đến sự thất vọng trong lòng những kẻ từng khuấy nước chọc trời mới theo về. Bên cạnh đó binh tướng Nam hà thường ra mặt khinh khi kẻ về hàng, quân Ngự lâm sớm đầu tối đánh cũng là chuyện hiển nhiên.
            Trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn, Nguyễn Vương Phúc Ánh gặp nhiều cơ may đến với mình. Nhưng cũng phải thừa nhận là Phúc Ánh cùng Nam binh đã có những kỷ năng vốn có để tạo được quyền lực cho mình. Nguyễn Vương thành lập Ngũ Đồn Quân Ngự Lâm toàn người Quy Nhơn là mong được sử dụng lòng quả cảm, chí phục hận của họ. Tướng lĩnh của Quân Ngự Lâm hầu hết cũng là những người bỏ Nhà Tây Sơn theo về Gia Định, có người đã từng được trui rèn trong Quân Thần Sách, đội binh tinh nhuệ của Nguyễn Vương. Có lẽ Nguyễn Vương Phúc Ánh mong muốn trong quân thứ của mình, 5 đồn Quân Ngự Lâm sẽ trở thành quân hiệu ưu tú như 5 đồn Quân Thần Sách đã có. Sự thực đã không như mong muốn. Tháng 5 - 1802, khi Nguyễn Vương cho đổi Tả Đồn của Lê Chất thành dinh Hậu quân, thay thế cho dinh Hậu quân của Võ Tánh đã tan nát, xem như năm tháng nầy là thời điểm kết thúc quân hiệu Ngũ Đồn Quân Ngự Lâm.
            Sự thực lịch sử cũng đã ghi nhận là Nguyễn Vương Phúc Ánh xuất phát từ Gia Định đi ra tới Thăng Long, lên ngôi cửu ngũ lấy niên hiệu là Gia Long. Chuyện được hay mất của Ngũ Đồn Quân Ngự Lâm chỉ còn là chuyện thắng thua của những người vì bên nầy, bên kia, chuyện ai vì chủ ấy, nó chỉ được mổ xẻ trên bàn của những ai quan tâm đến kỷ thuật, nghệ thuật tranh giành quyền lực, định bá đồ vương. Cuộc chiến 1771 - 1802 đã gây không biết bao ly tán trong lòng người, can qua đã đem bi thương, rẽ phân đến với những người cùng chung một quân thứ, đôi khi với người cùng trong một mái nhà.

Phan Trường Nghị
-----------------------------------------
·      Các Chú thích - lấy năm tháng theo âm lịch, trích dẫn từ Đại Nam Thực Lục Tập I, nxb Giáo Dục 2001, Tái bản lần thứ nhất

THAM KHẢO
·      Đại Nam Thực Lục - QSQ triều Nguyễn, nxb Giáo Dục 2001, Tái bản lần thứ nhất
·      Đại Nam Liệt Truyện - QSQ triều Nguyễn, nxb Thuận Hóa 2006, Tái bản lần thứ hai
·      Hoàng Việt Hưng Long Chí - Ngô Giáp Đậu, nxb Văn Học 1993
·      Địa Chí Bình Định, Địa Bạ Và Phép Quân Điền - Nguyễn Đình Đầu, Quy Nhơn 2002
·      Việt Sử Xứ Đàng Trong - Phan Khoang, nxb Khai Trí, Sài Gòn 1969
·      Tập San Sử Địa số 21 - nxb Khai Trí, Sài Gòn 1971
·      Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam (1771 - 1802) - Tạ Chí Đại Trường, Sài Gòn 1969 - bản điện tử pdf


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét