Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

NGUYỄN HỮU CHỈNH - CHỈ VÌ CÁI THẾ


Lịch sử là một quá trình nhận thức và nhận thức lại, trên cơ sở sử liệu, mỗi giai đoạn lịch sử, căn cứ tình hình chính trị - xã hội có sử luận khác nhau. Về  sự nghiệp triều Tây Sơn và vua Quang Trung, một nhân vật phản diện được nhắc đến là Nguyễn Hữu Chỉnh.

Không biết suy luận thế nào mà câu ca dao đậm màu sắc tình duyên :

Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay xa


Có người cho là nói về Nguyễn Hữu Chỉnh khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cho Nguyễn Hữu Chỉnh theo ra Bắc và để lại ở đó để sau này làm phản và bị Vũ Văn Nhậm giết đi. Thế nhưng bài Vịnh pháo thì lịch sử văn học và chính sử xác định là của Nguyễn Hữu Chỉnh. 2 bài vịnh tứ tuyệt phản ánh đúng cuộc đời Nguyễn Hữu Chỉnh :

Pháo mới kêu to một tiếng đùng ,
Hỡi ơi xác pháo đã tan không .
Tiếc thay thân pháo không còn nữa ,
Nhưng đã tan ra vạn sắc hồng .

Giấy xanh giấy đỏ cậy tay người ,
Bao nả công trình tạch cái thôi .
Kêu lắm lại càng tan xác lắm ,
Trước sau cũng một tiếng trên đời.

“Kêu lắm lại càng tan xác lắm” chính là cuộc đời Nguyễn Hữu Chỉnh. “Kêu” của Nguyễn Hữu Chỉnh có cơ sở. Ông đỗ Hương cống (tức Cử nhân) năm mới 16 tuổi và có thế nói là văn võ song toàn khi về võ ông đỗ Tam trường, ngang với cử nhân văn.

Khi về với Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh là tác giả của chiến dịch “phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc và cũng chính Chỉnh là người mai mối vua Lê gả Công chúa Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ khi Nguyễn Huệ không hài lòng cái tước Phù Chính Duệ Vũ Uy Quốc Công. Rõ ràng đây là một cuộc hôn nhân chính trị nhưng sau đó tình yêu thực sự nảy nở giữa người anh hùng áo vải và nàng công chúa lá ngọc cành vàng.

Quan hệ giữa Chỉnh với Nguyễn Huệ khi chưa lên ngôi hoàng đế có chuyện kể rằng khi Chỉnh nói : Người tài ở Bắc Hà chỉ có một mình Chỉnh mà thôi, nay tôi đã đi rồi (Về dưới trướng Tây Sơn - NV), ấy là cái nước rỗng không, xin ngài chở nghi ngại. Nguyễn Huệ cười bảo : “ Không nghi ngại người nào khác, chả hóa ra chỉ có ông là đáng nghi ngại thôi ư ?” (sách Hoàng Lê nhất thống chí). Sách cũng viết rằng, khi nghe câu này, Nguyễn Hữu Chỉnh tái mặt.

Một nhân vật phức tạp như Nguyễn Hữu Chỉnh phải đặt trong nhiều mối quan hệ, đó là quan hệ với Tây Sơn, với vua Lê và chúa Trịnh. Không phải ai khác mà chính Nguyễn Hữu Chỉnh là người đắc dụng trên con đường tiến quân ra Bắc với danh nghĩa phù Lê của Nguyễn Huệ. Với chúa Trịnh có thực quyền nhưng trái đạo lý, nạn tham nhũng, kiêu binh, lộng quyền cũng đến thời cáo chung. Phức tạp nhất là khi Chỉnh về với Tây Sơn và làm phản Tây Sơn để rước họa sát thân.

Thật sự thì Nguyễn Hữu Chỉnh không muốn làm phản Tây Sơn vì hơn ai hết chính ông ta thấy xu thế của thời cuộc. Khi Nguyễn Huệ muốn tiến quân ra Bắc để diệt Trịnh nhưng chưa có lệnh của vua anh, Nguyễn Hữu Chỉnh nói : Trong kinh Xuân Thu có nói, thay đổi nhỏ mà công lao lớn, ấy là có công, huống hồ tướng ở ngoài, có khi mệnh vua không cần phải theo. Ông ta đã chỉ ra : Ngài (tức Nguyễn Huệ - NV) vâng mệnh ra lấy Thuận Hóa, đánh một trận mà xong, oai danh lừng lẫy khắp thiên hạ. Trong phép dụng binh có ba điều cốt yếu : một là thời, hai là thế, ba là cơ, có ba điều ấy đánh đâu cũng thắng. Nay Bắc Hà tướng lười, binh kiêu, triều đình không còn kỷ cương gì cả, ta thừa kế đánh lấy, như trong sách đã nói “ chiếm nước yếu, đánh nước ngu, lấy nước loạn, lấn nước suy vong “.

Quả thật, Nguyễn Hữu Chỉnh luận như thời Đông Chu liệt quốc và gian hùng như Tào Tháo thời Tam Quốc !

Khi Tây Sơn về Nam, Nguyễn Hữu Chỉnh biết thế của mình không thể ở lại Bắc Hà vì đã là một phản thần nhưng Tây Sơn không dung nạp, kêu ở lại Nghệ An và cùng đường, Nguyễn Hữu Chỉnh làm phản và chính ông đưa Lê Chiêu Thống sang Tàu, khi đến Mục Sơn, con ngựa ông bị què, quân Tây Sơn bắt được, đưa về Thăng Long, Vũ Văn Nhậm luận tội hành hình.

Trần Châu (khóa lớp 1969 – 1976)

3 nhận xét:

  1. Khắc Tuấn14:21 17/6/12

    Nguyễn Hữu Chỉnh công trạng cũng nhiều mà tội cũng nhiều .Không biết trong lý tưởng Ông ta muốn gì ? nhưng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan để nhận kết cục bi thảm .

    Trả lờiXóa
  2. Thuật dụng binh và dụng nhân của Nguyễn Huệ là thiên tài.
    Mắt thần Nguyễn Huệ đã thấy trước diện mạo Kẻ Sĩ bắc hà Nguyễn Hữu Chỉnh, mới phán:
    "Không nghi ngại người nào khác, chả hóa ra chỉ có ông là đáng nghi ngại thôi ư ?”
    Định mệnh bi thảm NHC từ đó bắt đầu.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh07:32 10/12/15

    mn ai có thể nêu công trạng cu NHC cụ thể tí ko?

    Trả lờiXóa