Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

ĐÈN DẦU LẠC


Mở đầu truyện thơ Lục Vân Tiên, tác giả Nguyễn Đình Chiểu viết: “Trước đèn xem Truyện Tây Minh”. Cụ Nguyễn Đình Chiểu quê Bến Tre mà Bến Tre thời của cụ (cuối thế kỷ thứ XIX) chắc là chưa có đèn dầu hỏa, đèn điện. Vậy thì “đèn” trong câu thơ của tác giả Lục Vân Tiên hẳn là đèn dầu lạc?

Người quê tôi không gọi đèn đó là đèn dầu lạc mà gọi nó là đèn dầu phộng, hoặc đèn dầu phụng.

Đèn dầu lạc gồm có hai bộ phận: Đĩa đèn để đựng dầu và một sợi dây bông gòn xe săng làm tim đèn. Gần như tim đèn được nhúng hoàn toàn vào dầu, chỉ có một đầu gác trên vành đĩa. Người ta bật lửa đốt đầu này là có được ngọn lửa sáng leo lét. Tôi cũng thấy những tim đèn làm bằng bông vải hoặc mảnh “vải ta” sạch, ít thấy tim đèn bằng ruột bấc. Tim đèn lớn thì ngọn đèn đỡ leo lét, sáng hơn nhưng lại hao dầu. Đèn thắp lâu thì “tim lụn dầu hao”; lúc đĩa dầu cạn, đèn nở hoa đèn; trước khi tắt đèn phựt sáng, rồi tắt hẳn. Má tôi có gánh hàng xén buôn bán luân phiên ở các chợ quê vùng Phủ An. Đêm nào đang ngồi “làm hàng” để sáng ngày gánh ra chợ mà nhìn thấy ngọn đèn dầu có hoa đèn (cũng như nghe thấy tiếng chuột xạ reo trong góc xó nhà) là má mừng bảo: “Ngày mai nhất định má mua may bán đắt”. Đó là kinh nghiệm dân gian mà má tin, còn tôi thì thấy điều má tin có khi đúng và những khi như thế má thường mua về cho lũ con của má ở nhà nhiều quà bánh.




Cũng như bao nhà khác ở vùng quê tôi, ngọn đèn dầu lạc vẫn đêm đêm xua bóng tối trong ngôi nhà của ba má tôi. Ngọn đèn soi cho mâm cơm cả nhà, cho câu chuyện gia đình sau một ngày làm lụng vất vả… Ngọn đèn cũng soi cho ba chị em tôi ngồi học bài, cho má ngồi vá may… Nhiều hôm, ba tôi cũng thắp một ngọn đèn trên nhà trên ngồi đọc sách (ông vẫn thường đọc đi đọc lại các truyện Tam quốc chí, Ngũ hổ bình Tây… ) hoặc đối ẩm ấm trà ngon và luận bàn “chuyện đời” với ông bạn già hàng xóm. Tôi cũng thường gặp nhiều gia đình ở trong xóm Chùa có những tối ở thầm, không thắp đèn; vì sợ “tốn dầu đèn” hoặc sợ đàn mũi vo ve ngoài sân theo ánh sáng đèn bay vô nhà (Hồi xưa, người ta chưa ngủ mùng như bây giờ). Hồi chín năm kháng chiến, có những đêm văn công về làng cất sân khấu giữa sân đình, thắp một hàng đèn dầu lạc lên mà biểu diễn văn nghệ. Đèn này là những nắp vung đất nung lật ngửa đựng đầy dầu, còn tim đèn là những con cúi vải của bà thợ kéo sợi trong làng. Đêm diễn vẫn đông người xem, được nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả.

Nho sinh “thập niên đăng hỏa” (mười năm đèn sách) đi thi đỗ Cử nhân, Tiến sĩ. Trong số họ, có nhiều người có thực tài, thực học và có ích cho đời. Học sinh trường Trung học Hòa Bình ngày trước vừa đi học vừa tham gia kháng chiến chống Pháp, đã có thời gian phải học đêm thay ngày để tránh máy bay địch bắn phá. Mỗi người đi học xách theo cây đèn dầu lạc (bấy giờ gọi là đèn thẩu – thẩu thủy tinh thay cho đĩa đèn) để chong học. Khó khăn là vậy mà thầy – trò vẫn thi đua dạy tốt học tốt.

Ngọn đèn dầu lạc luôn có mặt trong cuộc sống và là bạn thân thiết của con người. Ngọn đèn làm chứng cho lòng thành thực của người nói: “Nói có đèn làm chứng”. Người ta gởi gắm tâm sự cho đèn: “Đêm khuya rót đĩa dầu đầy / Bấc non không cháy, oan mày dầu ơi! (Ca dao). Đèn vẫn ở bên cạnh những cảnh ngộ éo le của con người: “Đèn chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn” (Nguyễn Du). Những đêm trăng sáng, lũ nhỏ làng An Định chúng tôi thường ra cổng làng chơi và thường vỗ tay hát rập ràng: “Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng / Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn / Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn / Cớ sao trăng phải chịu luồn đám mây?” (Ca dao). Tôi đã nhiều lần nghe má kể câu chuyện rằng, ngày xưa ba bay mới quen má, vẫn thường thức đêm viết những lá thư xanh gởi má. Thư nào, ba cũng kết bằng câu: “Thôi nhé, giấy vắn tình dài, đĩa dầu đã cạn, em cho anh dừng bút và hẹn thư sau”!

Dân gian có câu chuyện cảm động về thiếu phụ Nam Xương nuôi con và trông chồng đi lính thú về. Đêm kia nàng đang ngồi trước đèn, chợt thằng bé hỏi: “Cha con đâu?”.   Nàng chỉ bóng mình in trên vách, trả lời rằng: “Cha con đó”.   Sau này, cha bé mãn hạn lính về, nó không nhận là cha mà cứ chỉ bóng trên vách bảo: “Đó là cha em và cha em chỉ đến với mẹ mỗi đêm về”. Điều này khiến cha nó sinh nghi rằng, mẹ nó ở nhà ngoại tình. Thiếu phụ không sao giải nỗi oan và nàng đã phải tự trầm mình ở bến Hoàng Giang gần nhà để mong được chồng hiểu nông nỗi mình.

Nhà ông Cả Lễ ở làng trên, mấy đời còn giữ được cái đèn Hoa Kỳ thắp bằng dầu hỏa. Cái đèn ấy, thân đèn và chụp đèn bằng sứ men màu trắng sữa, kiềng đèn và ba sợi dây xích treo bằng đồng. Đèn được chủ nhà treo ở nhà trên với bài trí cổ kính, cho nên vừa hợp vừa sang. Tôi thường thắc mắc, tại sao tên nó là đèn Hoa Kỳ? Mới đây đọc một bài báo nước ngoài, mới được biết nó là cái đèn “quảng cáo” của một hãng dầu hỏa Mỹ hồi đầu thế kỷ trước để họ bán được dầu hỏa ở Việt Nam, vì xứ này lúc đó   chưa chịu thắp đèn dầu lửa thay dầu lạc.  

Có thể có trước hoặc sinh đồng thời với đèn dầu lạc là bó đuốc tre, cây đèn chai bằng dầu rái… Người ta đốt đuốc đi chơi đêm (Cổ nhân bỉnh chúc dạ du – Nguyễn Công Trứ) và đốt đèn chai đi soi ếch, nhái… Và cũng có ngọn lửa đốt lá đa, ánh đom đóm (1) thay đèn cho những anh học trò nghèo đêm đêm “ôn nhuần kinh sử để chờ kịp khoa”.

Cuộc tiến hóa của ngọn đèn tính đến nay đã đi xa lắm: Từ đèn dầu lạc đến đèn dầu hỏa, đến đèn điện, đèn pin... Đèn dầu lạc đã lùi quá xa vào quá khứ, và đối với nhiều người, nó đã khá mờ nhạt trong ký ức hoặc họ chưa bao giờ được nghe thấy.

 Huỳnh Kim Bửu

(1) Có tích “Tạc bích tụ huỳnh” : Đục tường nhà láng giềng và bắt đóm bỏ vào chai để thay đèn ngồi học. Đây nói về tình cảnh của anh học trò nghèo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét