Giọt, từng giọt chậm
rãi và lặng lẽ chảy… giọt này nối tiếp giọt kia.
Tôi nghĩ đến những
giây phút bên nhau. Những mảnh quá khứ như đang trở về từ ký ức với một niềm nhớ
khôn nguôi.
Khi chúng tôi gặp
và biết nhau ở Đà Lạt trời cũng se lạnh, nhưng không có những màu sắc rực rỡ của
mùa thu như ở Washington: Giữa tán lá màu xanh sẫm của các cây tùng, cây bách,
những chiếc lá phong và những loại dây leo đặc biệt của vùng bắc Mỹ nổi lên một
màu đỏ rực. Một thế giới màu sắc từ vàng đến tím, với những cơn gió làm tung
bay những chiếc lá khô rụng xuống, lìa cành, xa gốc.
Những “gamme” màu ấm
của mùa thu ngọt ngào làm tôi nhớ đến cái vòng ôm nồng ấm trong niềm vui được gặp
lại nhau.
Tôi vừa trải qua một
chuyến đi dài, lần đầu đến Mỹ, nhưng điều quan trọng nhất là gặp lại một người
bạn vô cùng thân thiết.
Và như thế là ước
muốn của tôi đã được thỏa khi bước chân lên thềm nhà của hoạ sĩ Đinh Cường. Một
vòng ôm, nhìn thấy nhau thay đổi theo thời gian, duy có nụ cười phúc hậu trên
môi anh là không thay đổi; hay đúng hơn, còn nồng ấm hơn vì niềm vui gặp gỡ.
Thăm hỏi nhau một
lát rồi anh dẫn chúng tôi đi vào phòng tranh. Tôi có cảm giác là mình vừa bước
vào bên trong một chiếc hộp kỳ bí: những khung vải với vài nét vẽ khởi đầu
đặt bên những bức tranh vừa hoàn chỉnh, như bức tranh còn đặt trên giá gỗ, cạnh
những cây cọ và những hộp sơn. Có những nét vẽ lạnh, màu trắng, xám trộn lẫn với
màu xanh dương nhưng cũng có bức vẽ bằng màu nóng, như đỏ, nâu và vàng.
Đó chính là màu của những chiếc lá nhìn qua cửa kính từ mái hiên mở ra khu rừng
phía bên ngoài. Trong một thoáng, tôi có cảm giác là mình vừa bước vào một ngôi
đền, hay đúng hơn, một ngôi chùa trong đó có vị thiền sư đang diễn tả ơn gọi của
mình qua những bức tranh.
Làm bạn với anh là
những pho tượng Phật đang nhập định, những quyển sách mà anh đã viết về văn học
và nghệ thuật, vài tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh, và nhiều quyển sách
dày nói về các danh họa như Modigliani, Van Gogh. Tôi còn nhìn thấy một bản
“Le Petit Prince” của Saint-Exupery bằng tiếng Pháp.
Những đồ vật chung
quanh thường thầm lặng nói về ta, từ sự riêng tư hay hiểu biết sâu sắc về hội họa,
về giá trị của lòng tôn kính hay về những mối quan hệ bạn bè thân thiết.. và đó
là điều mà tôi cảm nhận rõ ràng khi bước vào phòng tranh của anh. Có những bức
hình của những người thân, mẹ anh hay các cháu đang nô đùa. Những bức hình khác
là những nụ cười hiền hòa của anh bên cạnh vài người bạn thân thiết trong đời,
như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với điếu thuốc không thể thiếu giữa hai kẽ tay,
Bùi Giáng với đôi mắt tinh anh và sống động đặt bên cạnh khuôn mặt trầm tư của
danh họa Picasso.
Tôi nhìn những
khuôn mặt đó và khám phá ra tất cả đều có nét vui tươi. Đó là những nụ cười
thân thiện, hiền hòa và đầy sức sống. Cũng giống như nụ cười phúc hậu mà Đinh
Cường đã chào đón tôi và các bạn từ phương xa vừa đến thăm anh.
Giọt từng giọt… những
giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên má tôi dù đã cố sức ngăn lại khi nhớ đến
hình ảnh cánh tay anh đưa lên vẫy chào để từ giã chúng tôi. Tôi nhìn thấy anh
cô độc, đứng một mình ở một góc vắng của trung tâm thương mại; dù thấy anh mỉm
cười từ biệt, nhưng tôi chắc là trong tim của tất cả chúng tôi một nỗi buồn
đau về sự chia lìa, ý thức rằng còn rất nhiều thời gian nữa mói có thể gặp lại
nhau.
Thời gian xa cách,
ngắn hay dài gì đều là một nỗi đau. Nhất là giữa những con người có một
tình thương chân thật.
Tôi nhớ những câu
nói của anh trước khi từ giã. Một đôi câu để cố gượng tìm vui. “Hẹn gặp lại ở
Việt Nam sau tết ” nhưng sau đó cũng có câu buồn hơn vài giây trước: “Sáng mai
tôi phải đi bệnh viện để làm chemo (hoá trị) và sau đó người mệt mỏi và khó chịu
lắm… cần phải nghỉ ngơi một ngày. Còn các bạn lại khởi hành vào ngày mốt nên chắc
mình không thể gặp nữa”. Câu này được nói ra vẫn với nụ cười trên môi, nhưng có
lẽ hơi gượng gạo và có pha chút buồn đau. Sau đó thì anh mở túi xách và trao
cho chúng tôi mấy món quà tiễn hành. Anh lúc nào cũng ân cần và nghĩ đến các bạn,
nhưng điều làm tôi xúc động nhất là với tình trạng sức khỏe không tốt lắm mà
anh vẫn dành thời gian cho chúng tôi, khi trong lòng anh chắc còn nhiều ưu tư
và lo lắng.
Giọt, từng giọt… liều
thuốc hóa trị đang nóng bỏng nhỏ vào tĩnh mạch của anh,… rồi những giọt nước mắt
liên tục từ hai mắt tôi chảy xuống, lòng còn xúc động hơn khi nhìn thấy những
đôi mắt đẫm nước của các bạn đồng hành.
Tôi mong ước làm
sao là những giọt nước mắt của chúng tôi bỗng chốc biến thành một thứ nước cam
lồ có thể chữa lành để người bạn thiết Đinh Cường có thể tìm lại sự thanh thản
và bình an.
Từng giọt, từng giọt
nước mắt lăn dài và tôi bám chặt bằng tất cả sức mạnh của mình vào câu nói “
Chúng ta sẽ sớm gặp lại, sau Tết” rồi muốn bước xuống xe, ôm chặt lấy anh thêm
một lần nữa, trước khi chiếc xe của nhà báo Nguyễn Minh Nữu mang chúng tôi rời
xa anh.
Tôi và các bạn đồng
hành sắp xếp hành trang trong niềm u uất. Rất nhiều lần tôi nhớ đến bàn tay của
anh Đinh Cường vẫy chào dưới mái hiên của trung tâm thương mại. Đối với tôi,
Trương Văn Dân và anh Nguyên Minh thì Tết hãy còn lâu, xa quá!
Tất cả đã sẵn sàng,
chúng tôi dùng cơm trưa ở nhà nhà thơ Phạm Cao Hoàng để có thể từ biệt anh và
gia đình, thăm chị Cúc Hoa vợ anh và cháu Thiên Kim. Chỉ còn hơn vài giờ nữa là
chúng tôi phải lên phi trường.
Bất thình lình có một
cú điện thoại của bạn Nguyễn Quang:
-Các anh chờ tôi
nhé. Tôi đang đến,
Chúng tôi vui và bất
ngờ. Nhưng còn bất ngờ hơn khi Quang nói tiếp:
– Anh Đinh Cường
cũng đang đến nữa!
Thật vô cùng kinh
ngạc. Xúc động và vui mừng. Vì chỉ sau một lát anh Đinh Cường đẩy cửa bước vào
với nụ cười rạng rỡ. Khuôn mặt anh hơi tái vì gió lạnh.
Sau một vòng ôm thật
nhiệt tình, anh đưa cho tôi một chiếc túi giấy:
– Cái này cho
các bạn. Lúc nãy trên đường đến tôi ghé lại Starbucks và có mua một ít bánh mì
để các bạn ăn trên máy bay.
Vẫn luôn nghĩ đến
chúng tôi, bao nhiêu thương mến anh dành cho Nguyên Minh người bạn từ thuở nào
và cho vợ chồng tôi, những người mới quen, nhưng không vì thế mà thiếu thân thiết.
Và chính nhờ cuộc gặp
bất ngờ này mà sự chia xa của chúng tôi bớt đi phần nào buồn bã.
Thêm một vòng ôm nữa,
rồi trong chuyến bay đêm, giữa những hàng nước mắt, tôi luôn nhớ đến nụ cười
phúc hậu của anh đã làm tôi thật ấm lòng giữa mùa thu lá vàng.
Với lòng thương yêu
lẫn kính trọng, cảm ơn anh Đinh Cường đã luôn giữ chúng tôi trong trái tim nhạy
cảm và bao dung của mình.
Elena Pucillo Truong
Sài Gòn, Tháng 11. 2015.
(Nguyên tác : La tenerezza di un sorriso
nell’oro dell’autunno)
Bản dịch của Trương Văn Dân
Tập San Quán Văn số 34, tháng 11 - 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét