Cả
xóm bỗng đồn rùm lên là nghe đâu Ông Chài ở chòm trên “được
hàm ân”.
Nói
là xóm chớ thiệt ra trảng đất nằm kề con suối Co Co, cái trảng nông nổng này gần
như góp đủ hết mặt mày dân các xóm Tiên Thái, Tiên Bình, Tiên Thạnh bên kia sông
tản cư qua đây, cùng chen chúc sin sít ở bên nhau. Chừng mươi gia đình của xóm
Tiên Trị bờ đối diện cũng kéo qua dựng lên mấy cái lều. Chỉ trong một thời gian
ngắn, thốt nhiên nơi đây lều tranh trại lá mọc như nấm, trải dài từ Tiên An,
Tiên Hòa xuống tới tận Tre Đôi, Soi Nổ. Mấy cái nhà lá mái, trính cối, cột to
đùng ở bên kia sông Việt Minh đã cho đốt sạch. Toàn quốc phải tiêu thổ kháng
chiến mà. Có riêng gì đất Bình Định nầy đâu. Lính
Tây trên An Khê, Tú Thủy có mò xuống cũng sẽ chỉ gặp vườn không nhà trống. Tây
có vượt sông đuổi theo dân, con nước sông Côn vùng đầu nguồn nơi đây đủ hung
hãn làm chậm chân bọn chúng, dân sẽ kịp chạy lên Lỗ Trâu Nằm ở trên Hòn Dồ. Tây
nó càn rát quá thì hè nhau theo đèo Bồ Bồ thoát qua Thuận Ninh. Chạy giặc mệt đủ
điều, nhưng có mấy khi cả làng được túm tụm ở bên nhau, cùng gánh cùng gồng vui
buồn sướng khổ với nhau như vầy đâu.
Nói
đồn rùm lên có nghĩa là gần như bất kỳ lúc nào, ngồi chỗ nào cũng đều nghe người
ta bàn tán chỉ mỗi một chuyện của Ông Chài. Thời buổi súng đạn, hình như chẳng
ai còn đủ sức chăm chút chuốt lại chuôi cày, rong từng bờ ruộng, nhưng thường
người ta lại dư hơi tụm năm tụm ba kháo chuyện của thiên hạ. Lại nữa Ông Chài lại
là người mà bấy khi nay áo chẳng đủ mặc, cơm chẳng đủ ăn, lâu lâu mới có được
miếng thịt là nhờ “đi hờ” hoặc “la quợ quợ” đuổi cheo đuổi nai vô lưới cho ông
bầu săn Chín Đi. Nay Ông Chài bỗng nhiên đổi đời.
Ông
Chài được vô dân quân, được phát cho cây súng calip vắt vai vênh vênh cái mặt. Chỉ
là chuyện nhỏ. Chẳng biết sao, tháng rồi cả xóm thấy Ông Chài tự dưng đi săn chỉ
một mình mà hai lần đâm được hai con nai nhung. Rồi cũng liền đó hai lần ông mổ
heo bày biện cúng bái ngoài cái miếu đã đổ nát nằm bên gốc me to. Đấy mới là
chuyện động trời. Thời buổi mà mỗi tuần ai cũng nhín nhịn một ngày phải ăn
cháo, để gạo lại góp lương nuôi bộ đội đánh Tây, Ông Chài dám mổ heo thì tránh
sao khỏi tiếng ra tiếng vô, lời đồn lời đại. Khổ thế, người đời được mời ăn
cúng, thịt thà dầu mỡ trơn cái lỗ miệng nên mồm của họ cứ ngứa chẳng chịu im,
chẳng chịu thôi cái tật xoi mói đời tư của người đã cất công đi mời mình ăn
cúng...
Còn
“Được
hàm ân”
nghĩa là sao ! Đây là lần đầu tiên được nghe nói tới, Thằng Đực tìm đến Thầy Bốn
Rượu để hỏi. Chẳng để đợi lâu, Thầy Bốn sốt sắng cắt nghĩa cho nó nghe :
- Được
hàm ân có nghĩa là được nhận ân điển của trên trước. Ông Chài chắc đã được trên
trước bày cho bùa chú. Khi đi săn, thấy thú rừng có ở tít trên dông cao hay
trên sườn núi đi nữa, chỉ cần lấy giáo vẽ bùa dưới đất rồi trở ngọn giáo mạnh
tay dộng xuống bùa, âm binh của trên trước sẽ giúp đuổi con thú tuôn ra đồng
chui vô lưới. Chẳng tốn sức nhiều mà bỗng dưng được thịt, đấy gọi là được nhận
ơn của trên trước.
- Có
thịt thú rừng rồi mà sao Ông Chài lại phải mổ heo nữa vậy Thầy !
- Đó
là mổ heo dâng tạ ơn trên trước, cũng như cúng cho âm binh của trên trước. Phải
có qua có lại chớ. Thường tình của cuộc đời, thần thánh hay ngưu đầu mã diện gì
cũng đều như nhau cả. Có ai đâu tự dưng lại đem của đưa không cho ta. Khi được
hàm ân là phải lo cúng kính trả ơn. Được hàm ân là có được thịt ăn, nhưng cũng
chẳng hay ho gì đâu. Xưa giờ mấy ông thầy pháp luôn kề cận trên trước, nhưng đã
mấy ai có hậu vận suông sẻ đâu. Nhận hàm ân là phải kề cận trên trước. Cả làng
sẽ phải khổ thôi. Để rồi coi.
*
* *
Thầy
Bốn Rượu là người mà thằng Đực hằng ngưỡng mộ. Bấy lâu những gì Thầy Bốn nói đều
làm cho nó thêm sáng óc ra. Nhưng lần nầy thằng Đực cứ ngờ ngợ, có cái gì đấy
trong cắt nghĩa của Thầy nó chưa hiểu rõ được.
Thầy
Bốn vốn là con ông Phụng tế trên Tiên Hòa. Làm phụng tế lo cúng bái cho đình
làng, ít nhất trước kia cũng phải là chức sắc của làng, huống hồ gì ông Phụng tế
lại từng là tướng trông coi kho lẫm bên Đồng Trại, Đồng Hào cho Mai nguyên soái
thời Cần Vương. Nghe đâu tiên tổ của Phụng tế chính là người xưa kia đã xin
quan trên đặt tên cho 6 xóm ở đây, thứ tự đọc lên thành câu là An - Hòa - Thái
- Bình - Thạnh - Trị. Vậy đó, cái tên của làng nói lên được tri thức của người ở
trong làng, nói lên được ước muốn của dân làng. Tên chữ của Thầy Bốn cũng vậy.
Ông Phụng tế đã đặt tên cho Thầy là Dự,
có nghĩa là yên vui. Có lẽ ông Phụng tế mong muốn con cháu ông sống yên bình
như xóm làng ở đây vốn đã yên bình. Thiệt ra anh em Thầy Bốn hồi nhỏ người có
tên là Trà, người có tên là Tửu. Dân trong xóm lấy thế cứ nôm na gọi Thầy là Thầy
Bốn Rượu. Cái tên nôm na nầy đã vần xoay trầy trụa cả cuộc đời của Thầy.
Thầy
Bốn hẳn là con giòng cháu dõi. Cuộc đời của Thầy thật là lãng tử. Hồi cưới vợ,
chưa kịp tới ngày hồi dâu, Thầy đã liền thục mãi đám soi của hồi môn lấy tiền dẫn
bạn bè ra Huế. Cả tháng trời mới trở về. Người làng nói Thầy Bốn đàn đúm bạn bè
đi lắc đò sông Hương. Có hay không chẳng biết. Nhưng chắc có là Thầy đã từng
đánh bạc với Phụng Hóa Công, người mà sau đó ít lâu được đưa lên ngôi vua là Khải
Định. Được chơi với người có tiếng có tăm, mà lại là người có quyền uy tột bực,
ai lại chẳng đồ đi đồ lại cho thiên hạ lác mắt, ai lại chẳng nghe bạn bè của Thầy
hùa nhau nói tốt cho cái nghề cờ gian bạc lận : “Thời
nào chẳng vậy, ít ra cái nghề đánh bạc thấy vậy chớ nó giúp cho con người ta kề
cận được với giới quan quyền dư tiền dư của. Giống như Thầy Bốn làng ta đấy”…
Đi
chơi Huế trở về, chẳng bao lâu sau thì bị vợ để. Từ đó Thầy Bốn chẳng chịu lấy
ai nữa, khỏi có ai cằn nhằn bên tai, vướng víu tay chân. Từ đó Thầy đầu húi cua
giống như thời cả làng cắt bỏ búi tóc dài, theo Chánh Tổng Kham đi xin sưu
kháng thuế. Thầy Bốn du Bắc du Nam, đi rong chơi khắp chốn. Mặc cho mấy ông già
bà cả nhăn mày nhăn mặt sao lại phải mặc đồ của Tây, bắt chước kiểu sống của
người Tây.
Nhưng
kể ra những cái gì của Tây mà Thầy Bốn mang ra dạy cho trai trong làng, phải
nói là cả làng như được của mà chẳng bỏ ra một đồng xu bát gạo nào. Cái mặt thằng
Đực mấy khi nay thấy sáng sủa hẳn ra là nhờ những ngày nó cần mẫn ở bên cạnh Thầy
Bốn Rượu. Thầy Bốn lúc thì lên Công Tum, Ban Mê Thuộc…, lúc thì vô tít tận
trong Gia Định, Đồng Nai…, lúc nào về tới nhà là Thầy gọi trai làng lại để kể
chuyện đi một ngày đàng Thầy đã học được một sàng khôn như thế nào. Riết rồi Thầy
trở thành người dạy chữ quốc ngữ, dạy làm toán cho trai làng lúc nào chẳng hay.
Người làng gọi Thầy là Thầy Bốn, bắt đầu kể từ những ngày ấy.
Thầy
Bốn dạy học kiểu chẳng giống một ai. Thật ra Thầy có học sư phạm sư phiếc, trường
lớp nào đâu. Thầy cất công xuống thăm Trường Ông Phàm ở Phú Phong đâu vài bữa.
Trở về, Thầy biết được cái gì Thầy gò cho trai làng cái ấy. Cả lũ trai làng, đứa
nào học được tới đâu, Thầy truyền liền cho cái kế tiếp, chẳng phân biệt lớp bậc
gì ráo. Mới rồi Khu 5 đã cho mở trường công lập hệ 9 năm tới từng huyện, học
trò khỏi phải tốn kém đi học xa tận dưới Quy Nhơn như hồi xưa nữa. Được nhắc
khéo là việc học nay đã có chính phủ lo, Thầy Bốn vui vẻ không gọi trai làng tập
trung lại nữa. Gọn ghẽ, chẳng vướng bận gì. Lâu nay cũng chẳng gọi là Thầy mở
trường mở lớp. Nhưng những gì lâu nay nhận được từ Thầy Bốn, Thằng Đực tin rằng
nó dám đứng chung lớp với thằng Kim trên Định Xuân, đang học trường Cấp II Bình
Khê của chính phủ vừa mở ở dưới Mỹ Thuận. Hiện giờ thằng Đực viết đã thông, đọc
đã thạo chữ quốc ngữ là chữ của nước nhà. Không những nó làm được phép tính Hàn
Tín Điểm Binh, mà nó còn sành sõi sáu câu Bảng cửu chương “thất
thất tứ cửu…, cửu cửu bát nhất…”. Thằng Đực còn giải
được phép tính hóc búa :
“Vừa
gà vừa chó ba sáu con
Trói
lại cho tròn đếm đủ trăm chân
Hỏi
bao nhiêu gà, bao nhiêu chó…”
Nói
chẳng quá, nếu bây giờ mà cất lại cái miếu Tiên Thạnh bị đốt, Thằng Đực sẽ tính
cho làng biết là cần bao nhiêu cột, bao nhiêu ruôi mè, bao nhiêu tranh ngói… Thằng
Đực đã học được cách tính toán mà bấy khi Thầy Bốn đã giúp Xã Khuê làng Thượng
Giang cất cái đình to đùng, mặt ngó lên Hòn Bà Phù bên Đồng Phó. Thằng Đực còn
biết cả cách đạc điền mà ngày xửa mấy ông lý hương thì thào bảo nhau sao Tây nó
giỏi thế, vẽ trích lục địa bạ đám ruộng nào ra đám ruộng ấy, rành rành hình dạng
từng thửa trên giấy trên tờ.
Thầy
Bốn có nói với thằng Đực là Thầy đã truyền cho nó kiến thức của người Tây nhiều
hơn là của Ta. Nhưng với mớ kiến thức của dân Tây mà lâu nay học được, thằng Đực
không thể nào dùng nó để cắt nghĩa cho thông chuyện “được
hàm ân”,
chuyện được trên trước cho bùa chú của dân Ta.
Từ
ngày nghe đồn là Ông Chài “được hàm ân”, điều
trước tiên thằng Đực thấy rõ là cái trại của Ông Chài lúc nào cũng nghìn nghịt
người ra vô. Người ta nói nghèo mà ở ngay giữa chợ cũng chẳng có ma nào thèm tới,
người giàu có dù ở tít tận trong rừng sâu cũng sẽ lắm kẻ mò đến thăm. Ông Chài
chưa gọi là giàu có, nhưng cũng đã lắm kẻ tìm đến. Sướng thế đấy. Chẳng kể gì
Trùm Sẽ, thằng Nần hay thằng Bụng… những người mà khi nhà nào có mổ thịt là thường
chạy đến phụ giúp cho một tay, ngay cả ông Phụng Thủ bấy lâu chẳng qua lại gì với
ai, nay cứ năm ba bữa là thấy ông có mặt ở trại của Ông Chài.
Lẽ
thường chỗ đông người bao giờ cũng sinh ra chuyện ăn uống. Vậy thế mới có chuyện
các cụ ngày xưa muốn con cháu thường xuyên tập trung lại, cùng về với nhau để
lo việc họ tộc… nên phải bày ra chuyện ruộng hương hỏa từ đường. Nay người làng
xúm nhau đến với Ông Chài, chung quy cũng chỉ từ chuyện ăn uống mà ra. Ông Chài
giờ đây thỉnh thoảng có được thịt rừng, rồi lại phải mổ heo, có khác gì mật ngọt
rủ rê cả đàn ong lũ bướm. Huống hồ gì khi có được nhung nai, Ông Chài đã biết
gì đến việc phải bán cho ai, bán chỗ nào cho được giá đâu. Trong số đông người
đến, ít ra cũng có người rành rẽ giúp cho ông buôn bán cái của hiếm lâu lâu mới
có nầy chớ. Lại nữa ở cái thời giặc giã, biết lúc nào sống lúc nào chết. Nói dại,
lỡ có bị tên bay đạn lạc cũng khỏi phải làm con ma chết thèm. Đâu như đẫu trước,
cây cà nông nòng bạc Tây nó đặt trên đầu đèo An Khê, chiều nọ bắn hú họa qua
đây chỉ năm ba trái, lại rớt ngay giữa mâm cơm nhà bà Niễng, tội nghiệp cả nhà
chưa kịp ăn.
Đừng
trách chi chuyện quanh cái miếng ăn thời bom đạn. Nhiều khi, lúc Tây càn phải
chạy, ai mà để sót lại con gà con vịt cũng gọi là vướng lấy cái tội cung cấp
lương thực cho Tây. Nhiều khi, như bà Bồng nghe hô Tây đã xuống tới Định Nhì,
liền chạy thục mạng, chạy đến Soi Nổ mới ngớ ra mình chạy chỉ với cái chày cùng
cái cối đâm tiêu trên tay…
Người
ta từng nói giàu có mới sinh ra phú quý, có phú quý mới sinh ra lễ nghĩa. Thằng
Đực thấy Ông Chài thốt nhiên gần đây lại sinh ra sính chuyện lễ nghĩa, quỳ lạy
cúng bái. Trong khi đó nó rõ mười mươi ông cũng giống như người làng ở đây đang
bỡ hơi tai mới có ngày hai bữa, không tính buổi sáng lúc thì nồi củ mì lúc thì
rổ khoai lang. Đâu phải ngày nào cũng săn được thịt. Thời súng đạn, hươu nai
nghe rền tiếng nổ thường rúc tận trong rừng sâu. Lưởng thưởng ngoài gò chỉ vài
ba con chồn con nhím, bõ bèn gì mà phải dùng đến bùa chú hàm ân.
Ông
Phụng Thủ thường nói khi đã cúng trên trước thì phải thành tâm, phải thực hiện
đúng nghi thức cúng bái, trên trước mới thương tình mà ban lộc. Chắc vì lẽ đó
mà thằng Đực thấy thỉnh thoảng ông Phụng Thủ tập cho Ông Chài bái lạy, đứng lên
quỳ xuống. Nó nghe nói hồi Ông Chài mượn cái áo dài khăn đóng của ông Bát Tuyển
đi cưới vợ, không chịu tập lạy nên lúc làm lễ gia tiên, lớ ngớ thế nào mà ông dậm
phải cái vạt áo cắm đầu vô bàn thờ. May mà chẳng đổ ngã đèn nhang, bể vỡ chén
bát xảy ra ngay trong ngày trọng đại. May mà bà con họ hàng thương nhau nên bỏ
qua chuyện không rành lễ nghĩa. Giờ đây với trên trước, chắc là trên trước
không thể nào thương tình cho cái chuyện đi xin lộc, cúng tạ ơn mà không biết lạy
quỳ. Ông Chài phải ra công luyện tập cho đúng phép. Chịu cực nhọc với trên trước,
có gì đâu mà phàn nàn…
Ông
Chài chỉ đi xin có thịt ăn mà còn vậy, trách chi ngày xưa mấy ông đi làm quan
lúc nào cũng phải biết nói cho trơn tru câu cửa miệng là “vạn vạn tuế đã ban
ơn”.
Kể
ra cũng lạ thiệt, từ khi Ông Chài rành rẽ chuyện lạy quỳ, ngày nào bầu bạn của
ông mà vác lưới đi là ngày đó có thịt khiêng về. Có bữa khiêng về con Heo Một
nanh dài cả gang tay làm ai cũng hãi. Lâu nay các bầu săn đều sợ gặp phải heo rừng
đi một mình không sống theo bầy. Cọp trong rừng mà còn phải né mặt ngữ ấy nữa
kìa. Nếu trên mà cho phép sử dụng súng ống để đi săn, cây calip của ông Chài
cũng phải lẩy bẩy, run rẩy trước nanh heo một.
Thằng
Đực nay thấy cả làng vây quanh Ông Chài với những bộ mặt tươi rói. Kháng chiến
đã đi đến hồi quyết liệt. Tây trên đồn Tú Thủy thỉnh thoảng nống xuống tới Định
Quang, Định Nhì. Cả làng đã mấy phen phải chạy lẩn lên Hòn Dồ. Có cực nhọc thiệt.
Mùa màng thất bát, bữa đói bữa no. Nhưng khi về lại làng là mọi người như tìm lấy
lại sinh khí, gõ chén gõ bát lung tung xèng trong những ngày Ông Chài mổ heo.
Giờ đây Ông Chài trở thành một bầu thợ săn có tới mấy tay lưới. Dưới trướng của
ông gom lại có tới mấy đàn chó, bạn săn hội đủ hết những tay “đi muông” sừng sỏ
của làng. Ngay cả bầu săn trước đây của ông là Ông Chín Đi, nay cũng phải vác
lưới đến nhập bầu với Ông Chài. Mỗi lần Ông Chài phát lệnh tù và gọi bạn săn, gần
như đủ mặt cả làng rần rần chạy đến bên ông chờ lệnh lên đường. Nai nịt gọn
gàng đứng giữa rừng giáo mác, Ông Chài giống như một vị tướng đứng giữa ba
quân. Thấy mà phát thèm.
Mỗi
khi tiếng tù và của Ông Chài rúc liên hồi trong mỗi trận săn, hầu như ai cũng
nôn nao, miệng ứa nước miếng, thấy miếng thịt dường như đã sờ sờ trước mắt. Bữa
đói bữa no mà ăn lại có thịt có cá ngót tận cái cuống họng, đố ai dám nói là
không ham. Nhưng tiếng tù và giờ đây đã lần lên tới hòn Da Két, có bữa lấn tới
tận hòn Bong trên Vĩnh Thạnh, điều nầy làm cho ông Chín Đi thấy lo.
Mở
rộng được khu vực đi săn, ông Chín Đi không lo. Bằng với cả quan hệ rộng rãi đã
từng có, ông Chín Đi lâu nay còn giúp thay Ông Chài qua tận bên Thuận Ninh, xuống
tận dưới Suối Bèo tìm heo mua về cho Ông Chài cúng tạ. Heo mấy làng chung quanh
gần như chỉ còn loe ngoe mấy mống vừa bỏ bú. Ở vùng giáp ranh chỗ Tây đóng đồn,
lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chạy giặc, tay nải, tay ruột nghé mấy ai dễ
gì nuôi được con heo. Thế thì lấy đâu có đủ heo để cho Ông Chài cúng tạ. Trong
trận săn bận trước, thấy con nai sải lên dông hòn Ngăn, chó ăng ẳng đuổi theo
như bầy rùa đang chạy thi với thỏ, hăng máu thế nào mà Ông Chài lại mắt nhắm mắt
mở, tay vẽ bùa miệng niệm chú. Con nai quay đầu tuôn xuống nhào vô lưới bị Trùm
Sẽ lụi một giáo vào mông. Té ra đó là con nai chà chớ không phải nai nhung. Vậy
là lỗ nặng. Săn được chỉ con nai chà mà cũng phải cúng con heo. Thịt chỉ đổi lấy
thịt. Thịt nào rồi cũng phải chia năm xẻ bảy. Chẳng kiếm chác được thêm gì.
Điên tiết, Ông Chài bận đó lệnh chỉ cúng con heo cắp nách, xách bằng tay được.
Ông
Chín Đi lo. Chính là lo cái chuyện cúng kính, tạ ơn cho trên trước ấy.
*
* *
Thằng
Đực không hiểu bùa hàm ân là cái quái gì mà sao lại khiển được âm binh, những
tay săn thịt cũng sẵn sàng nhào vô chịu sai khiến. Thiệt lạ kỳ. Thằng Đực theo
sát Ông Chài, nó quyết coi cho biết Ông Chài vẽ cái bùa ấy ra làm sao. Là thằng
sáng dạ lại có ý để tâm học hỏi, chẳng bao lâu nó thuộc lòng từng nét Ông Chài
đã vẽ ngoằn ngoèo dưới đất. Chữ Nho chẳng ra chữ Nho, chữ Quốc ngữ chẳng ra chữ
Quốc ngữ. Thằng Đực chạy tìm gặp Thầy Bốn Rượu.
Mọi
khi Thằng Đực tìm đến Thầy Bốn, Thầy Bốn đều ân cần giảng giải những gì nó muốn
biết. Không ngờ lần nầy thằng Đực bị Thầy Bốn to tiếng quát cho một trận :
- Quên
phứt nó đi. Ngữ ấy không được nhớ. Trút chúng ra khỏi đầu ngay. Đấy là cái thứ
làm hại đến sinh linh…
Thằng
Đực hoảng hồn chạy một mạch ra bờ suối Co Co. Ngồi trên nhánh cây sung, nó lặng
nhìn con nước êm đềm chạy quanh quanh dưới chân. Vì để sống mà con người bằng mọi
cách cướp về cho mình cái miếng ăn, không cần biết là đã làm hại đến ai. Hàm ân
ư, đi kèm với bùa còn phải có chú. Nó sẽ quên hình dạng cái bùa thôi. Nó không
thèm để tâm, học cho biết chi câu thần chú gọi âm binh, gọi ngưu đầu mã diện
trói cẳng hươu nai…
Nhưng
rồi thằng Đực chả cần vướng bận chi chuyện không thèm học bùa chú hàm ân nữa.
Sau đó ít lâu Ông Chài chết. Bầu bạn của Ông Chài tan đàn sẻ nghé.
Bầu
bạn của Ông Chài đã tan đàn sẻ nghé. Không riêng gì đâu. Cả mấy bầu săn ở Vĩnh
Thạnh cũng đều bị trên ra lệnh cấm. Nay không ai được tụ tập đông người, lục lạo
vào rừng như trước nữa. Bộ đội đã tập kết về đây chuẩn bị tiến công lên Tây
Nguyên. Đợt đánh đấm nầy phải giấu chỗ đóng quân. Không như bộ đội của trung
đoàn ông Vi Dân năm về đánh lên đồn Tú Thủy, chưa áp sát vào đồn đã gọi loa
thách thức lính Tây. Đồn đã không lấy được mà ông cùng với đội quyết tử không một
ai trở về. Thằng Đực nghe Thầy Bốn nói là đợt nầy trên đánh đấm thiệt ra trò.
Phối hợp các chiến trường, bộ đội âm thầm chia cắt, cầm chân lính Tây ở đây
không cho ra cứu viện đâu tít tận ngoài Điện Biên Phủ.
Còn
Ông Chài chết. Cái chết sanh nghề tử nghiệp. Sau bận cúng con heo cắp nách được,
chẳng biết trên trước có đổ giận hay không mà từ đó bùa hàm ân hết linh. Đã mấy
lần gặp được nai nhung, dộng giáo niệm chú mấy đi nữa nai cũng cứ nhởn nhơ trên
sườn núi. Ông Chài đổ khùng. Một bữa ông ra ngoài bờ soi bủa lưới hờ sẵn. Bầy
bò của ông đang gặm cỏ dưới triền sông. Bầy bò mà lâu nay ông sắm nên là nhờ
vào tiền bán nhung nai săn được. Ông hươi giáo vẽ bùa, gọi âm binh thúc bò của
ông vào lưới. Ông muốn thử xem lệnh lạc của ông có còn hiệu nghiệm nữa hay
không. Nhưng bầy bò của ông vẫn cứ trơ trơ ra đó. Ông gào thằng Nần xách roi
lùa chúng qua đây. Bầy bò lùng nhùng, sừng ngoắc qua ngoắc lại, muốn xé cả tay
lưới đan bằng gai bố chắc nụi của lính Tây. Ông Chài trở cán giáo tiếp tay với
thằng Nần quất như điên vào bầy bò. Ông không để ý tới con bò cầm chuồng mắt đỏ
lừ, từng bước một đang tiến đến sát một bên ông. Ông Chài bị đổ ruột.
Bầy
bò của Ông Chài quặt quẹo chẳng cày bừa gì được nữa. Mà cày bừa gì đâu khi cả
làng lâu nay chỉ chăm chăm chạy theo miếng thịt. Thiếu người chăm sóc, ruộng để
khô, đất để cứng như đá, cả làng lơ thơ chỉ mấy con bò mà con nào con nấy bụng
tóp teo trơ rõ mấy cái xương sườn… Ông Chài đổ ruột chết ngay chiều hôm đó.
Không biết có ai trong bầu bạn học được cái cách gọi âm binh của ông không. Cái
cách mà muốn có thịt ăn chỉ cần bắt quyết, tay vẽ bùa, miệng niệm chú, nhưng mỗi
lần bắt quyết, nhất thiết sau đó phải cúng tạ một con heo.
Thằng
Đực giờ đây đã hình dung ra được những trật trìa trong chuyện nhận ơn và phải
trả ơn. Nó nhớ lại lời nói của Thầy Bốn Rượu ngày nào : “Nhận
hàm ân là phải kề cận trên trước. Cả làng sẽ phải khổ thôi. Để rồi coi…”.
Tháng Một năm 2016
Phan Trường Nghị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét