Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

BÁC SĨ TRƯƠNG THÌN


Bác sĩ Trương Thìn (1940 – 2012) nguyên phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên viện trưởng Viện Y Dược học TP.HCM, nguyên chủ nhiệm bộ môn Y học cổ truyền Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chủ tịch Hội Đông y và Hội Châm cứu TP.HCM, ông được bạn bè gọi là người đi tìm thuốc trong nghệ thuật, vì ông không những là Bác sĩ mà còn là Họa sĩ, Nhạc sĩ, Ca sĩ. Những ca khúc ông sáng tác, phổ thơ đều là những “bài thuốc chữa bệnh tâm hồn”.

Năm ngoái anh Mang Viên Long có bài viết “Nhạc Sĩ Trương Thìn và Dạ Khúc Trăng Thơm” điểm qua mảng hoạt động văn nghệ nầy của ông. Hôm nay đọc lại để tưởng niệm, tiễn đưa ông, khi Ông “đã nhẩn nha thưởng thức tận giọt cuối vị nồng say của ly rượu thế gian”, từ giã cõi đời vào ngày 20.12 vừa qua.


NHẠC SĨ TRƯƠNG THÌN VÀ “DẠ KHÚC TRĂNG THƠM”


Sáng ngày 23 tháng 6/2011 vừa qua, tôi được quý bạn văn “rủ rê“ đến café Bros đường Nguyễn Văn Thủ - quận 1, để tham dự buổi giới thiệu & phát hành tuyển tập truyện ngắn của 12 thân hữu trong và ngoài nước. Và, 18 ca khúc của Bác sĩ - Nhạc sĩ Trương Thìn, phổ thơ của hai nhà thơ mệnh bạc & tài danh là Hàn Mặc Tử & Bích Khê (mỗi tác giả 9 ca khúc).

Đúng như lời nhà thơ VTQ đã “rỉ tai“ với tôi trước đó ở quán Nghệ Sĩ, đến Bros – tôi đã được gặp lại một số anh em mà đã rất lâu – từ 40 năm đến vài chục năm, chưa có dịp gặp lại :  Anh Dương Nghiễm Mậu, Đỗ Hồng Ngọc, Lữ Kiều, Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Khuất Đảu, Nguyên Minh, Trần Hữu Dũng, Trần Duy Phiên (…) và những anh em mới được quen trên VCV như Đinh Kim Phúc, Hiếu Tân, Quyên Di (…) cùng số đông anh chị em văn nghệ sĩ thành phố….

Tại đây tôi đã gặp Bác sĩ – Nhạc sĩ Trương Thìn - người đã được đặt cho cái biệt danh “người tìm thuốc trong nghệ thuật“. Trước khi được “đủ duyên“ gặp anh (và nghe anh hát), tôi đã từng đọc thơ anh (Y đạo ca Lãn Ông, Mấy Cõi Rong Vui, Rong Khúc Bùi Giáng, Thong Dong Ca…), đã nghe nhạc của anh, và đôi lần được xem tranh của anh trong vài cuộc triển lãm chung ghi lại qua các trang Website…

Lần đầu gặp anh – tôi cảm mến ngay cái phong cách giản dị, hồn nhiên mà rất nghệ sĩ ở người thầy thuốc tài hoa này: Áo blu trắng rộng, ngắn tay – với cặp kính gọng đồi mồi trên khuôn mặt bình thản (cho dù, tôi đã được biết – anh đang mang trong người một căn bệnh hiểm nghèo) –  đã đi lại, giao lưu chuyện trò cùng bằng hữu môt cách nồng nhiệt và thong dong.


Tôi nhận tập “Dạ Khúc Trăng Thơm“ (thơ Hàn mặc Tử & Bích Khê) nhạc họa Trương Thìn do anh gởi tặng, như một món quà kỷ niệm khó quên nhân dịp gặp nhau tại Saigon.

Tập Thơ Nhạc Họa gồm có 2 phần :  Phần một – Dạ Khúc Chơi Giữa Mùa Trăng gồm 9 bài thơ của HMT được phổ nhạc là : Bẽn Lẽn, Đà lạt Trăng Mờ, Đây Thôn Vỹ Dạ, Ước Ao, Một Miệng Trăng, Say Trăng, Ngủ Với Trăng, Chơi Trên Trăng, Huyền Ảo. Phần hai : gồm 9 bài thơ của BK được phổ nhạc như: Mộng Cầm Ca, Hoàng Hoa, Tỳ Bà, Cuối Thu, Sầu Lãng Tử, Mơ Tiên, Nàng Bước Tới, Hiện Hình, Huế Đa Tình.

Phần họa, có tất cả 22 bức tranh vẻ phác càm nhận từ những bài thơ của hai tác giả …Đặc biệt, trước khi lắng hồn vào âm điệu của mỗi ca khúc – Trương Thìn đã có “ lời dẫn của từng bản nhạc cũng từ ý thơ của Hàn Mặc Tử” - với độ nhạy cảm cao, và sâu.

Cách “thưởng thức thơ“ của bác sí - nghệ sĩ Trương Thìn có vẻ khác hơn nhiều người – tôi cũng nhận ra, đây cũng là “cách riêng“ để đi vào từng lời thơ của người xưa mà anh đã yêu thích :  Anh đọc để cảm, viết lời dẫn để chia sẻ, vẽ để thấm sâu, và dùng âm thanh để chuyễn tải niềm đồng cảm mênh mang đến cho mọi người … Anh đã tâm sự : “ (..) cách thưởng thức sâu nhất, nhiều rung cảm nhất có lẽ là tự mình phổ nhạc những bài thơ của Bích Khê – Hàn Mặc Tử. Tôi thưởng thức từng bài thơ nhiều lần và tự nhiên thanh âm hiện ra thành những ca khúc…”. Anh đã có đủ tài năng để đi vào thơ HMT & BK bằng hai ngã đường nghệ thuật : Nhạc & Họa!

Khi nhìn - nghe anh & ca sĩ Giáng Hằng cùng trình bày “Bẽn Lẽn“, “Đà lạt Mờ Sương“ – tôi mới cảm nhận hết được từng nốt thăng trầm sâu kín đã ẩn chứa trong con người đa cảm, rộng mở và dạt dào yêu thương nơi anh. Một mình, trong căn phòng ấm áp tràn ngập tình bằng hữu một sớm mai Saigon vào Đông – Anh đã say sưa trình bày những ca khúc (Đây Thôn Vỹ Dạ, Say Trăng, Cuối Thu, Sầu Lãng Tử…)  như trút hết nỗi lòng, như trao gời cùng anh em nỗi niềm còn lại, và tôi đã cảm thấy rưng rưng khi nghĩ đến ngày phải trở lại quê nhà, xa anh…

Sau cùng, Anh đã nói : “ (…) Chỉ tiếc những nốt nhac in trên trang giấy này vẫn chưa diễn đạt hết cảm xúc. Giá như tôi được ngồi bên các bạn, ôm đàn mà hát thì Hàn MặcTử - Bích Khê sẽ hiện ra, thì các tiên nữ hiện ra, thì nàng thơm hiện ra…”.

Tất cả đã hiện ra sáng nay trong căn phòng sum họp thương yêu này rồi, anh Trương Thìn ạ! Tôi đã chợt thấy Nàng Thơm của anh…

Xin gởi lời cám ơn người nghệ sĩ Trương Thìn đã cho tôi một buổi sáng Saigon để yêu thơ & nhạc & họa một cách say đắm - giữa cuộc vô thường ngắn ngủi mà lắm gian truân hệ lụy này!

Saigon 6 tháng 7 năm 2011.
MANG VIÊN LONG

1 nhận xét:

  1. Người ta biết nhiều BS Trương Thìn: "Người đi tìm thuốc trong nghệ thuật, vì ông không những là Bác sĩ mà còn là Họa sĩ, Nhạc sĩ, Ca sĩ. Những ca khúc ông sáng tác, phổ thơ đều là những “bài thuốc chữa bệnh tâm hồn”.

    Nhưng người ta ít biết hơn, BS Trương Thìn, xin được giới thiệu bổ sung:

    Trong những năm 63;64;65 và 66 của thế kỷ 20, người dân đô thị miền Nam đã vùng lên dữ dội phản kháng độc tài, áp bức, đòi tự do dân chủ, rồi phản chiến, yêu cầu hòa bình, độc lập thống nhất tổ quốc.

    Phong trào sinh viên học sinh luôn sôi động, anh Trương Thìn đang học ở đại học y khoa Sài Gòn, anh đã không làm ngơ trước thế sự, đứng về phía đồng bào và chính nghĩa.

    Anh là người góp phần kêu gọi sinh viên dậy mà đi, hùng hồn và thuyết phục trong hội thảo ở giảng đường; Anh là một trong những đầu tàu của văn nghệ sinh viên học sinh, của tiếng hát những người đi tới, hát cho đồng bào tôi nghe…

    Anh mãi được ghi nhớ là một Trưởng đoàn văn nghệ sinh viên học sinh, đa năng, hiệu quả và hấp dẫn.
    Mời coi chi tiết ở đây

    Trả lờiXóa