Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

"SAU CƠN TỈNH LẠI" CỦA THẦY


Đọc bài thơ SAU CƠN TỈNH LẠI của Thầy Nguyễn Đình Lương, in trong tập thơ «MUỐN QUAY VỀ NÚI», nxb Thanh Niên - 2011 là một trong những bài thơ Thầy viết, làm mình thật sự… xúc động! 

SAU CƠN TỈNH LẠI

Chiêm bao mộng giữa ban ngày
Tỉnh ra mới biết uống say quá trời
Hỏi chai - chai chẳng có lời
Hỏi ly - nghiêng ngửa
Hỏi đời - bể dâu 
Hỏi người - còn ở đẩu đâu
Hỏi mây, hỏi gió - dãi dầu tới lui
Hỏi lòng - chẳng biết buồn vui
Hỏi thiên thu - chỉ sụt sùi cát bay
Nguyễn Đình Lương

Nhớ Thầy ghê, Thầy ra đi… còn để lại cho đời những vần thơ hay tuyệt, chắc lọc nhiều suy tư, bồng bềnh như mây như gió…

Theo thiển ý cá nhân mình, xin ghi lại vài cảm nhận nho nhỏ hầu chia sẻ cùng các bạn…

Bài thơ dùng bút pháp theo thể «lục bát», gồm 8 câu. Mở đầu bằng 2 câu tự sự về cái say cảm nhận được «sau cơn tỉnh dậy»:

Chiêm bao mộng giữa ban ngày
Tỉnh ra mới biết uống say quá trời

Tác giả như thấy mộng trong cõi mộng giữa ban ngày, và nối tiếp những câu thơ sau bằng một loạt từ «hỏi» dẫn đầu… Cũng xin nói thêm động từ «uống» trong câu 2, không hoàn toàn là uống rượu mà nó có nghĩa khái quát rộng hơn, như uống cả chất đắng cuộc đời và từ «say» ở đây cũng vậy, không hoàn toàn là say rượu mà cũng có thể là say đời hay say như chết đi sống lại… Chợt bàng hoàng bừng tỉnh giữa bờ ranh HƯ VÔ - THỰC TẠI…Thật vô thường!

Cái thần trong bài thơ toát ra như đang phiêu linh giữa mộng và thực - bồng bềnh giữa mênh mông vô tận… Đó chính là «sự hoài nghi» giao cảm giữa thực tại và hư vô, giữa cái sống và cái chết gần như vô phân biệt! (Hiểu theo triết lý Phật giáo)

Hỏi chai - chai chẳng có lời
Hỏi ly - nghiêng ngửa
Hỏi đời - bể dâu
Hỏi người - còn ở đẩu đâu
Hỏi mây, hỏi gió - dãi dầu tới lui
Hỏi lòng chẳng biết buồn vui
Hỏi thiên thu - chỉ sụt sùi cát bay

Tác giả đã dùng tới 8 động từ «hỏi» như một con thuyền bát nhã lênh đênh, rong rủi giữa sóng gió cuộc đời… Hỏi, mà như không hỏi vì chẳng có một dấu hỏi (?) nào trong cả bài thơ, ngoại trừ một dấu (,) và những dấu ngang (-) kết dính giữa mỗi từ hỏi như một ẩn số «tự mở». Như vậy từ «Hỏi» ở đây, có nghĩa là nghi hay tư nghì, như chiêm nghiệm trước một công án Thiền tự mở cõi lòng mình chăng (?)

Có thể, trong «cơn tỉnh»… , còn ngấm mơ mơ - màng màng, tác giả đã từng hỏi: - Chai ơi (tự tình ?)! Mày từ đâu đến? Mày có thấy cuộc đời là bể khổ? Hay : - Ly này (ly biệt…?)! Em không uống mà sao lăn quay ra thế? Sao chúng bay không trả lời?...

Và ta cũng cần đề cập thêm về cặp từ «tới - lui» - «buồn - vui» (câu 6 - 7) là cặp từ mâu thuẩn, đối xứng để Tác giả tư nghì và đặc biệt toàn bài thơ Tác giả nhấn mạnh ở câu 4 qua cách ngắt nhịp 4 chữ - xuống dòng - chuyển dịch; để nói lên cái lẽ vô thường của vũ trụ; cái nhỏ bé, ngắn ngủi có có - không không của một kiếp người như một quy luật thường hằng tất yếu…

Hỏi ly - nghiêng ngửa
Hỏi đời - bể dâu
Hỏi người - còn ở đẩu đâu
Hỏi mây, hỏi gió - dãi dầu tới lui
Hỏi lòng chẳng biết buồn vui
Hỏi thiên thu - chỉ sụt sùi cát bay

Chỉ có tiếng vọng cô đơn, lẻ loi của chính mình dội lại trong cái không gian tẻ ngắt, hòa quyện cùng âm thanh hỗn độn, xô bồ của mọi vật xung quanh… Hỏi bằng con tim. Lắng nghe đất trời bằng con tim, và rồi Tác giả… TỰ NGỘ RA điều mình «hỏi» !

Tác giả có nghi nên mới quan sát, chiêm nghiệm, nghiền ngẫm sự đời về thế thái nhân tình, về thói cay đắng, bạc bẽo, vô liêm sĩ của người đời. Lắm lúc, tác giả cảm thấy mình rơi xuống tận cùng địa ngục như bị xua đuổi, rẻ khinh, ruồng bỏ… Lắm lúc lại được trọng vọng, mời mọc như một cao nhân cũng trong không gian, thời gian cuộc sống ấy! Nó lăn như một con quay…

Là nét cuồng và cũng chính là nét cười ngông chua chát trong thơ Thầy Nguyễn Đình Lương. Cái hay của bài thơ, có lẽ chính là ở đây! Ranh giới giữa mộng và thực ở đây là thực tướng và cũng là thực tánh của Tác giả (chỉ là một)

Mạch thơ «lục bát» mang dáng dấp hơi thiền, lột trần bản ngã chính mình tựa sương khói, mây trôi… Đi - Về cội nguồn nguyên sơ như đất - nước - gió - lửa…

Cảm nhận bài thơ SAU CƠN TỈNH LẠI qua cú pháp và ngữ nghĩa, có lẽ không theo âm thanh giác quan hoàn toàn đơn thuần, mà hãy cảm nhận bằng âm thanh trái tim vậy!

Nguyễn Ngọc Thơ
Lớp 7C Niên khóa 1973 - 1974
TH Quang Trung Bình Khê (Tây Sơn)

CÕI LẠC
Vọng nhớ Thầy, cố Nhà thơ Nguyễn Đình Lương

Thầy về ngồi dưới chân mây 
Qua cơn mộng mị gác tay mỉm cười 
Thế gian gởi lại cho đời 
Vỗ đàn hát khúc - biệt ly kiếp người!
Uống cho…
Trời đất lăn quay 
Uống cho…
Thiên hạ tỉnh say hóa cuồng 
Nghe trong lời nói trần truồng 
Dư âm đọng lại - cội nguồn nguyên sơ!
Nguyễn Ngọc Thơ


3 nhận xét:

  1. Xuan Truong20:46 29/11/14

    Chào ông bạn Nguyễn ngọc Thơ có rất nhiều bài thơ ,học lớp bảy Xơ năm nào kia ơi.
    Đọc bài của bạn mấy lần rồi,muốn viết comment cho bạn vì thích lắm,nhưng cứ do dự mãi, tại thấy bài viết của Thơ như "chuyên nghiệp",nên Xuân không dám “ múa rìu qua mắt thợ” , hihi, nhưng cuối cùng vẫn viết vì nghĩ mình" hầu nhỏ" đã quen múa may trên sân khấu rồi, giờ múa thêm chút nữa cũng không sao,chắc không ai nỡ đuổi xuống sân khấu đâu, hihi nhất là bạn Thơ hiền lành của lớp 8A sau nay,phải không Thơ?
    Đọc nguyên bài viết của Thơ mấy lần, thấy như bạn hiểu Thầy ghê lắm, từ 2 chữ “ uống” và chữ “say” trong 2 câu thơ đầu của Thầy mà Thơ cho là : " Chợt bàng hoàng bừng tỉnh giữa bờ ranh HƯ VÔ - THỰC TẠI…Thật vô thường!”, bạn đã dùng triết lý Phật giáo để viết:
    "Cái thần trong bài thơ toát ra như đang phiêu linh giữa mộng và thực - bồng bềnh giữa mênh mông vô tận Đó chính là sự hoài nghi giao cảm giữa thực tại và hư vô, giữa cái sống và cái chết gần như vô phân biệt"
    Lúc trước khi Xuân đọc bài “ Sau còn tỉnh lại “ của Thầy, Xuân chỉ biết là hay thôi vì nói thật Xuân dở về thơ lắm, nhưng sau khi đọc bài của Thơ xong ,Xuân thấy lúc trước mình đã hiểu một cách đơn giản quá. Cảm ơn Thơ nhiều lắm.
    Bài thơ Cõi lạc viết cho Thầy của Thơ hay quá
    “ Thầy về ngồi dưới chân mây
    Qua cơn mộng mị gác tay mỉm cười
    Thế gian gởi lại cho đời
    Vỗ đàn hát khúc - biệt ly kiếp người!”
    Hình như lúc ban đầu Thơ hoc ban Toàn C1 của bọn Xuân, sau đó đổi qua ban A ,ban Văn, đúng không Thơ? Nếu vậy thì bạn chọn đúng ban rồi đó, hơn nữa bạn đúng là tên Thơ, mà là Ngọc Thơ nữa đấy. Tên nó vận vào người rồi bạn quơi!

    Trả lờiXóa
  2. Trời, tậu nghiệp Thơ mà Xuân Trương quơi, hổng dám "chuyên nghiệp" mô, "nghiệp" này chắc bị dư...trần trụi dấn vào thân nửa đời xơ xác, nắng rát bỏng da thì có!Thâu, đừng thả gió lốc...thổi cuốn mình bay lộn tùng phèo rớt... cái phịch thì hẻo nnt luôn, cho nẫu xin hai chữ bình yên!(cừ)
    -Thơ vẫn nhớ hoài thời Xuân, Kiều, Bút, Hoa A, Trần Minh Tuấn, Thông, Thơ...cùng ở đội văn nghệ Khối 12-Tụi mình cứ tụ lên sân thượng Trường tập... "múa nhảy từng tưng tưng"- hình như là Hái chè, Rong chiêng, Việt Nam trên đường chúng ta đi...? Giờ nghĩ lại một thời áo trắng ngây thơ,thấy vui vui, lòng trẻ ra Xuân nhỉ?...
    -Ủa, lớp 8A là lớp Xuân với Lụa, Vịnh, Sỹ, Đ.K.Tuyến, Đ Tiến...mà, còn Thơ học ở 6c-7c-8c với Đảm, Trung, Ẩn, Thành Sơn, Tâm Ti, Nhuần, D.B.Toàn...
    Xuân ơi, vâng, mình chọn "nguyện vọng" là Ban A, nên khi xếp vào C1 đầu cấp 3, mình năn nỉ Thầy Tùng chuyển đó, nhưng học hết 12A đi thi...HSLL bị phân loại-loại ngay từ cửa đầu, Ban Tuyển sinh giữ lại không thuộc diện đào tạo...Sự học mình ra đời chìm nổi mãi gần 40 tuổi mình mới ký được giấy tờ- hộ khẩu vào học tại chức ở ĐHKHXH&NV...
    _Cảm ơn Xuân đã đồng cảm "bài viết" cho Thầy, chúc gia đình Xuân-Chị Nguyệt-Út Miinh bên ấy đón Lễ Tạ Ơn và Giáng sinh sắp đến đoàn tụ thật vui, hạnh phúc và luôn bình an nghen.
    -Anh TVD và chị Elena có nói với Thơ sắp bay qua đó, vậy là cả nhà dzui thả cửa hén!(cừ)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xuan.Truong16:44 1/12/14

      Hihi Nguyễn Ngọc Thơ. Vậy mà trong đầu Xuân cứ nghĩ Thơ học lớp 8a. tời vơi, không lẽ tui bắt đầu có tính thấy sang bắt quàng làm họ sao hè? Thâu ,ăn gian kỳ này không được thì bỏ, kỳ sau ... ăn gian tiếp, hihi.
      Đúng rồi Nguyễn ngọc Thơ, năm nay gia đình Xuân sẽ có một mùa Noel đoàn tụ đấy ông bạn tên Thơ có rất nhiều bài thơ , học lớp 7 xơ năm nào kia ơi , ạ ạ ạ ạ..

      Xóa