Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ TÔN SĨ NGHỊ (2)


Quân Thanh dưới dòng Nhị Hà

Viên Mai còn trích dẫn 1 bài thơ “bình nam “ nữa của TSN, bài đó như sau (cũng không có nhan đề)

BÀI 2
Cầu, đới cư nhiên biến bách man
Nhị Hà ân hứa xướng đao hoàn
Văn Uyên tích dĩ mai đồng trụ
Định Viễn tâm nguyên luyến Ngọc Quan
Nhị nguyệt hoa nùng Hoàng Mộc độ
Tam niên hương nhiễm tử thần ban
Chỉ nhân yêu điểu sào do tại
Mộng nhiễu La Bình vị khẳng hoàn




Chú thích của dịch giả Trương đình Chi :

Bách man: trăm giống Man, chỉ Bách Việt
Nhị Hà : sông Nhị Hà ở Việt Nam
Văn Uyên: tên hiệu cuả Mã Viện, tên giặc Tàu đời Đông Hán cầm quân đánh  Hai Bà Trưng của chúng ta
Định Viễn: tước của Ban Siêu, tướng của đời Hán Minh Đế, đánh dẹp rợ Hồ, được phong Định Viễn hầu. Ngọc Quan là tên cữa ải ở tỉnh Cam Túc, tiếp giáp Hung nô, nơi Ban Siêu vượt qua để đánh dẹp Hung nô
Hoàng Mộc độ: bến sông cách Bắc kinh 2 dặm
Tử thần ban: tên một cung điện có từ đời Hán, Về sau người ta thường dùng để chỉ chỗ nhà vua ngồi
La Bình: vùng đất thuộc Vân Nam, có lẽ đây là doanh trại hậu phương của TSN trong chiến dịch chinh nam

Nghĩa toàn bài:

Áo cừu và đai áo rõ ràng đã có mặt trên đất của trăm giống man
Ơn vua đã ban cho được khải hoàn rút quân ở Nhị Hà về
Công của Văn Uyên thì nay trụ đồng đã bị vùi lấp
Tấm lòng của Định Viễn vẫn luôn luyến tưởng ải Ngọc Quan
Tháng hai hoa nở đầy bến Hoàng Mộc
Ba năm được hương thơm thấm nhuần đứng ở điện Tử Thần
Chỉ vì tổ loài chim yêu quái vẫn còn đó
Trong giấc mộng luôn luôn nghĩ đến đất La Bình

Phê bình bài thơ này:

Theo tình tiết trong bài thơ, thì bài thơ này được TSN sáng tác sau 3 năm làm quan tại triều (Tam niên hương nhiễm Tử thần ban). Theo sử liệu, thì sau khi bại trận nhục nhã ở Việt Nam (1789), TSN đựơc triệu về Bắc Kinh nhận chức Binh Bộ thượng thư. Làm việc tại triều đưọc 3 năm thì được cử làm Tổng đốc Tứ Xuyên (1791). Theo cách tính ngày giờ  âm lịch ở Việt Nam và Tàu ngày xưa, thì Kỷ Dậu (1789), Canh Tuất (1790), và Tân Hợi (1791) được tính là 3 năm. Như vậy bài thơ này chắc chắn được sáng tác trong năm Tân Hợi (1791) hay sau đó.

Xét về niêm, luật, vận không có gì đáng lưu ý
Xét về bố cục bài thơ, thì bài này tương đối chặt chẽ hơn bài kia.Tuy nhiên, chữ trong những cặp câu thực và luận vẫn chưa đối nhau thật chỉnh:
-  Trong 2 câu thực, danh từ chung ĐỒNG TRỤ đối gượng ép với  danh từ riêng NGỌC QUAN!  Chữ “dĩ” đối không chỉnh với chữ “nguyên” vì 2 chữ khác tự loại.
-  Trong 2 câu luận, hai cặp chữ NHỊ NGUYỆT và TAM NIÊN mới nhìn thoáng qua thì thấy đối nhau rất chỉnh, nhưng xem kỹ lại thì đối nhau rất guợng ép, vì :
NHỊ NGUYỆT (tháng hai) dùng làm mốc đánh dấu thời gian,
TAM NIÊN (ba năm) là thời lượng, dùng để đo thời gian
Hoàng mộc độ (Bến Hoàng mộc) theo dịch giả thì nơi đó cách Bắc Kinh chừng vài dặm, có một cây gỗ quý, tục truyền đó là thứ gỗ trầm nhà Minh đã dùng làm cung điện còn sót lại. Ý TSN tự ví mình như rường cột của triều đình nhà Thanh. Từ ý nghĩa đó, chúng ta nhận thấy Hoàng mộc độ  tuy có đối với  Tử Thần ban (chỗ ngồi của vua) nhưng không đưọc chỉnh cho lắm.

Xét về ý, thì những câu thơ trong bài này vừa đầy tình chất ngạo mạn, vừa biểu hiện tính cách hèn nhát của người bất tài muốn tìm cách đổ lỗi cho sự thất bại của mình. Hai tính chất đó trái ngược nhau, càng làm lộ rõ sự cấu tứ gượng ép.

Mở đầu  thì vênh váo cho là  biểu tượng văn minh của nuớc lớn, gồm có  áo cừu và đai áo đã hiện diện rõ ràng khắp mọi miền đất nước của trăm giống man! Rồi tự khoát lác là ơn vua đã hứa cho khải hoàn, rút quân ở Nhị Hà về! Sự thật thì đã chạy trối chết, lên ngựa không kịp thắng yên cương, quăng cả ấn tín, chui vô ống đồng cho quân sĩ khiên chạy mà khải hoàn cái nỗi gì? Thât là vô liêm sỉ!

Vô liêm sỉ hơn nữa là có ngụ ý so sánh mình với hai viên tường có công đối với dân Tàu là Ban Siêu và Mã Viện. Dù so sánh như vậy, mà hai câu thực này vẫn hé lộ một tâm trạng kém vui khi nhắc đến việc trụ đồng đã bị vùi lấp, và tấm lòng của viên tường già tưởng nhớ tới ải quan. Do đó, hai câu thơ mang nặng nỗi cảm hoài, thiếu hùng khí! Phải chăng đó là vì có sự ngượng ngùng, gượng ép do so sánh không đúng sự thật?

Lại còn hảnh diện tự xem mình là trụ cột của triều đình nhà Thanh, ý muốn  nói đến việc được triệu về kinh thăng chức Binh bộ thượng thư, được đứng ở điện Tử thần, được gần gũi vua.

Nhưng liền sau đó, câu thơ thúc kiết (câu 7) biểu lộ sự bực dọc của y vì nghĩ đến “cái tổ chim yêu quái vẫn còn tồn tại” ( chỉ vua Quang Trung của chúng ta, vẫn còn là cái gai trước mắt, chưa có thể nào phá đi được), nên khiến cho y liên tưởng đến hậu cứ La Bình, như Ban Siêu ngày trước lòng vẫn luôn nhớ đến ải Ngọc Quan!

Chúng ta có thể đi guốc trong bụng TSN.

 Khi viết bài thơ nhớ về cuộc chinh nam này, những kỷ niệm cay đắng về Việt Nam chỉ mới trải qua có 3 năm, vẫn còn sờ sờ ra đấy, đâu đã dễ gì phai nhạt trong ký ức của người trong cuộc! Mộng hồn TSN luôn nhớ về việc thoát chết trong đường tơ kẽ tóc ở Việt Nam, chứ không phải nhớ về hậu cứ La Bình, theo cái kiểu bắt chước Ban Siêu luôn tưởng nhớ tới ải  Ngọc Quan. Đây là  một cách biểu lộ niềm hoài cảm của những viên tướng lập được nhiều công trạng chốn biên thuỳ, tấm lòng và hồn mộng luôn nhớ về chốn quan ải xa xôi, nơi đã trở thành một chốn thân thương, gắn bó với một phần của cuộc đời ngang dọc đầy chiến công hiển hách của mình.

Còn đối với TSN, hắn có gì để nhớ tới với một niềm hảnh diện?! Có chăng, điều chắc chắn mà hắn nhớ tới trọn đời là những nỗi khiếp sợ trong lúc chạy thoát thân, tránh cái chết trong gang tấc, chứ không thể nào nhớ đến chỗ hậu cứ La Bình, nằm sâu tận trong nội địa nước Tàu, chẳng gợi lại chút hình ảnh nào của chiến công, của sự nghiệp của một võ tường!.

Chính vì nhớ đến cái “đòn đau nhớ đời” này nên TSN mới bày tỏ lòng hậm hực đối với người đã suýt giết được mình! Hắn đã tỏ lộ hết  nỗi căm hận vì thất trận trước vua Quang Trung và gọi vị anh hùng của chúng ta là “yêu điểu” (con chim quỷ).

Vâng, hỡi linh hồn tên giặc già khốn kiếp kia ơi!  Quang Trung đại đế của Việt Nam  là một  đại bàng vương! Nếu nhà ngươi chậm chân một chút xíu nữa thôi, nếu nhà ngươi không kịp vượt qua cầu phao ngày mồng năm tết Kỷ Dậu, thì chắc chắn số phận ngươi cũng đã sớm được kết thúc bằng những móng vuốt cực kỳ dũng mãnh của hàng vạn đại bàng phương nam, đã từng  kết thúc cuộc đời của Hứa Thế Hanh, Thượng duy Thanh, Trương triều Long, Sầm nghi Đống và  mấy chục vạn quân sĩ của ngươi.

Tóm lại bài thơ thứ hai này làm ra trong lúc tâm trạng không được vui, cấu tứ gượng ép, ghép chữ cho đủ bài hơn là được sáng tác bắt nguồn từ một cảm hứng thật sự, nên tứ thơ rời rạc, khiến cho bài thơ không có giá trị.

TSN đã không biết học hỏi kinh nghiệm làm thơ từ người bạn cùng thế hệ với mình là Ngu Sơ Trương, người đã đưa ra lời khuyên rất chí lý cho những ai muốn làm thơ hay  như thế này: “Thơ sinh ra ở tâm, viết thành chương là ở tay, lấy tâm vận dụng tay thì được, lấy tay mà thay tâm hẳn là không được”. Rõ ràng TSN đã lấy tay mà thay tâm, tay y chỉ có ghép chữ, từ những ý tưởng rời rạc cho đủ 8 câu 7 chữ thì làm sao cho thơ y hay được?!

Lẽ ra, TSN không nên làm những bài thơ thiếu cảm hứng sáng tác như thế này! Đây là những bài thơ có tính cách chạy tội rất ngây ngô! Những bài thơ này chỉ làm cho bản chất thấp hèn của người viết lộ rõ ra mà thôi! Từ đó, tiếng tăm về mặt văn thơ của TSN nếu có chút ít, cũng sẽ vì hai bài thơ này mà mai một đi.

Tuy nhiên, về một phương diên khác, hai bài thơ này có thể nói lên rất rõ ràng những đặc tính tiêu biểu của bọn quan lại Tàu trong mọi thời đại, đó là:

-   Ngạo mạn tự cho dân tộc mình là văn minh, có sứ mệnh khai hoá cho những sắc dân nhược tiểu.
-   Vô liêm sỉ không chấp nhận sự thất bại đã rành rành vẫn ngoác mồm khoe chiến thắng!
-   Tự cho mình có công trạng như bao anh hùng khác trong khi thực sự mình không xứng đáng được tha tội đã để thất trận, làm cho hao binh, tổn tướng, gây mất thể diện quốc gia
-   Vênh váo khi được vua bỏ qua sự bất tài, tái trọng dụng sau khi bị thất trận
-   Không công nhận tài ba của đối phương, dù trong lòng khiếp sợ kẻ đã đánh bại mình mà mồm vẫn kêu là yêu quái. Tính chất “quân tử Tàu”, trọng kẻ có tài, dù đó là kẻ thù của mình, đã không được tên tiểu nhân TSN này quan tâm  đến!

Từ những phân tích ở trên, chúng ta thấy cả hai bài thơ đều rất tầm thường. Theo một học giả Việt Nam, nếu có ai đó làm một tuyển tập thơ, tuyển chọn chừng một vạn bài từ thời Tiền Hán đến thời Mạt Thanh chắc chắn chẳng thèm ngó tới hai bài thơ này!

Ở chỗ này xin được có vài lời phân biệt giữa thi thoại và thi tuyển. Ai cũng biết thi thoại và thơ được chọn đưa vào thi tuyển khác hẳn nhau. Một bài thơ trong thi tuyển chỉ là một bài thơ, ngoài ra không có gì khác kèm theo. Trái lại, một thi thoại chủ yếu mang đến cho người đọc một câu chuyện quanh bài thơ đó, và bài thơ chỉ xuất hiện như một chứng tích cho câu chuyện. Vậy mà, Viên Mai đã hầu như quên mất hẳn việc tạo ra một “cái thoại” quanh hai bài thơ này, chỉ viết võn vẹn có 4 dòng. Người đọc không thấy thoại trong thi thoại, nên bấy giờ bài thơ được người đọc chú ý hơn là mấy dòng giới thiệu của soạn giả. Thoại đã hầu như không có, độc giả quay tìm đến hai bài thơ thì hoá ra chỉ là hai bài thơ rất tầm thường. Cái hỏng xuát phát từ  chỗ này!

Tùy viên thi thoại của Viên Mai được dịch giả Trương đình Chi dịch ra tất cả là 645  thoại, mà hầu hết thoại nào cũng được soạn giả giới thiệu trân trọng hay khen ngợi môt vài câu. Nhưng với 2 bài thơ TSN trong thoại mang số 569 này, như đã nói ở trên, soạn giả  không hề đưa ra một lời bình phẩm nào. Hình như Viên Mai đưa thơ TSN vào thi thoại của mình chẳng qua là một sự nể lòng bạn bè, hoặc là lưu lại chút tình với người đồng hương Triết Giang của mình mà thôi.

Tính cách “nể lòng, chìu bạn” này chúng ta có thể thấy rõ qua khá nhiều thoại mà soạn giả đã đưa vào tác phẩm của mình. Có khi chỉ là dăm ba câu thơ xoàng xoàng của người thiếp yêu, của em trai, em gái, của ông chú, bà cô, của học trò, hay của bạn đồng liêu, hoặc của cấp trên muốn lưu chút tiếng tăm hão trên chốn văn đàn (5).

Trong chiều hướng đó, khi chọn một thoại của bất cứ thi sĩ nào để đưa vào tác phẩm của mình, chắc chắn Viên Mai có lựa chọn kỹ và chỉ đưa vào thoại những bài thơ, câu thơ hay nhất, đáng đại diện cho sự nghiệp thơ của thi sĩ đó. Vậy thì, hai bài thơ trên của TSN, dưới mắt Viên Mai là những bài hay nhất của y chăng?!

Nhưng những gì chúng ta đã thấy ở trên chỉ làm cho chúng ta thất vọng thật sự với thơ cuả TSN mà thôi! Mặc dù Tuỳ Viên Thi Thoại là một tác phẩm có giá trị về lý luận thi ca, và về văn nghệ cổ của Trung Hoa, nhưng thiết tưởng ngọc nào mà chẳng có vết, nên Tùy Viên Thi Thoại vẫn có những hạt sạn lẫn lộn giữa những châu ngọc là chuyện bình thường. Một trong những hạt sạn nổi cộm đó là hai bài thơ của TSN mà lẽ ra Viên Mai không nên đưa vào tác phẩm của mình.

Từ đó chúng ta có thể nói gọn lại một câu về TSN: về võ nghiệp TSN là một bại tướng nhục nhã, còn trong văn nghiệp chúng ta cũng nên đặt một sự nghi ngờ về thực tài  văn thơ của người từng có học vị tiến sĩ này.           
                            
Những ngày nhớ tết ở quê nhà
TP Anh


GHI CHÚ :

(1) Tôn Sĩ Nghị (1720-1796)  tự là Trí Dã, còn có tên tự khác là Bổ Sơn, người tỉnh Triết Giang, là môt đại thần của nhà Thanh, Trung quốc. Tôn Sĩ Nghị (TSN) đậu tiến sĩ đời Càn Long, nguyên là quan văn trải qua các chức vụ tại kinh đô: nội các thư trung, thị độc, biên tu, thái thường thiếu khanh. Sau đó làm bố chánh sứ ở Sơn Đông, rồi đổi sang làm tuần phủ Quảng Tây. Trong thời kỳ trị vì của Càn Long, TSN được cử làm Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông & Quảng tây) 2 lần:

-   Lần đầu : từ 26-2-1785 đến 1-9-1785, phụng chỉ dụ của Càn Long đến thay thế Thư Thường làm tổng đốc Lưỡng Quảng với chức danh: Tổng Đốc Lưỡng Quảng cùng Địa Phương Đề Đốc Quân Vụ, Lương Thảo kiêm Tuần Phủ Sự, là chức quan cao cấp nhất tại 2 tỉnh Quảng đông và Quảng Tây lúc bấy giờ

-   Lần thứ hai: Thay thế Phú Lặc Hồn lại tiếp tục làm Tổng đốc Lưỡng Quảng từ 2-5-1786 đến 19-2-1789

Kể từ ngày này, TSN trao quyền Tổng đốc Lưỡng Quảng lại cho Phúc An Khang, nhận nhiệm vụ thống lãnh 29 vạn quân Thanh tiến vào Đại Việt ta giúp Lê Chiêu Thống chiếm lại ngai vàng, nhưng đã bị Quang Trung Đại Đế đánh bại trong Tết Kỷ dậu (1789).

Mặc dù TSN bị thất bại nhục nhã trong trận này (là 1 trong 10 chiến dịch thảo phạt lớn dưới triều Càn Long, từng được Càn Long huênh hoang gọi là Thập Toàn Võ Công, và tự xưng mình là Thập Toàn lão nhân) nhưng vẫn được phong là Nhất đẳng mưu dũng công, là quân cơ đại thần và nhận chức Binh bộ thượng thơ. Năm 1791 làm Tổng đốc Tứ Xuyên, cung ứng quân nhu cho Phúc An Khang trong chiến dịch trừng phạt quân đội người Gurkha tại vùng ngày nay gọi là Gorka thuộc Nepal. Sau đó TSN dẫn quân trấn áp cuộc khởi nghĩa của người Miêu và Bạch Liên giáo. Năm Gia Khánh thứ nhất (1796) chết tại trung quân.

(2) Viên Mai (1716-1797) tự là Tử Tài, hiệu Giản Trai, người đất Tiền Đường, Hàng Châu, Chiết Giang. Ông sinh vào năm 1716  đời Thanh Thánh Tổ, niên hiệu Khang Hy năm thứ 55, và mất vào năm 1797 Thanh Nhân Tôn, niên hiệu Gia Khánh năm thứ 2. Ông đậu tiến sĩ năm 1740 đời Càn Long và đượx tuyển vào chân Thứ cát Sĩ, Viện hàn lâm. Sau được bổ làm tri huyện lần lượt tại các huyện Lật Thủy, Giang Phố, Thuật Dương, Giang Ninh, đến đâu cũng được tiếng là một vị quan tốt. Năm 36 tuổi, ông xin từ quan, lấy cớ phụng dưỡng mẹ già, dựng nhà ở Tiểu Thương Sơn, thuộc vùng Giang Ninh lấy việc đọc sách và sáng tác văn thơ làm công việc. Tính ông phóng khoáng, ưa vui chơi thanh sắc, và thích giao kết bạn bè. Kẻ sĩ khắp nơi trao đổi văn thơ với ông . Ông được an nhàn vui hưởng cảnh thiên nhiên và chiếm danh vọng cao trên thi văn đàn gần 50 năm. Tác phẩm của ông gồm có: Thi tập, văn tập,Tuỳ Viên thi thoại và tập truyện truyền kỳ Tứ bất ngữ.

Tuỳ Viên thi thoại được dịch và in đầy đủ ở VN 2 lần. Lần đầu vào năm 1972.Lần sau vào năm 2002. Soạn giả là Viên Mai, dịch giả là Trương đình Chi, NXB Văn nghệ TPHCM

(3) Theo lời NXB (trang 3, sđd), số thứ tự của mỗi thoại do dịch giả là Trương đình Chi đánh số, chú không phải do soạn giả Viên Mai

(4) Các trang 839, 840, 841, sđd

(5) Chúng ta có thể đơn cử một số thoại kém phẩm chất đã được soạn giả Viên Mai đua vào tác phẩm Tùy Viên thi thoại của mình một cách gượng ép như:
-   Thoại 106 nói về thơ của ông nội tác giả
-  Thoại 107 thơ của ông chú, thoại 396 thơ của bà cô, thoại 50 thơ của em trai, thoại 352 thơ của hai cô em gái, thoại 357 thơ của anh rể, thoại 414 thơ của em họ, thoại 478, 551 thơ của đệ tử, thoại 35, 158 thơ của học trò, thoại 29,99,643, 404 thơ của bạn học, thoại 486 thơ của ân nhân, thoại 622 thơ của vợ bé … … và thoại 546 này là 2 bài thơ của TSN

THAM KHẢO :

-  Tuỳ Viên Thi Thoại,soạn giả Viên Mai, dịch giả Trương Đình Chi, NXB Văn Nghệ TpHCM, 2002
-  Trận Ngọc Hồi – Đống Đa , Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
-  Mùa xuân nói chuyện Đống Đa, GS Trần Gia Phụng, www.vietbao.com
-  Quang Trung – Nguyễn Huệ, NXB Văn Hoá TPHCM, 2006
-  Việt Thanh chiến sử, Diễn đàn Hội Việt Học, www.viethoc.org/phorum
-  Tôn sĩ Nghị, www.wikipedia.org
.

1 nhận xét:

  1. Phê gay gắt "văn tài" của Tôn Sĩ Nghị, nhưng tiêu đề lại nhẹ nhàng "đọc thơ" Tôn Sĩ Nghị.
    Chả bù nhiều người hay gọi kẻ đối nghịch bằng "thằng", chẳng ra thể thống gì cả.

    Trả lờiXóa