Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

TIẾNG TỲ BÀ TRONG KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU


Buu Chau mến,

Đất nước mình đã từng trải qua những tháng năm ngập ngụa mùi súng đạn. Lứa tuổi của chúng mình ngày ấy từng chứng kiến cảnh người chung quanh sống nay mà không biết ngày mai có còn hiện diện ở trên đời. Đêm không chỉ xa nghe tiếng súng vọng về mà còn nghe chính tiếng gầm của đại bác ngay giữa lòng phố thị. Từng ấy năm kề cận với lằn ranh giữa sống và chết, hầu hết ai cũng thấy và thông cảm hình ảnh say nằm của người chiến binh trong Khúc Hát Lương Châu của Vương Hàn đã hơn ngàn năm trước :

LƯƠNG CHÂU TỪ
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Bản chép mà Buu Chau gởi cho mình, ghi lại khúc ngâm của người bạn, có lẽ đó là bản dịch của cụ Trần Trọng San :

Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu

Ngày xưa Cụ Bùi Khánh Đản cũng có bản dịch, dịch sát từng chữ:

Bồ đào, rượu rót chén lưu ly 
Muốn uống, tỳ bà giục ngựa đi 
Bãi cát say nằm, chê cũng mặc 
Xưa nay chinh chiến mấy ai về

Trong Khúc Hát Lương Châu của Vương Hàn - Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi. Khi đọc bản chuyển ngữ của mình (1), Buu Chau đã đặt vấn đề cho mình phải giải thích : căn cứ vào đâu mà mình xác định tiếng tỳ bà đó là của giặc Hồ !?

Chắc Buu Châu cũng đồng ý với mình : Mã thượng của Hán ngữ nghĩa là trên lưng ngựa, vì vậy mới có thành ngữ Tinh thần mã thượng, lâu nay nó là hình tượng của người không cạn tàu ráo máng với kẻ đã sa cơ dưới chân ngựa. Nhiều bản dịch Lương Châu Từ đều toát lên ý nghĩa tiếng tỳ bà thúc giục người chiến binh lên ngựa ra trận. Cũng đúng là như vậy, nhưng xem ra có vẻ khập khiễng vì thượng mã mới là lên ngựa, người chiến binh đang muốn uống mà phải lên ngựa ra trận liền thì hình ảnh say nằm ở dưới kia nó sao sao ấyCác bản dịch cũng đều mơ hồ, không cho thấy rõ tiếng tỳ bà đó là của ai. Đi tìm chủ nhân của nó, trước tiên chúng mình cùng thử hình dung lại hình ảnh của người chiến binh uống rượu ngoài biên địa :

Đó có thể nào là cảnh đàn đúm, rượu chè be bét khi đã ca khúc khải hoàn, hoặc kiểu như Trương Phi nát rượu say nhè, chưa đụng trận đã để mất Từ Châu (!?). Đó có thể nào là cảnh được mời chén rượu khích lệ trước khi lên ngựa đề thương … kiểu như Quan Vân Trường trong trận chiến Lạc Dương, ra chém đầu Hoa Hùng mang về mà chén rượu được mời chưa uống vẫn còn ấm (!?).  Hình ảnh ủy lạo, uống rượu để nâng cao sĩ khí trước khi ra trận là hình ảnh phổ biến. Nhưng vẫn còn có một hình ảnh khác là cảnh giặc đã đến bên chiến hào, người chiến binh vẫn còn đủ hào khí đối ẩm … kiểu như Hạng Vũ giữa trùng vây, uống rượu xuất quân đánh một trận đánh cuối cùng cho ra đánh ở Cai Hạ (!?)

Người chiến binh ở Lương Châu, đất biên địa tứ bề là giặc, chén rượu khích lệ đâu đủ để say mèm giữa chiến trường. Hào khí và bi thương của Lương Châu Từ là nằm ở chén rượu uống để quyết chiến. Để từ đó mới buông ra câu ta thán để đời : Từ xưa nay ra trận, có mấy ai đã được trở về, vậy thì có gì đâu mà giễu cười cảnh say nằm nơi chiến địa !? Nó vừa có bi thương của hình ảnh trận Cai Hạ. Nó vừa có hình bóng hào hùng của cảnh ba anh em Tiêu Phong, Hư Trúc, Đoàn Dự cùng rót cho nhau chén rượu trước khi huyết chiến với quần hùng trên chùa Thiếu Lâm trong Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung.

Tác động để người chiến binh dục ẩm - muốn uống, phải nâng chén rượu lên, chính là tiếng đàn tỳ bà trên lưng ngựa kia đang thôi thúc - tỳ bà mã thượng thôi, giặc đã - đang ở sát bên chiến hào …

Về nhạc khí cổ, về đàn tỳ bà, về cầm trăng của nàng Kiều, mình có đọc được bài viết của Gs. Trần Văn Khê - Mạn Đàm Âm Nhạc Trong Truyện Kiều (2) :

Thông thường chữ hồ cầm - nghĩa là đàn của rợ Hồ - dùng để chỉ cây đàn nhị. Nhưng xem trong sách Thích Danh và tự điển Từ Nguyên - Từ Hải của Trung Hoa thì hồ cầm không chỉ là tên gọi đàn nhị mà cả đàn tỳ bà nữa. Truy tìm tỳ bà loại trong các sách cổ Trung Hoa mới biết nước này có đến ba loại là Tứ huyền tỳ bà (Việt Nam sử dụng loại này, có bốn dây và thân đàn hình bầu dục), Ngũ huyền tỳ bà (tỳ bà có năm dây) và Nguyễn tỳ bà hay còn gọi là Nguyễn cầm (lấy theo họ của người sáng chế ra nó là Nguyễn Hàm sống vào đời Tấn). Đàn Nguyễn cầm có thùng tròn với bốn dây, hiện nay gần như đã thất truyền bên Trung Quốc (bản thân tôi may mắn được tận mắt chiêm ngưỡng một cây Nguyễn cầm đang được tàng trữ tại Bảo tàng viện Shosoin ở Nara của Nhật Bản).

Như vậy hình ảnh người chiến binh tay kiếm tay đàn, hình ảnh cây cầm trăng (Nguyễn tỳ bà) Bốn dây to nhỏ nên vần cung thương của nàng Kiều, hình ảnh cây đàn Tỳ bà trên bến nước Tầm Dương đã từng làm đẫm cả chéo áo của Tư Mã Giang Châu, chúng thảy đều có thể được gọi là Hồ cầm  - một loại đàn của người Hồ.

Trên diễn đàn Viện Việt Học (3) mình cũng có thấy một thông tin về cây đàn Tỳ bà (Pipa) :

Tỳ bà cũng gọi là phê bả, xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử vào đời Hán : Lưu Hy trong tác phẩm giải thích danh từ, nhạc khí ghi : phê bả xuất phát từ các dân tộc Hồ, dùng gảy trên lưng ngựa. Tay đưa về đằng trước gọi là phê, tay gảy về phía sau gọi là bả, sau người ta dưạ vào cách gảy mà đặt tên … dân du mục đương thời thích đánh đàn tỳ bà trên lưng ngựa, vì thế mới nói là mã thượng sở cổ dã. Đại khái từ thời Ngụy Tấn được gọi chính thức là tỳ bà.

Đàn tỳ bà có âm vực rộng, âm sắc cao, âm thanh nó vang vang cùng với gió cát sa mạc. Có lẽ từ điều nầy mà không loại trừ khả năng ngày xưa người Hồ đã dùng nó để ra hiệu lệnh nơi chiến trường sa mạc. Giống như người Hán nơi Trung thổ đã dùng chiêng trống để điều khiển ba quân tiến hay thoái. Giống như hình ảnh Cổ bề thanh động Trường thành nguyệt - Tiếng trống ở Trường thành làm bóng nguyệt lung lay, lung lay cả nỗi lòng của người chinh phụ đang mong ngóng người chồng chiến binh nơi quan ải  trong Chinh Phụ Ngâm của Việt Nam.

Đất Lương Châu những năm đời nhà Đường, người Hồ đang vùng vẫy vì những tấc đất của họ đang bị thôn tính dần dần trước tham vọng của một vương triều hết Tảo Bắc, Chinh Đông, rồi lại Chinh Tây. Một loại tỳ bà nào đó có xuất xứ từ người Hồ, có thể ngày ấy nó là tiếng nói của họ. Nghe vang tiếng tỳ bà ấy là biết người Hồ đã đến bên chiến lũy. Từa tựa như ngày xưa khi nghe tiếng tắc cù, mấy đứa mình đã biết ngay đó là tiếng súng của ai. Bà cô của mẹ mình - em gái của Ông Ngoại, là người đã cùng với người chị lập nên cái quán nghỉ chân hồi đầu thế kỷ trước bên giòng sông Côn ở dưới núi Bút sơn - Mả mẹ chàng Lía, đến bây giờ nơi nầy vẫn còn mang tên là đất Quán Nổng. Mình còn nhớ hồi ấy mỗi lần nghe tiếng tắc cù giữa trăm ngàn tiếng súng, mắt của bà lại xa xăm : mấy ổng về

Nghe vang tiếng tỳ bà là biết người Hồ đã đến bên thành, chính điều nầy mới phù hợp với hình tượng người chiến binh uống rượu trong Khúc Hát Lương Châu. Uống! uống để quyết chiến. Uống! uống cho say mèm để quên đi câu hỏi là ta đang chiến đấu cho tham vọng nào. Say vùi giữa trận ư !? Từ xưa đến nay người chiến binh nào mà thân không gởi chốn sa trường! Tiếng tỳ bà ở bến nước Tầm Dương đầm đìa nước mắt. Còn Tiếng tỳ bà trong Khúc Hát Lương Châu, nó bi thương lại thấm đẫm máu của chiến binh.

Buu Chau mến, Đường Thi lâu nay đã để lại cho người đời biết bao là thi ảnh huyền ảo. Ninh Giang Thu Cúc - một người chị văn thơ của mình có nhận xét về những thi ảnh ấy : nửa như sờ nắm chúng dễ dàng, nửa lại thấy chúng trừu tượng mênh mông vô hình vô tướng … Khi gắng dùng lục bát, một loại hình độc đáo của thơ Việt để chuyển ngữ Đường Thi, mình thấy thật không dễ dàng. Vì đã dễ dàng gì sống cả tâm hồn với những khoảng trống trong thơ, những mênh mông vô hình vô tướng của Đường Thi. Việc làm ấy của chúng mình !? Chỉ mới là những bước chập chững của cuộc chơi văn chương. Ấy chỉ là những bước đi tìm chính mình có hiện hữu không cùng với những khúc ngâm của Đường Thi :

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Rượu bồ đào sóng sánh ánh dạ quang trong chén
Tỳ bà giặc Hồ đã thúc quân vậy cứ hãy uống đi
Có say nằm giữa sa trường ai nỡ giễu cười ta
Vì xưa nay nơi trận chiến đã mấy ai được trở về

Bồ đào chén ánh dạ quang
Cứ nâng dù giặc thúc vang tỳ bà
Vùi say mặc kẻ cười ta
Mấy khi chinh chiến ai sa trường về

Trường Nghị


(2)  TranVanKhe


5 nhận xét:

  1. Trần Viết Dũng11:51 3/10/13

    Một nước Tàu xưa thiếu gạo và thừa nước mắt!
    "Dục ẩm tỳ bà" rồi nhảy lên lưng ngựa ra trận làm sao "kỷ nhân hồi" được? Vương Hàn đã vi phạm Quân kỷ! huhu.

    Nhưng, đấy là cốt cách của nghệ sĩ. Gươm đàn nửa gánh khiến cho Từ Hải bị chết đứng đấy.

    Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi, Nguyễn Bắc Sơn cũng vậy:
    " Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
    Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo"
    và:
    "Tiếc mày không gặp tao ngày trước
    Ta cho mày say quất cần câu
    Rượu bia bốn chục chai đồ bỏ
    Uống từ chạng vạng suốt đêm thâu"
    (Tha Lỗi Cho Tôi- NBS)

    Không ai ngạc nhiên về Bên Thua Cuộc với số phận tất yếu "cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về Bình Khê mấy bữa nay. Thằng "Mập" từ Bình Dương phone hỏi có xuống bác "gardien" quán café JinJin chưa? Tớ trả lời trời mưa quá, dẫu "vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách" nhưng mà "anh hùng nan quá bán lộ bán điền" của đoạn đường 1 cây số từ km 43 đến km 44!

      Tớ thì nghĩ thực tế hơn TVD một chút. Đã "túy ngọa sa trường" thì bảo đảm 100% "chinh nhân bất khả hồi"!

      Xóa
  2. Thắng hay Thua đều cũng chẳng mấy ai về (!?)
    Những người chẳng muốn Thắng muốn Thua như Ông Hồ Chí Bửu mơ ước NẾU NGÀY MAI "ĐƯỢC VỀ" nè anh Dũng :
    ...
    mai giải ngũ tao sống đời du mục
    ngày lang thang đêm về ngủ miếu đình
    say ngất ngưởng bên túi thơ bầu rượu
    ơi một đời yên lặng chẳng đao binh
    xin đừng đến những hoàng hôn giẫy chết
    cho loài người thôi ôm mộng cuồng chinh ...

    Trả lờiXóa
  3. Đất Lương Châu những năm đời nhà Đường, người Hồ đang vùng vẫy vì những tấc đất của họ đang bị thôn tính dần dần trước tham vọng của một vương triều hết Tảo Bắc, Chinh Đông, rồi lại Chinh Tây.
    ...
    Các bạn mình chắc đã đọc La Thông Tảo Bắc, Tiết Nhơn Quý Chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây rồi phải không !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1./ Một cảm nhận, có thể nói là vừa mới vừa lạ của Trường Nghị về "Tỳ bà giặc Hồ đã thúc quân vậy cứ hãy uống đi" khi chuyển từ nguyên tác "Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi".

      Nhân Nghị có nhắc đến diễn đàn của Viện Việt học (INSTITUTE OF VIETNAMESE STUDIES - USA), chúng ta có thể tham khảo thêm các ý kiến thảo luận về bài từ này ở đây

      Bỗng dưng khiến tôi nhớ lại lời của thầy Nguyễn Thanh Hiện: "Thi ca như một phương trình vô định, có dạng 0x = 0..." hoặc của thầy Nguyễn Mộng Giác: Cảm nhận về thi ca phải cảm cái "mỹ" và cái "thần" mà thi nhân muốn hướng đến, nhiều khi nó vượt quá cái thực tế, khi thầy giảng về "mùa thu qua các thi phẩm của thi nhân Việt Nam".

      Nếu không bắt cái "ý" mà chỉ nắm cái "từ" của Vương hàn thì chinh nhân đã "vi phạm quân kỷ" nghiêm trọng và cầm chắc thân nhân sẽ nhận "giấy báo tử" vậy!

      2./ Mấy cái truyện mà Nghị nêu, tớ chỉ coi là "vớ vẩn" thôi, Nghị à!

      Xóa