Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

TRỞ LẠI CAMBODIA SAU 30 NĂM

Bản đồ Đông Dương Thế khỷ XII - XIII
tại Hoàng Cung Cambodia

“Sau năm 1975, lứa trẻ miền Nam nhiều người trở nên ngỡ ngàng trước những lời hát đang vang lên trên khắp đường phố. Nào là Việt Nam - Campuchia tay cầm tay samaki … hoặc Việt Nam - Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông ... mối tình hữu nghị. Sự ngỡ ngàng của tuổi trẻ đã nhận diện được những trái ngang của cuộc chiến vừa trải qua, để rồi chẳng bao lâu sau đó phải chính thức cầm súng tham chiến ở biên giới Tây Nam lẫn phía Bắc.

Mọi đau thương, ngỡ ngàng rồi cũng lắng dịu. nhưng chắc chắn rằng ở đâu đó cũng còn vướng vất những ngậm ngùi khi mấy mươi năm sau trở lại Campuchia …, cho dù chỗ nầy chỗ nọ vẫn vang vang Việt Nam - Campuchia tay cầm tay samaki …


TRỞ LẠI CAMBODIA SAU 30 NĂM


Vào tháng 04 năm 1982, lần đầu tiên tôi đến đất nước Cambodia, lúc bấy giờ là Cộng hòa Nhân dân Campuchia, cụ thể là thị xã (nay đã được nâng lên thành phố) Banlung, thủ phủ tỉnh Ratanakiri thuộc vùng núi đông bắc Cambodia, để thi hành công vụ cho chính quyền tỉnh Nghĩa Bình, nước CHXHCN Việt Nam. Tuy cũng phải qua "cửa khẩu", được gọi là "đồn biên phòng số 23" (nay là cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai),  nhưng không cần passport mà chỉ có 1 giấy công lệnh do Ban công tác CK của tỉnh Nghĩa Bình cấp.
    
Bấy giờ quốc kỳ của CHND CPC có 5 ngọn tháp trên background 2 màu xanh và đỏ, nằm ngang, đỏ trên xanh dưới. Trong vòng gần 1 năm, tôi qua lại biên giới không ít hơn 5 lần bằng xe Jeep, xe GMC, made in USA và xe ZИЛ, made in USSR. Đường sá phần lớn trải đá dăm được xây dựng từ thời bọn Phú-Lang-Sa xâm lược 3 nước Đông Dương đã hư hỏng khá nhiều. Vào mùa nắng thì mịt mù bụi đỏ, cách nhau lối 20m thì ngồi ở xe sau không nhìn thấy xe trước. Vào mùa mưa thì đường trơn trợt, lầy lội, xe không có cầu trước luôn bị patiner, không thể nào chạy được. Trước khi qua biên giới phải chờ bộ đội tình nguyện VN mở đường, vậy mà thỉnh thoảng còn bị tàn quân Pol Pot phục kích, chúng hay nhằm vào các xe nhỏ hơn, vì ông lớn hay đi xe nhỏ. Cho nên trên đất bạn các Chief của tôi thường dùng xe lớn, vừa đỡ bị tắm bụi hoặc patiner, vừa đỡ bị phục kích. Dọc đường, thấy người Khmer có võ trang thì sợ lắm, vì không biết ai là bộ đội K (bộ đội bạn) ai là tàn quân Pol Pot, cho đến khi qua rồi mà không bị bắn mới biết đó là bộ đội bạn!

Có một điều khá ấn tượng là khi cấp bằng khen cho đơn vị chúng tôi vì có thành tích giúp chính quyền Nhân dân Cách mạng Campuchia xây dựng đất nước thì Đoàn chuyên gia VN tại tỉnh Ratanakiri phải về VN để in phôi bằng khen và ông Chủ tịch Ủy ban NDCM tỉnh Ratanakiri, ông Bu-Chuông, ký tên chữ "Chuong" là chữ Việt Nam!

Sau mỗi chuyến công cán, được mang về một vài tặng phẩm. Khi thì thùng dầu ăn 1 gallon salad-oil made in USA, lúc thì chiếc nồi nhôm, vài chiếc đĩa sứ hay chiếc ấm sắt tráng men made in USSR toàn là hàng ngoại, rất chi là quý giá. Quý nhứt là tôi đã mua được ở chợ Banlung 2 lọ phấn rôm made in Thailand cho đứa con trai đầu lòng, cái mà năm 1986, lúc bà xã sắp sanh đứa con gái thứ hai, khi đi công cán ra thủ đô Hà Nội, trên đường đi và về tôi đều ghé lại chợ Đông Hà, có nhiều hàng ngoại nhập lậu từ Lào về, để tìm mua nhưng không có.

Chi phí cho những chuyến xuất ngoại này, tất nhiên, do Đảng, Nhà Nước và Chánh phủ đài thọ.

Đến tháng 4 năm 2012 này, tôi được con gái dẫn đi du lịch đất nước "Chùa Tháp" trong 4 ngày. Như vậy là vừa tròn 30 năm sau, tôi được trở lại đất nước Cambodia, lúc này là Vương quốc Campuchia. Từ TP HCM, qua cửa khẩu Mộc Bài (VN), cửa khẩu Bavet (CPC), qua tỉnh Svay Rieng, rồi tỉnh Kompong Cham, Kompong Thom (quê hương của Pol Pot), đến Siem Reap rồi thủ đô Phnom Penh. Khác với những lần trước, lúc nầy việc qua cửa khẩu phải có passport và làm đủ thủ tục xuất - nhập cảnh. Những thủ tục này phần lớn do Cty du lịch lo tất tần tật, tôi chỉ thực hiện 3 việc là bỏ hành lý xách tay lên băng chuyền qua máy soi (còn hành lý để ngoài xe ô tô thì không cần), nhìn vô camera cho máy nhận dạng khuôn mặt và đặt 10 đầu ngón tay lên máy nhận dạng dấu vân tay.

Bây giờ, quốc kỳ của Vương quốc Campuchia chỉ còn 3 ngọn tháp, cũng trên background 2 màu nằm ngang, nhưng có đến 2 giải màu xanh ở 2 biên  và 1 giải màu đỏ ở giữa. Phương tiện di chuyển là chiếc ô tô car 45 chỗ có máy lạnh mát rượi của Cty Du lịch CN International Travel Co., Ltd. in Phnom Penh, Cambodia. Đường đi thuộc loại AH, được trải thảm béton Asphalt hiện đại, không còn lo bị tàn quân Pol Pot phục kích. Được ăn, nghỉ ở các nhà hàng, khách sạn 4*. Được tham quan ngôi đền Bakheng, trên đỉnh đồi Phnom Bakheng cao 65m, nằm giữa Angkor Thom (Đế Thích) và Angkor Wat (Đế Thiên); tiếc rằng đến Bakheng vào buổi sáng nên tôi không được ngắm cảnh hoàng hôn trên đỉnh cao này. Được tham quan các thắng tích Angkor Thom, với khu đền Ta Prohm, với 43 (có người nói 49 hoặc 54, không biết con số nào là chính xác vì tôi không đếm được) cụm tượng Phật Bayon 4 mặt khổng lồ, với khu phế tích Baphuon. Được tham quan và ngắm cảnh hoàng hôn ở thắng tích Angkor Wat. Được tham quan Cung Điện Hoàng Gia, chiêm ngưỡng Chùa Bạc – Chùa Vàng. Đặc biệt, được tham quan Naga World - Casino quốc tế lớn nhất ở Cambodia,... Được nghe hướng dẫn viên du lịch người Khmer tự hào giới thiệu "khác với VN, Campuchia là đất nước tự do", "đất nước có nhiều kỳ quan tầm cỡ thế giới",...
   
Khác với những lần đến Cambodia trước đây, chi phí cho chuyến xuất ngoại để tham quan, du lịch này, tất nhiên, do con gái tôi chu cấp!

Là người đã từng góp chút mồ hôi và công sức để giúp Cộng hòa Nhân dân Campuchia xây dựng đất nước nhưng khi nghe người Campuchia, năm 1988 và năm 2007 đã đập phá "Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia" ở Phnom Penh, rồi nghe HDV người Khmer khoe "khác với VN, Campuchia là đất nước tự do", rồi khi thấy chỉ mỗi ngoại quốc kỳ CHND Trung Hoa phất phới tung bay cùng quốc kỳ Vương quốc Campuchia trước Hoàng cung Campuchia, khiến tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại 3 nghĩa trang liệt sĩ tại Đức Cơ của quân tình nguyện VN đã hy sinh để "cứu nước bạn khỏi họa diệt chủng" mỗi khi qua lại biên giới cách nay 30 năm!

Tháng 4 năm 2012
BuuChau
Nguồn : chaubuu.blog


13 nhận xét:

  1. Lê Quy Nhơn21:06 7/1/14

    Bác BuuChau cũng mò sang Banlung rồi à ? Thị xã đó được sư đoàn 307 giải phóng trưa ngày 31/12/1978. Thế hệ anh em thời kỳ này hiện còn đang ở Quy Nhơn khá nhiều. Banlung cách Đồn BP 23 của ta nếu tính theo bản đồ UTM của Mỹ tỷ lệ 1/100.000 là 67km ( 1cm = 1km trên thực địa). Từ Banlung cứ theo trục đường 19 sẽ gặp Thị xã Stung treng bên bờ sông Mekong thơ mộng nhiều vú sữa là 117km nữa.
    hehe ! Lịch sử đã chứng minh 2 khái niệm của chiến tranh là " Đồng minh" hay " Đồng chí - Anh em". Cái này thuộc ý thức hệ. Nhưng là người trong cuộc thì cuộc phản công cuối năm 1978 là tình thế bắt buộc phải đánh để bảo vệ dân mình dọc biên giới. Chuyện AMM 45 khi Campuchia là chủ tịch còn sờ sờ ra đó mà.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Le Quy Nhon rành quá hén! Chắc là một cựu binh sư 307 bộ đội cụ Hồ anh hùng rồi. Sư 307 cũng oách lắm, phải không? Đã từng tham dự những trận chiến đẫm máu ở Preah Vihear, tận biên giới Miên - Thái, thậm chí vào sâu luôn lãnh thổ của Xiêm - La.

      Ở vùng Đông Bắc K, tui chỉ đi đến thị xã Stung Treng.Tui thuộc lực lượng "dân chính" nên đi đâu cũng phải chịu dưới sự che chở của bộ đội (Đoàn 5501 của đại tá Vũ Tấn Hạc) bảo vệ để tránh bị tàn quân Pol Pot phục kích, nhưng cũng bị phục kích mấy lần ở Bokeo, và 1 trung đội Công an nhân dân Việt Nam (của CA tỉnh Nghĩa Bình theo dõi, chăm sóc và bảo vệ về mặt an ninh chính trị).

      Xóa
  2. Cũng là một kỷ niệm trong chiến tranh !

    Trả lờiXóa
  3. Lê Quy Nhơn22:08 8/1/14

    Vùng Đông bắc Campuchia thì anh BuuChau đến thị xã Stungtreng là coi như hết rồi còn gì. Vượt sang bên kia sông là tỉnh Preah Vihear rồi.Nói về chiến dịch phản công Biên giới Tây Nam thì chỉ có hướng Quân khu 5 ( cánh quân Đông bắc) là không có lực lượng bộ binh của Bộ tham gia. Lực lượng đánh mở cửa của cánh quân này là sư đoàn 307 và sư đoàn 309. Nhưng sau đó chỉ có sư đoàn 307 đơn thân độc mã vượt sông Mekong đến tận Chùa Preah Vihear. Từ Banlung sư đoàn 309 lật cánh sang mặt trận Siemriep hỗ trợ cho hướng Quân khu 7. Sư đoàn 2 Quân khu 5 thì trong suốt chiến dịch đi cùng với Quân đoàn 4 từ Tây Ninh đánh sang. Quân khu 5 sinh con nhưng không nuôi được con là vậy. Tại Bokeo anh bị phục là do ở đó có căn cứ Núi Xanh của sư đoàn 802 Polpot. Sau khi xong chiến dịch sư đoàn 315 thành lập tại Banlung và sư trưởng đầu tiên là Cụ Chữ dân Phù Mỹ. Ba mươi năm sau anh Nghĩa con trai của Cụ, tiếp nối Cha là sư trưởng sư đoàn này. Cho đến bây giờ, không có đoàn du lịch nào đi tham quan đền Preah Vihear mà đi theo hướng Đông bắc cả.Tất cả đều đi hướng Tây Ninh - Phnom Penh - Congpong Thom và theo đường 12 đi Preah Vihear. nếu không thì từ Congpong Thom đi Siemriep - Anlong Veng và theo đường 69 đi Preah Vihear. Nói thế chắc anh BuuChau biết con đường của Đông bắc nó gian nan và nguy hiểm đến cỡ nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chà! Gặp một "chú bộ đội" cấp "D" trở lên rồi! Rành rẽ cỡ đó, không là "thủ trưởng" thi chí ít cũng là sĩ quan tham mưu!
      Tôi qua K sau khi K đã hoàn toàn giải phóng hơn 2 năm, để giúp "bạn" tái thiết đất nước, cũng chỉ "cỡi ngựa xem hoa" thôi chớ hổng trực tiếp đâu, mà còn "ớn xương"! Cho nên sự gian khổ của các chiến binh trong đoàn tình nguyện quân VN làm sao kể cho xiết.

      Kể lại vài sự kiện mà tui đã gặp về bộ đội của VN trong thời gian tui qua lại giữa Banlung và Quy Nhơn:

      1./ Vào mùa khô: Một viên thượng úy tiểu đoàn phó về phép mà không có phương tiện phải đi "quá giang" xe của chúng tôi, nhưng khổ nỗi chúng tôi đi xe ZИЛ 130 nên đâu có chỗ cho anh ta ngồi ở cabin, anh ta phải "ngồi" ở thùng xe cùng với hàng hóa!

      2./ Vào mùa mưa, chúng tôi đi xe Jeep lùn của Mỹ, "chiến lợi phẩm" thời "giải phóng miền Nam", xe tuy 2 cầu hẳn hoi mà đường lầy lún đến độ 4 bánh xe quay tít mù, bắn tung tóe bùn đỏ mà không thể nào di chuyển được, toàn phải mở đường mới để đi. Khởi hành từ Banlung lúc 13 giờ mà 18 giờ chưa đến được Bokeo. Sợ quá! Lúc đó gặp 1 xe cứu thương của bộ đội cũng bị patiner, không di chuyển được xin gởi 2 thương binh "quá giang" về Pleiku, xe chúng tôi 5 người nhưng không ai chịu hy sinh ở lại để cho 2 đồng chí thương binh phải nằm trên brandcard đi nhờ, với lại xe chúng tôi không phải loại chuyên dùng để tản thương, không chở được brandcard. Ốc gắng bò cho được thân ốc, làm sao cõng được rong rêu, thành ra đành phải ngậm ngùi nhìn chiếc xe tản thương với 2 thương binh ở lại đằng sau,... Bữa đó, chúng tôi về đến Pleiku gần 3 giờ sáng. Không biết số phận 2 thương binh đó như thế nào?

      Ôi!! chiến tranh!...

      Xóa
  4. Võ Mỹ Cát06:30 9/1/14

    Chuyện BuuChau kể thì đó là chuyện quá vặt vãnh. Còn nhiều chuyện nó còn ghê gớm hơn nữa kìa. Làm gì mà có chuyện người đi phép có phương tiện. Cấp cho cái giấy rồi sau đó tự tìm phương thức mà về chứ. Còn chuyện thương binh thì có xe chở đã là quý. Tôi đã từng cõng một thương binh từ trận địa đến trạm phẩu. Từ 8h tối băng rừng đến 4h sáng. Thằng này ở gần nha BuuChau đó. Hẹn bữa nào về hội ngộ anh em "Những người tình nguyện ở Đông bắc CPC".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giờ mới biết Võ công cũng đã từng là một chiến binh từng trải qua một thời binh lửa!
      Võ công cõng thương binh với thời gian đó mà đi được đoạn đường rừng bao xa vậy?

      Xóa
  5. Võ Mỹ Cát06:03 10/1/14

    Quãng đường đó bằng Quy Nhơn lên cầu Diêu Trì chứ mấy đâu anh. Nhưng ban đêm xuyên rừng, may mà rừng non. Bộ đậu là chỉ đi bộ và cái gì cũng đậu, cũng vá, cũng khiêng mà.Nhờ đó mà nó có cái " passport" để trở lại ĐHBK Đà Nẵng đấy chứ.

    Trả lờiXóa
  6. Võ Mỹ Cát06:26 10/1/14

    Hôm nay là ngày giỗ của anh này đây. Hy sinh khi vừa vượt sông Mê Kông nè anh BuuChau.

    [url=http://upanh.com/view/?id=avw3fq1oeiz][img]http://i4.upanh.com/2014/0109/23//58482886.doi.jpg[/img][/url]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thương thay! 19 tuổi Tây, 20 tuổi Ta!

      Cho tui được thắp một nén tâm nhang để tiếc thương người quá cố!

      Xin phép Tiền Quân, Tổng Trấn, Nguyễn văn Thành được mượn đôi ý, mấy lời trong văn tế Chiến Sỹ Trận Vong của Ông để bày tỏ tấc lòng với người qua cố:

      Ôi!! "…Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương..."

      Tuy: "Cơ huyền diệu hoặc thâm trầm chưa rõ,..."

      Mà nay: Xác thân đã "về cố quận, được hương thơm lửa sáng", ấm tình đồng đội, đồng hương!

      Những mong: Hồn tử sĩ sớm được siêu thoát, đừng bao giờ có kiếp tái sanh làm con dân nước Việt!

      Lại biết thêm mấy chiến binh F307 anh hùng! Tui cũng có quen với mấy đồng chí ở E95, F307, nhưng làm hậu cần, phụ trách hậu cần E95, cũng quê Phù Mỹ, bào đệ của Đ/c Hai Trực, cựu Bí thư huyện ủy..

      Thiếu chút nữa thi tui cũng được làm Liệt sỹ ở Bokeo năm 1982, may là nó bắn AK 47, chớ nó mà chơi B40 hay B41, như truyền thống thì tui cũng đã dìa với ông bà Mác - Lê (có lẽ tui vốn sợ gươm đao nên tai qua, nạn khỏi)

      Xóa
  7. Võ Mỹ Cát21:15 10/1/14

    Chắc là thằng Chánh dân Mỹ Hòa ? Nói chung vị nào mà ở gần các Thủ trưởng thì tôi không quan tâm lắm. Thằng Thiên ở Ngân Hàng, Thằng Cho ở Cục thuế Phù Mỹ là thế hệ sau mọt năm.

    Trả lờiXóa
  8. Không những thế hệ chúng ta phải hy sinh xương máu mà tổ tiên mình "từ thưở mang gươm đi mở nước", không những chiến sỹ phải hy sinh trên sa trường mà đồng bào ta cũng bao phen bị "cáp Duồng" từ TK 19, để chúng ta có một dải giang san gấm vóc đến tận mũi Cà Mau như ngày hôm nay.

    Lúc đếm tham quan Hoàng gia Cambodia tại thủ đô Phnom Penh, điều khiến tôi phải suy gẫm khi nhìn thấy họ trưng bày, mặc dù họ không ghi một lời nhận xét hoặc bình luận, một bản đồ Đông Dương vào TK XII-XIII. Ở đó xác định rõ ràng biên cương phía nam của Đại Việt ta (như sợ người coi không rõ nên họ đã ghi chú rõ là Việt Nam trong dấu ngoặc đơn và bằng Việt ngữ hẳn hoi) chỉ đến vùng Nghệ An.

    Dưới đây là ảnh tôi chụp lại bản đồ mà họ trưng bày đó:
    [img]https://lh5.googleusercontent.com/-8C7y8VELiPU/UaiMGgLspoI/AAAAAAAAEL0/w9xSwK15GVc/w367-h489-no/DSC08501b.JPG[/img]

    Trả lờiXóa