Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

ĐI TÌM BẾN NƯỚC BÊN CẦU TRƯỜNG THI


Bến My Lăng - Ảnh của Thiiasao

Trong ngôi nhà cổ năm gian hai chái của một xóm nhỏ, cách không xa cầu Trường Thi, ông anh họ kể cho tôi nghe câu chuyện về những bến nước con đò trên Đất Kinh xưa… Thỉnh thoảng vang lên một tiếng vạc não nề…

Không phải là vùng sông nước, nhưng miền quê này có con sông Côn phân những nhánh nhỏ chảy qua, tạo nên nhiều cảnh “trên bến dưới thuyền”, “con đò bến nước”. Và chẳng biết từ đời nào, những “con đò bến nước” đã trở nên thân thương, gần gũi với mọi người dân:

Anh về Đập Đá đưa đò
Trước đưa quan khách sau dò ý em”
(Ca dao).

Có cái bến nước chỉ là một chỗ li. Làng Háo Đức, làng Cẩm Văn cùng ở dọc theo hai bên bờ con sông Cẩm Văn. Người hai làng qua lại nhau, nhờ vào một chỗ lội là cái Bến Thùng. Anh trai làng Háo Đức vì thương cô gái làng Cẩm Văn, mà phải lội qua Bến Thùng ngày mấy lần để có một ngày họ thành chồng vợ, bằng một đám cưới hai họ và cô dâu chú rể cùng vén quần lội qua sông.

Hồi nhỏ, tôi ở quê ngoại, và vẫn giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu với cái bến Chùa và con sông Gò Chàm chảy qua quê mình. Nơi này, tôi đã tiễn người chị bên họ ngoại tôi đi lấy chồng, là “đường” tôi đi học, là “mặt gương trong” cho làng An Định soi bóng nước, dòng trong cho tôi tắm tuổi thơ mình để cho tới bây giờ đầu hai thứ tóc, tôi vẫn nhìn đời bằng đôi mắt trong veo… “Lâu lâu, tôi được bà ngoại dẫn đi chợ Đập Đá. Có hôm để đo may một bộ quần áo mới, có hôm để cúp tóc hoặc để mua một tập vở học trò cùng mấy viên mực tím, ngòi bút lá tre… Lần nào, chúng tôi cũng dậy thật sớm, từ lúc gà gáy lần đầu. Đi hết một thôi đường đất là tới bờ sông và từ đó hai bà cháu tôi xuống đò ngang để tới chợ cùng với nhiều người khách đi đò khác. Ông lái đò, có tên là Bầu Sáo vì ông còn kiêm nghề làm bầu một gánh hát mang tên ông: Gánh hát bội Bầu Sáo. Người ông cao như cây sào, ông đội nón lá, đứng đằng lái, vừa chống đò vừa hút thuốc nhả khói vào màn sương đêm dày đặc. Ngồi đò ngang qua sông trên chiếc sõng rẽ sóng nước lăn tăn, tôi nhìn ra xung quanh trong ánh trời buổi mờ đất. Bao cảnh vật hãy còn say ngủ. Chỉ có con đò của ông Bầu Sáo là thức dậy sớm.

Bến sông Đập Đá là một cảnh trên bến dưới thuyền, đò chạy trên sông như thoi đưa. Từ sáng sớm cho tới chiều tối, đò dọc chở măng le, trầu nguồn… từ An Khê, Vĩnh Thạnh xuôi xuống; chở cá nục, cá mòi… từ Gò Bồi, Phước Lý ngược lên; đò ngang chở hàng, người đi chợ từ mọi làng quê đổ về. Khách thương hồ, khách tài tử phong lưu, nhiều người không rõ quê quán, cũng theo những chuyến đò mà đổ về Đập Đá để làm lụng và cũng để ăn chơi.

Ông anh họ vẫn thức đến quá khuya để say sưa kể tiếp về câu chuyện đang đỗi nhiệt  thành.

Vùng quê này, ở đâu có bến sông con đò, ở đó có phố chợ, có lều quán, có cảnh bán buôn. Chợ Gò Chàm, thị trấn Đập Đá, chợ Phú Đa, chợ Cảnh Hàng, thủ phủ An Thái… đều như vậy. Bao thế hệ người Hoa đi đường biển, vào cảng Thị Nại, rồi từ đó mà theo sông Côn lên tận An Thái để sống đời định cư và góp phần cùng người Việt bản xứ tạo nên sự mở mang và phồn hoa đô hội cho quê mới của mình. Chẳng bao lâu, nơi này đã có bao điều nổi tiếng: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”, bún Song thằn, giấy bản, tơ lụa… và nhất là Lễ Đổ giàn diễn ra vào rằm tháng Bảy hằng năm. Ngày thường bến sông An Thái đã đông ghe thuyền mà đến những ngày có lễ Đổ giàn thì đông vô số kể. 

Rủ nhau đi hội Đổ giàn
Vui thì vui lắm, đò ngang chật đò”
(Ca dao).

*   *  *

Bến sông Trường Thi đã đi vào lịch sử thi cử triều Nguyễn và vào văn học… Bến Trường Thi ở trước Trường thi hương Bình Định (dành cho bốn tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa; hoạt động từ 1852-1918). Bên này là thành Bình Định, là trường thi hương có nhà của thi sĩ Yến Lan, Chế Lan Viên; bên kia là làng Hòa Nghi (xã Nhơn Hòa), quê ngoại của Yến Lan. Bến Trường Thi nối quê nội với quê ngoại của nhà thơ và đó là cái bến sông quê trong bài thơ Bến My Lăng nổi tiếng: 

Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu” 

Không có những bến sông quê Bình Định, chắc khó có cái bến sông trăng cực kỳ lạnh buốt mà diễm ảo trong thơ của một thi sĩ thuộc trường thơ Bình Định: 

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
(Hàn Mặc Tử). 

Đi loanh quanh ở thị trấn Bình Định mấy ngày, một hôm nhờ có ngọn gió bến sông Tân An và đồng An Ngãi thổi lên, đưa tôi đến nhà người cháu ngoại cụ Cử Nhì, làng Thái Thuận. Ông bạn này uống cà phê bên lầu Cửa Đông thành Bình Định với tôi. Ông nói: “Anh đi tìm những bến nước con đò hả? Nghe sao mà nên thơ! Hồi xưa, tôi đã có nhiều dịp đi thuyền từ đập Bờ Đỗ thuộc hạ lưu sông Côn lên tận Cây Cốc, thuộc thượng nguồn sông Côn. Cây Cốc là tên dân gian hồi xưa quen dùng để gọi thị trấn Phú Phong, nơi có cây cổ thụ là cây cốc và miễu Cây Cốc. Đi tới đâu, tôi cũng thấy cảnh “thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi”, những ngã ba sông rộng mênh mông và những bến sông mát rượi bờ tre con nước cho những chiếc thuyền cắm sào đậu và những chiếc thuyền từ đó lao vút ra giữa sông, chọn hướng, rồi trương buồm, phăng gió, rẽ nước ra đi… Trong các làng quê, ít có nhà không có sẵn chiếc sõng nan.

Tôi Tiếp lời ông bạn: “Tôi cũng đã đi qua những cầu tre, cầu khại vắt vẻo. Những chiếc cầu đó ra đời, thường vì có ông chủ ruộng muốn đi thăm những đám ruộng của mình ở bên kia sông, vì hai họ kết thông gia cách trở bởi con sông mà lại muốn năng đi lại với nhau… Nhưng cũng có những chiếc cầu từ thiện, cầu “làm phước”, như cầu ở làng Thanh Giang (Nhơn Phong, An Nhơn) do nhà chùa bắc, cầu Bà Gi do một người đàn bà tên là Đỗ Thị Gi bắc (nay là cầu bê tông thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, nhưng vẫn giữ tên cũ), cầu Ông Ý ở làng Háo Đức (Nhơn An, An Nhơn) do ông Cử nhân Phan Ý bắc…

Cũng như bến nước con đò, những chiếc cầu tre ấy cũng thật gần gũi với bao tâm tình của người ta. Nay mọi chuyện đã khác hết rồi. Mạng lưới giao thông đường bộ nông thôn mở rộng, đâu cũng đường nhựa, đường bê tông, cầu bê tông cốt thép và đường nào cũng nhộn nhịp xe cộ. Sông thì có khúc đã cạn, tưởng như con kiến còn bò qua được…

Lớp trẻ bây giờ, không biết chiếc sõng nan, thì đừng hỏi có biết không bến Trường Thi, bến đò Tân An, bến đò Thị Lựa… thân thương ngày nào!

Huỳnh Kim Bửu


2 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả của những bài viết về quê hương yêu dấu đã đăng trên "Quang Trung Bình Khê" để cho tôi, cô bé xa quê lúc 9 tuổi, được biết chiếc sõng nan, bến Trường Thi, bến đò Tân An, bến đò Thị Lựa...của quê hương mình...

    Trả lờiXóa