Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

ÔNG TÚ CÁC




THƯỜNG, NGƯỜI TA  LÀM ĐỊA CHÍ MỘT TỈNH, MỘT NƯỚC.  NHƯNG VÌ SỨC HỌC CÓ HẠN MÀ LẠI MUỐN CHO ĐỜI SAU CÒN NHỚ  ĐẾN NƠI CHÔN NHAU CẮT RỐN CỦA MÌNH, NÊN TA ĐÃ NẢY RA CÁI Ý LÀM MỘT CUỐN VỀ LÀNG LÂM THƯỢNG CỦA  TA, LẤY TÊN  LÀ LÂM THƯỢNG ĐỊA CHÍ.

CHUYỆN  ÔNG TÚ CÁC LÀ RÚT TỪ CUỐN ĐỊA CHÍ ẤY.


Ở  Lâm Thượng có cái thú vui là mùa đông ngồi trong nhà nhìn cảnh mưa dầm. Trời thì trắng một màu mưa, còn núi Thiên Sơn như đương xích lại gần hơn.  Bữa ấy, ta lại thêm cái thú mưa dầm ngồi trong nhà để chờ ăn bánh xèo. Chờ đến lúc thật mưa dầm, ông Quân mới bảo bà Quân đổ bánh xèo, và gọi ta sang. Mỗi lần bà Quân cho bột vào khuôn, bột lại sôi lên lèo xèo, tựa khi ta ném hòn than hồng vào nước. Thú đọc sách là khi có cuốn sách lạ trong tay, nhìn tên tuổi ngoài bìa, háo hức nghĩ đến những điều sắp được đọc. Ăn bánh xèo cũng vậy. Thú nhất là ngồi nghe bánh kêu, nghĩ đến lúc đưa miếng bánh vào miệng.  Quân bảo. Ta nói như thế nghe bánh kêu là chính, còn việc ăn chỉ là phụ. Ông cụ nhìn ta, cười. Rồi đi mở hòm gỗ, bê ra bao nhiêu là sách. Ở dưới bếp, bà Quân vẫn tiếp tục đổ bánh. Mùi thơm của bột gạo chiên quyện trong hơi mưa. Ta háo hức sắp được đọc một cái gì đó. Nhưng ông Quân đã rời đám sách, bước lại cửa, đứng nhìn ra mưa. Anh Các ta bị bắt lúc trời cũng mưa dầm thế này, anh còn nhớ không ? Ta rất đỗi bàng hoàng khi nghe ông Quân hỏi. Vì ông Tú Các, anh cả ông Quân, chết lúc ta chưa sinh. Trời cũng mưa thế này, mẹ ta đương nấu cơm chiều , thì bạn anh ấy đến. Hai người ra khỏi nhà thì bị bắt đi biệt tích. Đời anh ta kết thúc thế. Ông Quân nói, vẫn đắm chìm trong dòng ký ức nào đó. Ông Tú Các là con trai cả của ông trợ Tuân, còn ông Quân là con út. Ta lớn lên ở làng Lâm Thượng, nghe nhiều giai thoại về ông Tú Các, nhưng chưa hề nghe ai nói ông ấy bị bắt đi biệt tích. Anh làm sách địa chí làng ta, nên phải biết điều đó. Ông Quân nói. Và quay lại hòm sách. Tất nhiên là ta phải kể cặn kẽ cho anh nghe. Ngoài ra, anh còn phải đọc trứơc tác của anh ấy. Cũng lần đầu ta nghe nói đến trước tác của ông tú Các. Theo lời kể lại, ông trợ Tuân dạy học trò, nhưng không dạy được ông Các. Bấy giờ, ngoài các trường tư của các thầy đồ dạy chữ nho, người Pháp đã cho mở một số trường hàng tổng để dạy cả chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Bảy tuổi ông Các đã phải học kinh sách Khổng Mạnh. Một hôm ông Các hỏi ông Khổng ông Mạnh là ai. Ông trợ Tuân bảo đấy là các bậc thánh hiền ở bên Tàu đã để lại sách vở cho hậu thế. Ông Các hỏi sao không học thánh hiền của mình mà học thánh hiền của Tàu. Ông trợ Tuân tức mình gởi ông ấy sang học với ông cử Nhẫn ở làng Thạnh Thới. Học chữ nho với ông cử Nhẫn đâu hơn năm, ông Các nhảy sang học chữ quốc ngữ. Đi thi hương vào thời vua Duy Tân, và chỉ đỗ tú tài. Lớp tuổi mày đứa ông nghè đứa ông cử, đều ra làm quan. Còn mày, chắc suốt đời làm ông tú ăn bám vợ. Ông trợ Tuân bảo. Ông Các nói, chúng học để làm quan, còn con học để biết đứa nào biết làm quan. Từ buổi ấy, cha con như chẳng còn giữ được chữ phụ tử tình thâm. Hôm đến nhà ông Quân ăn bánh xèo, nghe ông Các có trước tác, ta liền nghĩ đến chuyện bất hòa giữa cha con ông thuở ấy. Có phải ông Các làm tác phẩm để gởi gắm nỗi niềm của mình đối với ông cụ thân sinh ? Ta hỏi. Còn hơn thế nữa. Ông nói. Và chợt đứng lên. Đất Lâm Thượng ta xưa có loài quỉ, anh biết không ? Theo anh Các ta, mấy chục đời tổ tiên ta phải chống chỏi với loài quỉ ấy. Bà Quân đã bày bánh ra bàn. Ngồi ăn bánh xèo với ông Quân nhưng như thể đang ngồi trong một cỗ tiệc cổ tích có con người của nghìn năm trước bước vào cuộc chuyện trò. Các vị tiền hiền lập làng Lâm Thượng bỗng xen vào câu chuyện về ông Tú Các. Nhưng căn cứ vào đâu ông Các nói đất Lâm Thượng ta xưa có loài quỉ? Ta hỏi. Ông Quân sớt bánh cho ta : Đọc trước tác của anh ấy sẽ rõ. Sách viết cùng lúc ông Phan Bội Châu viết Thiên Hồ Đế Hồ. Đại thể, đấy là cuộc chiến giữa các vị tiền hiền làng ta và loài quỉ dữ. Ta mường tượng một cảnh trí hoang sơ, thuở mới lập làng, con người phải chống chỏi với bao khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng làm sao ông tú Các lại nghĩ ra được những chuyện  như thế? Theo lời kể lại, sau khi đỗ tú tài, ông Các ngày nào cũng quảy lồng đi nhử cu. Trong tâm trí người làng Lâm Thượng còn đọng mãi hình ảnh  cuộc tình đầy nước mắt ấy. Anh như cánh chim trời, nay ở phương này, nhưng mai lại sang phương khác. Ngay lúc mới gặp nhau, Các đã nói với Triền, con gái ông Chuôn ở làng Thạnh Thới. Trong một cuộc đi nhử cu ở làng Thạnh Thới, Các đã gặp được Triền. Người làng Lâm Thượng cho cuộc gặp gỡ đó là duyên số. Nhưng ông trợ Tuân bảo đấy là thói trăng hoa.

Vào một ngày tháng giêng, lũ cu đồng tụ tập ở vườn cây ăn quả nhà ông Chuôn. Cái thú đi nhử cu là gặp được nơi chim đậu. Các treo lồng cu mồi lên một nhánh xoài, rồi đến ngồi tựa lưng vào tường nhà ông Chuôn. Đi nhử cu là làm anh lữ khách phóng đãn. Vào nhà người, không xin. Ra, không thưa. Con cu mồi trong lồng gù rất say đắm. Nhưng cho đến lúc ông bà Chuôn và Triền đi làm ruộng về, nấu cơm trưa xong, ở trong lồng cũng chỉ có mỗi con cu mồi. Ông Chuôn ra mời Các ăn cơm trưa. Đi nhử cu, lần đầu tiên Các được người ta mời ăn cơm. Triền lại ra chỗ Các. Ở làng này đâu có quán xá, anh vào ăn cơm với nhà em, chớ ngại. Triền nói một câu mà làm động lòng lữ khách. Ngay trong bữa trưa ấy, nhà ông Chuôn đã rõ lai lịch của Các. Buổi chiều, con cu mồi như ngầm giúp chủ, gù hăng hơn buổi sáng. Các gỡ lồng xuống treo lồng lên đến năm sáu lượt. Tối ấy, nhà ông Chuôn ăn cháo cu đồng. Ông tơ bà nguyệt như cũng ngầm giúp Các, đã ứng vào lời ông Chuôn : Thầy tú không chê con Triền chân lấm tay bùn, vợ chồng tôi bằng lòng cho nó về làm dâu Lâm Thượng đó. Lời nói vui lúc ông Chuôn có chén rượu  đã khơi nên ngọn sóng tình trong lòng đôi nam nữ vừa tri ngộ. Các ở lại làng Thạnh Thới suốt năm ngày đêm liền. Con cu mồi được nghỉ ngơi trong lồng, treo ở hiên nhà ông Chuôn, vì Các bận chuyện trò với Triền. Theo gia pháp nhà ông trợ Tuân, Các nằm dài trên phản ngựa cho cha đánh. Ông trợ Tuân đánh một roi, dạy muời lời. Trong đó có một lời coi như bản án phụ xử tử vong thuộc phép tắc nho gia : Nếu mày lấy con gái lão Chuôn ở Thạnh Thới thì coi như tao đã không đẻ ra thằng Các. Lời ấy bay đến làng Thạnh Thới. Ông Chuôn giật mình  bảo bà Chuôn : Ai ngờ nói chơi mà thành ra to chuyện. Triền trốn ông bà Chuôn, khóc. Bỡi khi để người con trai nắm lấy tay mình là Triền đã chọn được bến nước. Tất nhiên là ông bà Chuôn không đời nào nghĩ con gái mình đã chọn cái bến nước ấy. Cha anh muốn con cái có vợ có chồng theo lối môn đăng hộ đối cũ kỹ đấy thôi, chứ làm sao lại coi như không đẻ ra anh. Các rỉ tai Triền khi trở lại làng Thạnh Thới. Ông Chuôn nói : Bữa đó có chén rượu, tôi lỡ nói vui, xin thầy tú chớ để bụng. Các nói : Việc nợ duyên trên đời đôi khi chỉ phút chốc mà có. Cha cháu dạy chữ nho, nên nghĩ theo cách đạo nho thời xưa, xin hai bác chớ để tâm. Đến lúc ấy ông Chuôn mới thấy hoảng hốt, gọi con gái hỏi : Mày với thầy Tú Các có tình ý nhau thật sao ? Triền chỉ cúi mặt làm thinh. Bà Chuôn thở vắn thở dài : Con bày chuyện lây dây vào chỗ nhà danh giá, coi như khổ đến nơi. Thấy Các vẫn quảy lồng cu mồi đi, có lúc năm bảy ngày mới quay về nhà, ông trợ Tuân sai học trò mang thư xuống nhà ông Chuôn : Nghe thiên hạ đồn thằng con trai tôi là thằng Các đi nhử cu xuống tận dưới đó, bày việc chòng ghẹo con gái anh chị, nếu quả vậy, xin anh chị thay cho cha mẹ nó dạy dỗ giùm. Có ít chữ mấy, ông Chuôn cũng phải giữ thể diện của mình. Xin thầy tú chớ đi lại với con Triền, kẻo ông cả tức giận, xảy điều không hay. Tất nhiên là Các cũng phải giữ thể diện của một anh tú tài, phải hẹn hò gặp Triền nơi nhà bạn bè mình. Ông trợ Tuân  không tin sự hiệu nghiệm của thư gởi ông Chuôn, đã cho ông Quân  theo giám anh mình. Hôm đến nhà ông Quân ăn bánh xèo ta có hỏi thử ông về chuyện đó. Anh ấy  rất đa tình, không đa tình thì lấy đâu ra lòng yêu nòi giống. Ông Quân nói. Ta giật mình, hỏi ông nói thế có nghĩa là sao. Ông Quân rời bàn ăn, bước lại cửa, đứng nhìn ra mưa. Cũng mưa dầm thế này, anh ấy ra đi, và không về nữa. Anh làm địa chí làng ta, phải biết những điều như thế. Không dám làm đứt quãng dòng ký ức của một người già, ta rón rén đến đứng bên ông cụ.

…Đi nhử cu chỉ là để tìm bạn đồng tâm đồng chí. Bạn bè anh Các ta đều là những kẻ khoa bảng. Nay họ gặp nhau ở nhà người này, mai ở nhà người khác. Sau này ta mới hiểu những cuộc họp mặt ấy. Còn bấy giờ, nghe họ nói về người Pháp, về vua Duy Tân, về phong trào Đông Du, ta ngán ngẫm bỏ ra chỗ lồng cu mồi. Anh thấy có buồn không. Một người chết cho đại cuộc, mà chỉ mỗi Lê Quân này biết, nay thêm có anh nữa.  Từ lâu, người làng ta vẫn cho anh Các là kẻ bạc tình, yêu người ta rồi bỏ đi biệt tăm tích. Có lẽ hồi ấy chị Triền cũng nghĩ thế. Cho là anh ấy bạc tình, nhưng chị ấy vẫn đợi cho đến khi già, chết, mới thôi. Thật oái oăm, đến lúc chết, cha ta vẫn nghĩ anh Các là đứa con hư đốn. Ông cụ bảo ở đời có bốn cái ngu là mai dong, lãnh nợ, nhử cu, cầm chầu,  mà anh Các thì lãnh cái ngu thứ ba. Cho đến lúc chết, cha ta vẫn nghĩ anh Các là loại người chết đường chết sá. Một lầm lẫn chết người. Người đến rủ ông Các đi vào buổi chiều mùa đông năm ấy là ông Thăng, con trai cả ông cử Nhẫn ở làng Thạnh Thới. Cả hai đều bị lính phủ bắt nộp cho Pháp. Vì không đủ chứng cứ để buộc tội chống đối nhà nước bảo hộ, người Pháp đã âm thầm đày hai người đi làm lính viễn chinh ở châu Phi. Lúc ông Thăng được bọn họ cho về nước thì đã thành ông lão tàn phế. Ông Thăng chỉ dám nói cho mỗi ta biết việc hai người bị bắt, bị đày. Anh Các của ta đã gọi những cai đội người Pháp ở châu Phi là bọn chó Tây, nên đã bị bọn họ đánh chết.


Sau khi nói về cái chết của ông Tú Các, ông Quân đã trao cho ta trước tác của ông ấy. Một tập bản thảo chép tay, bìa đã hoen ố. 

Nguyễn Thanh Hiện
Cựu GS. QuangTrung BinhKhe


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét