Năm
nay hoa mai nở sớm, khắp phố phường không có sự náo nức, rộn ràng của những ngày
cận Tết. Trong khi lục tìm ảnh của Tết Xưa, lại gặp được bức ảnh của nhà nhiếp ảnh
Võ An Ninh … Bức ảnh này ông chụp ở Hà Nội năm 1940, vài năm sau khi nhà thơ Vũ
Đình Liên sáng tác bài thơ nổi tiếng “Ông Đồ Già” (1936).
Chợt
thoáng nhớ đến Ông Đồ của Vũ Đình Liên ngày xưa với một chút ngậm ngùi ! Vũ Đình
Liên có cô đơn không với những người muôn năm cũ !? Người muôn năm cũ, những
con người độc hành với mực tàu giấy đỏ mà qua đường không ai hay, những con người
đứng bên ngọn Tháp Chàm nghìn muôn năm xây hận một phương trời mà thương xót :
chỉ còn Tháp Chàm thương nhớ nước Chàm thôi … Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu
bây giờ !
ÔNG ĐỒ GIÀ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người
qua.
Bao nhiêu người thuê
viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những
nét
Như phượng múa rồng
bay."
Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
Người thuê viết nay
đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên
sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai
hay.
Lá vàng rơi trên giấy.
Ngoài trời mưa bụi
bay.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ
xưa.
Những người muôn năm
cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên (1936)
♣ Vũ Đình Liên (1913 - 1996), sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc
ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ tú tài
năm 1932, từng dạy học ở các trường: Trường Tư thục Thăng Long, Trường Gia
Long, Trường nữ sinh Hoài Đức. Ông học thêm trường Luật đỗ bằng cử nhân, về sau
vào làm công chức ở Nha Thương chính (còn gọi là sở Đoan) Hà Nội.
Năm
1936, ông được biết đến với bài thơ "Ông Đồ" đăng trên báo Tinh Hoa. Sau
1945, ông tham gia giảng dạy nhiều năm và từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp trường
Đại học Quốc gia Hà Nội.
♣ Võ An Ninh (1907 -
2009), tên thật là Vũ An Tuyết, sinh tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Ông làm phóng
viên nhiếp ảnh của Sở Kiểm Lâm. Võ An Ninh đi khắp mọi miền đất nước Bắc - Trung
- Nam để chụp ảnh với cái camera của Đức hiệu Zeiss Ikon (1928).
Ở
Hà Nội, ông có nhiều ảnh nổi tiếng gợi nhớ về Hà Nội của những ngày thanh lịch
xa xưa: Trong vườn si đền Voi Phục (1942), Gió nồm (Đê sông Hồng, 1948), Nhớ
xưa (1944), Bậc đá đền Voi Phục (1956), Chùa Láng (1941), Cụ đồ viết câu đối Tết
(1940), Tranh Tết làng Hồ (1941), Phố Hàng Buồm (1940). Ở thành phố Saigon
trong giai đoạn 1946-1950, ông có chụp nhiều ảnh trong đó có "Chợ Bến Thành và bến xe thổ mộ" (1949), “Cụ đồ viết câu đối Tết” (Saigon, 1950),
"Lăng Ông ngày Tết" (1952)…
♣ Bùi Xuân Phái (1920 - 1988), quê gốc của ông là ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là thủ đô Hà Nội). Ông là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái..
Năm
1956-1957 Ông giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Vì tham gia phong trào Nhân
Văn Giai Phẩm, nên phải đi cải tạo lao động và thôi không được giảng dạy nữa. Năm
1957, khởi đầu cho dòng tranh Tết, danh họa vẽ một bức tranh ông đồ lấy ý tưởng
từ bài thơ Ông Đồ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên. Bức tranh hoàn thành, có
người bạn tên Trần Văn Lưu đến xem thấy thích quá, Bùi Xuân Phái tặng luôn. Sau
đấy, nhà thơ Vũ Đình Liên có dịp đến chơi nhà ông Lưu, nhìn bức tranh Ông Đồ,
nhà thơ giật mình, rồi vỗ đùi đánh đét: “Sao họa sĩ lột tả tinh thần bài thơ của
tôi hơn cả tôi thế”.
Từ
đó 2 người thành bạn. Nhà thơ Vũ Đình Liên muốn gây cảm hứng cho họa sĩ nên làm
thêm ba bài thơ nữa đặt tên là Ông đồ 1,2,3 mang đến cho ông Phái vẽ. Từ đấy, Tết
năm nào Bùi Xuân Phái cũng vẽ một bức về ông đồ theo trạng thái từng năm: ông đồ
đắt hàng, ông đồ ế hàng, ông đồ say. Đến bài thơ Ông đồ thứ 4 (!?), thì họa sĩ không
biết phải vẽ thế nào, nên quyết định chấm dứt việc vẽ tranh ông đồ và chuyển
sang vẽ cành đào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét