Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

CÂU ĐỐI DÀI Ở BÌNH ĐỊNH

Cụ Hà Trì - Trần Đình Tân

Câu đối nổi tiếng ở trước cửa lầu Đại Quan do Tôn Nghiêm Ông, một nho sĩ thời Càn Long (1765) sáng tác, được xem là câu đối dài nhất Trung Quốc, có tổng cộng 180 chữ. Ở Việt Nam câu đối dài nhất nước là bao nhiêu chữ? Đó là câu đối do nhà nho Đào Tấn (*) (1845 - 1907) người huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định, lúc đang làm tổng đốc An Tĩnh đã lấy danh nghĩa Văn thân Nghệ Tĩnh để viết câu đối điếu Phan Đình Phùng (1896) bằng chữ  Hán tổng cộng 160 chữ. Tại Bình Định cũng có một câu đối viết bằng chữ Hán được xem là câu đối dài và nếu như các tỉnh thành khác hiện tại chưa có câu đối nào dài hơn thì đây cũng có thể xem là câu đối dài thứ hai trong nước nhưng rất ít người biết.



Nhà cụ Mạc Trác (77 tuổi) ở bờ bắc sông Kôn gần Bảo tàng Quang Trung (Thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn), trên nhà ngõ có khắc hàng chữ “Nhà thờ ông Mạc Hoán (1860 - 1932) chủ thảo Phong trào Cần vương”. Ngôi nhà này là nhà lá mái do ông Mạc Hoán - ông nội cụ xây dựng tính đến nay đã hơn một thế kỷ. Người dân trong vùng gọi ông là Nho trưởng vì làm nho trưởng khi Văn chỉ An Bình còn ở núi Thơm, An Chánh, ông Chủ thảo vì làm chủ thảo Phong trào Cần vương do anh hùng Mai Xuân Thưởng ở Phú Lạc lãnh đạo. Ông không chỉ là người cộng sự với cụ  Mai mà còn là bạn đồng song, thi đồng khóa với cụ Mai. Trong nhà còn nhiều hoành phi, câu đối bằng chữ Hán được khảm xà cừ trên gỗ quí. Đặc biệt có một câu đối không khảm, không khắc trên gỗ mà in trên giấy lồng vào khung kính 50cm x 60cm,  vì quá nhiều chữ, do nhà nho Trần Đình Tân (huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định) tặng năm 1966.

Nguyên văn:

淵 源 聖 道 尊 堂 殷 茹 古 含 今 漁 獵 百 城 綺 歲 遍 聞 騰 譽 屢 經 藝 戰, 正 思 蓬 島 晤 神 仙 那 知 時 數  限 人 丹 桂 未 能 攀 手 比 及 勤 王 懈 施, 即 授 徒 隆 泰 斗 師 資 名 屈 而 壽 以 償 豹 隱 南 山 八 九 年 華 歸 淨 土o

弓 冶 故 家 賢 甫 善 繼 志 述 事 笙 簧 六 籍 妙 齡 獨 擅 蜚 聲 初 次 鏖 場, 賒 想 風 雲 逢 盛 會 叵 耐 文 章 憎 命 朱 衣 沒 見 點 頭 嗣 因 科 舉 變 遷,  遂 宰 里 做 朝 廷 季 子 前 嗇 更 豊 其 後 鷗 閑 北 海 一 雙 橋 梓 衍 長 春o

越南共和丙午秋荷池舉人原商佐省務回休陳廷賓呂仙誌贈

Phiên âm:

Uyên nguyên thánh đạo, tôn đường ân nhự cổ hàm kim, ngư liệp bách thành, ỷ tuế biến văn đằng dự, lũ kinh nghệ chiến, chính tư bồng đảo ngộ thần tiên, na tri thời số hạn nhân, đan quế vị năng phan thủ, tỉ cập cần vương giải thỉ, tức thụ đồ long thái đẩu sư tư, danh khuất nhi thọ dĩ thường, báo ẩn nam sơn, bát cửu niên hoa qui tịnh độ.

Cung dã cố gia, hiền phủ thiện kế chí thuật sư, sanh hoàng lục tịch, diệu linh độc thiện phi thanh, sơ thứ ao trường, xa tưởng phong vân phùng thịnh hội, phả nại văn chương tăng mệnh, châu y một kiến điểm đầu, tự nhân khoa cử biến thiên, toại tể lý tố triều đình quý tử, tiền sắc cánh phong kỳ hậu, âu nhàn bắc hải, nhất song kiều tử diễn trường xuân.

Việt Nam Cộng Hòa, Bính Ngọ Thu, Hà Trì cử nhân
Nguyên Thương tá tỉnh vụ hồi hưu Trần Đình Tân - Lữ Tiên
Chí tặng.


Dịch nghĩa:

Vế I: Nói về cuộc đời cụ Mạc Hoán thân sinh cụ Mạc Viên.

Đạo thánh như nguồn nước trong và sâu thăm thẳm, tôn đường từng am hiểu việc xưa nay, kể cả đi săn, đi câu, trải qua trăm thành, giữa cái tuổi bông hoa đầy hứa hẹn, sớm nổi tiếng khắp nơi,từng mang lều chõng đến trường thi, mơ ước gặp thần tiên nơi bồng đảo, nào hay thời số ngăn người, bàn tay nhỏ chưa vin cành đơn quế (vin cành đơn quế là thi đậu, không vin được cành đơn quế là thi hỏng), đến khi Phong trào Cần vương mệt mỏi và tan rã, chỉ biết chọn nghề dạy học, vì người đời đánh giá thầy dạy học có danh cao, ví như núi Thái sơn, như sao Bắc đẩu, mặc dầu danh tiếng trước đây bị mờ lấp, nhưng nay tuổi thọ được lên cao để bù lại, như con báo (con beo) ở ẩn cho mượt lông nơi núi Nam, dần dà đến cái tuổi niên hoa tám chín (tám chín tức là 72 tuổi) là thời điểm xa lánh cõi đời tiêu diêu miền tịnh độ (miền đất Phật).

Vế II: Nói về cụ Mạc Viên thân sinh cụ Mạc Trác.

Nối nghiệp nhà (lương cung, lương dã. Lương cung là thợ làm cung, uốn vành thúng (gọi là ky), lương dã là thợ hàn, thợ rèn, gôm nhiều mảnh ghép lại thành áo cừu - gọi là cừu, tức là ky cừu hữu kế - sách Quỳnh Lâm cố sự), hiền phủ nối chí cha, chăm lo học hành viết sách, dạy gõ sênh sách để điều hòa nhạc điệu, cái tuổi đương thời là kỳ diệu, là đạo lý, riêng chiếm cái danh lớn quanh vùng. Lần đầu tiên đến trường thi, những mong mây gió phen này tạo cơ hội tốt để tiến thân, nào ngờ văn chương ghen mệnh (tăng mệnh) nên chưa được cái gật đầu của ông già mặc áo đỏ đứng bên ban giám khảo (gật đầu là bài làm tốt đáng đậu, không gật đầu là bài làm không đúng qui cách, bị loại). Tiếp theo là khoa cử đổi thay (bỏ thi chữ Hán, chỉ thi chữ Quốc ngữ). Cuối cùng vẫn là việc làng, việc xã, làm con út của triều đình là lý trưởng. Quãng đường trước kia có éo le, quãng đường giờ đây có phần thanh thản, như con chim âu thanh nhàn nơi biển Bắc.một đôi kiều tử (cây kiều là cha, cây tử là con) nối nhau diễn cảnh trường xuân với đời.

Dịch theo thể đối:

I.  Thăm thẳm nguồn đạo, tôn đường am hiểu chuyện xưa nay, ngư liệp trải trăm thành. Giữa cái bông hoa đầy hứa hẹn, danh tiếng nổi khắp nơi. Nghệ chiến bao phen, ước mơ bồng đảo gặp thần tiên, nào hay mệnh số ngăn người, bàn tay nhỏ, nên vẫn chưa được vin lên cành đơn quế. Kịp đến phong trào cần vương tan rã, chỉ biết chọn nghề dạy học, mong tròn câu Thái Đẩu sư tư. Danh tuy mờ lấp, tuổi thọ đền bù, như con báo ở ẩn non Nam, tám chín niên hoa về tịnh độ.

II. Cung dã nghiệp nhà, hiền phủ noi theo dòng thế thuật, sênh hoàng qua sáu sách. Trong thời tên tuổi sắp vinh quang, tài hoa lừng mọi nẻo. Ao trường một độ, những tưởng gió mây thành vận hội, đâu ngờ văn chương ghen mệnh, riêng phận mỏng, không được cái gật đầu của bậc Châu y. Tiếp theo nhân thời khoa cử đổi thay, thuận đường quay lại hương thôn, làm nên tiếng triều đình quý tử. Đường trước éo le, nẻo sau bằng phẳng, tựa chim âu thanh nhàn biển Bắc, một đôi kiều tử diễn trường xuân.

Thu, Đinh sửu (1997)
Người dịch: Nguyễn Hoài Văn (Đồng Phó)

Dịch theo thể thơ song thất lục bát:

Bỡi cội nguồn lòng gìn đạo thánh
Vọng tôn đường nghĩa chánh xưa nay
Tình khơi trăm nẻo giải bày                                  
Khắp nơi khen ngợi, thú say ngư đàn
Đã một thời lừng vang bút tích
Mộng chưa thành ngọc bích còn phai
Tiếc thay thân trải dặm dài
Hụt cảnh quế đỏ, vương đài khốn thay
Thuở Cần Vương vận may chưa đến
Khiến con thuyền lạc bến Giang Nam
Quyền uy thế lực chẳng ham
Vốn duy đạo đức đành cam làm thầy
Đời dẫu mất vơi đầy kiếp trải
Núi Nam kia báo ẩn bên hoa
Quên dần bấy cảnh phong ba
Bảy mươi hai thọ lìa xa cõi trần.
                     *
Noi dấu tiền nhân nung chí cả
Hiếu trung tròn trải đã bao đời
Mặc cho cuộc thế đổi dời
Bước công danh lỡ, vẫn chơi phách hòa
Cho dẫu xưa xông pha ngán ngẩm
Những mong ngày nắng ấm hồi qui
Gió chờ đón áng mây về
Bút lông chẳng thẹn, thương nghề văn chương
Khoa cử trượt yên cương lỡ hội
Đành cam tâm chấp nhận tôi hiền
Một thời vang bóng hoa niên
Tiếng thơm dẫu nhạt, danh truyền còn lưu
Lòng vẫn tin cao mưu đối sách
Như chim âu biển Bắc thanh cao
Vinh danh đáng được tự hào
Một đôi kiều tử trải bao cánh ngàn.
Hoài Sơn (Long Khánh_Đồng Nai) phỏng dịch.

Nhà sưu tầm, nghiên cứu liễn đối Lộc Xuyên Đặng Qúy Địch_ người Bồng Sơn, Bình Định, một lần đến thăm chơi nhà cụ Mạc Trác và đã nói rằng đây là câu đối dài nhất tỉnh Bình Định : 150 chữ.

Xem ra những người viết câu đối dài bằng chữ Hán ở Việt Nam chẳng kém các nho sĩ Trung Quốc lại là các nhà nho huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định. Đúng như lời ca tụng của nữ thi sĩ người Huế Ninh Giang Thu Cúc :

Bình Định từ xưa đến tận giờ
Cảnh tình sông nước đẹp như mơ
Địa linh sinh sản bao hiền sĩ
Nhân kiệt trưởng thành tự cổ sơ
Nghiệp võ Tây Sơn ngời quốc sử
Nghề văn Tuy Phước rạng trang thơ …
(Trích bài thơ “Miền đất Võ và Văn”) .

Thùy Linh (khóa lớp 1972 – 1979)
Cựu học sinh TH Quang Trung Bình Khê

Chú thích: (*) câu đối của Đào Tấn, nguyên văn :

"Thành bại anh hùng mạc luận, thử cô trung, thử đại nghĩa, thệ dữ chư quân tử thủy chung; Châu chi anh, Mặc chi linh, độc thư mỗi niệm cương thường trọng; Khả hận giả thùy điên đại hạ, nhất mộc nan chi, cung lãnh yên tiêu, thùy nhân bất tác thâm sơn oán; Huống đương nhật long phi vân ám; cộng ta nhân sự vô thường, khả liên La Việt giang sơn, bách niên văn hiến phiền nhung mã;

Cổ kim thiên địa vô cùng, nhi lưu thủy, nhi cao phong, đồng thử đại trượng phu vũ trụ; Lam chi phong, Hồng chi tuyết, xung hàn vô nại bá tùng điêu; Vị hà tai hội quyết đồi ba, trung lưu để trụ, tinh di vật hoán, hà nhân bất khởi cố viên tình? Cập thử lời nhạn tán phong xuy, kham thán thiên tâm mạc trợ, độc thử tùng mai khí tiết nhất tử tinh thần quán Đẩu Ngưu".

Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thể dịch :

(Anh hùng thành bại kể chi? Dạ sắt son, lòng vàng đá, thề cùng các bạn giữ trước sau; Son mực đúc khí tinh anh, trung hiếu hẹn hò cùng sử sách; ngao ngán nhẻ, lầu cao sắp đổ, một cột khó nâng; phòng vắng khói tan, liếc mắt non xanh thêm tức tối. Và bây giờ rồng bay mây ám, xót xa việc thế không lường; Thương thay La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm thành trận mạc.

Trời đất xưa nay thế mãi, đá dựng ngược, nước chảy xuôi, đó vẫn non sông phương tuấn kiệt; Lam Hồng nổi cơn bão tuyết, bách tùng úa rụng luống xông pha. Đau đớn thay! Đê vỡ sóng vồ, giữa dòng trụ đứng; sao dời vật đổi, ngảnh đầu người cũ phải bôn chôn. Đương lúc này gió thổi nhạn lìa, căm giận lòng trời cay nghiệt; riêng cảm Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác rạng trăng sao.)

3 nhận xét:

  1. Trần Viết Dũng15:59 30/1/13

    Bài viết của Thùy Linh công phu nhưng, nên điều chỉnh năm sinh cụ Mạc Trác (1925) cho dễ cập nhật.
    Nhắn nhà giáo Trần Hà Nam:
    Câu đối của Hiển Tổ Khảo của chú được cụ Nguyễn Hoài Văn dịch nghĩa rất đáng tin cậy. Chú nên copy về treo ở từ đường họ Trần Phước Thành. Lâu nay cứ mải mê vác tù và...mà quên bổn phận hiếu thảo với Tổ Phụ. Tội này đáng nhận mấy roi, chú?

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bác Trần Viết Dũng, em nào dám quên. Có điều câu đối tiền nhân để lại giờ đây mấy người hiểu? Treo nơi ba quân thiên hạ, mình còn phải xin phép các bậc túc nho trong họ, các tôn trưởng quản thủ đại tôn từ đường, tự ý mà được sao?
    Hiện tại, em đã được thân phụ giao lại quản thủ hầu như toàn bộ văn bản liễn, đối, thi ca của Tổ phụ. Chỉ mong một ngày trời yên bể lặng, sẽ công bố rộng rãi di sản tinh thần cha ông, bác trách như vậy, chẳng oan lắm ru!
    Cảm ơn Quang Trung Bình Khê đã đưa lên đôi câu đối tặng Mạc gia của tổ phụ. Có dịp, sẽ gửi thêm những câu đối độc đáo của Cụ từng được nhiều bậc túc nho tán thưởng cho mọi người thưởng lãm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trần Hà Nam đang quản thủ trước tác của tiền nhân. Không dễ gì mà được tín cẩn giao cho trong trách như vậy đâu. Mong sao được Thầy giáo Hà Nam chia sẻ, cho tiếp cận kho báu đó là quý biết chừng nào.

      Xóa