Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

ĐỌC "TRONG NHƯ TIẾNG HẠC BAY QUA"


Một tựa sách gợi suy nghĩ, thì ra đó là câu 481 trong Kiều, viết về tiếng đàn của Vương Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe. Đó là khúc Hán - Sở chiến trường, Phượng cầu, Quảng lăng, lưu thủy, hành vân, Chiêu Quân :

Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa giữa vời .
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài ,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa .


Lấy một câu Kiều làm tựa sách tản văn, bút ký khiến người đọc muốn khám phá và thật vậy, những bài tản văn, bút ký đậm chất tự sự đầy ắp chất văn. Nói đến ký, mọi người nghĩ ngay đến bậc thầy về ký văn học là Nguyễn Tuân, sau này trong kháng chiến chống Mỹ có Nguyễn Trung Thành, sau nữa là Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân với Ký sự miền đất lửa, Hoàng Phủ Ngọc Tường với Rất nhiều ánh lửa, truyện ký có Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi v.v… nhưng với tản văn và bút ký của Huỳnh Kim Bửu thì khác hẳn, đó là những trang viết về quê nhà, về tuổi thơ, về mẹ, về rất nhiều sinh hoạt, đời sống, thiên nhiên, tập quán, mỹ tục … ở làng quê xưa, nơi tác giả sinh ra và lớn lên ở một miền quê xa lắc có tên là làng An Định, huyện An Nhơn, Bình Định nhưng được nhiều người biết đến vì là láng giềng của quê ngoại Xuân Diệu ở Gò Bồi và nơi có loại rượu Bàu Đá ( Nhơn Lộc ) được xếp vào hàng quốc tửu.

Nếu vì những lời dẫn trong các bài của tác giả trong tập sách là những ca dao, tục ngữ, thơ, văn của nhiều người, nhiều thời, có cả lời nhạc, mẩu chuyện văn … mà gọi tập sách mang đậm chất văn học thì điều đó đúng nhưng chỉ một phần, trước hết là chất văn trong những dòng, những lời của tác giả ở những đoản thiên dễ đọc, dễ cảm. Như trong bài Làng, cùng với bao lời thấm đượm ân tình về một ngôi làng là những câu thơ của Hàn Mặc Tử, Bàng Bá Lân, Quang Dũng, Nguyễn Khuyến … tác giả dẫn câu ca dao Bình Định xao lòng :

Anh về Bến Gỗ thăm cha
Tháng giêng em đợi , tháng ba em chờ
Ngó lên hòn An Tượng mây mờ
Thương người mòn mỏi đợi, giọt mưa trời cũng
rơi nghiêng .

Thương đến “giọt mưa trời cũng rơi nghiêng” là thương động đến lòng trời, không biết đến dường nào !

Sách dày hơn 250 trang khổ vừa, 44 bài ký, tản văn, thảng hoặc có những bài mang âm hưởng của niềm tự hào dân tộc (như trong Đêm Xuân Hòa, còn nghe tiếng vó ngựa Tây Sơn), còn lại hầu hết là những hoài niệm man mác buồn của xa xưa, đó là những ký vãng mà sau này có lẽ cái làng An Định của tác giả chỉ còn lại trong sách này. Tôi có người tặng cho cuốn sách tựa Tôi đi nhặt bụi vàng, coi như tìm chất vàng lấp lánh trên mọi bước đường đến với văn chương của tác giả, còn trong sách này tôi nhặt được hạt vàng khi lần đầu tiên đọc được câu ca dao viết về Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân sau khi Quang Trung mất đã về quê chồng ở đất Tây Sơn hạ đạo bốc thuốc chữa bệnh cho dân và bật lên ca dao từ trong tâm thức của dân :

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai .
Chiều chiều lại nhớ mai mai,
Nhớ người đãy gấm vắt vai khăn điều .

Hành trạng của tác giả Ai tư vãn sau khi Quang Trung mất còn chưa thật sáng tỏ, riêng câu ca dao này chứng minh Ngọc Hân sống trong lòng dân ở miền địa linh .

Nước non Bình Định, Võ nhân Bình Định, Hát bội Bình Định của Quách Tấn, Bình Định đất võ, trời văn của TS Đinh Văn Liên … có những cách tiếp nhận khác nhau về miền đất này, dung lượng lớn hơn, riêng với Trong như tiếng hạc bay qua là những tự sự nhẹ nhàng mà sâu lắng để đã yêu rồi sẽ nhớ nhung thêm nữa về một nơi tác giả xa xứ ngoài 30 năm hơn mà trong ca dao dáng dấp hiện đại cũng không giấu nổi nỗi nhớ này :

Đồng Nai, Long Khánh ai xuôi ,
Bây giờ xa xứ bùi ngùi nhớ quê .
Nhớ đồng, nhớ bãi chiều về ,
Sông Tân An nước chảy, ba ngọn tháp kề bên sông ./.

TRẦN  PHI  CHÂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét